Kinh tế

Cộng đồng phát triển cây dược liệu dưới tán rừng tự nhiên ở Tương Dương - Bài 3: Chia sẻ lợi ích từ các mô hình

Hoài Thu 31/10/2024 09:40

Các mô hình trồng dược liệu dưới tán rừng mà người dân các xã Yên Hoà, Nga My của huyện Tương Dương được thụ hưởng không chỉ giúp đồng bào các dân tộc có thêm nguồn sinh kế, mà còn giúp nâng cao năng lực cộng đồng trong nhận thức và thực hành chia sẻ lợi ích từ hoạt động này.

Dự án “Hỗ trợ cộng đồng các xã vùng đệm phát triển cây dược liệu dưới tán rừng nhằm tăng thu nhập và bảo tồn da dạng sinh học ở Khu dự trữ sinh quyển thế giới Tây Nghệ An” do Trung tâm Môi trường và Tài nguyên Sinh học (CEBR) và các chuyên gia hỗ trợ kỹ thuật Trường Đại học Vinh thực hiện.

Dự án này do Chương trình tài trợ các dự án nhỏ (SGP) - Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) điều phối thực hiện trong khuôn khổ Dự án: “Lồng ghép quản lý tài nguyên thiên nhiên, các mục tiêu về bảo tồn đa dạng sinh học vào quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quản lý các khu dự trữ sinh quyển ở Việt Nam” (Dự án BR) do Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện và GEF tài trợ thông qua Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) tại Việt Nam.

na kho
Người dân bản Na Kho, xã Nga My, huyện Tương Dương được hỗ trợ trồng dược liệu dưới tán rừng. Ảnh: BĐH

Một trong các mục tiêu của Dự án này là hiện thực hoá cơ chế chia sẻ lợi ích. Đây là cơ chế dựa trên sự tiếp cận đa chiều đối với quản lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên, ghi nhận và hợp tác chặt chẽ giữa các đối tác trong các vai trò tương ứng để đạt được mục tiêu cuối cùng là bảo vệ môi trường, sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên, chia sẻ công bằng nguồn lợi và trách nhiệm liên quan đến các nguồn tài nguyên. Ở các xã Yên Hoà, Nga My (Tương Dương) đó là nguồn tài nguyên rừng, trong đó có các loài dược liệu quý.

Tại xã Nga My, những mô hình trồng cây dược liệu dưới tán rừng mà các hộ dân được thụ hưởng nằm trong vùng rừng được bảo vệ của Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống. Vì vậy, trong các cơ chế phối hợp, tài trợ được thoả thuận giữa các tổ chức tài trợ và chính quyền, người dân địa phương và các cơ quan, đơn vị liên quan đều thống nhất việc chia sẻ lợi ích giữa khai thác kinh tế, lợi ích từ trồng dược liệu dưới tán rừng gắn với bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường tự nhiên.

Thay vì người dân vào rừng khai thác tự nhiên, tận diệt nguồn cây quý, khi có dự án tài trợ, bà con chuyển hướng sang trồng, khai thác có chọn lựa và nắm được cách thức, phương pháp bảo tồn các loài cây gắn bảo vệ đa dạng sinh học của tài nguyên rừng.

Mô hình trồng cây khôi nhung tía ở bản Đình Yên xã Yên Hoà được Dự án hỗ trợ Ảnh BĐH
Mô hình trồng cây khôi nhung tía ở bản Đình Yên xã Yên Hoà được Dự án hỗ trợ Ảnh: BĐH

Thông qua các hoạt động hỗ trợ của Dự án đã giúp người dân bản địa nhận thấy và hưởng những lợi ích mà rừng mang lại. Ngoài môi trường trong lành, người dân còn được hưởng những lợi ích rừng có thể khai thác, vừa có giá trị kinh tế, lại vừa có thể đảm bảo chức năng cơ bản của rừng, mang lại cho người dân nguồn thu nhập thường xuyên hơn, không đòi hỏi đầu tư, hoặc đầu tư ít, ngắn ngày... Qua đó, người dân các vùng miền núi, vùng sâu dễ dàng có cơ hội phát triển và khai thác tốt các loại dược liệu dưới tán rừng, "lấy ngắn nuôi dài" khi họ đầu tư vào trồng rừng hoặc trồng cây lâu năm.

Theo thoả thuận giữa các bên triển khai Dự án, loại tài nguyên được chia sẻ là các loại tài nguyên có thể khai thác bền vững mà không làm tổn hại đến các chức năng của rừng mà Nhà nước đã quy định. Chỉ được khai thác các loại không nằm trong danh sách ưu tiên bảo tồn và ở khu vực không phải là rừng đặc dụng.

Khu vực được chia sẻ các tài nguyên gồm: Khu vực vùng đệm trong Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống: Các giá trị dịch vụ môi trường rừng từ thủy điện, nước sạch, du lịch… bao gồm cả giá trị hấp thu Carbon (trong Chương trình REDD+); nguồn nước và tôm cá trong suối (trừ các loài quý hiếm, đặc hữu cần bảo tồn); các loại lâm sản ngoài gỗ: mây, nứa, củi, cây thuốc, măng, mật ong..., chỉ được khai thác các loại không nằm trong danh sách ưu tiên bảo tồn.

Người dân Tương Dương khai thác củ bách bộ tự nhiên. Ảnh: Hoài Thu
Người dân Tương Dương khai thác củ bách bộ. Ảnh: Hoài Thu

Khu vực rừng đặc dụng không được khai thác các loại lâm sản. Trong đó, các giá trị dịch vụ môi trường rừng sẽ được khai thác bền vững ở cả rừng sản xuất, rừng phòng hộ và rừng đặc dụng. Các loại lâm sản ngoài gỗ, nguồn lợi thủy sản sẽ chỉ được khai thác bền vững ở các khu rừng sản xuất và rừng phòng hộ.

Phương thức khai thác trong cơ chế chia sẻ lợi ích của dự án là các biện pháp khai thác bền vững được tổ chức thực hiện theo các cộng đồng thôn bản dựa trên Quy chế quản lý rừng bền vững của cộng đồng, phải tuân thủ nghiêm các quy định trong Thỏa thuận này và dưới sự hướng dẫn của các cơ quan quản lý.

Mùa khai thác các lâm sản ngoài gỗ và tôm, cá trong suối sẽ nhằm vào thời gian phù hợp trong năm, hoặc mùa khai thác phù hợp của từng loại tài nguyên. Vào mùa khô hạn, dễ cháy rừng thì hạn chế tối đa các hoạt động khai thác nhằm giảm thiểu khả năng cháy rừng. Ví dụ như hạn chế khai thác nứa, quản lý nguồn lửa khi lấy mật ong,...

Ảnh màn hình 2024-10-30 lúc 16.38.22
Người dân các xã, bản ở huyện Tương Dương thụ hưởng các mô hình trồng dược liệu dưới tán rừng được hướng dẫn thực hiện cơ chế chia sẻ lợi ích. Ảnh: BĐH

Phương pháp khai thác khuyến cáo: Sử dụng và phát huy các phương pháp khai thác truyền thống và bền vững, được đúc rút từ nhiều đời. Dự án nghiêm cấm các phương pháp khai thác huỷ diệt và cạn kiệt, như sử dụng thuốc nổ, lá độc duốc cá, lưới rà đáy, chặt cây, rịt muối vào thân cây để lấy quả, bóc vỏ cây làm cây chết…

Đối tượng được khai thác: Những hộ gia đình trong các nhóm cộng đồng thôn, bản đã cam kết thực hiện Quy chế quản lý rừng bền vững của cộng đồng và Thỏa thuận thực hiện cơ chế chia sẻ lợi ích với các chủ rừng, tổ chức.

Hoài Thu