Xã hội

Tình trạng thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế khiến người bệnh 'thiệt đơn, thiệt kép'

Thành Chung - Hồng Vân 09/10/2024 10:15

Thiếu hụt thuốc, hóa chất, vật tư, trang thiết bị y tế đang gây ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của người bệnh tham gia bảo hiểm y tế.

Bệnh nhân gặp khó

Hiện nay, nhiều cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh Nghệ An đang có tình trạng thiếu thuốc, vật tư và trang thiết bị y tế, đặc biệt là các thiết bị kỹ thuật cao, thiết bị chẩn đoán, điều trị tiên tiến. Điều này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng khám, chữa bệnh và quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế.

Tại bệnh viện chuyên ngành Nội, Ngoại, Sản phụ khoa hàng đầu của tỉnh, tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế đang diễn ra, gây bức xúc cho bệnh nhân và người nhà.

Anh N.H.T, ở huyện Nam Đàn có vợ chuẩn bị sinh tại khoa Sản vội vã ra quầy thuốc bệnh viện mua thuốc và vật tư y tế theo sự chỉ định của bác sĩ. Anh N.H.T cho biết: Bác sĩ yêu cầu tôi ra quầy thuốc mua thuốc giảm đau, bộ hỗ trợ kích đẻ để giúp vợ tôi sinh nở. Bác sĩ bảo do bệnh viện không có thuốc và vật tư này nên người nhà phải tự mua. Được biết, 2 loại này do bảo hiểm y tế thanh toán. Trong khi đó vợ tôi có tham gia bảo hiểm y tế... Rất bực mình, nhưng vì để “mẹ tròn con vuông” thì dù có phải tốn kém mấy cũng phải lo cho bằng được.

Nhiều bệnh nhân bảo hiểm y tế phải mua thuốc, vật tư tại quầy thuốc bệnh viện, nhà thuốc tư nhân. Ảnh Thành Chung
Nhiều bệnh nhân bảo hiểm y tế phải mua thuốc, vật tư tại quầy thuốc bệnh viện, nhà thuốc tư nhân. Ảnh: Thành Chung

Cũng tại bệnh viện nói trên, không chỉ tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế mà tình trạng thiếu thiết bị y tế cũng đang diễn ra. Được biết, vì nhiều lý do, 2 năm nay, bệnh viện không đấu thầu, mua sắm được thiết bị y tế nào. Bệnh viện vốn có 1 hệ thống chụp cộng hưởng từ MRI (được mua theo diện liên doanh, liên kết). Tuy nhiên, hệ thống này chưa được xác lập quyền sở hữu toàn dân nên không thể sử dụng. Thiếu máy, mỗi ngày, bệnh viện phải chở hàng chục bệnh nhân sang một bệnh viện ngoài công lập gần đó để chụp nhờ. Sự nhờ chụp này không chỉ khiến bệnh viện mất thương hiệu mà đem lại những phiền toái, mệt mỏi cho bệnh nhân. Bệnh viện đang cố gắng trong năm nay đấu thầu, mua sắm hệ thống chụp cộng hưởng từ MRI mới.

Ông N.Đ.N, 58 tuổi, ở huyện Hưng Nguyên, đang điều trị tại một bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh cho biết: Trong quá trình nằm viện sau phẫu thuật, bác sĩ ở có kê đơn và yêu cầu người nhà bệnh nhân tự mua thuốc. Thuốc phải mua gồm Albumin (tăng nồng độ huyết thanh) và Alphachymotrypsin (thuốc kháng viêm). Gia đình có hỏi thì bác sĩ cho biết là bệnh viện hết thuốc, đang chờ kết quả đấu thầu. Người nhà có tìm hiểu đây là thuốc nằm trong phạm vi thanh toán của bảo hiểm y tế. Có bệnh thì vái tứ phương, bác sĩ bảo mua thì gia đình cũng phải đi mua.

Có thể nói rằng, tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế tại các bệnh viện công đã khiến những người bệnh bảo hiểm y tế có thêm một gánh nặng trong khi quyền lợi chính đáng lại không được hưởng. Người bệnh tham gia bảo hiểm y tế đang mong tình trạng này sớm chấm dứt để đảm bảo quyền lợi cho người bệnh khi khám, điều trị.

Chụp cộng hưởng từ MRI cho bệnh nhân. Ảnh tư liệu
Chụp cộng hưởng từ MRI cho bệnh nhân. Ảnh: Tư liệu

Tại cuộc khảo sát của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh về công tác mua sắm, quản lý và sử dụng thuốc mới đây, nhiều bệnh viện cho rằng tình trạng cục bộ thiếu thuốc, vật tư, thiết bị y tế hiện nay diễn ra trên địa bàn toàn tỉnh, từ bệnh viện tuyến tỉnh đến bệnh viện tuyến huyện và trạm y tế.

“Tình trạng thiếu thuốc, vật tư, thiết bị y tế là tình trạng đáng báo động, xảy ra khắp các cơ sở y tế trên địa bàn toàn tỉnh. Tất cả các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh không có đơn vị nào đủ thuốc, vật tư, thiết bị y tế, ảnh hưởng không nhỏ đến việc điều trị bệnh, quyền lợi của bệnh nhân có thẻ bảo hiểm y tế” - Lãnh đạo một bệnh viện trao đổi với Đoàn khảo sát của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh.

Đâu là nguyên nhân?

Tình trạng trượt thầu ở nhiều gói thầu:

Một trong những nguyên nhân của tình trạng thiếu thuốc, vật tư, thiết bị y tế tại các bệnh viện là do tình trạng trượt thầu xảy ra nhiều ở các mặt hàng có số lượng ít, giá trị thấp, ít nhà thầu tham dự. Một số mặt hàng mặc dù đã nhiều lần tổ chức đấu thầu liên tục đều không lựa chọn được nhà thầu. Đơn cử Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An tỷ lệ trượt thầu thuốc so với nhu cầu khoa, phòng, trung tâm khoảng 30%, một số gói thầu vị thuốc cổ truyền có tỷ lệ trượt thầu lên 90%.

bna_ban-van-hoa-xa-hoi-hdnd-tinh-khao-sat-thuc-te-tai-benh-vien-da-khoa-nghi-loc.jpg
Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh khảo sát thực tế tại Bệnh viện Đa khoa Nghi Lộc. Ảnh: Hồng Vân

Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An có nhiều mặt hàng bệnh viện đã mời thầu, đấu thầu lại nhiều lần nhưng không lựa chọn được nhà thầu trúng thầu do nhà thầu không tham dự hoặc tham dự nhưng giá vượt giá kế hoạch dẫn đến tỷ lệ trượt thầu cao, như: Gói thầu cung ứng các mặt hàng hóa chất, sinh phẩm vật tư khác năm 2023 cho Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An tỷ lệ trượt thầu lên tới 50%; gói thầu số 01: Cung ứng các mặt hàng vật tư, khí y tế không thuộc Thông tư 04/2017/TT-BYT cho Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An năm 2023-2024 tỷ lệ trượt thầu 46%,...

Không chỉ bệnh viện tuyến tỉnh, các bệnh viện tuyến huyện như Bệnh viện Đa khoa Nghi Lộc: tỷ lệ trúng thầu chỉ 70%, tỷ lệ trượt thầu 30%, có những gói thầu tỷ lệ trượt thầu lên tới 50%.

Thiếu thuốc, vật tư trong giai đoạn chuyển tiếp:

Ngoài ra, hiện tượng thiếu thuốc, vật tư diễn ra trong giai đoạn chuyển tiếp thầu bởi vì quy trình mua sắm kéo dài, phức tạp (trung bình 6-8 tháng) dẫn đến chậm trễ, ảnh hưởng đến công tác điều trị. Năm 2024 khi có đầy đủ các văn bản hướng dẫn các đơn vị mới thực hiện được công tác đấu thầu mua sắm thuốc, hóa chất, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế, trong khi đó nhiều quyết định trúng thầu đã hết hiệu lực nhưng chưa có quyết định mới thay thế, do đó đã làm gián đoạn cung ứng hàng hóa tại các cơ sở y tế. Chính vì thế, có hiện tượng thiếu cục bộ thuốc, hóa chất, thiết bị y tế trong giai đoạn này.

Cung ứng nhỏ giọt, gián đoạn:

Sau khi có kết quả lựa chọn nhà thầu, một số mặt hàng thuốc trúng thầu nhưng nhà thầu cung ứng nhỏ giọt hoặc không có khả năng cung ứng. Nguyên nhân chủ yếu do nguồn cung ứng nguyên liệu gián đoạn, tình hình chiến tranh, dịch bệnh nên ảnh hưởng đến việc nhập khẩu, chưa gia hạn kịp số đăng ký thuốc, thay đổi trong kế hoạch sản xuất của nhà máy…

Việc bảo dưỡng định kỳ, sửa chữa trang thiết bị y tế tại các cơ sở y tế công lập trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn:

Nhiều thiết bị cũ, hư hỏng, sửa chữa nhiều lần hết thời gian khấu hao nhưng chưa được thanh lý, thay thế kịp thời; có những thiết bị mặc dù hư hỏng nhưng không được sửa chữa kịp thời gây ra lãng phí kéo dài diễn ra tại nhiều đơn vị. Đơn cử: Bệnh viện Ung bướu Nghệ An một số thiết bị y tế hư hỏng nhưng không được sửa chữa kịp thời dẫn đến hiện tượng có một số thiết bị y tế đắp chiếu, bệnh viện phải đi “chụp nhờ” như: 1 máy X-Quang nhũ ảnh kỹ thuật số, 1 máy X-Quang kỹ thuật số chụp tổng quát, 1 Robot hỗ trợ sinh thiết và tất cả các thiết bị y tế lớn chưa được bảo trì, bảo dưỡng định kỳ theo quy định như hệ thống cộng hưởng từ MRI, hệ thống chụp cắt lớp vi tính, X-Quang kỹ thuật số chụp tổng quát, Hệ thống chụp xạ hình Spect.

