Thời sự

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Nghệ An đề xuất 6 giải pháp để thúc đẩy chuyển đổi số trong công tác Mặt trận cả nước

Thành Duy 17/10/2024 16:58

Đề cập đến “Chuyển đổi số trong công tác Mặt trận”, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Nghệ An Võ Thị Minh Sinh tin rằng, đây không chỉ là câu chuyện riêng của Nghệ An, mà còn là chìa khóa then chốt, là động lực quan trọng của Mặt trận cả nước.

bna_8b04a2041b84a2dafb95.jpg
Quang cảnh phiên thảo luận tại Trung tâm thảo luận số 3. Ảnh: Nam An

Chiều 17/10, Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024 - 2029 tiến hành thảo luận về dự thảo văn kiện trình Đại hội. Đoàn đại biểu tỉnh Nghệ An thảo luận tại Trung tâm thảo luận số 3.

Đồng chí Nguyễn Hữu Dũng - Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam điều hành.

Chuyển đổi số là chìa khóa then chốt, là động lực quan trọng

Phát biểu thảo luận, nhất trí cao với dự thảo Văn kiện trình Đại hội, đồng chí Võ Thị Minh Sinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Nghệ An phát biểu thảo luận với chủ đề: “Chuyển đổi số- “chìa khóa then chốt” nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Mặt trận, góp phần “đưa đất nước ta, dân tộc ta vươn mình vượt bậc trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên của tiên tiến, văn minh, hiện đại”.

bna_746c577beefb57a50eea.jpg
Đồng chí Võ Thị Minh Sinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Nghệ An phát biểu thảo luận. Ảnh: Nam An

Thông qua thảo luận, đồng chí Võ Thị Minh Sinh đã chia sẻ về hành trình “Chuyển đổi số trong công tác Mặt trận” tại Nghệ An; qua đó, đề xuất những nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện thành công 10 chỉ tiêu cụ thể của nhiệm kỳ 2024-2029; trong đó, đặc biệt quan tâm đến chỉ tiêu số 10 “phấn đấu đến cuối nhiệm kỳ, ít nhất 95% Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động”.

“Bài viết quan trọng của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhân dịp kỷ niệm 79 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9 đã chỉ rõ, chuyển đổi số không chỉ là xu thế tất yếu, mà còn là "cuộc cách mạng" để đưa đất nước phát triển vượt bậc. Với vai trò là “cầu nối” giữa Đảng, Nhà nước và Nhân dân, Mặt trận Tổ quốc càng thấy rõ sứ mệnh tiên phong của mình trong công cuộc chuyển đổi số”, đồng chí phát biểu.

Tại Nghệ An nhận thức rõ, chuyển đổi số là giải pháp tất yếu, để đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Mặt trận, khắc phục tình trạng hành chính hóa, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh đã bắt đầu hành trình này với tâm thế tiên phong, quyết tâm đưa Mặt trận đến gần hơn với Nhân dân, với phương châm “Hướng mạnh về cơ sở, lắng nghe tiếng dân, hành động vì dân” và lấy Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị làm kim chỉ nam, với mục tiêu đến năm 2025 "Cơ bản hoàn thành chuyển đổi số".

bna_c76495642ce495baccf5.jpg
Quang cảnh phiên thảo luận tại Trung tâm thảo luận số 3. Ảnh: Nam An

Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Mặt trận Tổ quốc tỉnh đã chủ động triển khai chuyển đổi số với lộ trình bài bản, giải pháp sáng tạo, phù hợp thực tiễn; đồng thời, ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược với VNPT Nghệ An, tập trung vào 9 nhóm giải pháp chính, từ việc hoàn thiện hệ thống thông tin điện tử, ứng dụng công nghệ vào quản lý, điều hành, đến việc xây dựng các nền tảng tương tác trực tuyến với người dân.

Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc tỉnh đã ban hành Nghị quyết về chuyển đổi số, xác định đây là "nhiệm vụ chính trị trọng tâm, xuyên suốt, toàn diện và mang tính đột phá chiến lược", hướng tới mục tiêu "Đổi mới tổng thể và toàn diện các hoạt động của Mặt trận trên địa bàn tỉnh dựa trên nền tảng công nghệ số".

