Xây dựng Đảng

Quan tâm phát triển toàn diện vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Thanh Lê 20/11/2024 15:47

Những năm qua, Nghệ An luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho công tác dân tộc; các chương trình, chính sách cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được thực hiện đầy đủ, kịp thời. Đặc biệt, có nhiều mô hình, cách làm hay về công tác dân vận, huy động lực lượng vũ trang cùng vào cuộc phát huy hiệu quả thiết thực.

quantamdongbaodtts-cover(1).png

Thanh Lê • 20/11/2024

Những năm qua, Nghệ An luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho công tác dân tộc; các chương trình, chính sách cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được thực hiện đầy đủ, kịp thời. Đặc biệt, có nhiều mô hình, cách làm hay về công tác dân vận, huy động lực lượng vũ trang cùng vào cuộc phát huy hiệu quả thiết thực.

quantamdongbaodtts-tit.png

Cũng như nhiều hộ nghèo và cận nghèo trong bản Piêng Cu, xã Tiền Phong (Quế Phong), đầu năm 2024, gia đình anh Lô Văn Thủy được Nhà nước cấp bò nuôi sinh sản, tạo đòn bẩy để thoát nghèo trong những năm tới. Anh Thủy chia sẻ, gia đình tái định cư ở đây từ năm 2010, cuộc sống quanh năm dựa vào nguồn thu nhập từ 1 ha đất trồng keo, 200m ruộng lúa, ngoài ra, ai thuê gì làm nấy và vào rừng lấy măng. Thu nhập bấp bênh nên gia đình anh chưa thoát được hộ nghèo.

Khi được Nhà nước hỗ trợ cấp bò sinh sản để nuôi, gia đình anh tiến hành làm chuồng trại, trồng cỏ làm thức ăn cho bò. Anh Lô Văn Thủy cho biết: Được Nhà nước cấp 1 con bò sinh sản, đây là sinh kế lớn, mọi thành viên trong gia đình đều ý thức chăm sóc bò thật tốt để sau này phát triển thành đàn, giúp gia đình thoát khỏi hộ nghèo. Từ động lực này, gia đình mong muốn được nhận thêm đất để trồng quế, trồng keo, có việc làm ổn định, thoát nghèo bền vững.

Vùng tái định cư của xã Tiền Phong cần đưa cây quế Quỳ vào trồng để xóa nghèo bền vững cho người dân. Ảnh: Xuân Hoàng
Một góc của bản tái định cư Piêng Cu, xã Tiền Phong. Ảnh: Xuân Hoàng

Tương tự, tại xã Châu Kim, từ nguồn vốn của Chương trình mục tiêu Quốc gia giai đoạn 2021 – 2025, năm 2023, huyện Quế Phong đã cấp 93 con lợn đen địa phương cho 31 hộ nghèo, cận nghèo nuôi (mỗi hộ được cấp 3 con lợn).

Cùng với cấp lợn giống, các hộ còn được cấp kèm theo số lượng cám nhất định. Quá trình nuôi gần 1 năm cho thấy đa phần các hộ có trách nhiệm cao trong chăm sóc; tận dụng nguồn rau sẵn có tại địa phương như cây mùng, dây khoai lang, chuối rừng,... để chăn nuôi.

Chị Ngân Thị Tấm chăm sóc đàn lợn đen bản địa tại khu vực thung lung Huồi Kháng. Ảnh Xuân Hoàng
Người dân Quế Phong đề xuất hỗ trợ giống lợn đen địa phương để nuôi phát triển kinh tế. Ảnh: Xuân Hoàng

Còn gia đình anh Lê Văn Nhuần, chuyển từ vùng lõi Vườn Quốc gia Pù Mát ra định cư tại bản Tân Sơn, xã Môn Sơn, huyện Con Cuông. Có nguồn lực lao động, nhưng nhiều năm qua, gia đình anh vẫn loay hoay với việc phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, bởi chưa có vốn và hướng đi cụ thể. Hai năm nay, nhờ sự hỗ trợ con giống của Đồn Biên phòng Môn Sơn, gia đình anh đang từng bước chuyển từ hộ nghèo sang hộ cận nghèo và phấn đấu thoát nghèo trong năm nay.

Chia sẻ về sự hỗ trợ của đồn biên phòng, anh Nhuần cho biết: Đồn Biên phòng hỗ trợ gia đình 6 con lợn giống, 2 con bò, cùng gà, vịt giống và hỗ trợ kỹ thuật chăn nuôi để phát triển kinh tế. Nhờ sự hướng dẫn cụ thể của bộ đội, nên bây giờ kinh tế gia đình đã phát triển và đang dần thoát nghèo.

bna-cay-2056.jpg
Các chiến sĩ Đồn Biên phòng Môn Sơn giúp người dân cấy lúa. Ảnh: Tiến Đông

Đại tá Trần Đăng Khoa - Phó Chính ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh cho biết: Để giúp đồng bào trên địa bàn đứng chân thoát nghèo và không tái nghèo, các đồn biên phòng đã huy động các nguồn lực, hỗ trợ vốn, cây, con giống, kỹ thuật; tạo sinh kế, việc làm mới cho bà con. Trên địa bàn biên giới, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Nghệ An đang triển khai 90 mô hình "Dân vận khéo", trong đó, có 63 mô hình phát triển kinh tế. Bộ đội Biên phòng Nghệ An còn phân công 579 đảng viên phụ trách 2.671 hộ đồng bào ở khu vực biên giới giúp họ phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo...

Những mô hình triển khai hiệu quả, tạo việc làm cho lao động ngay tại địa bàn, đã từng bước giúp người dân thoát nghèo, qua đó, giúp đồng bào yên tâm bám bản, xây dựng bản làng ngày càng phát triển, bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới.

Nghệ An là địa phương có diện tích tự nhiên rộng nhất cả nước, với 16.493,7 km2. Trong đó, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi chiếm 83% diện tích tự nhiên toàn tỉnh; với hơn 491.260 người, chiếm 14,76% dân số toàn tỉnh; 5 dân tộc thiểu số có lịch sử sinh sống lâu đời là Thái, Thổ, Khơ Mú, Mông, Ơ Đu; có 27 xã biên giới.

bna_1.toàn cảnh xã Môn Sơn (1).jpg
Toàn cảnh xã Môn Sơn. Ảnh: Sách Nguyễn
quantamdongbaodtts-tit2.png

Những năm qua, thực hiện Kết luận số 65-KL/TW, ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW, ngày 13/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa IX) về công tác dân tộc trong tình hình mới, trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Tình hình kinh tế, đời sống của nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi ngày càng được cải thiện, kinh tế tiếp tục phát triển. Nhân dân hăng hái lao động, tăng gia sản xuất, vươn lên xóa đói, giảm nghèo, làm giàu chính đáng, thay đổi diện mạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đẩy lùi tệ nạn xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu phát triển kinh tế của địa phương; tỷ lệ đói nghèo còn 12,48%, thu nhập bình quân đầu người ước đạt 34 triệu đồng/năm.

Công tác đào tạo nghề, tạo việc làm đối với đồng bào dân tộc thiểu số đạt được nhiều kết quả. Giai đoạn 2019 - 2024, đã tuyển sinh đào tạo nghề nghiệp cho lao động 11 huyện, thị xã miền núi là 174.445 lượt người (chiếm 49,96% tổng số tuyển sinh đào tạo). Từ năm 2019 - 2024, đã giải quyết việc làm cho lao động vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là 89.913 người (chiếm 36,29% toàn tỉnh), đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng cho 33.993 người (chiếm 34,96% toàn tỉnh).

Cán bộ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Nậm Cắn (Kỳ Sơn) trao đổi với người dân về phát triển kinh tế; Mô hình hỗ trợ sinh kế của Hội Nông dân tỉnh cho người dân miền núi. Ảnh: TL
Cán bộ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Nậm Cắn (Kỳ Sơn) trao đổi với người dân về phát triển kinh tế; Mô hình hỗ trợ sinh kế của Hội Nông dân tỉnh cho người dân miền núi. Ảnh: TL

Chuyển dịch lao động việc làm, cơ cấu kinh tế của tỉnh tiếp tục chuyển dịch đúng hướng. Các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất theo các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 được quan tâm triển khai thực hiện, nhiều mô hình, điển hình sản xuất, hợp tác kinh doanh hiệu quả. Đến nay, trên 11 huyện, thị xã miền núi Nghệ An có 236 sản phẩm, trong đó 226 sản phẩm OCOP đạt hạng 3 sao và 10 sản phẩm đạt hạng 4 sao.

Cùng đó, các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất theo các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 được quan tâm triển khai thực hiện, nhiều mô hình, điển hình sản xuất, hợp tác kinh doanh hiệu quả. Việc huy động các nguồn lực, thu hút đầu tư phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được quan tâm nhiều hơn, trong đó ngân sách tỉnh hỗ trợ cho các địa phương để giải quyết các nhu cầu về phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội; nguồn thu sử dụng đất phân cấp cho huyện, xã.

Tổng vốn ngân sách hỗ trợ đầu tư phát triển cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 là 8.859 tỷ đồng, trong đó, ngân sách tỉnh hơn 3.003 tỷ đồng, số còn lại là ngân sách Trung ương và nguồn khác lồng ghép thực hiện. Tỉnh đã hỗ trợ 11 huyện vùng dân tộc thiểu số và miền núi xây mới, sửa chữa được 7.212 nhà (lắp ghép 3.560 nhà, xây mới 2.775, sửa chữa 877 nhà) đảm bảo cho người dân ổn định cuộc sống.

Đoàn Ủy ban Dân tộc của Chính phủ và Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An kiểm tra các công trình xây dựng theo Chương trình 1719 tại huyện Con Cuông (2 ảnh trên) và huyện Kỳ Sơn. Ảnh: TL
Đoàn Ủy ban Dân tộc của Chính phủ và Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An kiểm tra các công trình xây dựng theo Chương trình 1719 tại huyện Con Cuông (2 ảnh trên) và huyện Kỳ Sơn. Ảnh: TL

Ngoài chính sách của Trung ương hỗ trợ, ưu đãi cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, tỉnh cũng đã có các chính sách hỗ trợ, ưu đãi khác. Đặc biệt, ngày 11/8/2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tiếp tục ban hành Chỉ thị số 17-CT/TU “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2022-2026, định hướng đến năm 2030” với nhiều nhiệm vụ, giải pháp mang tính đột phá, chiến lược nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo và chênh lệch các vùng miền trong tỉnh.

Bên cạnh đó, tỉnh đã tập trung chỉ đạo thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia của Chính phủ, dành nguồn lực rất lớn cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, sau 4 năm triển khai đã có tác động rất quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng, ổn định kinh tế - xã hội và phát triển những lĩnh vực có tiềm năng, thế mạnh của tỉnh nói chung.

Đây là quyết sách rất quan trọng của Đảng và Nhà nước dành riêng cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; phấn đấu đến năm 2030 cơ bản thu hẹp khoảng cách chênh lệch về thu nhập, điều kiện sống, văn hóa, giáo dục, y tế giữa vùng đồng bào dân tộc thiểu số với các vùng trong tỉnh.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hoàng Nghĩa Hiếu nói chuyện thăm hỏi, tặng quà bà con bản Có Phảo xã Yên Na, Tương Dương. Ảnh: T.L
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hoàng Nghĩa Hiếu thăm hỏi, tặng quà bà con bản Có Phảo, xã Yên Na, huyện Tương Dương. Ảnh: T.L

Đồng chí Hoàng Nghĩa Hiếu - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy cho biết: Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai đồng bộ nhiều chủ trương, giải pháp lớn thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh. Ngoài các chủ trương, chính sách của Trung ương, Nghệ An đã có thêm những chính sách phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đó là đề án xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, đề án xây dựng nông thôn mới 27 xã biên giới…

Từ những nỗ lực, cố gắng của cả hệ thống chính trị, tỷ lệ hộ nghèo vùng dân tộc thiểu số hiện giảm còn hơn 12%, thu nhập tăng, đời sống Nhân dân được nâng lên. Việc bảo tồn văn hóa truyền thống được thực hiện rất tốt.

"Việc quan tâm dành nguồn lực và triển khai có hiệu quả các chính sách về dân tộc đã giúp đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh phát huy nội lực, khơi dậy tinh thần vượt khó vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc. Tuy nhiên, việc thực hiện công tác dân tộc trong tình hình mới vẫn có những khó khăn, hạn chế.

Trên cơ sở đánh giá lại việc thực hiện công tác dân tộc trong những năm qua, thời gian tới, tỉnh tiếp tục có những chỉ đạo mới, cách làm mới để việc thực hiện công tác dân tộc ngày càng tốt hơn, hiệu quả hơn, góp phần thúc đẩy phát triển toàn diện vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi", đồng chí Hoàng Nghĩa Hiếu nhấn mạnh.

Chăm đời sống tinh thần văn hóa tinh thần cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Chăm lo đời sống tinh thần văn hóa tinh thần cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Ảnh: T.L
Quan tâm phát triển toàn diện vùng đồng bào dân tộc thiểu số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO