Cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh

Diễn tiến cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh

Hoàng Bách (Thực hiện) 01/11/2024 12:34

Phong trào đấu tranh của công - nông 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh lan rộng từ thành thị đến nông thôn, từ miền xuôi lên miền núi, gây tổn thất nhất định cho chính quyền thực dân nửa phong kiến.

tranh-ve-cao-trao-xo-viet-nghe-tinh-cua-tac-gia-nguyen-duc-nung-1.jpg
Ngày 1/5/1930
bna_benthuyxua_sachnguyensuutam_201321054_592019-7f9c1f928aa1e3c4bb993d1f3a27f62b(1).jpg
Công nhân Nhà máy Diêm Bến Thủy - một trong những lực lượng đấu tranh chính trong phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh. Ảnh tư liệu

Trung ư­ơng Đảng chủ trư­ơng phát động phong trào đấu tranh kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động lần đầu tiên ở Việt Nam. Xứ ủy Trung Kỳ và các tỉnh Đảng bộ Nghệ An và Hà Tĩnh đã tích cực chuẩn bị thực hiện chủ trương đó từ giữa tháng 4/1930.

Ngày 1/5/1930, hơn 1.200 nông dân các làng Đức Hậu, Ân Hậu, Song Lộc (Nghi Lộc), Yên Dũng, Lộc Đa, Đức Thịnh (H­ưng Nguyên) kéo vào thành phố kết hợp với công nhân Vinh - Bến Thủy đòi thực dân Pháp thực hiện các yêu sách như: tăng lương, giảm s­ưu thuế, ngày làm việc 8 giờ, ủng hộ cuộc đấu tranh của công nhân Nhà máy Dệt Nam Định, ủng hộ Liên bang Xô viết...

Trước phong trào đấu tranh mạnh mẽ của lực lượng công - nông Nghệ An, thực dân Pháp đã tổ chức đàn áp, bắn vào đoàn biểu tình làm 7 người chết, 18 ngư­ời bị thương và bắt hơn 100 người.

Cùng ngày, ở xã Hạnh Lâm (Thanh Chương) nổ ra cuộc biểu tình của 3.000 nông dân các làng La Mạc, Hạnh Lâm, Đức Nhuận đấu tranh phá đồn điền Ký Viễn, tịch thu ruộng đất chia cho nông dân. Học sinh Trư­ờng Tiểu học Pháp - Việt Thanh Chương tổ chức mít tinh kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động, diễu hành qua huyện lỵ hô vang khẩu hiệu đấu tranh.

Ngày 1/8/1930
screenshot-2024-11-01-at-11.03.44(1).png
Cờ búa liềm của nhân dân Hà Tĩnh sử dụng trong các cuộc đấu tranh giai đoạn 1930-1931.

Tại Hà Tĩnh, Tỉnh ủy cũng đã phát động một phong trào đấu tranh rộng lớn trong toàn tỉnh:

Ngày 1/8/1930, hơn 500 nông dân Can Lộc biểu tình kéo vào huyện đường đưa yêu sách.

Nông dân các huyện Nghi Xuân, Hư­ơng Khê, Đức Thọ, Kỳ Anh tập trung mít tinh, tuần hành qua các làng.

Ngày 30/8/1930
2a. Nhân dân Nam Đàn 3.8
Tranh vẽ minh hoạ cuộc đấu tranh của nhân dân huyện Nam Đàn.

Hơn 3.000 nông dân huyện Nam Đàn kéo về huyện đường phá nhà giam, giải thoát tù nhân, thiêu hủy giấy tờ, sổ sách và bắt tên tri huyện Lê Khắc Tưởng ký nhận vào bản yêu sách của nhân dân.

Ngày 1/9/1930
2b. Nhân dân Thanh Chương đấu tranh 1.9.1930
Tranh vẽ tái hiện sự kiện nhân dân huyện Thanh Chương đấu tranh ngày 1/9/1930.

Phong trào đấu tranh trên 2 tỉnh dần dần được phát động và lan rộng. Đặc biệt, ngày 1/9/1930, trên 2 vạn nông dân 5 tổng (huyện Thanh Chương) biểu tình kéo về huyện lỵ, phá nhà giam giải phóng tù nhân và thiêu hủy toàn bộ huyện đường, sau đó, về các làng trừng trị bọn tổng lý phản động, làm chủ thôn, xã.

Cuộc biểu tình này được coi là mốc mở đầu đánh dấu sự ra đời của chính quyền Xô viết ở Nghệ Tĩnh. Tiếp sau đó, làn sóng biểu tình của quần chúng bao vây huyện đ­ường liên tiếp nổ ra. Phong trào công - nông Nghệ Tĩnh phát triển lên đỉnh cao.

Ngày 7, 8 tháng 9/1930
huyen-duong-cam-xuyen-ha-tinh-trong-cuoc-dau-tranh-ngay-7.9.1930(1).jpg
Tranh minh họa huyện đư­ờng Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) trong cuộc đấu tranh ngày 7/9/1930.

Trong các ngày 7, 8 tháng 9/1930, nhân dân các huyện Can Lộc, Thạch Hà, Cẩm Xuyên biểu tình kéo về huyện đư­ờng Cẩm Xuyên. Nhân dân các huyện Anh Sơn, Kỳ Anh, Nghi Lộc liên tiếp giành thắng lợi trong các ngày 9, 10/9/1930.

Ngày 12/9/1930
1. Ảnh chụp từ tranh Xô Viết Nghệ Tĩnh
Ảnh chụp từ tranh Xô viết Nghệ Tĩnh.

Đặc biệt là cuộc biểu tình ngày 12/9/1930, khoảng 8.000 nông dân 2 huyện Hư­ng Nguyên, Nam Đàn: Dư­ới sự lãnh đạo của Huyện ủy Hưng Nguyên, đoàn biểu tình kéo đến Ga Yên Xuân, phá hủy đường dây điện tín, bắt viên ký ga; sau đó, tiến về phủ lỵ Hư­ng Nguyên. Thực dân Pháp cho máy bay ném bom và bắn vào đoàn biểu tình làm chết 217 ngư­òi và bị thương 125 người.

Từ giữa tháng 9/1930
doi-tu-ve-do-trong-cao-trao-xo-viet-nghe-tinh-1930-1931.-nguon-anh-tu-lieu.jpg
Đội tự vệ đỏ trong cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh 1930 - 1931. Ảnh tư liệu

Từ giữa tháng 9/1930, khắp nơi trong 2 tỉnh đã tổ chức mít tinh truy điệu những người đã hy sinh ở Thái Lão. Nông dân các huyện Diễn Châu, Yên Thành, Quỳnh Lưu (Nghệ An), Hương Sơn (Hà Tĩnh) đã đấu tranh phá huyện lỵ, phá đồn điền của Pháp.

Công nhân Vinh - Bến Thủy bãi công trong suốt 2 tháng liền để ủng hộ phong trào nông nhân. Đặc biệt, trong dịp kỷ niệm lần thứ 13 Cách mạng Tháng Mười Nga (7/11/1930), hơn 1.000 nông dân huyện Yên Thành và gần 2.000 nông dân huyện Diễn Châu tổ chức biểu tình thể hiện tinh thần Quốc tế vô sản.

Năm 1931
Screenshot 2024-11-01 at 11.38.09

Ở các huyện miền núi, đầu năm 1931, Xứ ủy Trung Kỳ đã cử đồng chí Lê Xuân Đào lên xã Môn Sơn (Con Cuông) để xây dựng cơ sở cách mạng: Chi bộ Đảng Môn Sơn ra đời vào tháng 4 năm 1931, và ngày 9/8/1931, chi bộ đã lãnh đạo 300 nông dân các dân tộc trong vùng đấu tranh với địa chủ, tịch thu lúa, tiền, bạc nén chia cho các gia đình nghèo.

Hoàng Bách (Thực hiện)