Việc xây dựng Chương trình hành động, Kế hoạch Chuyển đổi số, thành lập Ban Chỉ đạo, Tổ giúp việc để triển khai đồng bộ và cụ thể hóa Nghị quyết số 09-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về chuyển đổi số, cùng với sự hỗ trợ từ Nghị quyết số 04-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, đã tạo ra động lực mạnh mẽ, khẳng định quyết tâm chính trị cao trong việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của Mặt trận.

fb-cac-ubmt-2.png
Các trang Facebook của MTTQ các cấp tỉnh Nghệ An.

Trên hành trình chuyển đổi số đầy thách thức nhưng cũng không kém phần hứng khởi, Mặt trận Tổ quốc Nghệ An đã đạt được những kết quả bước đầu đáng khích lệ trong ứng dụng công nghệ với 6 nhóm nội dung:

Hệ thống quản lý văn bản, chữ ký số, đã giúp công việc trở nên nhanh chóng, thuận tiện, tiết kiệm chi phí và thời gian, để giúp cán bộ dành nhiều thời gian hơn xuống cơ sở.

Hội nghị truyền hình trực tuyến, đã xóa nhòa khoảng cách địa lý, tạo điều kiện cho việc trao đổi, chia sẻ thông tin.

Các phần mềm quản lý chuyên môn, đã hỗ trợ nâng cao hiệu quả quản lý trong công tác an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới, lấy ý kiến hài lòng của người dân, quản lý các loại quỹ; đặc biệt là phần mềm báo cáo định kỳ, giúp công tác báo cáo nhanh chóng, chính xác, thống nhất, đồng bộ, hạn chế sai sót.

Số hóa cơ sở dữ liệu, đã tạo thuận lợi cho công tác tổng hợp, phân tích, đánh giá chất lượng các hoạt động.

Việc thí điểm xây dựng hệ thống quản lý phản ánh, tương tác với người dân, đã tạo môi trường thuận lợi để Mặt trận lắng nghe, tiếp thu ý kiến của các tầng lớp Nhân dân, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ và hiệu quả công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Mở rộng kênh thông tin, tuyên truyền trên các trang mạng xã hội: Đã được thiết lập và vận hành hiệu quả, giúp tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, tạo môi trường tương tác hai chiều với người dân.

Với quyết tâm chuyển đổi số, nhiệm kỳ 2019 – 2024, Mặt trận Tổ quốc Nghệ An đã đạt được những thành tựu nhất định: Xây dựng hình ảnh người cán bộ Mặt trận trong lòng dân, với bộ nhận diện hình ảnh thống nhất, chuyên nghiệp, từ tài liệu đến đồng phục, tạo nên dấu ấn riêng biệt và lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng.

Truyền thông số hiệu quả với 4.784 trang cộng đồng, riêng Fanpage "Mặt trận Nghệ An" có hơn 291,4 ngàn người thích và theo dõi, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ của Mặt trận trên không gian mạng.

facebook-cua-mttq-cac-cap-ve-ho-tro-xay-nha-cho-nguoi-ngheo.png
Facebook của Mặt trận các cấp tỉnh Nghệ An thường xuyên cập nhật thông tin về xây dựng nhà ở cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn.

Kết quả vận động nguồn lực xã hội đạt gần 5.625,5 tỷ đồng (bằng 3 nhiệm kỳ trước); có 13.385 hộ được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở (đạt 267,7% so với chỉ tiêu nhiệm kỳ), được đánh giá là “Nhiệm kỳ của an cư, lạc nghiệp”.

Kết nối cộng đồng thiện nguyện trong tỉnh với 182 nhóm và 78 ngàn thành viên, góp phần lan tỏa tinh thần tương thân, tương ái, với tổng giá trị thiện nguyện trên 430 tỷ đồng.

Góp phần tích cực trong phong trào xây dựng nông thôn mới, đến nay, toàn tỉnh có 319/411 xã đạt chuẩn nông thôn mới; góp phần cùng cả nước chiến thắng đại dịch COVID-19: Mặt trận đã vận động được hơn 308 tỷ đồng, hàng hóa phục vụ công tác phòng, chống dịch.

“Có thể nói, đây chính là những con số của lòng dân, là minh chứng sống động về sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, về niềm tin của Nhân dân đối với Mặt trận Tổ quốc; là tiền đề từng bước xây dựng hình ảnh người cán bộ Mặt trận trong kỷ nguyên số - năng động, sáng tạo, sẵn sàng thích ứng với thời đại công nghệ, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới”, đồng chí Võ Thị Minh Sinh khẳng định.

bna_8696c1977817c1499806.jpg
Các đại biểu đoàn Nghệ An tại phiên thảo luận ở Trung tâm thảo luận số 3. Ảnh: Nam An

Tuy nhiên, theo Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Nghệ An, bên cạnh những thành tựu, quá trình chuyển đổi số có những khó khăn, thách thức đến từ 5 nhóm chính liên quan đến thay đổi tư duy và nhận thức từ cách làm việc truyền thống sang môi trường số, đặc biệt là cán bộ ở cơ sở; trở ngại do thiếu hụt nguồn lực, đặc biệt là ở các địa phương khó khăn, vùng sâu, vùng xa; thách thức về đảm bảo an toàn thông tin trong môi trường số, nguy cơ mất an toàn thông tin, bảo vệ dữ liệu cá nhân, thông tin nhạy cảm là một thách thức lớn.

Bên cạnh đó, quá trình chuyển đổi số cũng đối mặt với thách thức về nâng cao năng lực số cho cán bộ, Nhân dân để có thể thực hiện công việc hiệu quả trong môi trường số; cũng như sự đa dạng nhu cầu của người dân. Bởi đối tượng tác động của Mặt trận là toàn thể Nhân dân, với sự đa dạng về trình độ, điều kiện tiếp cận công nghệ; do đó, để chuyển đổi số mang lại lợi ích thiết thực cho mọi người dân, không để ai bị bỏ lại phía sau, là một bài toán khó.

Screen Shot 2024-10-17 at 16.23.29
Chuyển đổi số trong Mặt trận các cấp ở Nghệ An đã đóng góp tích cực để tập hợp, xây dựng, vun đắp khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong kỷ nguyên số.

Từ kết quả đạt được, cũng như nhận diện các khó khăn, thách thức trong chuyển đổi số tại Mặt trận Tổ quốc tỉnh Nghệ An, đại biểu Võ Thị Minh Sinh chia sẻ 5 bài học được đúc kết trong hành trình chuyển đổi số đầy thử thách nhưng cũng không kém phần hứng khởi tại Mặt trận tỉnh Nghệ An.

Đó là sự lãnh đạo toàn diện, kịp thời của Đảng là then chốt, đặc biệt là vai trò của người đứng đầu. Thay đổi nhận thức là bước khởi đầu, từ đó tạo sự đồng thuận và quyết tâm cao trong triển khai; đồng thời, khai thác lợi thế của truyền thông số để lan tỏa nhận thức này.

Quyết tâm chính trị là động lực, đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của cả hệ thống và sự tham gia tích cực của Nhân dân. Lộ trình bài bản, giải pháp phù hợp, từ khảo sát, đánh giá thực trạng, phân tích cơ hội và thách thức để xây dựng chiến lược, đồng thời, chú trọng nâng cao năng lực cán bộ.

Phối hợp, hiệp thương chặt chẽ, huy động sức mạnh tổng hợp của các cấp, các ngành, các tổ chức thành viên và cộng đồng, đồng thời, phát huy vai trò của các chuyên gia, tổ chức tư vấn trong quá trình chuyển đổi số.

6 đề xuất để thúc đẩy chuyển đổi số trong công tác Mặt trận

Từ thực tiễn của Nghệ An, đồng chí Võ Thị Minh Sinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Nghệ An kiến nghị và đề xuất 6 nội dung nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm với Đại hội.

bna_468f69828005395b6014(1).jpg
Đồng chí Thái Thanh Quý - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh chụp ảnh lưu niệm với Đoàn đại biểu tỉnh Nghệ An dự Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024 - 2029. Ảnh: Nam An

Trước hết là đề nghị Mặt trận Trung ương sớm ban hành Đề án chuyển đổi số trong công tác Mặt trận trên phạm vi toàn quốc, đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ và hiệu quả, làm cơ sở cho các địa phương triển khai thực hiện.

