Cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh

Cuộc đấu tranh của nhân dân các dân tộc thiểu số miền Tây Nghệ An trong phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh

Bảo tàng XVNT 27/10/2024 12:28

Khi phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh ở các huyện miền xuôi bị thực dân Pháp đàn áp khốc liệt, để duy trì và phát triển cơ sở Đảng, Xứ ủy Trung Kỳ, Tỉnh ủy Nghệ An chủ trương phát triển phong trào lên các huyện miền núi.

Xứ ủy, Tỉnh ủy Nghệ An đã chọn Con Cuông, một huyện miền núi ở phía Tây Nam Nghệ An, nơi có bề dày truyền thống văn hóa - lịch sử lâu đời, để gây dựng cơ sở cách mạng.

Tranh Xô viết Nghệ Tĩnh.

Sau khi ra đời, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo giai cấp công - nông đứng lên đấu tranh với quy mô toàn quốc và đạt đến đỉnh cao là cuộc đấu tranh của nhân dân Nghệ Tĩnh năm 1930-1931.

Mở đầu cho phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh là cuộc biểu tình của công nông Vinh - Bến Thủy nhân ngày Quốc tế Lao động 1/5/1930. Từ đấu tranh chính trị, quần chúng đã biểu tình với những vũ khí thô sơ. Ngày 1/8/1930, hàng trăm nhân dân ở Can Lộc, Hà Tĩnh đứng lên đấu tranh giành thắng lợi. Tiếp sau đó, thời kỳ đấu tranh có vũ trang được bắt đầu bằng cuộc biểu tình của hơn 3.000 nông dân Nam Đàn ngày 30/8/1930 buộc Tri huyện phải ký nhận vào bản yêu sách của nhân dân. Ngày 1/9/1930, tại Thanh Chương đã nổ ra cuộc biểu tình của trên 2 vạn nông dân trong 5 tổng. Ngày 7 đến ngày 8/9/1930, hàng ngàn nông dân các huyện Can Lộc, Thạch Hà, Cẩm Xuyên biểu tình, kéo về tỉnh lỵ Hà Tĩnh đấu tranh. Sáng 12/9/1930, khoảng 8.000 nông dân thuộc 3 tổng: Phù Long, Thông Lạng (huyện Hưng Nguyên) và Nam Kim (huyện Nam Đàn), đã giương cao cờ đỏ búa liềm đấu tranh. Hoảng sợ, thực dân Pháp cho máy bay trút bom xuống đoàn biểu tình khiến 217 người chết, 125 người bị thương, hàng chục người bị bắt giam. Từ tháng 9 trở đi, phong trào đấu tranh của quần chúng chuyển biến vượt ra ngoài dự kiến của các cấp bộ Đảng. Những cuộc biểu tình với vũ khí thô sơ có sự hỗ trợ của đội tự vệ đỏ, nông dân nhiều huyện ở Nghệ Tĩnh dồn dập tấn công huyện đường. Sức mạnh đấu tranh của nhân dân Nghệ Tĩnh khiến cho bộ máy thống trị của địch hoàn toàn lung lay, rệu rã. Các Ban Chấp hành Nông hội đỏ (Xã bộ nông) đã đứng ra quản lý xã thôn. Khi chính quyền tự quản được thiết lập ở các làng xã cũng là thời điểm cao trào cách mạng 1930-1931 do Đảng ta tổ chức và phát động. Xô viết Nghệ Tĩnh đạt tới đỉnh cao và trở thành biểu tượng của cao trào đó.

Thực hiện chủ trương trên, các đồng chí lãnh đạo nòng cốt như Lê Xuân Đào, Lê Mạnh Duyệt, Nguyễn Hữu Bình đã lên Đồng Khùa, làng Bàu, Môn Sơn bắt liên lạc với đồng chí Vi Văn Khang, một thanh niên người dân tộc Thái, có học thức ở địa phương để xây dựng cơ sở cách mạng, tạo nên bước chuyển biến quan trọng ở địa phương.

… Hai đồng chí đó thảo luận với tôi kế hoạch thành lập chi bộ ở Môn Sơn, sau đó tôi đã liên lạc với các đồng chí: Vi Văn Khang (Môn Sơn), Vi Văn Hanh (Môn Sơn), Nhân Lai (Thanh Chương). Ba đồng chí này và tôi lập được Ban Chấp hành chi bộ đầu tiên ở Môn Sơn (lấy tên là Chi bộ Môn Sơn) do đồng chí Bình và đồng chí Luật đứng ra công nhận. Sau đó, các đồng chí giao nhiệm vụ tổ chức cơ sở, kết quả làng Đồng Khùa được ba tổ với hơn chục người gồm các giới thanh niên, phụ nữ…[1]

Hồi ký của đồng chí Lê Mạnh Duyệt

Tháng 4/1931, Chi bộ Môn Sơn được thành lập tại nhà đồng chí Vi Văn Khang, do đồng chí Vi Văn Khang làm Bí thư. Thời gian này, nhà của gia đình đồng chí Vi Văn Khang vừa là nơi hội họp, sinh hoạt của chi bộ, vừa là nơi in ấn tài liệu, truyền đơn cách mạng và là cơ sở nuôi giấu cán bộ Xứ uỷ, Tỉnh uỷ về địa phương chỉ đạo phong trào.

Nhà của đồng chí Vi Văn Khang sau này đã được công nhận là Di tích lịch sử, văn hóa cấp Quốc gia theo Quyết định số 152/QĐ-BT ngày 25/1/1994 của Bộ Văn hóa - Thông tin và là địa chỉ đỏ góp phần giáo dục truyền thống yêu nước và cách mạng cho nhân dân.

10 vi văn khang
Đồng chí Vi Văn Khang (1900-1978) - Bí thư Chi bộ Môn Sơn tháng 4/1931.

Sau khi Chi bộ Đảng ra đời, với sự lãnh đạo và cố gắng hoạt động không ngừng nghỉ của đồng chí Vi Văn Khang và các đồng chí trong chi bộ, những tổ chức quần chúng như: Nông hội đỏ, Tự vệ đỏ, Phụ nữ đoàn… cũng lần lượt ra đời, thúc đẩy phong trào đấu tranh của nhân dân Con Cuông phát triển.

Dưới sự lãnh đạo của các đồng chí cán bộ Xứ uỷ Trung Kỳ và Chi bộ Môn Sơn, ngày 9/8/1931, hơn 300 quần chúng nhân dân các dân tộc Thái, Đan Lai, Lý Hà, Kinh đã tuần hành thị uy quanh xã theo lời hiệu triệu của Tỉnh uỷ Nghệ An “phải mau đoàn kết cho kiên cố, giới vô sản kịch liệt đấu tranh đạp đổ xã hội tư bản”.

Đồng chí Vi Văn Lâm và đồng chí Vi Văn Quý là người treo cờ đỏ búa liềm trên cây đa Cồn Chùa, dán khẩu hiệu, treo cờ ở Lục Dạ, Cửa Rào, Bến Chợ. Đây là lần đầu tiên cờ đỏ búa liềm của Đảng xuất hiện trong phong trào đấu tranh của nhân dân miền núi huyện Con Cuông.

Xuất phát từ làng Bãi Cánh đến cây đa Cồn Chùa (làng Môn), qua bản Hủa Nà (Lục Dạ), đoàn biểu tình vừa đi, vừa hô vang khẩu hiệu “chống sưu cao thuế nặng”, “chống ức hiếp quần chúng lao động”, kéo đến vây chặt nhà Ba Uôn, một chánh đoàn gian ác trong vùng. Hoảng sợ trước sự đấu tranh mạnh mẽ của nhân dân, người nhà Ba Uôn sợ hãi đưa 5 tạ lúa, tiền bạc nén nộp cho cách mạng. Đoàn biểu tình đã chia thóc cho nhân dân địa phương cứu đói và tiếp tế cho số đồng bào Phúc Sơn (Anh Sơn) đang lánh nạn trong rừng.

Trước sức mạnh đấu tranh của nhân dân các dân tộc thiểu số của Con Cuông, bọn thổ ty và hào trưởng các thôn, bản đều phải bỏ chạy, hoặc nằm im. Chi bộ Đảng và Nông hội đỏ đã tự điều hành các hoạt động của thôn, bản và đấu tranh bảo vệ đất mương, đất trại. Cuộc đấu tranh của nhân dân Mường Quạ nói chung và Môn Sơn nói riêng dưới sự lãnh đạo của Chi bộ Đảng bước đầu giành được thắng lợi.

22-2.jpg
Cây đa Cồn Chùa, nơi treo cờ búa liềm tập trung nhân dân Môn Sơn đấu tranh tháng 8/1931.

Đầu năm 1932, thực dân Pháp và tay sai đã cho lính về đàn áp phong trào đấu tranh cũng như tăng cường bắt bớ, giam cầm và bắn giết các đảng viên của Chi bộ Môn Sơn. Đồng chí Vi Văn Khang, Trần Ngân, Vi Văn Hanh bị địch bắt, giam ở nhà lao phủ lỵ Tương Dương. Trong lao tù đế quốc, các đồng chí đảng viên và quần chúng yêu nước của quê hương Con Cuông vẫn nêu cao khí tiết cách mạng, không khuất phục trước những đòn roi tra tấn của kẻ thù.

Đã 94 năm trôi qua, Môn Sơn vẫn mãi là điểm sáng đấu tranh của nhân dân các dân tộc thiểu số miền Tây Nghệ An trong phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh 1930-1931. Mặc dù ra đời sau các chi bộ như Thọ Lộc – Cự Lâm ở Nghĩa Đàn (cuối năm 1930) nhưng Chi bộ Môn Sơn ở Con Cuông là tổ chức Đảng của các đồng chí thuộc dân tộc thiểu số và chính đồng chí Bí thư Chi bộ Vi Văn Khang cũng là người dân tộc Thái. Chi bộ Môn Sơn ra đời đã nhóm lên ngọn lửa cách mạng trong đồng bào các dân tộc thiểu số. Từ đây, phong trào cách mạng ở miền núi miền Tây Nghệ An đã cùng hòa nhịp vào làn sóng đấu tranh ở miền xuôi.

Ngay từ khi mới thành lập, chi bộ đã kêu gọi đồng bào các dân tộc Thái, Thổ, Kinh… trong vùng gia nhập các tổ chức quần chúng cách mạng. Dưới sự lãnh đạo của chi bộ Đảng, gần như làng nào cũng đã thành lập được các tổ chức: Thanh niên Cộng sản Đoàn, Phụ nữ cứu quốc và Tự vệ đỏ. Riêng Môn Sơn đã có 5 tổ Nông hội đỏ. Mặc dù thời gian tồn tại của phong trào không dài, chính quyền Xô viết chưa hình thành rõ nét như ở miền xuôi nhưng hoạt động của các tổ Nông hội đỏ nhằm bảo vệ quyền lợi của nhân dân đã để lại dấu ấn không phai mờ trong lịch sử đấu tranh của tộc người thiểu số Môn Sơn - Lục Dạ.

bna.1cdn.vn-2019-05-09-_uploaded-dangcuongbna-2018_04_14-_bna_vivankhanganhminhhanh8342501_1442018.jpg
Di tích nhà cụ Vi Văn Khang. Ảnh tư liệu: BNA

Tháng 4 hàng năm, huyện Con Cuông và đồng bào các dân tộc Môn Sơn lại tổ chức lễ hội kỷ niệm thành lập Chi bộ Đảng Môn Sơn để tri ân những đóng góp của các đồng chí đảng viên tiền bối, cũng như góp phần giáo dục truyền thống lịch sử cho nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ.

Chú thích:

[1] Dưới ngọn cờ hồng, NXB. Nghệ An, 2019, tr.182

Bảo tàng XVNT