Nhiều hộ dân ở TP Vinh khốn khổ vì nhà máy nước từ chối khách hàng mới
Vài tháng nay, nhiều hộ dân ở TP Vinh lâm vào cảnh tréo ngoe vì nhà máy nước từ chối ký hợp đồng với khách hàng mới. Đặc biệt, nhiều hộ đang xây dựng nhà mới phải xoay sở đủ cách mới có nước sạch cho thợ làm việc, có hộ thì nhà xây xong vào ở nhưng vẫn phải dùng ké nước của hàng xóm.
Đổ xô khoan giếng giữa lòng thành Vinh
Ngày đầu tháng 8, vợ chồng chị T.H. (42 tuổi, phường Hưng Dũng, TP Vinh), vẫn đang phải tận dụng mọi mối quan hệ, để nỗ lực xin được ký hợp đồng mua nước sạch từ Công ty cổ phần Cấp nước Nghệ An. “Chúng tôi nhờ khắp nơi rồi nhưng mà vẫn chưa được. Nhà thì đã gần xong, sắp vào ở rồi nhưng vẫn chưa ký được hợp đồng để mua nước sinh hoạt”, chị H. lắc đầu ngao ngán.
Vợ chồng chị H. trước đây sống chung với bố mẹ. Gần đây, gia đình mua được mảnh đất trên đường Tôn Thất Tùng để dựng nhà ra ở riêng. Các giấy tờ, thủ tục đều có đầy đủ. “Tháng 4/2024, tôi mang hồ sơ, thủ tục lên Công ty cổ phần Cấp nước Nghệ An để ký hợp đồng mua nước sạch về để có nước cho thợ xây dựng. Nhưng lúc đó, nhân viên nhà máy nước nói cứ mang hồ sơ về, khi nào chừng 10 ngày trước lúc khởi công xây nhà thì mang lên họ sẽ làm hợp đồng, rồi cho nhân viên đến đấu nối luôn. Nhưng chờ tới lúc đó, phía nhà máy nước lại bảo không bán nữa”, chị H. kể và cho hay, làm lễ động thổ xong, gia đình chờ suốt nhiều ngày vẫn không thấy nhân viên nhà máy nước xuống đấu nối. Trong khi đó, phía nhà thầu xây dựng liên tục đốc thúc vì thợ không thể làm việc nếu không có nước.
Vì sốt ruột, hầu như ngày nào gia đình chị H. cũng liên hệ với phía nhà máy nước để xin ký hợp đồng đấu nối nhưng vẫn bị từ chối. Không thể chờ đợi được thêm, vợ chồng chị H. đành phải tặc lưỡi thuê người khoan giếng, lấy nước để cho thợ xây nhà. “Nước giếng khoan ở đây thì bị nhiễm mặn, nên xây nhà chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến chất lượng. Sắt thép cũng sẽ hoen rỉ. Nhưng chẳng còn cách nào khác nên vẫn phải chọn giải pháp này. Nhưng về lâu dài, sắp tới vào ở mà vẫn không được mua nước, không biết sẽ phải sống như thế nào. Nếu như chúng tôi xây nhà ở khu vực mà đường ống nước chưa tới, chúng tôi chấp nhận. Đằng này, hàng xóm sống 2 bên nhà đều đã có nước sạch cả, đường ống nước chạy ngay trước nhà nhưng vẫn không thể mua dùng, thật vô lý. Tôi không nghĩ, ngay giữa trung tâm TP Vinh mà lại phải gặp cảnh này”, chị H. bất lực nói.
Không chỉ chị H., theo ghi nhận của phóng viên, trên địa bàn TP Vinh, còn nhiều trường hợp lâm vào cảnh tương tự. Hầu hết những gia đình xây nhà hoặc tới đây sinh sống trong khoảng vài tháng trở lại đây đều không được ký hợp đồng mua nước. Chính vì vậy, họ đành phải đổ xô khoan giếng.
Trong khi đó, tại phường Vinh Tân, anh V.M. (43 tuổi), cho biết, vì sợ ảnh hưởng đến chất lượng nhà, anh không dám khoan giếng để lấy nước cho thợ làm nhà. Sau thời gian dài chờ đợi vẫn không được phía nhà máy nước ký hợp đồng, anh M. đành phải xin đấu nối với hàng xóm để mua nước từ hộ gia đình này.
Cách đây không lâu, anh M. mua lô đất ở Khu đô thị Danatol Cửa Tiền để chuyển từ chung cư gần đó xuống. Tháng 5/2024, gia đình anh M. mang đầy đủ hồ sơ, thủ tục đến xin ký hợp đồng mua nước nhưng bị từ chối. “Do mới mua đất ở đây, nên chúng tôi không quen hàng xóm nào cả. Chờ đợi mua nước mãi vẫn không được, trong khi phía chủ đầu tư của khu đô thị thì đốc thúc để xây nhà sớm, nếu không xây xong đúng với tiến độ thì bị phạt. Nhiều người cũng khuyên là khoan giếng mà dùng nhưng sợ ảnh hưởng đến chất lượng nhà, nên tôi không dám. Sau nhiều tháng chờ đợi, thì một hộ gia đình sống bên cạnh thấy thương tình nên đồng ý cho đấu nối từ nhà họ qua, hết bao nhiêu thì tôi trả tiền cho họ. Không hiểu sao, sống trong khu đô thị, đường ống nước đến tận nhà rồi mà vẫn không được ký hợp đồng”, anh M. bức xúc nói.
Tuy nhiên, điều khiến những hộ gia đình này bức xúc hơn, là cũng trong thời điểm này, một số ít hộ xây nhà mới tương tự, nhưng vẫn được phía nhà máy nước ký hợp đồng. “Tôi cũng đi tìm hiểu từ nhiều hộ khác đang xây nhà mới cùng thời điểm, cùng địa bàn với chúng tôi. Thì họ bảo, phải tận dụng quan hệ khắp nơi, nhờ can thiệp nên mới mua được nước. Tôi không hiểu sao, mua nước sinh hoạt thôi mà cũng khổ đến như vậy”, chị T.H. nói thêm.
Yêu cầu nhà máy nước không được từ chối khách hàng mới
Trao đổi về vấn đề này, ông Lê Sỹ Chiến - Phó Chủ tịch UBND TP Vinh cho biết, thành phố cũng đã nhận được thông tin phản ánh thực trạng này từ lâu. Sau đó, UBND TP Vinh cũng đã nhiều lần sang làm việc trực tiếp, rồi phát văn bản tới Công ty cổ phần Cấp nước Nghệ An. “Chúng tôi đã nhiều lần làm việc, yêu cầu phía Công ty cổ phần Cấp nước Nghệ An không được như vậy. Trách nhiệm của họ là phải cấp nước. Không thể ưng thì ký hợp đồng, không ưng thì thôi. Phía nhà máy nước sau đó đã hứa sẽ có kế hoạch khắc phục”, ông Chiến nói.
Cụ thể, từ ngày 21/6/2024, UBND TP Vinh đã có văn bản về việc cấp nước đảm bảo nhu cầu sinh hoạt của nhân dân trên địa bàn gửi cho Công ty cổ phần Cấp nước Nghệ An. Trong văn bản cũng đã nêu rõ, yêu cầu Công ty cổ phần Cấp nước Nghệ An không được từ chối ký hợp đồng cho khách hàng mới là người dân đến ở trong khu vực cấp nước thành phố Vinh.
Còn ông Hoàng Văn Hải - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Cấp nước Nghệ An cho hay, “chúng tôi đang phải làm nhiều việc, có thể chưa làm đến khu vực đó. Vấn đề này, chúng tôi đã có thông báo rồi. Công suất của nhà máy chỉ có 92.000 khối, nhưng lượng cấp ra hiện nay đã vượt khối lượng này. Nên nhiều khu vực sẽ yếu. Tôi chỉ có thể trả lời được như vậy”, ông Hải nói.
Theo ông Lê Sỹ Chiến - Phó Chủ tịch UBND TP Vinh, về vấn đề, lãnh đạo UBND TP đã có văn bản giao cho Phòng Quản lý đô thị có trách nhiệm bám nắm tình hình, thực hiện chức năng nhiệm vụ theo quy định của pháp luật để tham mưu UBND TP thực hiện trách nhiệm chính quyền trong việc đảm bảo cấp nước an toàn. Đồng thời, tổng hợp báo cáo nhanh và kiến nghị UBND tỉnh, Ban chỉ đạo cấp nước an toàn của tỉnh có chỉ đạo phù hợp.
Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên Báo Nghệ An, ông Nguyễn Việt Đức - Trưởng phòng Quản lý đô thị TP Vinh lại cho biết, đơn vị không nắm được tình trạng này. “Chúng tôi có văn bản phối hợp với Công ty cổ phần Cấp nước Nghệ An. Không có thực trạng này. Có thể, những hộ dân này vào ở khi chưa có sự cho phép của chính quyền. Nếu có đầy đủ giấy tờ, thủ tục mà không được đấu nối với nguồn nước thì tôi khẳng định là không có”, ông Đức nói.
Trong khi đó, các hộ gia đình mà phóng viên ghi nhận, đều có đầy đủ giấy tờ, thủ tục. “Chúng tôi có đầy đủ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, có đầy đủ giấy phép xây dựng đúng với quy định để phía nhà máy nước ký hợp đồng. Nhà xây cũng không phải nằm trong khu vực thiếu nước, xung quanh nhà nào cũng được cấp nước đầy đủ”, chị T.H. khẳng định.