Xã hội

Loay hoay với phương án dời điểm lấy nước thô đầu vào ở huyện Quỳ Hợp

Tiến Hùng 05/08/2024 08:53

Dòng sông Nậm Huống bị “bức tử” bởi những mỏ quặng thiếc ở thượng nguồn trong suốt nhiều năm, khiến nhiều thời điểm cá chết hàng loạt. Đặc biệt là thời gian gần đây, khi mà nhiều chỉ số phân tích vượt chuẩn, ảnh hưởng tới sức khỏe con người. Thế nhưng, phương án dời điểm lấy nước thô đầu vào từ sông Nậm Huống sang Nậm Choọng vẫn loay hoay suốt nhiều năm.

Giật mình với kết quả phân tích mẫu nước

Những ngày đầu tháng 8, người dân ở thị trấn Quỳ Hợp lại càng thêm lo lắng sau khi Sở Tài nguyên và Môi trường công bố kết quả kiểm tra mẫu nước ở thượng nguồn sông Nậm Huống, nơi Công ty TNHH Thiếc Hà An xả thải làm cá chết hàng loạt.

“Chắc phải bỏ tiền để khoan giếng mà dùng thôi chú ạ. Chứ nước sinh hoạt mà cứ lấy từ dòng sông ô nhiễm như thế thì chết mất thôi”, ông Nguyễn Hoàng Long (56 tuổi), thị trấn Quỳ Hợp nói.

Ông Long là 1 trong hơn 2.300 hộ dân ở địa phương này đang mua nước sinh hoạt của Nhà máy nước Quỳ Hợp, thuộc Công ty cổ phần Cấp nước Nghệ An.

“Nếu dùng nước giếng khoan thì ở đây cũng bị nhiễm đá vôi. Nhưng dù sao đá vôi còn đỡ hơn là nước nhiễm các chất như asen, đá vôi thì còn có thể lọc được”, ông Long nói và cho hay, đây cũng là phương án mà nhiều hộ dân khác ở thị trấn Quỳ Hợp đang tiến hành, sau nhiều năm đề xuất di dời điểm lấy nước thô đầu vào đến vị trí khác nhưng không được chấp thuận.

Lõi lọc đổi sang màu đen với nhiều vết bẩn bám đầy sau vài tháng sử dụng.
Lõi lọc đổi sang màu đen với nhiều vết bẩn bám đầy sau vài tháng sử dụng. Ảnh: T.H

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, kết quả phân tích cho thấy mẫu nước mặt tại điểm khu vực hang Castơ thải ra đầu nguồn suối Bắc (thượng nguồn Nậm Huống) so sánh với giới hạn tối đa các thông số ảnh hưởng tới sức khỏe con người.

Cụ thể, có 5/8 thông số vượt quy chuẩn. Trong đó, amoni vượt 1,71 lần; asen vượt 5,4 lần; cadimi vượt 18,56 lần; mangan vượt 23,7 lần; sắt vượt 16,34 lần. Một số thông số vượt quy chuẩn cho phép là một trong các nguyên nhân làm ô nhiễm nguồn nước mặt ở khe, suối tại thời điểm lấy mẫu.

Vị trí lấy mẫu nước phân tích cách điểm lấy nước thô đầu vào của Nhà máy nước Quỳ Hợp hơn 15 km về phía thượng nguồn. Đặc biệt, thời điểm lấy mẫu nước là ngày 8/7/2024, sau đúng 1 tuần người dân phản ánh dòng suối đổi màu, cá chết hàng loạt. Thời điểm lấy mẫu nước, phía mỏ thiếc cũng đã dừng xả thải ra ngoài.

“Một tuần sau mới lấy mẫu, nước đã trôi đi hết từ lâu nhưng kết quả phân tích vẫn vượt chuẩn như thế thì thật là giật mình. Nếu lấy mẫu vào thời điểm công ty xả thải, không biết các con số còn như thế nào nữa. Thật đáng lo ngại".

Ông Phan Thanh Hùng (65 tuổi), người dân khối 11, thị trấn Quỳ Hợp

Sông Nậm Huống vị trí lấy nước thô đầu vào.
Sông Nậm Huống - vị trí lấy nước thô đầu vào. Ảnh: T.H

Theo một lãnh đạo UBND huyện Quỳ Hợp, làm việc với địa phương, mới đây phía Nhà máy nước Quỳ Hợp đã cung cấp báo cáo kết quả xét nghiệm nước đầu ra hàng tháng do Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh làm xét nghiệm, với 10 chỉ tiêu xét nghiệm và báo cáo nước đầu ra 6 tháng do Viện Sức khỏe và Nghề nghiệp làm xét nghiệm, với 91 chỉ tiêu xét nghiệm. Kết quả xét nghiệm đầu ra của nhà máy nước cho thấy, các chỉ số xét nghiệm đều trong giới hạn bình thường. Tuy nhiên, trong các chỉ tiêu xét nghiệm đầu ra ở nhà máy nước, lại không có chỉ tiêu xét nghiệm asen. Chính vì vậy, ngày 22/7/2024, UBND huyện đã có công văn đề nghị Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Nghệ An tiến hành xét nghiệm chỉ tiêu asen. Đến ngày 25/7/2024, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật đã lập đoàn kiểm tra, lấy 1 mẫu nước đầu ra tại Nhà máy nước Quỳ Hợp và 5 mẫu nước tại các hộ dân để xét nghiệm. Đến nay, vẫn chưa có kết quả kiểm tra.

Loay hoay với phương án đổi nguồn nước thô

Theo ông Lê Sỹ Hào - Phó phòng phụ trách Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Quỳ Hợp, đây không phải lần đầu tiên kết quả xét nghiệm cho thấy sông Nậm Huống bị ô nhiễm, đặc biệt là nhiễm asen. Từ nhiều năm trước đã bị rồi, huyện cũng đã có văn bản đề nghị dời điểm lấy nước thô đầu vào. Nhưng cho đến nay, phương án này vẫn bế tắc.

Mỏ thiếc Hà An xả thải xuống thượng nguồn Nậm Huống.
Mỏ thiếc của Công ty TNHH Thiếc Hà An xả thải xuống thượng nguồn Nậm Huống. Ảnh: T.H

Cụ thể, từ năm 2017, kết quả quan trắc đã cho thấy, dòng sông Nậm Huống bị nhiễm asen. Sau khi UBND huyện Quỳ Hợp có đề xuất, tháng 4/2018, Công ty CP Cấp nước Nghệ An và địa phương này đã phối hợp Trung tâm Y tế dự phòng tổ chức khảo sát thực địa, lựa chọn vị trí lấy nguồn nước thô tại suối Nậm Choọng (xã Châu Đình), để thay thế cho nguồn nước thô lấy tại sông Nậm Huống như hiện nay. Vị trí này cách đoạn nhập với sông Dinh khoảng 200 mét về phía thượng nguồn. Cơ quan chức năng cũng đã lấy mẫu nước tại suối Nậm Choọng để xét nghiệm. Kết quả cho thấy, chất lượng nước đạt yêu cầu. “Nguồn tại suối Nậm Choọng rất sạch, vì thượng nguồn của dòng suối này không có nhà máy khai thác khoáng sản nào cả”, một lãnh đạo UBND huyện Quỳ Hợp nói.

Dù đã khảo sát thực địa, kết quả quan trắc mẫu nước cũng đạt yêu cầu, nhưng kế hoạch di dời điểm lấy nước thô đầu vào sau đó vẫn bế tắc. Đến tháng 8/2019, khi lấy mẫu nước cách điểm đầu vào hệ thống cấp nước khoảng 500m về phía thượng nguồn. Kết quả cho thấy, có thông số kim loại nặng asen vượt 2 và TSS vượt 20,3 lần so với quy chuẩn.

Để đảm bảo an toàn nước sạch cho người dân, tại văn bản này, Sở Tài nguyên và Môi trường đã đề nghị Công ty CP Cấp nước Nghệ An có phương án khai thác nguồn nước khác để thay thế trong trường hợp xảy ra sự cố ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt đang khai thác.

Bể lọc tại Nhà máy nước Qùy Hợp.
Bể lọc tại Nhà máy nước Quỳ Hợp. Ảnh: T.H

Theo tìm hiểu của phóng viên, nguyên nhân dẫn tới việc chậm di dời điểm lấy nước thô đầu vào là giữa Công ty CP Cấp nước Nghệ An và UBND huyện Quỳ Hợp không tìm được tiếng nói chung trong việc bỏ kinh phí di dời. Cụ thể, theo đề nghị của phía nhà máy nước vào năm 2019 thì kinh phí cho việc di dời là hơn 10 tỷ đồng, trong đó, nguồn vốn do các doanh nghiệp khai thác khoáng sản gây ô nhiễm chi trả. Còn theo lãnh đạo UBND huyện Quỳ Hợp thì các doanh nghiệp khai thác khoáng sản này không chấp nhận chi tiền.

Ngoài ra, theo ông Quán Vi Giang – Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp, sau khi phía Công ty CP Cấp nước Nghệ An dùng dằng trong việc đổi nguồn nước thô đầu vào, một doanh nghiệp chuyên về cấp nước khác cũng đã liên hệ với địa phương để đầu tư nhà máy nước khác thay thế.

“Doanh nghiệp này cũng đã về khảo sát, làm các hồ sơ, thủ tục đầy đủ. Họ chấp nhận đầu tư số tiền lớn để làm nhà máy nước, lấy nguồn nước sạch theo yêu cầu của huyện. Tuy nhiên, khi trình hồ sơ lên Sở Xây dựng thì không được chấp thuận. Nguyên nhân vì không có trong quy hoạch. Chính vì vậy, cho đến nay, hơn 2.300 hộ dân vẫn phải dùng nước của Công ty CP Cấp nước Nghệ An. Còn phía công ty thì vẫn không chịu đổi nguồn nước thô đầu vào”.

Ông Quán Vi Giang – Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp

Mới nhất

x
Loay hoay với phương án dời điểm lấy nước thô đầu vào ở huyện Quỳ Hợp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO