Xã hội

Hoàn cảnh éo le của người đàn ông mất đất, mất nhà vì đi làm ăn xa

Tiến Hùng 11/10/2024 09:48

Vừa sinh ra thì bố mẹ đã chia tay, ông Định lớn lên trong cô độc. Vì bận mưu sinh kiếm sống, đến nay đã U60 nhưng vẫn chưa lấy được vợ. Trong khi đó, thửa đất và ngôi nhà ở quê là tài sản duy nhất và cũng là lớn nhất thì đã không còn.

Mòn mỏi chờ công lý

Trung tuần tháng 10/2024, chúng tôi gặp lại ông Trần Bá Định (55 tuổi), khi người đàn ông này đang phải tất bật bốc dỡ thùng hoa quả ở chợ đầu mối TP Vinh. Ông Định chính là nhân vật trong bài viết “Người đàn ông mất nhà, mất luôn cả đất sau khi đi làm ăn xa về” trên Báo Nghệ An đăng tải ngày 5/10 vừa qua khiến dư luận rất quan tâm.

Vội gác lại công việc, ông Định cho biết, sau nhiều năm lang bạt mưu sinh ở các tỉnh miền Nam, năm 2019, trong một lần hiếm hoi về thăm quê, ông phát hiện nhà không còn, đất cũng bị UBND xã An Hòa thu hồi để mở rộng trường mầm non. Để tiện việc đi lại đòi bồi thường, ông chuyển luôn về Vinh sinh sống, thuê một căn nhà trọ, rồi ra chợ đấu mối Vinh buôn hoa quả.

“6 năm nay, tôi đã phải chạy đôn, chạy đáo từ Vinh về Quỳnh Lưu hàng trăm lần nhưng vụ việc của tôi vẫn không thể giải quyết. Trong tay tôi giờ chẳng có gì cả, mảnh đất đó là tài sản duy nhất rồi”, ông Định nói.

Để tiện đi lại nhằm khiếu nại đòi bồi thường, 6 năm nay ông Định phải chuyển về Vinh thuê trọ, làm nghề buôn hoa quả.
Để tiện đi lại nhằm khiếu nại đòi bồi thường, 6 năm nay ông Định phải chuyển về Vinh thuê trọ, làm nghề buôn hoa quả. Ảnh: Tiến Hùng

Nói về lý do ít về thăm dù vẫn đang có nhà cửa ở quê, ông Định cho hay, dù đó là quê hương, nhưng ông không có gia đình, chỉ còn họ hàng thân thích nên cũng rất ít liên hệ. Khi ông Định vừa sinh ra thì bố mẹ đã chia tay, rồi cả 2 cùng rời làng, lập gia đình mới ở xa. Ông Định được ông bà ngoại ở xã An Hòa chăm sóc từ nhỏ.

“Năm lên cấp 2 thì ông ngoại qua đời. Một mình bà ngoại đã già yếu, không đủ kinh tế nuôi cháu nên tôi đến nhà ông bà nội sống. Những năm còn ở quê, số lần được gặp bố mẹ chỉ đếm trên đầu ngón tay. Mẹ thì lấy chồng mới ở xa, cuộc sống cũng rất khó khăn nên phải nhiều năm mới về thăm một lần. Còn ở bên nội, bố cũng phải đi làm ăn xa, tôi sống với ông bà nội và mẹ kế”, ông Định kể và cho hay, đến năm lớp 11, sau nhiều lần cãi nhau với người mẹ kế, ông quyết định nghỉ học, đi làm thuê ở các ruộng muối.

Đến khi đủ tuổi, ông Định xung phong đi bộ đội. Rời quân ngũ, đi làm thuê một thời gian ngắn, năm 1994, ông quyết định trở về quê hương An Hòa. Nhưng lúc này, ông bà nội, ngoại đều đã mất, người thanh niên trẻ bắt đầu cuộc sống bơ vơ không gia đình. Mỗi ngày, ông Định đi theo bạn bè đi làm thuê. Tối đến, ông đến nhà người anh họ Võ Ngọc Hùng để tá túc.

