Huyện Quỳ Hợp đề nghị khẩn trương đổi nguồn nước thô đầu vào bị nhiễm Asen vượt ngưỡng 20 lần
Kết quả quan trắc mới nhất tại vị trí lấy nước thô đầu vào cho Nhà máy nước thị trấn Quỳ Hợp có nhiều thông số vượt quy chuẩn, trong đó Asen vượt hơn 20 lần. Ngay lập tức, UBND huyện này một lần nữa có công văn đề nghị khẩn trương đổi nguồn nước thô.
Ô nhiễm đến mức báo động
Ngày 7/10, ông Nguyễn Đình Tùng – Chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp cho biết, lãnh đạo UBND tỉnh Nghệ An vừa có văn bản, giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường cùng các cơ quan liên quan xem xét đề nghị dời vị trí lấy nước thô đầu vào cung cấp cho Nhà máy nước thị trấn Quỳ Hợp.
Động thái này diễn ra sau khi UBND huyện Quỳ Hợp có công văn gửi UBND tỉnh và các sở, ngành liên quan đề nghị khẩn trương chuyển vị trí lấy nước thô đầu vào của nhà máy nước từ suối Nậm Huống sang suối Nậm Choọng. Đề nghị này được đưa ra trong bối cảnh, mẫu nước thô đầu vào của nhà máy nước có nhiều thông số không đạt chuẩn, đáng lo ngại nhất là hàm lượng Asen vượt quy chuẩn hơn 20 lần.
Nhà máy nước thị trấn Quỳ Hợp được xây dựng từ năm 2000, đến nay đang cung cấp nước ăn, uống và sinh hoạt cho hơn 2.370 hộ/2.913 hộ, với 9.851 nhân khẩu trên địa bàn thị trấn Quỳ Hợp.
Tuy nhiên, theo ông Tùng, nguồn nước đầu vào của nhà máy nước có một số yếu tố không đảm bảo chất lượng. Nguồn được lấy từ suối Nậm Huống, trong khi trên lưu vực của suối có đến 51 mỏ khoáng sản đã được cấp phép khai thác và chế biến, trong đó có 39 mỏ đá, 8 mỏ quặng thiếc, 4 mỏ đá và quặng thiếc kết hợp và 1 nhà máy tuyển quặng thiếc.
“Trong quá trình hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản và làm giàu quặng thiếc, thông qua các giai đoạn lắng lọc, chất thải lỏng sẽ được thải ra môi trường nước hòa vào các dòng suối khu vực thượng lưu, sau đó chảy ra dòng Nậm Huống đi qua cửa lấy nước của Nhà máy nước thị trấn Quỳ Hợp. Trong quá trình đó đã sinh ra các kim loại nặng có thể ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người nếu vượt tiêu chuẩn cho phép như: Amoni, Asen, Cadimi, Mangan, Sắt, Chì, Crom, Thủy ngân. Trong khi Nhà máy nước thị trấn Quỳ Hợp không có công nghệ tách các chất gây hại nêu trên ra khỏi nguồn nước cung cấp cho người sử dụng”, người đứng đầu UBND huyện Quỳ Hợp nêu trong công văn gửi UBND tỉnh.
Ông Tùng còn dẫn chứng, trong những năm qua, đã xảy ra một số sự cố biểu hiện rõ ảnh hưởng tới nguồn nước đầu vào nhà máy nước. Cụ thể, tháng 3/2017, tại khu vực mỏ Suối Bắc đã xảy ra sự cố vỡ đập ngăn hồ lắng, làm tràn bùn thải, bồi lắng dọc tuyến khe, suối gây hiện tượng cá chết ở một số ao nuôi cá của người dân lấy nước từ suối Nậm Huống. Vụ việc này đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường kiểm tra, xử phạt, đồng thời, yêu cầu doanh nghiệp khắc phục sự cố, bồi thường thiệt hại và cải tạo, phục hồi môi trường. Tuy nhiên, nguồn nước đầu vào của nhà máy nước vẫn không thay đổi.
Đến tháng 7/2024, tiếp tục xảy ra hiện tượng cá chết bất thường ở thượng nguồn của nhà máy nước, khu vực gần mỏ quặng thiếc của Công ty TNHH Thiếc Hà An. Kết quả phân tích mẫu nước mặt tại dòng suối vào ngày 08/7/2024 cho thấy: có 5/8 thông số vượt chuẩn, trong đó Asen vượt 5,4 lần; Cadimi vượt 18,56 lần; Mangan vượt 23,7 lần; Sắt vượt 16,34 lần…
Cần sớm có phương án
Đây không phải lần đầu kết quả quan trắc cho thấy nguồn nước đầu vào Nhà máy nước thị trấn Quỳ Hợp bị ô nhiễm. Từ năm 2017, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có kết luận kiểm tra sau sự cố vỡ đập bùn thải, trong đó có nội dung đo đạc, phân tích mẫu chất thải tại khu vực Suối Bắc. Kết quả phân tích mẫu bùn, đất có hàm lượng Asen theo phương pháp phân tích hàm lượng tuyệt đối cơ sở và hàm lượng ngâm chiết đều vượt ngưỡng nguy hại.
