Xã hội

Bài 2: Những công trình thắm nghĩa quân dân

Thành Chung, Thành Cường, Hải Thượng 26/10/2024 15:47

Với tinh thần “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt”, những năm qua, cán bộ, chiến sĩ viên phòng đã cố gắng để kêu gọi và xây dựng nên những công trình dân sinh tiện ích giúp cho người dân các bản làng khu vực biên giới ngày càng phát triển.

Cove-bai2 - thay
Cove-bai2 - thay

Với tinh thần “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt”, những năm qua, cán bộ, chiến sĩ viên phòng đã cố gắng để kêu gọi và xây dựng nên những công trình dân sinh tiện ích giúp cho người dân các bản làng khu vực biên giới ngày càng phát triển.

Tổ thợ xây áo lính không đồng

Có mặt tại Trường Tiểu học xã Tam Quang cũ (huyện Tương Dương) vào những ngày đầu bước vào năm học 2024-2025, đã thấy không khí nhộn nhịp của một công trường. Những cán bộ, chiến sĩ bộ đội biên phòng “trong vai” người thợ lành nghề đang cần mẫn xây dựng, gò hàn, sơn sửa, khoan đào, lắp ghép... nên một ký túc xá mới dành cho học sinh.

Tam Quang 31
Tổ thợ xây áo lính 0 đồng thi công ký túc xá vùng biên tại xã Tam Quang. Ảnh: Thành Cường

Trung tá Nguyễn Thế Nam - cán bộ Đồn Biên phòng Tam Quang, tổ trưởng tổ thi công xây dựng ký túc xá cho hay: “Nhận nhiệm vụ từ Đảng ủy, Ban Chỉ huy Đồn thi công ký túc xá cho học sinh Trường THCS Tam Quang với các phần việc: xây 1 nhà bếp hai gian; 6 phòng tắm; lắp ghép 20 giường tầng, tủ, bàn; khoan và kéo đường nước sạch sinh hoạt dài 700m... "Tổ thợ xây áo lính không đồng” chúng tôi gồm 10 người quyết tâm hoàn thành tiến độ để kịp bàn giao cho nhà trường trước năm học mới, giúp các cháu có nơi ăn, chốn ở khang trang, sạch sẽ.

Trung tá Nguyễn Thế Nam - Cán bộ Đồn Biên phòng Tam Quang. Clip: Hải Thượng

Năm học 2024 - 2025, ký túc xá Trường Trung học cơ sở Tam Quang được huyện Tương Dương, xã Tam Quang, Đồn Biên phòng Tam Quang và Trường THCS Tam Quang thành lập trên cơ sở sửa chữa lại từ Trường Tiểu học xã Tam Quang cũ. Ký túc xá sẽ đón những em học sinh có hoàn cảnh khó khăn từ 2 bản biên giới Tân Hương và Tùng Hương. Năm học này sẽ có 40 em học sinh (14 nữ, 26 nam) được vào ở ký túc xá. Các em được hỗ trợ ăn, ở theo chế độ của Nhà nước; được các cán bộ, chiến sĩ và thầy, cô giáo bày dạy, duy trì sinh hoạt ở ký túc xá theo nề nếp quân đội.

Trung tá Bùi Quang Tuấn - Đồn trưởng Đồn Biên phòng Tam Quang cho biết: Bản Tùng Hương, Tân Hương cách trung tâm khoảng 15km đường đồi núi. Các em học sinh ở độ tuổi THCS gặp khó khăn trong việc đến trường. Vì vậy, Đồn đã họp bàn cùng Đảng ủy, UBND xã Tam Quang, Trường THCS Tam Quang và thống nhất xây dựng ký túc xá để hỗ trợ học sinh. Kinh phí xây dựng trên 300 triệu đồng, dựa trên nguồn đóng góp của các tổ chức, cá nhân thiện nguyện. Đồn đã cử “Tổ thợ xây áo lính không đồng” của Đồn trực tiếp thi công.

Mô hình Ký túc xá vùng biên của Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An. Clip: Hải Thượng

Được biết, ký túc xá Trường THCS Tam Quang chỉ là một trong rất nhiều công trình được “Tổ thợ xây áo lính không đồng” xây dựng miễn phí. Nhằm đẩy mạnh các hoạt động an sinh xã hội, Đồn Biên phòng Tam Quang đã thành lập “Tổ thợ xây áo lính không đồng” giúp người dân, địa phương củng cố, sửa sang, xây dựng lại nhà cửa xuống cấp, công trình dân sinh, nhà văn hoá, trường lớp.

Tam Quang 19

“Thời gian tới, Đồn Biên phòng Tam Quang sẽ tiếp tục kết nối, vận động nhà hảo tâm ủng hộ, hỗ trợ xây dựng các công trình dân sinh, nhà ở cho hộ nghèo; bố trí tổ thợ thi công miễn phí các công trình giúp địa phương phát triển kinh tế - xã hội”.

Trung tá Bùi Quang Tuấn - Đồn trưởng Đồn Biên phòng Tam Quang

Từ năm 2019 đến nay, “Tổ thợ xây áo lính không đồng” đã xây dựng 7 căn nhà cho các hộ nghèo, hộ hoàn cảnh khó khăn; xây dựng 300m đường giao thông nông thôn; 100m kênh mương; sửa chữa và củng cố nhiều điểm trường trên địa bàn. Tất cả các công trình đều được xây dựng đảm bảo chất lượng, tiến độ, thẩm mỹ và công năng sử dụng.

Tình quân dân mang niềm tin mới

Đến với xã Nhôn Mai vào những ngày mưa lũ tháng 9 -10 này mới thấy rõ giá trị đặc biệt của 2 cây cầu quân dân do Đồn Biên phòng Nhôn Mai kêu gọi và trực tiếp xây dựng. Dẫn chúng tôi đi trên chiếc cầu sắt hết sức vững chãi bắc qua khe Hỷ, anh Vi Văn Hùng - Trưởng bản Nhôn Mai (xã Nhôn Mai, huyện Tương Dương) không khỏi xúc động kể về một giai đoạn “bĩ cực”: Trước năm 2023, khi chưa có cầu sắt, 224 hộ dân với 1.003 nhân khẩu ở bản phải qua khe trên chiếc cầu tre, mét tạm bợ. Cứ vào mùa mưa lũ, nước suối dâng cao, cầu lại bị cuốn trôi. Người dân trong bản gặp nhiều khó khăn, nhất là các cháu học sinh. Bà con đã rất mong muốn có một cầu kiên cố để qua lại. Mơ ước của dân bản đã được các anh bộ đội Đồn Biên phòng Nhôn Mai thấu cảm và tìm cách hỗ trợ.

Nhôn Mai 18
Khi chưa có cầu, người dân xã Nhôn Mai phải lội qua khe Hỷ. Ảnh: Thành Cường

Năm 2023, chiếc cầu sắt vững chắc bắc qua khe Hỷ được khánh thành và đưa vào sử dụng. Cầu có chiều dài 56m, rộng 3,6m với tổng trị giá 650 triệu đồng. Đây là cây cầu do Đồn Biên phòng Nhôn Mai kết nối với các nhà thiện nguyện ở TP. Hồ Chí Minh tài trợ kinh phí, cùng với sự đóng góp ngày công của bộ đội biên phòng.

Anh Vi Văn Tuấn - bản Nhôn Mai, xã Nhôn Mai. Clip: Hải Thượng

Có cầu mới, bà con dân bản phấn khởi lắm. Anh Vi Tuấn Anh - người dân Bản Nhôn Mai chia sẻ: Có cầu mới vững chắc, bà con không còn phải lo lắng mùa mưa lũ nữa. Giao thương đi lại, vận chuyển hàng hoá và việc đến trường của con em trong bản đã thuận lợi hơn nhiều. Bà con dân bản gọi đây là cầu quân dân để biết ơn các anh Bộ đội Biên phòng.

Được biết, trong năm 2023, ngoài cầu quân dân khe Hỷ thì còn có thêm 01 cây cầu khác cũng được Đồn Biên phòng Nhôn Mai vận động các tổ chức, các nhà hảo tâm hỗ trợ xây dựng, đưa vào sử dụng. Đó là cầu dân sinh bản Phá Mựt (xã Nhôn Mai). Bản Phá Mựt có 67 hộ với 386 nhân khẩu. Tỷ lệ hộ nghèo ở bản chiếm tới 90%. Trước đó, người dân bản Phá Mựt hằng ngày đi về đều phải đi qua cầu tạm bắc qua suối, không đảm bảo an toàn. Cầu Phá Mựt mới đã được xây dựng có tải trọng 3,5 tấn, rộng 3m, có tổng trị giá 500 triệu đồng. Cầu mới đã mang lại sự tiện ích, an toàn cho người dân.

Và trong tháng 5/2024 vừa qua, Đồn Biên phòng Nhôn Mai cũng đã phối hợp với các tổ chức, nhà hảo tâm và chính quyền địa phương xã Mai Sơn, huyện Tương Dương tổ chức khánh thành đưa vào sử dụng cầu quân dân tại bản Chà Lò, xã Nhôn Mai. Cầu quân dân bắc qua khe bản Chà Lò có chiều dài 15m, chiều rộng 1,6 m, với tổng kinh phí 335 triệu đồng.

Nhôn Mai 16
Có cầu cứng, người dân Phà Mựt không bị cô lập mỗi khi mùa mưa đến. Ảnh: Thành Cường

Ông Lương Văn Thành - Phó Chủ tịch UBND xã Nhôn Mai cho biết: Các cây cầu quân dân đã góp phần đáng kể trong việc cải thiện hệ thống hạ tầng giao thông, tăng kết nối, phục vụ mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới; tạo điều kiện phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội cho các bản. Cầu đã mở ra cơ hội vươn lên và mang tới niềm vui cho bà con dân bản về một cuộc sống sung túc hơn, hạnh phúc hơn trên chính quê hương.

bna_8830.jpg

Các cây cầu quân dân đã góp phần đáng kể trong việc cải thiện hệ thống hạ tầng giao thông, tăng kết nối, phục vụ mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới,... Cầu đã mở ra cơ hội vươn lên và mang tới niềm vui cho bà con dân bản về một cuộc sống sung túc hơn, hạnh phúc hơn trên chính quê hương.

Ông Lương Văn Thành - Phó Chủ tịch UBND xã Nhôn Mai

Cũng theo ông Lương Văn Thành, những năm gần đây, Đồn Biên phòng Nhôn Mai còn kêu gọi các nhà hảo tâm, tổ chức thiện nguyện ủng hộ xây nhiều nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo; xây dựng các công trình nước sạch cho người dân và tặng quà cho học sinh, các hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn.

Nhôn Mai 9
Ngôi nhà của anh Vi Văn Tiến, bản Nhôn Mai, xã Nhôn Mai. Ảnh: Thành Cường

Trong 5 năm qua, Đồn Biên phòng Nhôn Mai đã kêu gọi nguồn xã hội hóa xây dựng được 25 nhà đại đoàn kết cho 25 hộ nghèo trên địa bàn xã Mai Sơn và Nhôn Mai. Ngôi nhà của anh Vi Văn Tiến, 39 tuổi, ở bản Nhôn Mai là một trong số đó.

Được sống trong ngôi nhà an toàn, anh Tiến chia sẻ: “Trước đây, gia đình tôi ở trong ngôi nhà tranh lụp xụp. Được đồn biên phòng kêu gọi ủng hộ 50 triệu đồng, cộng thêm với số tiền 40 triệu đồng vợ chồng tích góp được, gia đình đã có ngôi nhà khang trang. Việc xây dựng nhà do các anh bộ đội biên phòng đảm nhận và hoàn toàn miễn phí”.

Thượng tá Phan Thanh Hồng - Đồn trưởng Đồn Biên phòng Nhôn Mai. Clip: Hải Thượng

Thượng tá Phan Thanh Hồng cho biết: Hiện, Đồn đang khẩn trương xây dựng công trình “Nhà thiện nguyện Sao Xanh”. Sau khi khánh thành, ngôi nhà là nơi cấp nước sạch, khám chữa bệnh miễn phí cho nhân dân, điểm truy cập Internet miễn phí cho học sinh trên địa bàn, trưng bày và bán sản vật của địa phương. Cuối năm 2024 này, Đồn sẽ phối hợp cùng Hội Người cao tuổi xã Nhôn Mai xây dựng 1 vườn ươm các cây giống gỗ quý, cây ăn quả. Vườn ươm sẽ cung cấp miễn phí cây giống cho các đơn vị, gia đình trên địa bàn... Từ đó lan tỏa phong trào trồng cây, gây rừng, bảo vệ môi trường sinh thái của người dân.

Hướng về đồng bào biên giới, những năm qua, Biên phòng Nghệ An đã huy động sức mạnh, nguồn lực của tuyến sau để xây dựng nên nhiều công trình tiện ích giúp cho các bản làng phát triển. Trong thời gian tới, Bộ đội biên phòng Nghệ An sẽ tiếp tục nhân rộng, đẩy mạnh hoạt động này để tiếp tục đồng hành với cấp ủy, chính quyền địa phương nhằm giảm bớt khó khăn về vật chất, tinh thần cho đồng bào; từ đó tăng cường mối quan hệ đoàn kết giữa tuyến trước và tuyến sau ngày càng thêm khăng khít, gắn bó hơn.

Đại tá Trần Đăng Khoa - Phó Chính uỷ Bộ đội Biên phòng Nghệ An

Thành Chung, Thành Cường, Hải Thượng