“Định là em họ của tôi, nhưng tôi coi nó như em trai. Hoàn cảnh của nó rất éo le, không có nhà cửa, không có gia đình nên thời điểm đó sống nhờ nhà tôi. Đến năm 1996 thì vay mượn được 2 triệu để mua thửa đất rộng 100m2 của UBND xã. Tôi chính là người đi đóng tiền cho xã, rồi theo chân lãnh đạo xã ra nhận đất. Bây giờ, phiếu thu tiền có đầy đủ chữ ký của cán bộ xã tôi vẫn còn giữ đây”, ông Hùng (62 tuổi), kể.

Sau khi đã có đất, ông Định mở kiốt để làm nghề cắt tóc. Tuy nhiên, một thời gian sau, khi đang xây nhà dở thì hết vốn, ông Định quyết định vào miền Nam làm thuê kiếm tiền về xây tiếp.

“Nhưng cuộc đời xô đẩy, nó quyết định ở luôn trong đấy. Nhà đất giao lại cho tôi trông coi”, ông Võ Ngọc Hùng kể và cho hay, ngôi nhà sau đó được ông cho người khác thuê lại. Đến năm 2017, lãnh đạo xã An Hòa gặp ông để vận động đổi thửa đất của ông Định sang vị trí khác nhằm mở rộng cảnh quan cho trường mầm non ngay phía sau. Cho rằng, việc đổi đất xuất phát từ mục đích tốt đẹp, vì cộng đồng nên ông Hùng đồng ý ký vào biên bản.

“Họ đề nghị tôi phá dỡ nhà, rồi sẽ cấp cho Định thửa đất ở vị trí khác tương tự. Tôi cũng sơ suất là không điện thoại báo cho Định một tiếng. Càng sơ suất hơn là tin lời lãnh đạo xã. Khi nhà phá xong rồi, chờ mãi họ cũng không cấp thửa đất khác cho em mình. Cứ hứa hết lần này đến lần khác. Trong khi, biên bản thì đã thống nhất rõ ràng rồi. Tôi không ngờ là mình bị lừa”, ông Hùng bức xúc nói.

Trong khi đó, về phía ông Định, ông kể rằng, trong những năm ở miền Nam, ông làm thuê đủ nghề nhưng cuộc sống cũng vất vả. Vì bận mưu sinh, đến nay dù đã tuổi 55 nhưng ông vẫn chưa có vợ. “Tôi không được may mắn như nhiều người khác. Từ nhỏ không được hưởng niềm vui gia đình với bố mẹ, lớn lên lại không có vợ con. Bây giờ, tuổi thì đã già, được cái nhà thì cũng đã mất, nên hy vọng lập gia đình cũng không còn”, ông Định ngậm ngùi.

Thửa đất của ông Định đã bị thu hồi để mở rộng cảnh quan cho trường mầm non.
Thửa đất của ông Định đã bị thu hồi để mở rộng cảnh quan cho trường mầm non. Ảnh: Tiến Hùng

Trách nhiệm thuộc về ai?

Trao đổi về vụ việc này, ông Nguyễn Văn Dinh - Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu cho biết, UBND huyện cũng vừa có văn bản đôn đốc UBND xã An Hòa xác minh nguồn gốc đất một lần nữa rồi đưa ra kết luận. “Huyện đã có rất nhiều văn bản đôn đốc. Hiện tại, đang yêu cầu xã An Hòa phải rà soát lại nguồn gốc đất, kết luận và báo cáo lên UBND huyện trước ngày 20/10/2024. Sau thời hạn này, nếu UBND xã không có báo cáo, hoặc không làm được thì UBND huyện sẽ thành lập đoàn. Lúc này, sẽ xem xét luôn trách nhiệm của UBND xã. Vụ việc này, xã cũng lúng túng, lâu nay cứ đùn đẩy lên cho huyện”, ông Dinh nói.

Theo ông Dinh, trước đây UBND xã An Hòa báo cáo, thửa đất của ông Định đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hợp pháp. Tuy nhiên, gần đây quá trình rà soát của huyện cho thấy, thửa đất này “có vấn đề pháp lý không chuẩn chỉnh”. Đó là trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, phát hiện phần diện tích thửa đất do cán bộ địa chính xã An Hòa tự ghi vào.

“Ngày xưa quản lý bìa cũng khác, không như bây giờ. Bây giờ, giải phóng mặt bằng thì phải làm rất kỹ nguồn gốc đất. Nên chúng tôi đang giao cho xã xác minh lại và tự kết luận. Nếu là hợp pháp thì sẽ xử lý theo hướng bồi thường, giao đất tái định cư cho ông Định. Còn nếu là bất hợp pháp thì phải thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và xử lý hành chính vì hành vi lấn chiếm của ông Định và ông này cũng không có quyền lợi gì với thửa đất này”, ông Dinh nói.

