Cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh

Hà Huy Tập - Người cộng sản kiên trung, nhà lý luận xuất sắc của Đảng

BTXVNT 05/11/2024 19:27

Đồng chí Hà Huy Tập sinh năm 1906, tại làng Thổ Ngọa, tổng Kim Nặc (nay là xã Cẩm Hưng) huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh.

Năm 1923, tốt nghiệp Trường Quốc học Huế, Hà Huy Tập được bổ nhiệm đi dạy ở Trường Tiểu học thị xã Nha Trang, sau đổi về dạy ở Trường Tiểu học Cao Xuân Dục (thành phố Vinh, Nghệ An) tháng 9/1925. Về dạy học ở Vinh, Hà Huy Tập gặp Ngô Đức Diễn, Trần Phú và được kết nạp vào Hội Phục Việt. Là hội viên tích cực, Hà Huy Tập tìm mọi cách tuyên truyền tư tưởng yêu nước trong nhân dân, nhất là thế hệ trẻ thành phố Vinh.

Cùng dạy học với Hà Huy Tập ở Trường Tiểu học Cao Xuân Dục có Trần Văn Tăng, Trần Phú. Các anh thường xuyên tổ chức các buổi diễn thuyết tại Hội trường Quảng Tri (thành phố Vinh), học sinh và công nhân Vinh - Bến Thủy tham gia đông đảo. Để cách ly với phong trào yêu nước của học sinh và công nhân, thực dân Pháp đã chuyển Hà Huy Tập lên dạy học ở Kẻ Bọn (huyện Quỳ Châu), Trần Văn Tăng thì chúng chuyển ra dạy học tại Trường Tiểu học Pháp - Việt (huyện Yên Thành).

Chân dung đồng chí Hà Huy Tập (1906-1941)
Chân dung đồng chí Hà Huy Tập (1906-1941).

Tháng 3/1927, Hà Huy Tập bị cách chức, anh chuyển vào Sài gòn làm phóng viên cho nhiều tờ báo có xu hướng chống Pháp trong đó có báo “An Nam”. Năm 1928, Hà Huy Tập trở ra Vinh hoạt động cách mạng và xây dựng gia đình.

Sau khi dự Hội nghị Tổng bộ Tân Việt tại Huế (ngày 14/7/1928), Hà Huy Tập và Phan Đăng Lưu được Tổng bộ cử sang Quảng Châu (Trung Quốc) để tìm hiểu thái độ của Tổng bộ Thanh niên về việc hợp nhất giữa 2 tổ chức. Được tiếp xúc trực tiếp với Hội Thanh niên ở Quảng Châu, Hà Huy Tập đã trở thành thành viên của Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí Hội. Đồng chí ở lại Quảng Châu và tháng 7/1929, Hà Huy Tập được Tổng bộ Thanh niên giới thiệu sang Liên Xô học Trường Đại học Phương Đông. Năm 1932 mãn khóa học, đồng chí tìm cách về nước theo con đường hàng hải Mácxây- Sài Gòn. Đến Paris, Hà Huy Tập bị chính quyền Pháp phát hiện là đảng viên cộng sản nên bị trục xuất trở lại Liên Xô. Trong thời gian ở lại Liên Xô, đồng chí đã viết cuốn “Sơ thảo lịch sử phong trào cộng sản Đông Dương” bằng tiếng Pháp với bút danh Hồng Thế Công. Đây là cuốn sách đầu tiên viết về lịch sử Đảng ta, là một tác phẩm lý luận có tính chiến đấu cao.

Đầu năm 1934, Hà Huy Tập trở về nước theo con đường phía Nam Trung Quốc. Tới Ma Cao, Hà Huy Tập gặp đồng chí Lê Hồng Phong. Tại đây, đồng chí cùng Lê Hồng Phong và Nguyễn Văn Dựt thành lập ra “Ban Chỉ huy ở ngoài” của Đảng. Ban này có chức năng như Ban Chấp hành Trung ương lâm thời, có nhiệm vụ khôi phục lại hệ thống tổ chức, chuẩn bị cho việc triệu tập Đại hội lần thứ nhất của Đảng.

Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ Nhất của Đảng Cộng sản Đông Dương, tháng 3-1935. (Ảnh chụp văn bản)
Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ nhất của Đảng Cộng sản Đông Dương, tháng 3/1935. Ảnh chụp văn bản.

Tháng 3/1935, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ nhất của Đảng họp tại Ma Cao, thông qua các nghị quyết và bầu ra Ban Chấp hành Trung ương Đảng, do đồng chí Hà Huy Tập làm Tổng Bí thư. Tháng 7/1936, đồng chí Hà Huy Tập cùng cơ quan Trung ương chuyển về vùng Bà Điểm, Hóc Môn- Gia Định để trực tiếp nắm tình hình và chỉ đạo phong trào cách mạng trong nước.

Ngày 1/5/1938, đồng chí Hà Huy Tập bị mật thám Pháp bắt ở phố Alsace Lorraine(Sài Gòn). Ngày 24/5/1938, Tòa Tiểu hình Sài Gòn kết án đồng chí 2 tháng tù và 5 năm cấm lưu trú vì tội dùng thẻ thuế thân giả. Đồng chí kháng án, nên ngày 26/7/1938, Tòa Thượng thẩm Sài Gòn xử lại và chúng kết án đồng chí Hà Huy Tập thêm 6 tháng tù và 5 năm cấm lưu trú. Tháng 3/1939, đồng chí bị trục xuất về quê và chúng cấm không cho bất kỳ một trường học nào trong tỉnh Hà Tĩnh nhận Hà Huy Tập làm giáo viên.

Tháng 2/1940, đồng chí Hà Huy Tập bị bắt lại và đưa vào giam ở Khám lớn Sài Gòn. Khởi nghĩa Nam Kỳ nổ ra, thực dân Pháp cho rằng, Hà Huy Tập có vai trò rất lớn trong việc lãnh đạo khởi nghĩa; vì vậy, ngày 27/3 và ngày 17/5/1941, Tòa án Quân sự đặc biệt Sài Gòn đã kết án tử hình Hà Huy Tập và 6 đồng chí khác.

Quần chúng nhân dân tham gia khởi nghĩa Nam Kỳ. Ảnh: Tư liệu
Quần chúng nhân dân tham gia khởi nghĩa Nam Kỳ. Ảnh: Tư liệu

Ngày 26/8/1941, đồng chí Hà Huy Tập cùng với 6 đồng chí là: Nguyễn Văn Cừ, Võ Văn Tần, Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Hữu Tiến, Nguyễn Văn Tay, Nguyễn Văn Huân bị bắn tại trường bắn Bà Điểm, Hóc Môn, Gia Định.

Đồng chí Hà Huy Tập hy sinh, nhưng chúng ta không quên câu nói khảng khái của đồng chí: “Tôi chả có gì phải hối tiếc. Nếu còn sống tôi vẫn tiếp tục hoạt động”.

BTXVNT