Cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh

Đồng chí Nguyễn Thị Nình (1901-1944): Giữ trọn phẩm chất người cộng sản

Bùi Ngọc Tam - BNCLSD Nghệ An 06/11/2024 20:58

Nguyễn Thị Nình sinh năm 1901, tại làng Yên, phố Đệ Thập (nay thuộc phường Bến Thủy, thành phố Vinh, Nghệ An).

Năm 1970, dưới sự chỉ đạo của Tỉnh uỷ Nghệ An, Thành ủy Vinh đã tổ chức hội nghị xác minh lịch sử Đảng thời kỳ bí mật của Đảng bộ Vinh- Bến Thủy (từ ngày 11/3 đến 17/3/1970). Hội nghị lịch sử này đã nhất trí suy tôn 9 cán bộ, đảng viên tiêu biểu cho truyền thống đấu tranh anh dũng của Đảng bộ và nhân dân thành phố Vinh - Bến Thủy (thời kỳ trước cách mạng tháng Tám 1945). Trong số 9 người tiêu biểu đó, có người nguyên là ủy viên Trung ương Đảng (như đồng chí Lê Mao), có người là ủy viên Tổng Nông hội Nghệ An (như đồng chí Hoàng Trọng Trì). Đặc biệt, chỉ có một người là nữ giới và là đảng viên thường, làm công tác giao thông liên lạc, đó là Nguyễn Thị Nình (thường gọi là Vi Nình, bí danh là Bính).

Vùng Bến Thủy xưa kia mật độ dân số cao, ruộng đất đã ít lại toàn là đất cát bạc màu nên đời sống nhân dân thường xuyên nghèo đói và cực khổ. Thu nhập đã quá thấp, người dân lại phải nai lưng đóng góp thuế đinh, thuế điền và phu đài tạp dịch. Do địa bàn Bến Thủy nằm trên đường thiên lý Bắc - Nam nên hàng năm, nhân dân vùng này thường xuyên phải cắt cử người làm “phu trạm”. Phu trạm là người làm liên lạc từ trạm này đến trạm khác với các nhiệm vụ chuyển các giấy tờ, trát, lệnh của triều đình xuống địa phương và các loại tấu, sớ, đơn từ ở các nơi lên triều đình.

Cảng Bến Thủy nhìn về hướng nhà máy điện của Công ty Rừng và Diêm Đông Dương (SIFA)

Trạm Quyết dưới chân núi Quyết là một trong những trạm lớn của tỉnh nên tỷ lệ người dân vùng Bến Thủy phải đi làm phu trạm cao hơn hẳn các trạm khác. Bất kể ngày đêm, dù mưa bão, rét buốt hay nắng thiêu, hễ nghe ba hồi trống trạm là phu trạm phải lập tức có mặt để “chạy trạm”, thường là chạy bộ. Ngoài việc chuyển công văn, giấy tờ, phu trạm còn phải chuyển hàng hóa của Nhà nước và còn phải cáng kiệu các quan lớn trẩy kinh (vào kinh đô Huế) hoặc đi hành hạt các nơi, hay “vinh quy bái tổ” sau khi đậu đại khoa... Do đó, vùng Bến Thủy xưa kia đã từng có câu ca dao rất hay:

Yêu anh em muốn yêu đời
Nghe ba hồi trống rụng rời chân tay.

Do cuộc sống đói nghèo, cơ cực vì thiên tai và sự áp bức bóc lột của bọn thực dân, phong kiến, người dân vùng Bến Thủy có tính cách gan dạ, hăng hái, không sợ bọn thống trị và sẵn sàng hy sinh vì nghĩa lớn.

Từ khi thực dân Pháp quàng ách nô lệ lên cổ nhân dân ta với hiệp ước Pa-tơ-nốt năm 1884, Bến Thủy từ một vùng đất nông nghiệp trở thành một đô thị có nhiều cơ sở công nghiệp và thương nghiệp lớn. Năm 1914, Toàn quyền Đông Dương buộc vua Duy Tân ra Đạo dụ ngày 11/3/1914 nâng thị trấn Bến Thuỷ thành thị xã Bến Thuỷ. Hàng trăm héc ta đất đai canh tác của nông dân Bến Thuỷ lại bị thực dân Pháp tước đoạt để xây dựng các nhà máy. Người nông dân lần lượt trở thành công nhân làm thuê trong các nhà máy. Người ta gọi đó là những công nhân “áo nâu” (để phân biệt với công nhân “áo xanh” - thợ kỹ thuật từ Bắc Kỳ vào).

Mới 14 tuổi, Nguyễn Thị Nình đã phải đi kiếm sống tại nhà máy Diêm Bến Thuỷ. Tiếng là đi làm thợ nhưng thực tế như phải sống trong nhà tù. Tại các phân xưởng sản xuất ở nhà máy, cứ cách khoảng 15m lại có một cái ống đựng đầy roi mây và roi tre, bọn cai dùng để đánh đập thợ mỗi khi có ai đi làm trễ hoặc chậm mồm không kịp chào ông cai, ông chủ. Phần đông thợ trong nhà máy Diêm là đàn bà và trẻ em. Nhà máy không có hố tiêu, hố tiểu riêng cho nữ giới.

Lao động nữ và trẻ em trong Nhà máy Diêm Bến Thủy. Ảnh: Tư liệu
Lao động nữ và trẻ em trong Nhà máy Diêm Bến Thủy. Ảnh: Tư liệu

Em gái của Nguyễn Thị Nình là Nguyễn Thị Hai cũng đi làm thợ bỏ que diêm tại nhà máy diêm từ năm 12 tuổi. Một hôm tên cai Hách phát hiện em đang ngủ gật trong lúc bỏ que, nó đã đánh em túi bụi, sau đó nhét em vào thùng đựng que diêm rồi ra sức lắc thật mạnh cho đến khi em ngất lịm đi. Về nhà, em bị ốm nặng, vì nhà nghèo không có đủ thuốc nên em đã mất khi chưa đến tuổi vị thành niên.

Cha mẹ mất sớm, chị em nuôi nhau, cái chết đau đớn oan uổng của em ruột đã làm cho Nình thêm căm tức bọn cai chủ, cùng bọn cướp nước và bán nước.

Đến tuổi trưởng thành, Nguyễn Thị Nình kết hôn với anh Lê Viết Vi, một công nhân bốc vác cùng quê. Từ đó, người ta thường gọi chị là Vi Nình.

Cùng quê với Nguyễn Thị Nình và cùng làm việc trong nhà máy Diêm có các đồng chí Lê Mao, Lê Viết Thuật, Nguyễn Lợi, Nguyễn Phúc là những hội viên Hội Phục Việt lớp đầu tiên ở Vinh - Bến Thuỷ. Thật may mắn cho Vi Nình, chính các đồng chí đó đã giác ngộ ý thức dân tộc và kết nạp chị vào Hội Phục Việt (tức Tân Việt). Từ đó, Vi Nình càng hăng hái tham gia những cuộc đấu tranh trong nhà máy.

Năm 1925, có dịch tả, nhiều công nhân bị thiệt mạng. Nhân dịp đó bọn cai chủ bày trò bắt thợ góp tiền mua lễ vật tế lễ mỗi năm 2 lần để cầu trời khấn Phật che chở, trừ khử ma tà, dịch bệnh. Trước sự bóc lột đè nén của bọn cai chủ, công nhân nhà máy Diêm đã tổ chức nhiều cuộc đấu tranh, đầu tiên là nhằm tẩy chay trò hề cúng lễ trừ dịch. Dần dần, các cuộc đấu tranh có nội dung cụ thể hơn như: đòi tăng lương, giảm giờ làm, đòi dùng cai đàn bà điều khiển thợ nữ giới, đòi làm hố vệ sinh riêng cho nữ giới... Nổi bật là cuộc đình công tháng 6/1926. Yêu sách của công nhân là chống chế độ lao động khổ sai và đòi đuổi tên cai Hồng gian ác ra khỏi nhà máy. Sau 4 ngày đình công và đấu tranh quyết liệt, bọn chủ nhà máy Diêm đã buộc phải chấp nhận yêu sách của công nhân.

Năm 1928, phong trào đấu tranh lại phát triển lên một bước mới. Đó là do sự hoạt động tích cực của chị Vi Nình cùng với các chị em khác trong tiểu tổ Tân Việt, trong Công hội và hội Tương tế, hội Ái hữu. Đầu năm 1928, công nhân nhà máy Diêm buộc bọn chủ phải ra lệnh đuổi những tên cai gian ác khét tiếng nhất như Cai Nhuận, cai Cường; đồng thời đấu tranh buộc bọn chủ phải chấp nhận những người do công nhân cử ra làm “cai” để điều hành công việc trong nhà máy. Anh Lê Huy Học được anh chị em cử lên thay tên Nam Tường Hách làm xếp trong toàn nhà máy Diêm. Những hoạt động tích cực của công nhân nhà máy Diêm, nơi có những hạt nhân nòng cốt như Lê Mao, Lê Viết Thuật, Lê Doãn Sửu, Nguyễn Phúc, Nguyễn Lợi, Vi Nình, Nguyễn Thị Bảy, Nguyễn Thị Duệ... đã tác động mạnh đến phong trào đấu tranh trong các nhà máy khác ở Vinh - Bến Thủy.

Những kết quả to lớn đã đạt được là do anh chị em công nhân đã phải gồng mình lên chịu đựng hy sinh gian khổ, đã phải đổ nhiều mồ hôi và xương máu. Trong các cuộc đấu tranh, bọn chủ đã cấu kết với tụi mật thám bắt bớ nhiều người và tra tấn dã man, trong đó hai chị thường bị đánh đập tàn nhẫn nhất là Lê Thị Tư và Nguyễn Thị Nình.

Từ tháng 3/1930, nhà máy Diêm có chi bộ Đảng Cộng sản Đông Dương, Nguyễn Thị Nình được vinh dự sinh hoạt cùng chi bộ với đồng chí Lê Mao - Bí thư chi bộ, Bí thư Tỉnh bộ Vinh - Bến Thuỷ (đến tháng 10/1930 là uỷ viên dự khuyết Trung ương Đảng), và các đồng chí Nguyễn Phúc, Nguyễn Lợi đều là uỷ viên Xứ uỷ Trung Kỳ những năm 1930-1931.

Nhà máy Diêm Bến Thủy những năm 1920.
Nhà máy Diêm Bến Thủy những năm 1920. Ảnh: Tư liệu

Năm 1930, nạn đói diễn ra trầm trọng trong hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Tại Vinh - Bến Thuỷ, giá gạo đột nhiên tăng vọt từ 3 - 4 đồng/ tạ lên tới 20 đồng/tạ. Nông thôn mất mùa. Đời sống nông dân đã cơ cực mà đời sống công nhân lại càng bi đát hơn, vì giá cả tăng vọt mà lương lại không tăng. Trước tình hình ấy, chi bộ nhà máy tổ chức một cuộc đấu tranh đòi bọn chủ phải tăng lương cho công nhân từ 5 xu đến 1 hào, phải giảm giờ làm việc mỗi ngày 16 giờ xuống 12 giờ, phải thi hành luật bảo hiểm lao động cho những người bị tai nạn, phải nấu nước sôi cho thợ uống trong khi làm việc; phải mở thêm cửa và sơn cửa kính để chống nóng, phải làm nhà tiêu, hố tiểu cho công nhân nam, nữ riêng biệt, phải cử cai đàn bà để điều khiển chị em (thay thế bọn cai đàn ông thường lợi dụng giở trò đểu cáng đối với chị em).

Khi công nhân đưa yêu sách lên, bọn chủ đã khước từ, không giải quyết. Tức thì, công nhân tuyên bố bãi công. Vi Nình đã cùng các đồng chí khác trong chi bộ, trong công hội tích cực vận động anh chị em tham gia đấu tranh bằng nhiều hình thức như: nữ công nhân thì cương quyết không đi làm; chị em ở nhà thì động viên chồng con kiên trì đấu tranh đến cùng. Ngoài ra còn vận động giúp đỡ những gia đình gặp khó khăn trong đời sống để tăng thêm tiềm lực cho cuộc bãi công. Chính chị Vi Nình là người đầu tiên đề xuất phải lập một quỹ cứu tế giúp đỡ những gia đình có công nhân đình công gặp hoàn cảnh khó khăn đặc biệt.

Ba ngày sau, tên Bi-dê - Chánh mật thám Vinh-Bến Thủy đưa hai đội lính xuống nhà máy giở thủ đoạn dọa dẫm, nhưng tinh thần đấu tranh của công nhân vẫn không gì lay chuyển nổi. Cuối cùng bọn chủ phải nhượng bộ. Chúng phải bán gạo cho công nhân với giá 6 đồng/tạ. Công nhân được phép cử mấy người phụ nữ lên làm “cai” như chị Nguyễn Thị Bảy (em gái Nguyễn Viết Lục) làm cai bộ phận bỏ que; chị Nguyễn Thị Duệ làm cai bộ phận đóng gói; còn một chị quê ở Bắc Kỳ được vào gác cửa nhà máy thay tên cai vừa ác vừa lố bịch. Thời gian làm việc được giảm từ 16 giờ xuống 12 giờ mỗi ngày. Các yêu sách khác, bọn chủ cũng phải thực hiện ở mức độ nhất định. Một lần nữa, cuộc đấu tranh thắng lợi của công nhân nhà máy Diêm đã nhanh chóng ảnh hưởng tích cực tới phong trào đấu tranh ở nhà máy Gỗ và các nhà máy khác ở Vinh -Bến Thủy.

Do có thành tích nổi bật trong các phong trào đấu tranh tại nhà máy Diêm, Nguyễn Thị Nình được Xứ ủy Trung Kỳ điều động làm cán bộ giao thông liên lạc cho Xứ ủy Trung Kỳ trong cao trào cách mạng năm 1930-1931, mà đỉnh cao là Xô viết Nghệ Tĩnh. Giao thông liên lạc là một công việc cực kỳ quan trọng và cũng rất nguy hiểm. Thời gian thử thách gay go ác liệt nhất là lúc thoái trào, cán bộ lãnh đạo Xứ ủy lần lượt hy sinh và sa lưới địch (Lê Mao, Nguyễn Đức Cảnh, Nguyễn Phong Sắc...)

Với lời nguyền độc địa “Hữu Nghệ Tĩnh bất phú, vô Nghệ Tĩnh bất bần”(có Nghệ Tĩnh không giàu, không có Nghệ Tĩnh không nghèo), thực dân Pháp và bọn tay sai thẳng tay sát hại cán bộ, đảng viên và quần chúng cách mạng. Nhiều nơi trong tỉnh có hố chôn người tập thể như ở Phúc Sơn (Anh Sơn), Phúc Châu, Phù Long (huyện Hưng Nguyên), Ngũ Phúc, Võ Liệt (huyện Thanh Chương)... Bọn mật thám và lính tráng thường đi rà soát, vây bắt cán bộ cách mạng từ khoảng nửa đêm đến 2 giờ sáng. Ở vùng Bến Thủy (cũng như nhiều vùng khác), chúng triệt hạ cây cối, chỉ để cao ngang bụng trở xuống để dễ kiểm soát người qua lại. Ở phố Đệ Thập (quê chị Vi Nình) chúng dựng 4 chòi gác cao ở 4 phía phố để kiểm soát người qua lại. Người nào đi làm ăn chỉ được qua lại vào những giờ đã được quy định.

Vượt qua mọi gian nan nguy hiểm, Vi Nình đã luồn lách tránh mạng lưới bao vây dày đặc để đưa tài liệu truyền đơn của Xứ ủy cho các địa phương trong tỉnh Nghệ An và cả vùng Nghi Xuân (Hà Tĩnh).

Nguồn sống của gia đình Vi Nình vẫn là ít đồng lương ở nhà máy Diêm và nghề bốc vác của chồng. Thời gian bọn chủ nhà máy thải hồi hàng loạt công nhân mà chúng cho là có hoạt động chính trị, Vi Nình cũng bị mất việc, đời sống gia đình càng túng bấn hơn. Nhưng điều làm cho chồng chị phân vân là lấy nhau đã lâu mà chưa có được mụn con. Thấy vợ hoạt động bí mật, anh càng lo lắng cho tính mệnh của vợ và sự bình yên của gia đình. Chị đã kiên trì lựa lời giãi bày với chồng về cảnh nước mất nhà tan, vì sự cần thiết phải có người đi hoạt động cứu nước, cứu dân...

Đến cuối năm 1931, cán bộ chủ chốt của Xứ ủy Trung Kỳ chỉ còn đồng chí Lê Viết Thuật và Nguyễn Lợi. Vi Nình đã cùng Nguyễn Lợi tạo ra một trụ sở rất bí mật của Xứ ủy ngay trong địa bàn của phố Đệ Thập. Chị đã vận động chồng nhường bộ dong gỗ quý của gia đình cho Xứ ủy. Địa điểm bí mật đó nằm trong một vùng hoang vu cây cối rậm rạp, nhiều cây dưa gai sắc nhọn, không ai lui tới. Nguyễn Lợi và Vi Nình đã nhờ các đồng chí khác mua rất nhiều chiếc áo tơi để làm tấm lợp che mưa. Đồng chí Bí thư Xứ ủy Lê Viết Thuật ở thường xuyên trong đó, ngoài Nguyễn Lợi, Vi Nình, không được ai lui tới. Vi Nình đã vận động được em chồng là Lê Viết Lợi hàng ngày vừa giả vờ tát cá khu vực gần đó vừa canh chừng xem có ai bén mảng tới thì tìm cách báo cho Nguyễn Lợi và Vi Nình.

Chính nhờ bảo vệ được hạt nhân lãnh đạo của cơ quan Xứ ủy mà cho đến cuối năm 1931, đầu năm 1932, Tỉnh ủy Nghệ An và Hà Tĩnh vẫn nhận được các chỉ thị của Xứ ủy Trung Kỳ. Do đó, tình trạng manh động, tự phát được khắc phục, thiệt hại về tính mạng của đảng viên và quần chúng cách mạng được giảm bớt, phong trào vẫn duy trì được ở một số nơi trong 2 tỉnh.

Trong Chỉ thị của Xứ ủy Trung Kỳ gửi Tỉnh ủy Nghệ An ngày 13/8/1931 có đoạn: “...Mỗi cấp bộ Đảng phải cử cán bộ dự bị để thay thế lẫn nhau khi bị địch bắt... Những nơi bị mất trắng thì tìm lại số hội viên của các hội quần chúng cũ, dùng cuốn “Nhật ký chìm tàu” và nhắc lại các cuộc đấu tranh năm ngoái để động viên tinh thần hăng hái của họ mà lập lại tổ chức mới... Trong thời kỳ bị địch khủng bố, dù bị mất liên lạc với cấp trên, các đồng chí vẫn hoạt động như thường...”.

Vào một ngày cuối tháng 8/1931, khi Vi Nình đang đi công tác thì được tin có lính trên phủ Hưng Nguyên ập đến nhà chị đưa lệnh của tri phủ gọi Nguyễn Thị Nình lên phủ. Biết mình đã bị lộ và không thể thoát được lưới mật thám dày đặc nên chị cứ thủng thẳng về cơ quan Xứ ủy báo cáo công việc và nói lời tạm biệt: “Bọn chúng đã cho lính về bắt tôi rồi, nhưng các anh cứ ở cho vững, cứ giữ cái hang đó cho bí mật để các anh ở. Tôi dù có chết chứ tôi không khai và cũng không nhận một cái gì cả. Các anh cứ vững tâm mà ở đó”.

Khi đồng chí Nguyễn Lợi bàn với chị Vi Nình đừng trở về nhà nữa, Xứ ủy sẽ giới thiệu chị đi làm việc ở chỗ khác. Vi Nình đã trả lời: “Đi vào đâu chúng lại không bắt được? Chỉ có như anh nói không khai, không nhận là thượng sách thôi. Vả chăng tôi còn có gia đình. Vậy các anh cứ để tôi ra cho chúng bắt. Chúng làm gì mình ?”

Vi Nình đã suy nghĩ chín chắn. Nếu trốn cũng không thể thoát mà chỉ ít ngày sau nhà cửa sẽ tan hoang và người thân sẽ bị hại vì chúng nó. Rất tự tin ở lương tâm trách nhiệm và nghị lực bản thân, Vi Nình bình thản đi vào nhà tù, sau khi đã giới thiệu với Xứ ủy một nữ đồng chí thay thế mình làm công tác giao thông cho Xứ ủy.

Chị tâm sự với các bạn chiến đấu rằng, nếu mình không khai báo, không nhận bất cứ điều gì thì kẻ địch không có chứng cớ để buộc tội và kết án, có thể ngồi tù vài ba tháng lại được trả tự do thôi... Nhưng thực tế không đơn giản như Vi Nình đã suy tính. Chị đã bị tra khảo ở nhà lao Hưng Nguyên rồi lại vào nhà lao Vinh. Khó mà kể hết những cuộc tra tấn dã man vô hạn độ của bọn cai ngục đối với một phụ nữ mảnh khảnh như Vi Nình. Chúng đã dùng 4 sợi dây buộc hai tay và hai chân chị rồi rút cho thân thể lơ lửng giữa phòng và xít đu cho va đập vào tường. 4 góc phòng có 4 tên lính cầm roi chực sẵn thỉnh thoảng lại vụt roi kèm theo tiếng thét hỏi bắt khai báo.

Đồng chí Nguyễn Lợi vào tù đợt sau đã bị bọn cai ngục giải đến xem chúng tra tấn chị Vi Nình và chị Cu Lệ theo kiểu xít võng như đã kể trên. Vài hôm sau, Nguyễn Lợi cũng bị chúng tra tấn kiểu đó và còn bị chúng vụt dây thép túi bụi vào người. Riêng Vi Nình đã chịu đựng kiểu tra tấn xít võng đó 1 tháng 20 ngày, nhưng chị vẫn không khai những điều địch muốn biết.

Hành động dã man của bọn quỷ dữ tàn phá cơ thể chị Vi Nình một cách kinh khủng, tưởng chừng không còn sự sống nữa. Toàn thân chị bị phù nề to, hai chân ứ máu tím bầm, hai cánh tay sưng tấy đến mức không thấy đoạn dây trói, da thịt lầy loét, dòi bọ lúc nhúc, máu rỉ ra nhiều làm cho chị lả đi, đầu tóc rũ xuống như người bị treo cổ, miệng há to, hai mắt sâu hoắm, trông thật đau xót.

Vi Nình đã diễn tả cảnh lao tù khổ ải bằng mấy câu thơ:

Tay khoá chân cùm thân ê ẩm
Áo bê quần bết da đớn đau
Nhìn mớ cơm tù rùng mình mãi
Với đàn muỗi đói thức đêm thâu

Vì tay sưng tấy Vi Nình không thể tự và cơm được, chị em trong tù thay nhau giúp chị ăn cơm và thay quần áo. Những khi bị giam riêng ở xà lim, chị phải cúi xuống cạp cơm để duy trì sự sống và tiếp tục chiến đấu.

Mặc dù đã có người làm công tác giao thông cho Đảng (ở tuyến tỉnh) vì không chịu được tra tấn đã khai báo chị là cán bộ giao thông Xứ ủy nhưng chị vẫn kiên gan không chịu nhận.

Nhìn thấy hình hài đầy thương tích của Vi Nình, có tên cai ngục đã rùng mình nghiến răng thốt lên: “Chà, con giặc cộng sản này gan thật! Ông chưa thấy người đàn bà nào gan như thế này, đến chết vẫn không chịu hé răng”.

Tại nhà lao Vinh, Nguyễn Thị Nình cùng với chị Nguyễn Thị Nghĩa (quê Bắc Kỳ) là những tấm gương tiêu biểu về lòng dũng cảm tuyệt vời, thể hiện lòng trung thành tuyệt đối vào Đảng Cộng sản, vào con đường cách mạng mà lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã vạch ra.

Mặc dù thân thể bị huỷ hoại nhưng Vi Nình vẫn rất tỉnh táo và bình thản, lương tâm không hề bị cắn rứt vì không làm điều gì có hại cho cách mạng, cho đồng chí, đồng bào. Có lẽ Vi Nình chỉ có một nỗi đau khổ khôn cùng khi được biết cơ quan bí mật của Xứ ủy đã bị lộ. Đó là nơi mà Nguyễn Lợi và Vi Nình đã dày công tạo ra và bảo vệ được một thời gian khá dài, không ngờ địch lại dò biết được. Đau đớn hơn nữa là đồng chí Lê Viết Thuật, người Bí thư Xứ ủy cuối cùng của cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh cũng bị bắt và đã từ trần trong xà lim giám binh Vinh, rất gần nơi Vi Nình đang bị tù.

Anh chị em tù chính trị và cả tù thường trong nhà lao Vinh nhiều thế hệ, ai ai cũng cảm phục và thương mến Vi Nình. Hễ có dịp là chị em bạn tù xúm xít chăm sóc an ủi Vi Nình và tổ chức đấu tranh đòi nhà ngục phải trả tự do một người đã bị tra tấn đến tàn phế mà không có đủ bằng chứng để kết án.

Do không moi được bí mật gì ở người tù từng chết đi sống lại, do không có bằng cớ để làm án và do sự đấu tranh liên tục của tù chính trị trong nhà lao Vinh nên đến cuối năm 1934, thực dân Pháp và tay sai đã phải trả tự do cho Nguyễn Thị Nình.

Mặc dù thân thể đã bị tàn phế, nhưng tinh thần, ý chí nghị lực của Vi Nình như một khối thép đã tôi, không gì lay chuyển nổi. Chị đã giữ được lời hứa thiêng liêng trước Xứ ủy Trung Kỳ là giữ được trọn phẩm chất người cộng sản, không khuất phục trước uy lực kẻ thù, kiên quyết bảo vệ bí mật của Đảng, cho dù phải hy sinh cả tuổi thanh xuân.

Nguyễn Thị Nình thật xứng đáng là tấm gương cộng sản tiêu biểu sáng ngời của Đảng bộ Nghệ An.

Bùi Ngọc Tam - BNCLSD Nghệ An