Xã hội

Nhiều điểm lấy nước thô đầu vào ở Nghệ An bị ô nhiễm

Tiến Hùng 04/10/2024 16:46

Đáng lưu ý nhất trong số này, tại điểm quan trắc ở huyện Quỳ Hợp, hàm lượng Asen vượt quy chuẩn đến hơn 20 lần.

Ngày 4/10, một lãnh đạo UBND huyện Hưng Nguyên cho biết, địa phương vừa nhận được công văn của Sở Tài nguyên và Môi trường về việc cảnh báo về chất lượng nước thô đầu vào cấp cho trạm cấp nước, nhà máy nước.

Không chỉ huyện Hưng Nguyên, công văn này còn được gửi đến UBND các huyện: Yên Thành, Quỳ Hợp, Thanh Chương, Quỳnh Lưu, Tân Kỳ, Nghi Lộc, Nam Đàn, Diễn Châu, thị xã Cửa Lò, thị xã Thái Hòa, thị xã Hoàng Mai và các công ty, đơn vị cấp nước. Đây là những địa phương phát hiện ô nhiễm sau khi quan trắc mẫu nước thô đầu vào.

Trạm cấp nước ở thị trấn Quỳ Hợp.
Trạm cấp nước ở thị trấn Quỳ Hợp. Ảnh: Tiến Hùng

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, trên cơ sở phân tích chất lượng nước thô đầu vào cấp cho các nhà máy cấp nước sinh hoạt trên địa bàn tỉnh do Trung tâm Quan trắc tài nguyên và môi trường báo cáo, cho thấy chất lượng nước mặt tại một số điểm đầu vào cấp nước cho các nhà máy sản xuất nước sinh hoạt tiếp tục có biểu hiện ô nhiễm bởi các hợp chất hữu cơ, vô cơ thông thường (BOD5, COD, TSS, NH4+ , NO2 - ) và kim loại (As, Cd, Fe, Mn). Ô nhiễm TSS (tổng chất rắn lơ lửng), xảy ra trên diện rộng với 10/16 điểm quan trắc vượt quy chuẩn từ 1,04 - 7,52 lần. Cao nhất là điểm cấp nước huyện Hưng Nguyên, được lấy mẫu quan trắc ở nước mặt sông Đào, đoạn qua thị trấn Hưng Nguyên.

Ngoài ra, ô nhiễm bởi BOD5, COD tái diễn với 6/16 giá trị BOD5 và 10/16 giá trị COD không đạt yêu cầu với mức vượt ở hầu hết các mẫu xấp xỉ 2 lần. Ô nhiễm bởi kim loại (As, Cd, Fe, Mn) xuất hiện tại 7/16 điểm quan trắc, với mức vượt quy chuẩn dao động từ 1,06 - 20,3 lần. Đáng lưu ý nhất là tại điểm cấp nước huyện Quỳ Hợp, chỉ số As (Asen) vượt 20,3 lần.

Còn điểm quan trắc cấp nước huyện Hưng Nguyên thì có đến 7 thông số vượt quy chuẩn; điểm quan trắc cấp nước thị xã Cửa Lò có 6 thông số không đạt yêu cầu. Các điểm còn lại có từ 1 - 4 thông số không đạt yêu cầu.

Lõi lọc một hộ dân ở huyện Quỳ Hợp đổi màu đen sau thời gian ngắn.
Lõi lọc nước của 1 hộ dân ở huyện Quỳ Hợp đổi màu đen sau thời gian ngắn. Ảnh: Tiến Hùng

Để bảo vệ nguồn nước sinh hoạt tại địa phương, Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị UBND các huyện, thành, thị chỉ đạo cấp xã tuyên truyền, tổ chức thực hiện và quán triệt, tuyên truyền, phổ biến rộng rãi Luật Tài nguyên nước 2023, Nghị định 53/2024/ND-CP ngày 16/5/2024, Nghị định 54/2024/ND-CP ngày 16/5/2024 của Chính phủ và các văn bản pháp luật liên quan trên các phương tiện thông tin đại chúng và các hình thức phù hợp khác; trong đó, tập trung phổ biến, quán triệt đến các tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên nước trên địa bàn để đảm bảo thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật. Thực hiện tốt Công văn số 6101/UBND.NN ngày 09/9/2020 của UBND tỉnh về việc tiếp tục thực hiện quy hoạch tài nguyên nước và các văn bản pháp luật có liên quan đến các tổ chức, cá nhân hoạt động trên địa bàn để bảo vệ nguồn nước.

Đồng thời, thực hiện việc thu gom triệt để rác thải sinh hoạt phát sinh dọc các dòng sông, suối, kênh, rạch, hồ chứa....; tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân về giữ gìn môi trường, thu gom rác thải đúng chỗ, không xả rác thải xuống dòng sông, kênh vùng thượng lưu và khu vực lấy nước thô phục vụ cấp nước sinh hoạt.

Sở Tài nguyên và Môi trường cũng đề nghị tăng cường kiểm tra chất lượng nước tại điểm đầu vào cấp nước cho các trạm cấp nước, nhà máy nước sinh hoạt, nghiêm cấm các tổ chức, cá nhân không được xả nước thải, đưa các chất thải vào vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt được quy định tại Điều 10, Thông tư 03/2024/TT-BTNMT ngày 16/5/2024 của Bộ Tài nguyên và Môi trường; kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng nguồn nước sông, suối, kênh, rạch, hồ chứa....

Về phía chủ đầu tư các trạm cấp nước, nhà máy nước sinh hoạt, Sở Tài nguyên và Môi trường yêu cầu phải thường xuyên quan trắc, theo dõi chất lượng nguồn nước sinh hoạt và bảo đảm chất lượng đối với nguồn nước do mình khai thác. Có phương án khai thác nguồn nước khác để thay thế trong trường hợp xảy ra sự cố ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt đang khai thác. Người phát hiện hành vi gây hủy hoại, ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt có trách nhiệm ngăn chặn và kịp thời báo ngay cho cơ quan Nhà nước có thầm quyền để xử lý.

Theo báo cáo của Trung tâm Quan trắc tài nguyên và môi trường, đợt quan trắc này có 16 điểm lấy nước thô đầu vào được lấy mẫu. Kết quả cho thấy, chỉ có điểm cấp nước ở thị trấn Thạch Giám (Tương Dương), có 100% thông số đạt quy chuẩn./.

Mới nhất
x
Nhiều điểm lấy nước thô đầu vào ở Nghệ An bị ô nhiễm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO