Tranh Xô viết Nghệ Tĩnh khắc họa khí thế đấu tranh sôi sục của nhân dân
Bức tranh cho người xem được sống trong không khí đấu tranh hào hùng của nhân dân Nghệ An và Hà Tĩnh.
Nhân dân Nghệ Tĩnh vốn có truyền thống yêu nước nồng nàn. Là mảnh đất có điều kiện thuận lợi cho chủ nghĩa Mác-Lê nin nảy mầm nhanh và phát triển mạnh. Bên cạnh đó, đội ngũ công nhân Nghệ Tĩnh ra đời sớm, số lượng đông đảo và có tinh thần giác ngộ cách mạng cao. Sự kết hợp ba yếu tố đó đã dẫn đến sự ra đời các Tỉnh đảng bộ ở Nghệ An và Hà Tĩnh.
Xứ uỷ Trung Kỳ được thành lập (3/1930) đóng ở làng Yên Dũng Thượng (nay là phường Hưng Dũng, thành phố Vinh). Dưới ánh sáng nghị quyết của Xứ uỷ, ba Tỉnh uỷ nhanh chóng được thành lập. Tỉnh uỷ Vinh - Bến Thuỷ, Tỉnh uỷ Nghệ An, Tỉnh uỷ Hà Tĩnh. Hệ thống tổ chức Đảng đã được kiện toàn từ Trung ương đến địa phương. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, phong trào cách mạng của quần chúng đã bùng lên mạnh mẽ.
Mở đầu là cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp của công - nông Vinh - Bến Thuỷ nhân kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động (1/5/1930). Cùng trong ngày nhân dân xã Hạnh Lâm (huyện Thanh Chương) và học sinh trường Tiểu học Pháp - Việt Thanh Chương đấu tranh.
Ngày 1/8/1930, nổ ra cuộc biểu tình rầm rộ của nông dân huyện Can Lộc (Hà Tĩnh).
Ngày 30/8/1930, hơn 3.000 nông dân huyện Nam Đàn (Nghệ An) kéo lên huyện đường đấu tranh.
Đỉnh cao phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh được đánh dấu bằng những cuộc biểu tình có vũ trang. Mở đầu là cuộc đấu tranh của trên 2 vạn nông dân huyện Thanh Chương (1/9/1930).
Tiếp đến ngày 7, 8, 9 và ngày 10/9/1930 liên tiếp nổ ra các cuộc đấu tranh của nông dân các huyện Can Lộc, Thạch Hà, Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh); huyện Đô Lương, Anh Sơn, Nghi Lộc (Nghệ An).
Tiêu biểu là cuộc biểu tình ngày 12/9/1930 của hơn 8.000 nông dân huyện Hưng Nguyên và Nam Đàn (Nghệ An). Cuộc đấu tranh này đã gây tiếng vang lớn đối với nhân dân trong nước và quốc tế.
Ngày 12/9 đã đi vào lịch sử đấu tranh anh dũng của dân tộc và được chọn làm ngày kỷ niệm Xô viết Nghệ Tĩnh.
Ngày 7/11/1930, nhân dịp kỷ niệm 13 năm ngày cách mạng tháng Mười Nga, nhân dân huyện Diễn Châu, Yên Thành (Nghệ An) nổi dậy đấu tranh với tinh thần Quốc tế cao cả.
Từ miền xuôi, phong trào lan nhanh lên các huyện miền núi như Hương Khê, Kỳ Anh (Hà Tĩnh); Con Cuông, Nghĩa Đàn (Nghệ An). Đặc biệt là cuộc đấu tranh của nhân dân huyện Con Cuông (8/1931) đã trở thành điểm sáng trong phong trào đấu tranh cách mạng của đồng bào vùng cao Nghệ Tĩnh.
Từ tháng 9/1930 đến tháng 5/1931, chính quyền Xô viết được thành lập ở nhiều làng như Võ Liệt, Nguyệt Bổng (huyện Thanh Chương, Nghệ An), Hữu Biệt, Kim Liên (huyện Nam Đàn, Nghệ An), Phù Việt (huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh), Thịnh Quả (huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh)... là những làng Đỏ mà tên tuổi còn lưu trong sử sách.
Phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh đã đi vào lịch sử cách mạng của dân tộc và trở thành nguồn cảm hứng cho thơ, ca, nhạc, hoạ. Dựa trên phác thảo của cố hoạ sĩ Nguyễn Đức Nùng, Hội nghệ sĩ tạo hình Việt Nam đã khắc hoạ lại khí thế đấu tranh sôi sục của nhân dân Nghệ Tĩnh trong những năm 1930 – 1931.
Bức tranh cho người xem được sống trong không khí đấu tranh hào hùng của nhân dân Nghệ An và Hà Tĩnh. Từng đoàn người áo nâu (tượng trưng cho nông dân) cùng đoàn người áo xanh (tượng trưng cho công nhân) và lực lượng tự vệ tay gậy, tay mác hỗ trợ. Đoàn biểu tình xông lên đương đầu với bom đạn, súng máy của kẻ thù. Tiếng trống lệnh rền vang thúc giục, cờ đỏ búa liềm của Đảng giương cao vẫy gọi. Đoàn biểu tình xông lên với một khí thế “Bên kia đạn sắt, bên ta gan vàng”.
Lòng người hăng hái quyết tâm, đất trời bừng bừng khởi sắc, cỏ cây hoa lá nhuốm một màu lửa rực sáng - màu lửa đấu tranh cách mạng.
Phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh đã khẳng định được vai trò lãnh đạo của Đảng và sức mạnh của quần chúng nhân dân. Xô viết Nghệ Tĩnh là cuộc tổng diễn tập đầu tiên của Đảng. Với ý nghĩa đó, Xô viết Nghệ Tĩnh đã trở thành bất diệt.