Thầy giáo Trần Văn Tăng - tấm gương cộng sản kiên trung của quê hương Nghi Lộc
Ngoài thời gian dạy học, Trần Văn Tăng với vốn hiểu biết sâu sắc của mình còn tham gia cách mạng với nhiều hoạt động diễn thuyết, viết sách, báo, tuyên truyền
Nằm trên con đường thiên lý Bắc - Nam, huyện Nghi Lộc rất đỗi tự hào là vùng quê giàu truyền thống yêu nước và cách mạng; nhân dân dũng cảm, kiên cường trong đấu tranh; cần cù, sáng tạo trong lao động, sản xuất; mộc mạc, chân thành trong đời sống.
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, nhân dân Nghi Lộc được chứng kiến lớp lớp thế hệ những người con ưu tú đã anh dũng hy sinh vì quê hương, đất nước. Họ là những tấm gương sáng ngời để những thế hệ sau ghi nhớ, tri ân. Một trong những tấm gương chiến sĩ cộng sản kiên trung của quê hương Nghi Lộc phải kể đến đó là thầy giáo Trần Văn Tăng.
Trần Văn Tăng sinh năm 19/10/1903, trong một gia đình giàu truyền thống hiếu học và yêu nước tại làng Nam Đoài, tổng Kim Nguyên (nay là xã Nghi Hoa, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An). Thân phụ là ông Trần Văn Năng từng đỗ Tú tài Hán học, làm nghề dạy học. Ông là bạn bè thân hữu với Phan Bội Châu, Nguyễn Sinh Sắc, Đặng Thái Thân... Thân mẫu là bà Nguyễn Thị Huề, là người phụ nữ đảm đang, thương chồng con, chăm lo việc gia đình.
Với tư chất thông minh, ham học, Trần Văn Tăng đã được cha mẹ cho theo học từ trường làng đến Tiểu học Pháp – Việt (Nghi Lộc), rồi tiếp tục tốt nghiệp Trường Cao Xuân Dục (Vinh), Trường Quốc học Huế.
Gia đình Trần Văn Tăng được Phan Bội Châu tin tưởng chọn làm địa điểm hội họp, đàm đạo việc nước, bình thơ, văn của các sĩ phu yêu nước, do đó anh sớm tiếp thu những tư tưởng tiến bộ ngay từ thuở nhỏ.
Sau khi tốt nghiệp ngành Sư phạm, anh được về dạy tại Trường Cao Xuân Dục (Vinh). Tại ngôi trường này, anh cùng với các giáo viên khác đã tích cực đào tạo nhiều thế hệ học trò giàu tri thức và khát khao hoài bão cứu nước.
Năm 1925, Hội Phục Việt được ra đời do các nhà trí thức sáng lập như Lê Huân, Trần Phú, Tôn Quang Phiệt, Ngô Đức Diễn… Dưới ảnh hưởng của Hội Phục Việt, Trần Văn Tăng cùng các đồng chí khác đã tổ chức lớp học trò có tinh thần yêu nước như Nguyễn Ngọc Ba, Trần Thị Liên, Nguyễn Thị Vĩnh, Nguyễn Thị Nhuận… in truyền đơn và vận động công nhân, nông dân, thợ thuyền và học sinh tham dự các cuộc mít tinh tại chùa Diệc, viết đơn, lấy chữ ký gửi Phủ Toàn quyền Đông Dương đòi ân xá cho cụ Phan Bội Châu…
Trong thời gian này, đồng chí Phan Đăng Lưu đang làm việc tại Sở Canh nông Nghệ An đã được gặp gỡ, tiếp xúc với các đồng chí trong Hội Phục Việt như Trần Đình Thanh, Trần Văn Tăng, Trần Phú, Hà Huy Tập… Phan Đăng Lưu đã được giác ngộ, giới thiệu gia nhập tổ chức này.
Bên cạnh đó, Trần Văn Tăng, Phan Đăng Lưu còn tích cực cùng các giáo viên khác tổ chức các lớp dạy học văn hóa và tuyên truyền, giáo dục chính trị cho các tầng lớp công nhân, thợ thuyền, người lao động về tinh thần tự tôn dân tộc, lên án bọn cường quyền, bênh vực người nghèo khổ; liên lạc với nhóm Học sinh Đoàn ở Vinh để giúp đỡ họ tìm hiểu về lý luận cách mạng, phong trào cách mạng trong và ngoài nước.
Ngoài thời gian dạy học, Trần Văn Tăng với vốn hiểu biết sâu sắc của mình còn tham gia các hoạt động khác như diễn thuyết, viết sách, báo tuyên truyền in trên các tạp chí được đông đảo bạn đọc đồng tình hưởng ứng. Những hoạt động yêu nước của anh bị mật thám theo dõi ráo riết và liệt vào thành phần cứng đầu cần phải nghiêm trị.
Năm 1927, thầy giáo Trần Văn Tăng bị chuyển ra dạy học tại Trường Pháp – Việt huyện Yên Thành. Trong thời gian dạy học tại đây, Trần Văn Tăng gặp lại Phan Đăng Lưu vừa bị Khâm sứ Trung kỳ thải hồi vì tội “thường xuyên chống đối và có hành động vô kỷ luật liên tiếp đối với người Pháp”. Chỉ sau một thời gian ngắn, với những hoạt động tích cực của Trần Văn Tăng và Phan Đăng Lưu, các đại tổ và tiểu tổ của Việt Nam Cách mạng Đảng được xây dựng nhiều nơi ở huyện Yên Thành.
Tháng 5/1928, khi việc phát triển Đảng đang phát triển thuận lợi thì Tổng bộ Việt Nam Cách mạng Đảng điều động đồng chí Phan Đăng Lưu vào tăng cường cho đội ngũ lãnh đạo tại Huế, do đó, mọi hoạt động của Đảng Tân Việt tại huyện Yên Thành đều do thầy giao Trần Văn Tăng đảm nhiệm. Dưới dự lãnh đạo của đồng chí, phong trào cách mạng Yên Thành vẫn phát triển nhanh chóng. Mọi hoạt động của đồng chí đều bị theo dõi sát sao, thực dân Pháp đã nhanh chóng chuyển Trần Văn Tăng ra dạy học tại Bãi Thượng, Thanh Hóa nhằm hạn chế những ảnh hưởng của anh đối với phong trào cách mạng đang lên tại Yên Thành.
Tại Thanh Hóa, thầy giáo Trần Văn Tăng vẫn tiếp tục kết hợp việc dạy học và gây dựng các cơ sở cách mạng địa phương. Đồng chí đã tích cực tuyên truyền, vận động học sinh, thanh niên tham gia các tổ chức hội, các phong trào yêu nước của quần chúng nhân dân. Để kịp thời ngăn chặn mọi hoạt động cách mạng của đồng chí, thực dân Pháp tiếp tục đẩy Trần Văn Tăng vào tỉnh Kon Tum dạy học.
Những ngày đầu bước chân vào núi rừng Tây Nguyên – vùng đất được xem là nơi rừng thiêng, nước độc, chứng kiến đời sống khổ cực của đồng bào lại bất đồng ngôn ngữ, khó khăn chồng chất khó khăn, nhưng với bản lĩnh của người cộng sản, tâm huyết của một giáo viên, Trần Văn Tăng đã sớm thích nghi vượt qua mọi khó khăn, thử thách. Đồng chí nhanh chóng học tiếng đồng bào, nhờ đó đã hòa nhập với cuộc sống, phong tục, sinh hoạt của bà con, vừa hoàn thành việc dạy chữ, vừa tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân làm cách mạng.
Tuy nhiên, những ngày tháng dạy học, hoạt động của thầy giáo Trần Văn Tăng kéo dài không được bao lâu thì thực dân Pháp lại chuyển đồng chí về dạy tại Trường Tiểu học Pháp – Việt ở Hội An. Không hề sờn lòng, nản chí, thầy giáo Trần Văn Tăng lại tiếp tục vượt qua những thử thách mới, tích cực dạy học và hoạt động cách mạng và được cử làm Bí thư Chi bộ Hội An.
Tháng 3/1929, Tỉnh bộ Thanh niên Quảng Nam tách khỏi Đà Nẵng, đồng chí Trần Văn Tăng được bổ sung và Ban Chấp hành Tỉnh bộ Thanh niên Quảng Nam và giữ chức vụ Bí thư. Dưới sự lãnh đạo của đồng chí, hội đã có những hoạt động thiết thực để củng cố và phát triển hội viên, tổ chức các nhóm quần chúng.
Tháng 6/1929, đồng chí Nguyễn Phong Sắc và Trần Văn Cung (em trai Trần Văn Tăng) được Đông Dương Cộng sản Đảng cử vào Nghệ Tĩnh thành lập Kỳ bộ Trung kỳ của tổ chức này, đặt trụ sở tại thành phố Vinh. Tại Quảng Nam, đồng chí Trần Văn Tăng đã nhanh chóng tổ chức họp Ban Chấp hành Tỉnh bộ Thanh niên Quảng Nam nêu rõ tôn chỉ mục đích của Đông Dương Cộng sản Đảng và chỉ đạo công tác tuyên truyền, rải truyền đơn, phát hành báo chí, kêu gọi hợp nhất các tổ chức Đảng, đồng thời, bàn giao lại công tác cho đồng chí Phan Văn Định để ra Nghệ An dự Hội nghị do đồng chí Nguyễn Phong Sắc chủ trì.
Về đến quê hương sau bao ngày hoạt động xa cách, giữa lúc phong trào cách mạng của quần chúng đang có những bước phát triển mạnh mẽ, dù sức khỏe bị giảm sút nhưng đồng chí Trần Văn Tăng vẫn sát cánh cùng em trai mình là Trần Văn Cung tổ chức chỉ đạo các hoạt động mít tinh, biểu tình tố cáo tội ác của chính quyền thực dân, phong kiến. Tháng 8/1929, trước sự theo dõi sát sao của bọn mật thám, hai anh em đã sa vào tay giặc ngay tại nhà riêng trong lúc đồng chí Trần Văn Tăng đang dưỡng bệnh.
Cuối năm 1929, Tòa án phong kiến Nam Triều mở phiên tòa xét xử tại Vinh và tuyên án tử hình đồng chí Trần Văn Cung, Ngô Thiêm, Vương Thúc Oánh và kết án tử hình vắng mặt Nguyễn Ái Quốc và các đồng chí đang hoạt động ở nước ngoài như Hồ Tùng Mậu, Lê Duy Điếm, Trần Phú…
Đồng chí Trần Văn Cung sau đó được giảm án xuống khổ sai chung thân và đày đi Guy am, nhưng trước mắt chúng đày đi Lao Bảo còn đồng chí Trần Văn Tăng thì bị kết án 2 năm tù, 2 năm quản thúc (theo Bản án số 11 ngày 21/1/1930 của Tòa án Nam Triều Nghệ An) giam tại Nhà lao Vinh.
Trước những đòn roi tra tấn dã man và nhiều thủ đoạn mua chuộc dụ dỗ của kẻ thù, đồng chí Trần Văn Tăng vẫn giữ vững khí tiết của người cộng sản. Sức khỏe đồng chí ngày càng yếu dần với căn bệnh lao phổi trong chốn ngục tù khắc nghiệt. Biết đồng chí Trần Văn Tăng không qua khỏi, thực dân Pháp đã báo tin cho gia đình đưa đồng chí về nhà. Ngày 14/6/1930, thầy giáo Trần Văn Tăng, người chiến sĩ cộng sản kiên trung của quê hương Nghệ An đã trút hơi thở cuối cùng để lại nỗi mất mát cho gia đình, đồng chí và phong trào cách mạng quê hương.
Ghi nhận những đóng góp của đồng chí Trần Văn Tăng cho phong trào cách mạng Quảng Nam, Đảng bộ tỉnh đã quyết định lấy tên đồng chí đặt cho một con đường tại thành phố Tam Kỳ và ghi danh đồng chí trong Lịch sử Đảng bộ tỉnh.
Từ một thanh niên yêu nước nhiệt thành, Trần Văn Tăng đã được giác ngộ trở thành một người cộng sản chân chính, một thầy giáo hết lòng dìu dắt, đào tạo nhiều thế hệ học trò trở thành những chiến sĩ cách mạng của Đảng và Nhân dân ta. Mặc cho thực dân Pháp khủng bố tàn khốc, nhiều tổ chức cơ sở Đảng bị khủng bố nhưng thầy giáo Trần Văn Tăng cùng nhiều cán bộ, đảng viên và quần chúng vẫn một lòng vì nước, vì dân. Tên tuổi và công lao của đồng chí mãi mãi được thế hệ sau ghi nhớ, tự hào.
-----
Tài liệu tham khảo:
- Hồ sơ tù của đồng chí Trần Văn Tăng lưu tại Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh;
- Nghệ An - Những tấm gương cộng sản tập 1, Nxb Nghệ An, 1998;
- Nghệ An - Những tấm gương cộng sản tập 5, Nxb Nghệ An, 2015.