Bệnh viện Nội tiết Nghệ An có 2 máy siêu âm (máy siêu âm màu Doppler kỹ thuật số 4D và 3 đầu dò và máy siêu âm màu xách tay) hiện đang hỏng không thể sửa chữa. Trung tâm Y tế huyện Quế Phong hiện có 132 thiết bị y tế nhưng có 4 thiết bị hư hỏng chưa được sửa chữa.

Nhiều cơ sở y tế đã không thể mua mới trang thiết bị trong thời gian qua. Ảnh tư liệu
Nhiều cơ sở y tế đã không thể mua mới trang thiết bị trong thời gian qua. Ảnh: tư liệu

Các văn bản pháp lý có liên quan có nhiều thay đổi, có nhiều nội dung chưa thống nhất:

Một số chưa có hướng dẫn cụ thể dẫn đến các đơn vị khó khăn khi triển khai thực hiện. Theo ý kiến của một số bệnh viện, dù Luật Đấu thầu 2023 có hiệu lực từ đầu năm 2024, nhưng sau 2 tháng mới có Nghị định 24/2024/NĐ-CP quy định thi hành Luật và ngày 26/4/2024 Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới ban hành Thông tư số 06/2024/TT-BKHĐT hướng dẫn mẫu hồ sơ về lựa chọn nhà thầu và ngày 17/5/2024 Bộ Y tế mới ban hành Thông tư số 07/2024/TT-BYT về đấu thầu thuốc. Do đó, từ tháng 6, các cơ sở y tế mới tiến hành quy trình mua sắm, thì phải mất 3-5 tháng nữa mới có thuốc, vật tư để phục vụ khám chữa bệnh. Mặt khác, việc thực hiện theo quy định Luật Đấu thầu mới có nhiều khó khăn, vướng mắc, dẫn tới quá trình đấu thầu mất nhiều thời gian.

Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh việc phân cấp thẩm quyền quyết định mua sắm đối với Thủ trưởng các đơn vị sự nghiệp công lập còn hạn chế: thủ trưởng các đơn vị sự nghiệp công lập quyết định việc mua sắm hàng hóa, dịch vụ đối với gói thầu, nội dung mua sắm có giá trị dưới 100 triệu đồng/1 đơn vị hàng hóa, dịch vụ hoặc tổng giá trị mua sắm dưới 150 triệu đồng/một lần mua sắm nhiều loại hàng hóa, dịch vụ.

Trong khi đó, các gói thầu mua sắm hàng hóa hiện nay tại các cơ sở y tế đều có giá trị cao, việc quy định như trên sẽ dẫn đến các đơn vị không được chủ động trong việc mua sắm hàng hóa cấp thiết phục vụ hoạt động của đơn vị.

Để khắc phục tình trạng này, Sở Y tế và các Bệnh viện đã đề nghị Bộ Y tế sớm ban hành Thông tư liên quan đến phân nhóm trang thiết bị y tế nhằm phân loại được chất lượng thiết bị y tế. Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm hoàn thiện hành lang pháp lý, các văn bản quy phạm pháp luật về công tác đấu thầu mua sắm.

Ngoài ra, các đơn vị cũng đề xuất tỉnh thành lập Trung tâm mua sắm tập trung của tỉnh để thực hiện các thủ tục đấu thầu thuốc, hóa chất, vật tư, trang thiết bị y tế, hóa chất để tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở y tế trong việc cung ứng thuốc, hóa chất vật tư số lượng lớn, tiết kiệm nhân lực tránh tình trạng trượt thầu do mua sắm nhỏ lẻ tại các đơn vị.

Đề nghị HĐND tỉnh xem xét và sửa đổi Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐND về phân cấp thẩm quyền quyết định mua sắm trên địa bàn tỉnh Nghệ An theo hướng tăng cường phân cấp cho các đơn vị trong việc mua sắm các mặt hàng thuốc, hóa chất, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế để các đơn vị chủ động, thuận lợi trong việc mua sắm đấu thầu các hạng mục cấp thiết kịp thời.

Thành Chung - Hồng Vân