Vô xứ Nghệ

Nâng cao đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số Quỳ Hợp

Thu Hương 10/12/2024 09:02

Những năm qua, các chính sách dân tộc luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền huyện Quỳ Hợp quan tâm chỉ đạo, thực hiện kịp thời, đúng đối tượng, qua đó, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, từng bước nâng cao đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số.

Nhân lên những niềm vui

Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Quỳ Hợp được thành lập từ năm 2011. Do điều kiện khó khăn, không có kinh phí để đầu tư xây mới nên nhà trường nhận lại cơ sở 2 của Trường Tiểu học thị trấn. Cơ sở này được xây dựng từ những năm 1990 nên cơ sở vật chất của trường đã xuống cấp trầm trọng, học sinh phải học, ở trong các phòng tạm, thiếu nơi ăn, chốn ở, thiếu các công trình phụ trợ. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến chất lượng giáo dục mũi nhọn của trường lúc bấy giờ chỉ xếp thứ 5, thứ 6 toàn huyện.

Bao in
Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Quỳ Hợp từ năm 2016 đến nay, nhà trường được cấp trên quan tâm, đầu tư cơ sở vật chất khang trang. Ảnh: Thu Hương

Thầy giáo Đinh Văn Từ - Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Quỳ Hợp cho biết: Từ năm 2016 đến nay, nhà trường được cấp trên quan tâm, đầu tư cơ sở vật chất khang trang, thầy cô và các em học sinh rất phấn khởi. Việc thực hiện công tác giáo dục dân tộc đặc thù được đảm bảo. Hiện tại, trường có 1 nhà học 2 tầng, 12 phòng học; 1 nhà ở nội trú, 13 phòng ở; 1 nhà ăn; 1 nhà học đa chức năng, 6 phòng chức năng. Thiết bị dạy học, đồ dùng sinh hoạt, phục vụ chăm sóc học sinh được cấp đầy đủ, kịp thời.

“Trong năm 2024, nhà trường tiếp tục được Nhà nước quan tâm sửa chữa, nâng cấp nhà học 2 tầng lên 3 tầng, 18 phòng học; nhà nội trú học sinh 3 tầng, 39 phòng ở; nhà ăn học sinh; xây mới nhà trực nội trú, kho chứa gạo, căng tin... với tổng kinh phí hơn 23,5 tỷ đồng. Nhờ có sự đầu tư về cơ sở vật chất, đáp ứng điều kiện dạy và học của thầy và trò nên trong những năm gần đây, chất lượng đại trà của nhà trường xếp thứ nhất toàn huyện; học sinh giỏi xếp thứ 2, thứ 3 toàn huyện”, thầy giáo Đinh Văn Từ chia sẻ thêm.

Được học tập trong môi trường khang trang, em Lô Thị Khánh Băng, dân tộc Thái, lớp 9A, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Quỳ Hợp cho biết: "Tại phòng học có tivi kết nối internet nên chúng em rất thuận lợi trong việc ứng dụng công nghệ thông tin, khai thác nhiều tài liệu có ích. Vì thế mà kết quả học tập của chúng em ngày càng tiến bộ".

Hạ Sơn là xã miền núi đặc biệt khó khăn nằm cách trung tâm huyện Quỳ Hợp 21 km, có trục Quốc lộ 48D đi qua. Toàn xã có 1.101 hộ, với 4.637 nhân khẩu, phân bổ ở 7 xóm, trong đó, dân tộc thiểu số chiếm trên 90%. Để đáp ứng công tác chăm sóc sức khỏe cho đồng bào dân tộc thiểu số, cuối năm 2022, công trình trạm y tế xã được quan tâm đầu tư xây dựng theo Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Sau gần 1 năm tập trung đẩy nhanh tiến độ, công trình đã hoàn thành và đưa vào sử dụng.

Bà Trương Thị Hiền – Trạm trưởng Trạm Y tế xã Hạ Sơn (Quỳ Hợp) cho biết: “Trước đây, trạm y tế xã xuống cấp trầm trọng, phòng làm việc thiếu thốn, phòng bác sĩ cũng phải nhường để làm phòng cấp cứu cho bệnh nhân. Có thời điểm, do thời tiết chuyển mùa, hàng chục trẻ em bị mắc bệnh, cán bộ trạm phải trải chiếu, kê giường dọc hành lang, nhường cả phòng trực để bệnh nhân nằm.

Được Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư xây mới trạm y tế với tổng kinh phí 4,9 tỷ đồng, được thiết kế 2 tầng với 16 phòng làm việc khang trang, khuôn viên sạch đẹp, đáp ứng nhu cầu thăm khám, điều trị cho bệnh nhân. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ y, bác sĩ, góp phần đảm bảo điều kiện cần thiết xây dựng trạm y tế xã đạt chuẩn Quốc gia”.

Tạo động lực để phát triển

Thực hiện các văn bản của Trung ương, của tỉnh về triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025, công tác triển khai chương trình tại huyện Quỳ Hợp được sự quan tâm chỉ đạo, vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ huyện đến xã. UBND huyện ban hành kế hoạch về việc rà soát nhu cầu vốn thực hiện chương trình, thành lập Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 – 2025 trên địa bàn huyện.

Theo kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2025, huyện Quỳ Hợp được bố trí đầu tư xây dựng 130 công trình, với tổng số vốn trên 339,6 tỷ đồng.

Đến nay, tổng nguồn vốn được phân bổ 250,7 tỷ đồng. Với nguồn vốn đã được giải ngân, huyện Quỳ Hợp đã hỗ trợ kịp thời cho 51/52 hộ dân xây dựng nhà ở với số vốn giải ngân trên 2 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 72,22%; đầu tư xây dựng 85 công trình, với tổng số vốn được phân bổ 247,8 tỷ đồng, đã giải ngân 178,5 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 72,05%. Riêng trong năm 2024, toàn huyện có 19/23 công trình mới đã khởi công với tổng số vốn đầu tư 56,7 tỷ đồng; trong đó, số vốn được cấp 21,6 tỷ đồng, số vốn giải ngân là 11,3 tỷ đồng (tỷ lệ giải ngân 52,41%).

Bao in Q H Châu Cuong
Học sinh Trường Mầm non xã Châu Cường, huyện Quỳ Hợp được thụ hưởng từ chương trình chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Ảnh: Thu Hương

Đối với nguồn vốn sự nghiệp, đến nay, số vốn đã được bố trí là 167,4 tỷ đồng cho 9/10 dự án thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2025 (được phân bổ hàng năm từ năm 2022-2024). Trong đó, năm 2024 đã được cấp với số tiền 51,2 tỷ đồng. Số vốn đã giải ngân để thực hiện các dự án trên 24 tỷ đồng, tỷ lệ giải ngân 22,91%. Các chương trình, dự án, chính sách đầu tư hỗ trợ vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện luôn được tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ, kịp thời, đúng mục tiêu, đối tượng, đúng quy định của Nhà nước.

Với sự hỗ trợ của Nhà nước và nỗ lực, cố gắng vươn lên của người dân, kinh tế - xã hội ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của huyện Quỳ Hợp đã được cải thiện rõ rệt. Kết cấu hạ tầng được cải thiện theo hướng đồng bộ; cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển mạnh theo hướng sản xuất hàng hóa; đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc không ngừng được cải thiện; văn hóa truyền thống được giữ gìn, phát huy; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được đảm bảo; hệ thống chính trị cơ sở được củng cố, kiện toàn...

dsc_4993.jpg
Đời sống đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Nghĩa Xuân, huyện Quỳ Hợp ngày càng no ấm. Ảnh: Thu Hương

Đến hết năm 2024, các chỉ tiêu đều đạt, vượt kế hoạch đề ra; 100% xã có đường ô tô từ huyện đến trung tâm xã được cứng hóa; 100% số xã, thị trấn có trạm y tế, 98,7% số hộ dân được sử dụng điện lưới an toàn; 100% các trường học (nơi có học sinh bán trú) ở xã vùng đặc biệt khó khăn, biên giới có nhà ở, bếp ăn, công trình vệ sinh đáp ứng cơ bản nhu cầu ăn, ở cho học sinh ở các cấp học; 87% dân số nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; đồng bào dân tộc thiểu số thuộc vùng khó khăn, diện hộ nghèo, hộ cận nghèo được cấp thẻ bảo hiểm y tế đạt 100%; tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh đạt 87%. Toàn huyện có 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới và 1 xã đang xây dựng nông thôn mới nâng cao...

Trong thời gian tới, huyện tiếp tục đẩy nhanh tiến độ, quyết toán các công trình đã hoàn thành năm 2024; đồng thời, triển khai kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi huyện Quỳ Hợp giai đoạn 2022 - 2025 kịp thời gian quy định; tiếp tục kiến nghị, đề xuất, tranh thủ tối đa nguồn vốn đầu tư hỗ trợ của Trung ương và của tỉnh thuộc các chương trình dự án đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi trên địa bàn huyện; phối hợp kiểm tra, thanh tra, giám sát một số chương trình, chính sách, dự án đã và đang triển khai thực hiện ở một số cơ sở trên địa bàn; tăng cường phối hợp tổ chức kiểm tra việc thực hiện các chế độ, chính sách dân tộc miền núi.

Ông Hoàng Văn Thái - Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp

Mới nhất

x
Nâng cao đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số Quỳ Hợp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO