Bảo vệ nền tảng tư tưởng

Kiên quyết, kiên trì ngăn chặn truyền đạo trái phép - Bài I: Nhận diện đúng tình hình

Nhóm PV 31/10/2024 15:00

Nhiều đối tượng lợi dụng chính sách mở cửa, hội nhập của Việt Nam để hoạt động truyền đạo trái phép tại các địa phương. Các đối tượng rủ rê những nhóm người nhỏ lẻ tu tập với ý đồ từng bước mở rộng địa bàn hoạt động. Làm sao phát hiện và ngăn chặn kịp thời hoạt động truyền đạo trái phép, góp phần đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội?

nganchantadao-cover.png

Bài 1:

NHẬN DIỆN ĐÚNG TÌNH HÌNH

Nhóm PV • 31/10/2024

Nhiều đối tượng lợi dụng chính sách mở cửa, hội nhập của Việt Nam để hoạt động truyền đạo trái phép tại các địa phương. Các đối tượng rủ rê những nhóm người nhỏ lẻ tu tập với ý đồ từng bước mở rộng địa bàn hoạt động. Làm sao phát hiện và ngăn chặn kịp thời hoạt động truyền đạo trái phép, góp phần đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội?

NHỮNG CÁCH THỨC TRUYỀN ĐẠO TRÁI PHÉP

Qua nắm bắt của các lực lượng chức năng, thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Nghệ An có nhiều hoạt động truyền đạo, phát triển tổ chức tôn giáo trái phép. Lĩnh vực này chủ yếu liên quan đến đạo Tin lành, Hội thánh Đức Chúa Trời Mẹ, Pháp luân công (không được Nhà nước ta công nhận là một loại hình tôn giáo).

Cùng đó, các loại “đạo lạ” như “Pháp môn diệu âm”, “Năng lượng gốc Trống đồng”, “Nhất quán đạo”,… cũng hoạt động tu tập hoặc rủ rê người cả tin xuất cảnh tham gia các lớp đào tạo ở ngoài nước. Một số địa bàn dân cư xảy ra việc sinh hoạt tôn giáo không đúng quy định của pháp luật, tiềm ẩn phức tạp về an ninh trật tự.

Sự thâm nhập trái phép của một số tôn giáo đã làm ảnh hưởng đến tín ngưỡng, tôn giáo của người dân, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số. Nhiều sự vụ đã gây nên những xung đột trong mối quan hệ dân tộc - tôn giáo, ảnh hưởng đến khối đại đoàn kết dân tộc ở cơ sở.

687-202410302323151.jpg
Công an TP Vinh phát hiện, thu giữ nhiều tài liệu của một nhóm truyền đạo Hội thánh Đức Chúa Trời Mẹ trái phép. Ảnh tư liệu CANA

Từ năm 2020 đến tháng 4/2024, Công an Nghệ An phối hợp các lực lượng chức năng và nhân dân các địa phương phát hiện, đấu tranh, xử lý 83 vụ, 462 đối tượng có hành vi truyền đạo, phát triển đạo trái phép, thu giữ hơn 2.987 tài liệu và hàng trăm hiện vật trái phép liên quan. Trong đó, Đạo Tin lành 13 vụ, 141 đối tượng; Hội thánh Đức Chúa Trời Mẹ 16 vụ, 94 đối tượng; Tín ngưỡng, tâm linh liên quan Chủ tịch Hồ Chí Minh 6 vụ, 157 đối tượng; Pháp luân công 48 vụ, 70 đối tượng.

Nghệ An hiện có 2 tôn giáo chính là Công giáo, Phật giáo. Đạo Công giáo có gần 27 vạn giáo dân, sinh hoạt ở 11 giáo hạt, 91 giáo xứ, 346 giáo họ. Đạo Phật có khoảng hơn 3 vạn phật tử, sinh hoạt ở 43 chùa. Đạo Tin lành có khoảng 150 tín đồ thuộc nhiều hệ phái khác nhau nhưng chưa có điểm nhóm nào được cấp Đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung. Ngoài ra, còn có nhiều người tham gia Hội thánh Đức Chúa Trời Mẹ, Pháp luân công (không được Nhà nước ta công nhận là một loại hình tôn giáo), “Pháp môn diệu âm”, “Năng lượng gốc Trống đồng”, “Nhất quán đạo”...

Thay vì tổ chức các hoạt động truyền đạo một cách khuếch trương như trước, gần đây, các đối tượng truyền đạo trái phép trên địa bàn Nghệ An và một số tỉnh, thành đã hình thành từng nhóm ít người ở nhiều vùng đặc thù. Hình thức đó nhằm tránh sự phát hiện của các cấp, ngành và người dân các địa phương.

Nếu bị phát giác, các đối tượng truyền đạo trái phép “lấy cớ” là thăm thân, chuẩn bị cho lễ giải hạn, cầu may của một số gia đình… Cùng đó, một số tôn giáo còn tăng cường phát tán tài liệu truyền đạo trái phép, rủ rê, lôi kéo người dân qua các phần mềm chát Zalo, Messenger, Telegram, Shen Yun Zuo Pin…

687-202410302323152.gif
Lực lượng chức năng phát hiện các đối tượng tụ tập sinh hoạt Hội thánh Đức Chúa Trời Mẹ trái phép tại một căn hộ thuộc chung cư ở TP. Vinh. Ảnh: Tl

Lực lượng chức năng còn phát hiện có hiện tượng lợi dụng hoạt động từ thiện, nhân đạo để tiếp cận, truyền đạo trái phép khi hỗ trợ đồng bào bị thiên tai ở một số địa bàn miền núi. Cùng đó, nhiều đối tượng tăng cường “cài cắm” các vấn đề xã hội để truyền đạo trái phép.

Một số đối tượng ở nước ngoài sử dụng mạng xã hội để truyền đạo trái phép; tuyên truyền những tư tưởng đi ngược với đạo lý, pháp luật và hệ tư tưởng trong nước. Qua đó, chúng nhằm mục đích gây ra những “băn khoăn” trong nhân dân và từng bước “nhồi nhét” những nội dung truyền đạo trái phép, kích động xung đột tôn giáo, dân tộc.

Các hoạt động truyền đạo trái phép đã gây ảnh hưởng lớn đến tư tưởng của người dân ở một số vùng miền; gây ra những hoài nghi, “va chạm” giữa một số người dân (lâu nay vốn sống yên bình) với các cấp, ngành. Cùng đó, một số tổ chức nước ngoài lợi dụng vấn đề tôn giáo để thực hiện âm mưu “nội công, ngoại kích”, gây nguy hại đến an ninh trật tự, an toàn xã hội ở nước ta.

Thời gian gần đây, tổ chức “Ủy ban cứu trợ người vượt biển” (BPSOS) triệt để lợi dụng mạng xã hội để chống phá Việt Nam dưới chiêu trò “khảo sát tôn giáo”. Tổ chức tự xưng này do Phan Lạc Tiếp (SN 1933), nguyên là sĩ quan hải quân Việt Nam Cộng hòa và Nguyễn Hữu Xương, nguyên giáo sư Đại học San Diego, thành lập năm 1980, có trụ sở tại Sandiego, Carlifornia (Mỹ) với mục đích ban đầu giúp đỡ người Việt “tị nạn” tại Mỹ. Năm 1990, tổ chức này được chuyển giao cho Nguyễn Đình Thắng (SN 1958, tại TP Hồ Chí Minh, quốc tịch Mỹ), tiếp tục điều hành.

687-202410302323153.jpg
Đối tượng Nguyễn Đình Thắng. Ảnh: Báo CAND

Nguyễn Đình Thắng cùng các đối tượng thường xuyên thu thập thông tin liên quan đến lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo tại Việt Nam. Chúng tổ chức các hội thảo, diễn đàn thảo luận trên mạng xã hội với chủ đề “tự do tôn giáo tại Việt Nam”; thành lập cái gọi là “Đề án dân quyền Việt Nam”, đưa ra “Dự án khảo sát tôn giáo Việt Nam”, phục vụ mục đích chống phá chính quyền Việt Nam trên không gian mạng. Điển hình sự việc liên quan vụ khủng bố xảy ra ngày 11/6/2023 tại Đắk Lắk; một số chức sắc, tín đồ người Mông theo đạo Tin lành có quan điểm sai trái đã rêu rao, lên án chính quyền Việt Nam “đàn áp đạo Tin lành”...

SỰ TẬN TỤY ĐÁNG NGỜ CỦA CÁC MỤC SƯ

Theo Sách trắng "Tôn giáo và chính sách tôn giáo ở Việt Nam”, trên cả nước có 43 tổ chức thuộc 16 tôn giáo được Nhà nước công nhận và cấp đăng ký hoạt động, với trên 26,5 triệu tín đồ, chiếm 27% dân số cả nước; hơn 54 nghìn chức sắc, trên 135 nghìn chức việc và gần 30 nghìn cơ sở thờ tự. Các tôn giáo có đông tín đồ nhất là Phật giáo khoảng trên 14 triệu tín đồ, Công giáo khoảng 7 triệu tín đồ, Phật giáo Hòa Hảo khoảng 1,5 triệu tín đồ, Tin lành khoảng 1,21 triệu tín đồ; Cao Đài khoảng trên 1,1 triệu tín đồ...

Ở một số địa phương tại Nghệ An, đạo Tin lành đã từng hoạt động từ 1928, sau đó ly tán, rồi len lỏi nhen nhóm trở lại. Tổng Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Bắc) nhiều lần đề nghị chính quyền ở Nghệ An cho phục hồi tổ chức, xây dựng lại nhà thờ Tin lành ở thành phố Vinh, nhưng không đủ điều kiện để chính quyền giải quyết.

687-202410302323154.jpg
Lực lượng chức năng phát hiện và giải tán nhóm người nghe giảng đạo Tin lành trái phép năm 2020 ở phường Lê Lợi - TP Vinh. Ảnh tư liệu

Năm 1994, một số người Mông di cư sang nước Lào đã theo đạo Tin lành, trở về xã Huồi Tụ, huyện Kỳ Sơn hoạt động truyền đạo Tin lành trái phép; có thời điểm 48 hộ, 331 khẩu người Mông theo đạo Tin lành. Sau đó, do chính quyền và nhân dân vào cuộc tuyên truyền phòng chống truyền đạo, sinh hoạt tôn giáo trái phép, nên chỉ còn 3 hộ 21 khẩu tham gia.

Những năm sau đó, hoạt động đạo Tin lành thâm nhập trái phép vào vùng dân tộc Mông ở Nghệ An chủ yếu qua đài tiếng Mông ở nước ngoài, internet, cùng một vài trường hợp người Mông sang Lào thăm thân rồi về truyền đạo. Từ đó, xuất hiện thêm điểm truyền đạo Tin lành trái phép ở một số địa bàn miền núi, vùng biên.

Mặc dù chính quyền, các đoàn thể nhân dân vào cuộc phòng chống, nhưng những người truyền đạo Tin lành trái phép ở Nghệ An vẫn tìm cách hình thành những nhóm người nhỏ, phân tán địa bàn hoạt động… rủ rê, lôi kéo người dân “nhẹ dạ, cả tin” tham gia.

687-202410302323155.jpg
Một góc xã Huồi Tụ - huyện Kỳ Sơn – Nghệ An. Ảnh: Nguyên Nguyên

Quá trình truyền đạo trái phép, nhiều tu sĩ, mục sư Tin lành và một số tôn giáo khác ở phía Bắc đã tận tụy vào các địa bàn Nghệ An, đến vùng sâu, vùng xa để làm lễ… Họ thực hiện với việc tự chi phí tất cả các khoản và không nhận “bồi dưỡng” của những người mới theo đạo. Vậy họ lấy kinh phí từ đâu để hoạt động? Liệu có tổ chức nào phía sau cung cấp kinh phí cho các tu sĩ, mục sư hoạt động “miễn phí” như vậy?

Nhóm PV