Cũng trong năm 2017, Sở Tài nguyên và Môi trường đã có kết luận, tổng chất rắn lơ lửng (TSS) vượt 2,13 lần, Asen vượt 1,35 lần... so với quy chuẩn. Đến tháng 7/2019, Sở này còn có công văn kết luận, chất lượng nguồn nước thô đầu vào của Nhà máy nước thị trấn Quỳ Hợp đến mức báo động. Tháng 12/2023, kết quả quan trắc khu vực này một lần nữa có hàm lượng Asen vượt quy chuẩn…
Đặc biệt, mới đây nhất, ngày 10/9, Sở Tài nguyên và Môi trường một lần nữa có công văn cảnh báo chất lượng nước thô đầu vào của một số nhà máy nước, trong đó đáng lưu ý nhất là ở Quỳ Hợp. Cụ thể, mẫu nước quan trắc tại vị trí lấy nước thô đầu vào ở bản Luốm (xã Châu Quang), có 3/21 thông số vượt quy chuẩn cho phép, trong đó Asen vượt quy chuẩn đến 20,3 lần. Đây là lần đầu tiên, kết quả quan trắc cho thấy hàm lượng Asen vượt quy chuẩn ở mức báo động đến như vậy.
“Trong những năm qua, tại các kỳ họp HĐND xã, HĐND huyện, cử tri và nhân dân đã có nhiều lần đề nghị nhà máy nước chuyển cửa lấy nước sang suối Nậm Choọng, nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả. UBND huyện đã thực hiện đồng bộ các giải pháp nhưng kết quả vẫn chưa đạt được như mong muốn", ông Tùng nói và cho hay, cụ thể, huyện đã tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản trên địa bàn huyện nói chung và khu vực thượng nguồn của dòng Nậm Huống nói riêng. Buộc các doanh nghiệp phải hoạt động khai thác, chế biến và thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường theo đúng hồ sơ đã được cấp có thẩm quyền cấp phép.
Tuy nhiên, các cơ quan chuyên môn của UBND huyện không thể phân tích, kiểm định chất lượng nguồn nước đầu vào của Nhà máy nước Quỳ Hợp, do đó, việc quản lý chất lượng nguồn nước không đáp ứng được yêu cầu thực tiễn.
Cũng theo ông Tùng, kể từ năm 2018, UBND huyện đã nhiều lần có công văn đề nghị UBND tỉnh, các sở, ngành liên quan và Công ty CP Cấp nước Nghệ An chuyển cửa lấy nước đến địa điểm mới. Theo đó, sử dụng nguồn nước Nậm Choọng, do thượng nguồn dòng suối này không có hoạt động khai thác khoáng sản. Vị trí này đã được khảo sát, lựa chọn địa điểm, phân tích mẫu đạt tiêu chuẩn cho phép.
UBND huyện cũng đã kêu gọi, vận động các nhà đầu tư đầu tư xây dựng nhà máy nước trên địa bàn huyện Quỳ Hợp theo hướng sử dụng nguồn nước của dòng suối Nậm Choọng. Tuy nhiên, dự án này chưa được chấp thuận chủ trương do chưa được bổ sung quy hoạch thêm một nhà máy cấp nước trên địa bàn Quỳ Hợp.
Trong những năm qua, huyện đã phải tuyên truyền, vận động nhân dân hạn chế sử dụng nguồn nước của Nhà máy nước Quỳ Hợp để ăn, uống. Đồng thời, tăng cường sử dụng nước giếng khoan hoặc nước mưa kết hợp sử dụng công nghệ lọc nước để có nước sạch phục vụ ăn, uống. Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế khó khăn, nhiều vị trí khoan giếng không có kết quả nên hiệu quả vẫn chưa cao.
Ngoài UBND huyện Quỳ Hợp, Sở Tài nguyên và Môi trường cũng đã có các kết luận chỉ đạo và yêu cầu Công ty CP Cấp nước Nghệ An phối hợp UBND huyện Quỳ Hợp, tìm nguồn nước đầu vào khác để thay thế nguồn nước thô đầu vào hiện nay đảm bảo tính bền vững, lâu dài cho nhân dân. Tuy nhiên, cho đến nay nguồn nước vẫn chưa được thay đổi.
Sở Tài nguyên và Môi trường vừa có công văn về việc cảnh báo chất lượng nước thô đầu vào cấp cho trạm cấp nước, nhà máy nước trên địa bàn tỉnh. Theo đó, kết quả quan trắc mới nhất cho thấy chất lượng nước mặt tại một số điểm đầu vào cấp nước cho các nhà máy sản xuất nước sinh hoạt tiếp tục có biểu hiện ô nhiễm bởi các hợp chất hữu cơ, vô cơ thông thường và kim loại. Trong 16 điểm quan trắc ở 16 vị trí lấy nước thô đầu vào thì đã có 15 điểm xảy ra ô nhiễm. Trong đó, ô nhiễm TSS (tổng chất rắn lơ lửng), xảy ra trên diện rộng với 10/16 điểm quan trắc vượt quy chuẩn từ 1,04 - 7,52 lần. Cao nhất là điểm cấp nước huyện Hưng Nguyên, được lấy mẫu quan trắc ở nước mặt sông Đào, đoạn qua thị trấn Hưng Nguyên. Đây là nơi đặt nhà máy nước cung cấp nước sinh hoạt cho hàng trăm nghìn hộ dân ở TP Vinh và vùng phụ cận. Điểm quan trắc này có đến 7 thông số vượt quy chuẩn.
Ngoài ra, ô nhiễm bởi BOD5, COD tái diễn với 6/16 giá trị BOD5 và 10/16 giá trị COD không đạt yêu cầu với mức vượt ở hầu hết các mẫu xấp xỉ 2 lần. Ô nhiễm bởi kim loại (As, Cd, Fe, Mn) xuất hiện tại 7/16 điểm quan trắc, với mức vượt quy chuẩn dao động từ 1,06 - 20,3 lần.
Cụ thể, mẫu nước lấy tại nguồn nước thô đầu vào của hệ thống cấp nước Yên Thành có 2 thông số vượt quy chuẩn, gồm COD vượt 1,33 lần, TSS vượt 1,6 lần.
Mẫu nước lấy tại nguồn nước thô đầu vào của Nhà máy nước thị trấn Quỳ Hợp có 3 thông số vượt quy chuẩn, Asen vượt 20,3 lần, Cd vượt 1,98 lần, BOD5 vượt 1,175 lần.
Nguồn nước thô đầu vào của hệ thống cấp nước Quỳ Châu có 3 thông số vượt quy chuẩn, Fe vượt 1,108 lần, TSS vượt 1,64 lần, COD vượt 1,16 lần.
Nguồn nước thô đầu vào của huyện Quế Phong có 1 thông số vượt quy chuẩn là COD vượt 1,52 lần.
Nguồn nước thô đầu vào tại thị xã Thái Hòa có 2 thông số là TSS vượt 4,56 lần và COD vượt 1,55 lần.
Nguồn nước thô đầu vào tại huyện Thanh Chương có 3 thông số là Fe vượt 1,06 lần, BOD5 vượt 1,15 lần, TSS vượt 1,16 lần.
Tại huyện Con Cuông, có 1 thông số DO dưới ngưỡng cho phép của quy chuẩn.
Tại huyện Quỳnh Lưu, có 2 thông số là Fe vượt 1,06 lần, COD vượt 1,5 lần.
Nguồn nước thô đầu vào tại huyện Hưng Nguyên có 7 thông số là NO2 vượt 1,42 lần, Mn vượt 5,6 lần, Fe vượt 4,2 lần, Do dưới ngưỡng cho phép, BOD5 vượt 2,275 lần, COD vượt 1,81 lần, TSS vượt 7,52 lần.
Tại huyện Tân Kỳ, có 2 thông số là Fe vượt 1,48 lần, TSS vượt 2,16 lần.
Tại huyện Đô Lương, có 4 thông số là DO dưới ngưỡng cho phép, BOD5 vượt 1,05 lần, COD vượt 1,18 lần, TSS vượt 1,04 lần.
Tại thị xã Cửa Lò có 6 thông số là NH4 vượt 1,19 lần, Mn vượt 3,76 lần, Fe vượt 2,4 lần, DO dưới ngưỡng cho phép, COD vượt 1,86 lần, TSS vượt 1,68 lần.
Tại huyện Nam Đàn có 3 thông số, BOD5 vượt 1,525 lần, COD vượt 1,81 lần, TSS vượt 1,08 lần.
Tại thị xã Hoàng Mai có 3 thông số, BOD5 vượt 1,1 lần, COD vượt 1,03 lần, TSS vượt 3,8 lần.
Tại thị trấn Diễn Châu có 3 thông số là Mn vượt 1,21 lần, BOD5 vượt 1,175 lần, COD vượt 1,87 lần.