4a0781c6-b369-4a56-a057-a594333e5a48.jpg
Phiếu thu tiền mà ông Định vẫn còn giữ. Ảnh: Tiến Hùng

Trong khi đó, ông Hồ Anh Dũng – Chủ tịch UBND xã An Hòa cho rằng, vụ việc này khó, nếu UBND huyện Quỳnh Lưu không hỗ trợ thì xã không làm được. “Vụ việc là do lỗi của lãnh đạo xã thời trước, tôi phải chịu trách nhiệm giải quyết. Nhưng khả năng là phải chờ đến tòa giải quyết thôi, vì vụ việc rất lằng nhằng”, ông Dũng nói và cho biết, năm 1996, ông đã làm cán bộ xã nên cũng biết chuyện ông Định mua thửa đất này của UBND xã 2 triệu đồng, cán bộ xã đã thu tiền và nộp vào ngân sách. Lãnh đạo xã sau đó đã trực tiếp chỉ đất cho ông Định dựng quán cắt tóc.

“Sự thật đúng là xã đã bán cho ông Định thửa đất đó. Nhưng thời điểm đó còn lỏng lẻo, nên hồ sơ bây giờ lưu lại có chút “chông chênh”, có sự khác nhau”, ông Dũng nói và cho rằng, quan điểm của xã là thừa nhận sai sót trong việc thu hồi đất năm 2017 của ông Định và mong muốn được bồi thường tái định cư cho người này. Tuy nhiên, xã lại không có thẩm quyền trong việc cấp đất.

Nói về việc lãnh đạo huyện Quỳnh Lưu cho rằng, thửa đất “có pháp lý không chuẩn chỉnh”, vì cán bộ địa chính xã An Hòa tự ghi thêm vào giấy chứng nhận quyền sử dụng đất phần diện tích đất ở 100m2, ông Trần Bá Định không đồng tình.

“Nếu vậy thì UBND huyện Quỳnh Lưu cần xác minh làm rõ trách nhiệm của cán bộ về việc ghi thêm. Bởi, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là do cơ quan nhà nước có thẩm quyền và người có đủ chức năng, nhiệm vụ thực hiện. Việc lập hồ sơ, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quản lý hồ sơ địa chính là trách nhiệm, nghĩa vụ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Ai là người ghi vào đó thì tôi không thể biết được. Tôi là người dân, chỉ biết thực hiện theo hướng dẫn của cơ quan nhà nước và nhận kết quả là giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ cơ quan nhà nước có thẩm quyền”, ông Định nói và cho biết, thông tin này không mới, vì từ tháng 4/2024, Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu đã có kết luận tương tự và giao UBND xã An Hòa tổ chức xác minh, kết luận rõ nguồn gốc sử dụng đất… Không hiểu sao, quá trình xác minh lại lâu đến như vậy.

“Tôi bỏ tiền mua đất của xã, có giấy tờ đầy đủ. Xã chỉ cho tôi thửa đất nào thì tôi ở thửa đất đó. Từ khi được cấp đất đến nay, gia đình tôi đã tiến hành xây dựng nhà ở, sinh sống ổn định trên thửa đất này và thực hiện nghĩa vụ nộp thuế sử dụng đất hằng năm”, ông Định nói thêm.

Sau nhiều tháng chờ đợi, mới đây nhất ngày 5/8/2024, ông Định tiếp tục có đơn khiếu nại gửi lên UBND huyện Quỳnh Lưu yêu cầu sớm giải quyết vụ việc. Trong công văn trả lời ông Định vào ngày 22/8/2024, UBND huyện Quỳnh Lưu cho biết, Chủ tịch UBND huyện đã giao Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường kiểm tra, giải quyết dứt điểm vụ việc; kết quả báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch UBND huyện và trả lời công dân trước ngày 15/9/2024. Tuy nhiên, đến nay đã gần 1 tháng quá thời hạn đưa ra, vụ việc vẫn chưa có kết quả xử lý. Trong khi đó, lãnh đạo UBND huyện lại cho rằng, trách nhiệm xử lý thuộc về UBND xã An Hòa?

Tiến Hùng