“Đề nghị Chính phủ quan tâm đầu tư xây dựng hệ sinh thái số cho Mặt trận”, đại biểu Võ Thị Minh Sinh nói và thêm rằng: “Cần xây dựng và phát triển các nền tảng, ứng dụng số chuyên biệt, dùng chung cho toàn hệ thống Mặt trận, đảm bảo tính kết nối, đồng bộ và hiệu quả; nhất là ứng dụng di động Mặt trận Tổ quốc”.

bna_ccc85099a21e1b40420f.jpg
Đoàn đại biểu tỉnh Nghệ An dự Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024 - 2029 trao đổi bên lề Đại hội sáng 17/10. Ảnh: Nam An

Cũng theo Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Nghệ An, cần nâng cao năng lực số cho cán bộ Mặt trận và Nhân dân, tăng cường công tác đào tạo, tập huấn, nâng cao nhận thức, kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cho mọi người, đặc biệt là người dân ở vùng sâu, vùng xa.

Gắn với đó là tăng cường tận dụng sức mạnh của Đề án 06, khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, định danh và xác thực điện tử để nâng cao hiệu quả công tác quản lý, điều hành, giám sát, phản biện xã hội và tương tác với Nhân dân.

Đồng thời phát huy vai trò Tổ công nghệ số cộng đồng tham gia vào các hoạt động của Mặt trận, hỗ trợ người dân tiếp cận, sử dụng công nghệ thông tin, góp phần xây dựng xã hội số, công dân số.

Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Nghệ An cũng đề nghị nghiên cứu xây dựng hình ảnh người cán bộ Mặt trận trong kỷ nguyên số, gắn với hình mẫu "Công dân số" trong hệ thống Mặt trận, với sự nhiệt huyết, tận tụy, gần dân, hiểu dân, sẵn sàng phục vụ Nhân dân trong kỷ nguyên số; sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, có khả năng hội nhập và ứng dụng hiệu quả thành tựu công nghệ 4.0; luôn tiên phong trong việc trở thành những "Công dân số" gương mẫu, có đủ năng lực số, kỹ năng số và ý thức, trách nhiệm trong môi trường số.

bna_d1dc690f198fa0d1f99e.jpg
Đại biểu đoàn Nghệ An bên lề phiên thảo luận chiều 17/10. Ảnh: Nam An

“Nghệ An quê Bác đã sẵn sàng bước tiếp trên hành trình ấy, cùng với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cả nước, hướng về một tương lai tươi sáng, nơi công nghệ số thực sự là động lực quan trọng đưa đất nước ta vươn mình vượt bậc”, đại biểu Võ Thị Minh Sinh khẳng định và bày tỏ tin tưởng với việc ban hành Đề án chuyển đổi số trong công tác Mặt trận, sự chung sức, đồng lòng và quyết tâm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, nhiệm kỳ tới sẽ là bước ngoặt lịch sử quan trọng, đưa công tác Mặt trận lên một tầm cao mới trong kỷ nguyên số, đánh dấu sự chuyển mình mạnh mẽ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam”.

Chúng ta hãy cùng nhau biến khát vọng chuyển đổi số thành hiện thực, chuyển từ trạng thái "hành chính" sang "hành động", từ “truyền thống” sang “hiện đại”, để Mặt trận Tổ quốc trở thành "cầu nối" số vững chắc, tin cậy, gắn kết mối quan hệ máu thịt giữa Đảng, Nhà nước và Nhân dân. Hãy để công nghệ số trở thành công cụ đắc lực, giúp chúng ta lắng nghe tiếng dân, thấu hiểu lòng dân, hành động vì dân, xây dựng Mặt trận Tổ quốc lớn mạnh không ngừng, thực sự là "Mái nhà chung" của các tầng lớp Nhân dân.

Đồng chí Võ Thị Minh Sinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Nghệ An

Thành Duy