Kinh tế

Góp phần nâng cao chất lượng rừng và phát triển sinh kế bền vững cho người dân

Hoàng Vĩnh 09/10/2024 08:55

Trong bối cảnh nguồn vốn ngân sách phục vụ công tác quản lý bảo vệ rừng hạn chế thì nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng đã góp phần tích cực trong công tác bảo vệ rừng, đồng thời tạo ra nhiều việc làm, cải thiện sinh kế, tăng thu nhập cho người làm nghề rừng, người bảo vệ rừng một cách bền vững. Đồng thời, góp phần tăng độ che phủ, nâng cao chất lượng rừng của tỉnh.

Đại diện Hội đồng quản lý Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Nghệ An cùng các đơn vị, tổ chức liên quan trao đổi công tác thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng. Ảnh Hoàng Vĩnh
Đại diện Hội đồng quản lý Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Nghệ An cùng các đơn vị, tổ chức liên quan trao đổi công tác thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng. Ảnh: Hoàng Vĩnh

Với sự chỉ đạo kịp thời của các cấp, ngành liên quan và sự quyết tâm, nỗ lực của Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng, trong 9 tháng đầu năm 2024, quỹ đã thông qua 52 hợp đồng ủy thác. Trong đó, có 23 hợp đồng ủy thác với các cơ sở sản xuất thủy điện, 14 hợp đồng với cơ sở sản xuất nước sạch và 15 cơ sở sản xuất công nghiệp. Quỹ tiến hành thu nộp dịch vụ môi trường rừng với số tiền hơn 73,5 tỷ đồng (bao gồm nguồn tiền do Trung ương điều phối và từ 52 đơn vị đã ký hợp đồng ủy thác).

Song song với đó, công tác giải ngân được quỹ đặc biệt quan tâm. Tính lũy kế giải ngân và trích dự phòng từ đầu năm 2024 đến nay đạt hơn 118,2 tỷ đồng, trong đó, quỹ đã giải ngân tiền dịch vụ môi trường rừng năm 2023, tạm ứng cho các chủ rừng và hỗ trợ công tác bảo vệ phát triển rừng, trồng cây phân tán năm 2024 gần 108 tỷ đồng; trích quỹ dự phòng hơn 3,6 tỷ đồng...

Cùng với thực hiện tốt chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, thời gian qua Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng luôn triển khai hiệu quả công tác thu, chi tiền trồng rừng thay thế.

Ông Nguyễn Văn Tân - Trưởng Phòng Kế hoạch nghiệp vụ - Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng cho biết: “Công tác thu, chi tiền trồng rừng thay thế là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của quỹ, vì vậy lĩnh vực này được triển khai một cách đồng bộ, hiệu quả, đảm bảo đúng kế hoạch. Trong quá trình thực hiện, được sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời của các cấp, ngành liên quan và các đơn vị, nên nguồn thu trồng rừng luôn đạt kế hoạch”.

Từ nguồn thu này, tỉnh Nghệ An đã có nguồn vốn ổn định đầu tư cho công tác trồng rừng thay thế. Trong 9 tháng đầu năm 2024, đã giải ngân hơn 8,3 tỷ đồng, bao gồm chi tạm ứng, thanh toán cho các dự án trồng rừng và chăm sóc rừng trồng. Đến nay các địa phương đã trồng hơn 4.625ha diện tích trồng rừng thay thế.

Cán bộ ngành Kiểm Lâm huóng dẫn bà con ở Quỳ Châu trồng rừng Lùng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh Hoàng Vĩnh
Cán bộ ngành Kiểm Lâm hướng dẫn bà con huyện Quỳ Châu trồng rừng lùng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Hoàng Vĩnh

Để đáp ứng yêu cầu phục vụ công tác chi trả, quỹ đã xây dựng và đưa vào vận hành bản đồ số về chi trả dịch vụ môi trường rừng. Nhờ vậy, việc xác định diện tích rừng cung ứng để chi trả cho các đối tượng được thụ hưởng cơ bản được thuận lợi. Hàng năm, quỹ phối hợp với các chủ rừng là tổ chức, tổ chức chi trả cấp huyện rà soát dữ liệu để bổ sung, cập nhật vào hồ sơ, bản đồ chi trả tiền. Từ đó việc chi trả tiền được đảm bảo, chi trả đúng, đủ, khách quan, minh bạch.

Thực hiện chủ trương chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng không dùng tiền mặt, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Nghệ An đã phối hợp với cơ quan, đơn vị liên quan tiến hành kịp thời việc chi trả thông qua hệ thống ngân hàng và qua hệ thống bưu điện. Mặc dù công tác chi trả tiền không dùng tiền mặt đạt kết quả khả quan, nhưng trong quá trình thực hiện vẫn gặp một số khó khăn, vướng mắc: Số lượng chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng rất lớn với hơn 20.000 chủ rừng, chủ yếu tập trung ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số dẫn đến việc mở tài khoản ngân hàng để chi trả gặp rất nhiều khó khăn, có nơi không thể thực hiện được...

 Kiểm tra xác định hiện trạng rừng
Kiểm tra xác định hiện trạng rừng. Ảnh: TL

Sự quan tâm chỉ đạo và hỗ trợ kịp thời của Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam, UBND tỉnh Nghệ An, Hội đồng quản lý quỹ, Ban Kiểm soát quỹ, các sở ngành liên quan; Sự vào cuộc tích cực của cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp và sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, các chủ rừng, sự đồng thuận cao của nhân dân trên địa bàn tỉnh đã đưa chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng thực sự đi vào cuộc sống. Chính sách này mang lại nguồn lực tài chính mới, ổn định, làm giảm áp lực cho công tác quản lý và bảo vệ rừng của ngân sách nhà nước. Thu nhập từ dịch vụ môi trường rừng đã góp phần cải thiện thu nhập, nhất là đối với những hộ nghèo, góp phần ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại các địa phương thuộc khu vực miền núi, biên giới...

Để thực hiện tốt hơn nữa chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, trong thời gian tới, quỹ mong muốn UBND tỉnh, Hội đồng quản lý quỹ, Sở Nông nghiệp và PTNT tiếp tục quan tâm chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan phối hợp thực hiện tốt chính sách chi trả, trồng rừng thay thế và các hoạt động quản lý bảo vệ, phát triển rừng...

Ngô Hoàng Khanh – Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng

Cùng với các giải pháp chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ của Chính phủ, UBND tỉnh và các bên liên quan, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã phát huy tác dụng, có tác động rất tích cực tới công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng. Ở Nghệ An rừng được bảo vệ tốt hơn, tình trạng vi phạm các quy định của pháp luật về bảo vệ, phát triển rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng giảm dần và duy trì độ che phủ của rừng, nâng cao chất lượng rừng. Diện tích giao khoán bảo vệ rừng có xu hướng tăng hàng năm. Tổng diện tích rừng được chi trả năm 2023 là hơn 556.000ha tăng hơn 1.000ha so với năm 2022 và năm 2024 dự kiến là 2.000ha.

Hoàng Vĩnh