Xã hội

Hành trình tìm di ảnh đồng đội của một cựu binh xứ Nghệ

Công Kiên 21/10/2024 11:08

Day dứt vì đồng đội là liệt sĩ Nguyễn Xuân Thư hy sinh không có di ảnh đặt lên bàn thờ, cựu chiến binh Dương Xuân Quang đã không quản ngại đường sá xa xôi, nhiều lần tìm vào chiến trường xưa, tìm gặp đồng đội cũ để tìm di ảnh liệt sĩ Thư.

Nghĩa tình đồng đội

Từ khi cựu binh Dương Xuân Quang tìm được di ảnh liệt sĩ Nguyễn Xuân Thư, ông Nguyễn Tiến Hùng (em trai liệt sĩ Thư) và người thân trong gia đình phần nào nguôi ngoai nỗi đau. Bởi tính từ lúc hy sinh (năm 1973), phải đến 35 năm sau gia đình mới có di ảnh đặt lên bàn thờ.

Anh Thư hy sinh không tìm được hài cốt, cũng không có bức ảnh thờ. Rất may, anh Dương Xuân Quang là đồng đội của anh Thư đã mấy lần cất công vào chiến trường xưa, tìm được di ảnh về trao cho gia đình. Nếu không có anh Quang cùng tình đồng đội sâu nặng thì gia đình chúng tôi không có di ảnh để thờ, thế hệ con cháu sẽ không được trông thấy anh Thư, dù là trong ảnh".

Ông Nguyễn Tiến Hùng

bna_1.jpg
Ông Dương Xuân Quang bên những kỷ vật chiến trường. Ảnh: Công Kiên

Với mong muốn được tỏ tường về hành trình tìm di ảnh liệt sĩ Nguyễn Xuân Thư, chúng tôi về khối Hà Long, thị trấn Nam Đàn (huyện Nam Đàn) gặp cựu binh Dương Xuân Quang. Xấp xỉ tuổi 80, ông Quang vẫn còn mạnh khỏe và minh mẫn, nhớ rõ từng chi tiết. Ông chia sẻ: “Hành trình tìm di ảnh anh Nguyễn Xuân Thư kéo dài suốt 4 năm, trải qua 3 cuộc “Nam tiến”, cuối cùng tìm được nhờ một đồng đội đang lưu giữ. Để hiểu rõ ngọn nguồn câu chuyện, phải ngược dòng thời gian…”.

Theo lời cựu binh Dương Xuân Quang, năm 1970, khi cuộc chiến tranh chống Mỹ chuyển sang bước ngoặt mới, ông đăng ký nhập ngũ. Sau huấn luyện, ông cùng đồng đội hành quân ròng rã suốt 8 tháng, vượt dãy Trường Sơn, vào tận chiến trường Cà Mau, được bổ sung vào Tiểu đoàn 9 bộ binh, Trung đoàn 10. Sau ngày giải phóng miền Nam (1975), ông Quang theo bước chân Trung đoàn 10 sang chiến đấu tại chiến trường Campuchia; đến năm 1988 ông về hưu với quân hàm Đại úy.

bna_2.jpg
Trong thời gian quân ngũ, ông Dương Xuân Quang lập được nhiều chiến công, được Nhà nước ghi nhận. Ảnh: Công Kiên

Trở về với cuộc sống đời thường, cựu chiến binh Dương Xuân Quang miệt mài với công việc lao động, sản xuất và kinh doanh, cùng vợ nuôi các con khôn lớn, trưởng thành. Những lúc rảnh rỗi, ông thường dành thời gian đến chơi, thăm gia đình đồng đội, nhất là những đồng đội đã hy sinh. Cách đây 20 năm (2004), ông Quang ngược lên xã Thanh Lĩnh (Thanh Chương) thăm gia đình liệt sĩ Nguyễn Xuân Thư, một người anh, người cán bộ trung đoàn mà ông có thời gắn bó sâu nặng.

Ông Quang kể lại: “Khi tôi mới được bổ sung vào Tiểu đoàn 9, anh Nguyễn Xuân Thư, còn gọi là Hai Thư, là Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 7 Đặc công. Tuy ở hai tiểu đoàn khác nhau nhưng cùng đội hình chiến đấu, trong nhiều trận đánh phối hợp tôi có dịp gặp anh, tình đồng đội, đồng hương khiến chúng tôi ngày càng thêm gắn bó. Hồi đó, anh Thư nổi tiếng là một sĩ quan chỉ huy giỏi, có nhiều trận thắng vang dội. Cuối tháng 6/1972, anh Thư được phong quân hàm Thiếu tá, giữ chức Trung đoàn phó”.

bna_3.jpg
Ông Dương Xuân Quang và bức ảnh thời ở chiến trường. Ảnh: Công Kiên

Đêm 26 rạng ngày 27/1/1973, Thiếu tá, Trung đoàn phó Nguyễn Xuân Thư cùng Tiểu đoàn 7 được lệnh tiến công địch ở chi khu Long Mỹ (nay thuộc tỉnh Hậu Giang). Trận đánh diễn ra ác liệt, địch sử dụng các loại pháo và máy bay F105 liên tục dội bom xuống trận địa của ta. Một quả bom đã rơi trúng vị trí chỉ huy, Thiếu tá Nguyễn Xuân Thư hy sinh anh dũng. Suốt mấy ngày sau đơn vị lần tìm thi thể Trung đoàn phó nhưng không thấy, sau năm 1975 nhiều đồng đội trở lại tìm kiếm nhưng vẫn không có kết quả…

Hành trình tìm di ảnh

Cuộc viếng thăm gia đình liệt sĩ Nguyễn Xuân Thư vào năm 2004 khiến cựu chiến binh Dương Xuân Quang xúc động mạnh. Thời điểm ấy, gia đình liệt sĩ Thư vẫn chưa có tấm ảnh của liệt sĩ để đặt lên bàn thờ, người mẹ của liệt sĩ từng mong mỏi, đợi chờ thông tin về con, khóc đến cạn khô nước mắt.

Hài cốt của anh Thư đã không tìm thấy, nay tấm hình của anh để thờ cũng không có, mất mát và hy sinh quá lớn. Điều ấy đã thôi thúc tôi quyết tìm được di ảnh của anh đưa về cho gia đình”.

Ông Dương Xuân Quang

bna_4.jpg
Bức ảnh tập thể Ban chỉ huy Trung đoàn 10 (có liệt sĩ Nguyễn Xuân Thư) ông Quang tìm thấy tại nhà ông Nguyễn Văn Hanh. Ảnh: NVCC

Từ đó, cựu binh Dương Xuân Quang bắt đầu hành trình tìm di ảnh của đồng đội - liệt sĩ Nguyễn Xuân Thư. Liên tục trong mấy năm, ông Quang cùng đồng đội trở lại chiến trường xưa tìm hài cốt và xác định danh tính liệt sĩ, đồng thời gắn thêm nhiệm vụ tìm di ảnh của liệt sĩ Thư. Có những lúc ông Quang nghĩ mình đang làm việc “mò kim đáy bể”, vì không biết bắt đầu từ đâu, tiếp cận theo hướng nào. Đầu tiên, ông tìm về Cà Mau, nơi trung đoàn từng đóng quân, hỏi thăm những gia đình năm xưa từng biết đến Hai Thư nhưng không ai lưu giữ ảnh. Sau đó, dò tìm một số đồng đội ở Cà Mau nhưng ai cũng bảo rằng những năm chiến tranh ác liệt, mấy ai được chụp ảnh.

bna_5.jpg
Gia đình tách ảnh liệt sĩ Nguyễn Xuân Thư để đặt lên bàn thờ. Ảnh: NVCC

Lần thứ hai, ông Dương Xuân Quang tìm đến huyện Trần Văn Thời (Cà Mau) hỏi thăm đồng đội nhưng cũng không có. Rồi ông cất công đến Kiên Giang, nơi Ban chỉ huy Trung đoàn 10 đang đóng quân nhưng cũng không tìm thấy ảnh liệt sĩ Nguyễn Xuân Thư.

Sau hai lần đi tìm không có kết quả, có lúc ông Quang thấy nản chí, định bỏ cuộc. Nhưng rồi, hình ảnh gia đình, người thân, nhất là mẹ già của liệt sĩ Thư đang nuôi hy vọng tìm thấy di ảnh của con lại thôi thúc ông tiếp tục hành trình. Lần thứ ba, ông Quang khăn gói lên đường vào Bộ Tư lệnh Quân khu 9, gặp lãnh đạo Cục Chính trị Quân khu để trình bày sự việc và được giới thiệu xuống Bảo tàng Quân khu để tìm, vì ở đây lưu giữ nhiều ảnh tư liệu. Tại đây, ông cùng cán bộ Bảo tàng lần tìm những bức ảnh giai đoạn 1970 - 1973, nhưng không ảnh nào có mặt liệt sĩ Thư.

bna_7.jpg
Hiện ông Dương Xuân Quang đang giữ bức ảnh liệt sĩ Nguyễn Tiến Kính (quê Hà Tĩnh) và tìm thân nhân để trao lại. Ảnh: Công Kiên

Buồn vô cùng, nhưng người cựu binh ấy không nản chí. Rời Bảo tàng Quân khu 9, ông Quang tìm gặp các đồng đội trong Ban liên lạc Trung đoàn 10, có người khuyên nên tìm đến ông Nguyễn Văn Hanh (Tám Hanh) may chăng sẽ có. Bởi giai đoạn 1972 - đầu 1973, ông Tám Hanh là Trưởng Ban Tuyên huấn Trung đoàn, còn liệt sĩ Thư là Trung đoàn phó. Lúc ấy, ông Tám Hanh có máy ảnh, thường chụp ảnh tư liệu hoạt động của Trung đoàn.

Hôm sau, ông Quang bắt xe ngược lên Thành phố Hồ Chí Minh, tìm đến nhà ông Tám Hanh, hai người đồng đội mừng vui khôn xiết sau mấy chục năm gặp lại. Khi nghe nhắc đến Hai Thư, ông Tám Hanh chợt lặng im, mắt ứa nước rồi nghẹn ngào kể về những kỷ niệm năm xưa. Khi biết mục đích cuộc viếng thăm của ông Quang là tìm di ảnh liệt sĩ Thư, ông Tám Hanh vào phòng bê chiếc hộp đựng kỷ vật và tư liệu của trung đoàn rồi cả hai cùng tìm. Lật từng bức ảnh tư liệu, ông Quang bỗng reo lên: “Anh Hai Thư đây rồi anh Tám ơi! Anh Hai Thư ơi, em tìm được anh rồi!”.

bna_6.jpg
Ông Dương Xuân Quang chăm sóc vườn hoa. Ảnh: Công Kiên

Ông Nguyễn Tiến Hùng - em trai liệt sĩ Thư chia sẻ: “Vào năm 2008, anh Quang cầm bức ảnh 10 đồng chí cùng đơn vị, trong đó có anh Hai Thư về quê trao cho gia đình, rồi gia đình rồi gia đình đã tách ảnh anh Thư làm ảnh thờ. Mẹ tôi ôm lấy bức ảnh òa khóc, tiếc là cha tôi đã mất nên không được nhìn tấm ảnh của anh Thư lần cuối”.

Ông Dương Xuân Quang cho biết thêm, mấy tháng trước ông đã tìm được con gái của liệt sĩ Nguyễn Xuân Vinh ở Hà Tĩnh để trao bức di ảnh. Liệt sĩ Vinh năm xưa ở cùng đơn vị, hy sinh trong trận chiến ác liệt với quân địch. Gần hai năm tìm kiếm, cuối cùng ông tìm được và trao cho con gái của liệt sĩ đang dạy học ở thành phố Hà Tĩnh. Hiện nay, ông còn giữ bức ảnh của liệt sĩ Nguyễn Tiến Kính (quê Hà Tĩnh), cùng đơn vị, hy sinh ở chiến trường miền Nam. Đã mấy lần ông vào Hà Tĩnh, nhờ người dò la thông tin thân nhân liệt sĩ Kính nhưng chưa tìm được...

Công Kiên