Cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh

Đồng chí Hoàng Trọng Trì (1887-1938): Người con ưu tú của quê hương Nghệ An

BTXVNT 06/11/2024 18:46

Hoàng Trọng Trì lúc còn nhỏ tên là Hoàng Bá Huân, sinh năm 1889 tại làng Lộc Đa, tổng Yên Trường, phủ Hưng Nguyên (nay là xã Hưng Lộc, thành phố Vinh), tỉnh Nghệ An.

Cha của Hoàng Trọng Trì là Hoàng Doãn Thắng, một nhà nho có khí tiết, sống gần gũi với quần chúng nhân dân. Mẹ là bà Vương Thị Diệu, một phụ nữ trung hậu, nhanh nhẹn, tháo vát. Bà gánh vác mọi việc nặng nhọc của gia đình và biết giáo dục con cái những đức tính tốt đẹp, yêu lao động, thương người nghèo, chân thành, thẳng thắn. Ông bà sinh được 8 người con, Hoàng Trọng Trì là con thứ 2 của gia đình.

Lúc còn nhỏ, Hoàng Trọng Trì học chữ Hán với cha; ít lâu sau anh học thêm mấy năm Quốc ngữ. Anh học thông minh và có khiếu về văn thơ. Anh thường thuộc bài ngay tại lớp, thời gian còn lại giúp mẹ lao động để sống. Những buổi nhặt lúa mót khoai ngoài đồng, Trì hay giúp những bạn nhỏ cùng cảnh nghèo đói như mình. Càng lớn lên, Trì càng tỏ ra là một thiếu niên có bản lĩnh cứng cỏi. Có lần, Trì cùng các bạn đặt vè chế giễu những cảnh chướng tai gai mắt diễn ra ở đình làng. Lòng thương người nghèo, ghét cường quyền bạo ngược sớm nảy nở trong tâm trí Hoàng Trọng Trì.

Chân dung đồng chí Hoàng Trọng Trì (1887-1938)
Chân dung đồng chí Hoàng Trọng Trì (1887-1938)

Làng Lộc Đa, quê Hoàng Trọng Trì ở sát thành phố Vinh. Bị bọn thực dân Pháp và địa chủ cướp hết ruộng đất, bà con nông dân làng anh phải sống cảnh nửa cày, nửa thợ và sớm có ý thức đấu tranh chống áp bức bóc lột. Xoay quanh những vấn đề ruộng đất, tô tức thuế má, phu đài tạp dịch, các cuộc đấu tranh giữa nông dân và bọn hào lý diễn ra liên tiếp, từ năm này đến năm khác. Nhưng những cuộc đấu tranh ấy vẫn không đưa lại một thay đổi gì đáng kể. Cuộc sống của gia đình Hoàng Trọng Trì và bà con láng giềng vẫn đói khổ, bế tắc, ngột ngạt.

Tháng 4/1918, Hoàng Trọng Trì đi dự thi hương trường Nghệ. Thi hỏng, anh về nối nghiệp cha mở lớp dạy học tại nhà. Bấy giờ, chế độ khoa cử đã mai một, nghề dạy chữ Hán không còn được trọng dụng như trước nữa, Hoàng Trọng Trì chán nản với cuộc sống và chế độ hiện thời nhưng đi đâu, làm gì thì anh chưa định hướng được.

Đầu năm 1919, người em ruột của Hoàng Trọng Trì bị điều đi lính. Thương em và có sức khoẻ hơn, Hoàng Trọng Trì đi lính thay em trai mình. Quãng đời lính của Hoàng Trọng Trì kéo dài 4 năm. Đây là nỗi đắng cay, tủi nhục nhất của Hoàng Trọng Trì. Vì bản tính ngay thẳng, hay chống lại mệnh lệnh của bọn chỉ huy nên anh bị chúng đẩy hết nơi này đến nơi khác; khi thì trấn thủ lưu đồn ở đồng bằng Bắc Kỳ, khi thì ở tận tô giới Pháp bên Trung Quốc... Những năm tháng sống trong cảnh cá chậu chim lồng ấy đã giúp anh thấu hiểu thêm bản chất xấu xa của thực dân Pháp và bọn phong kiến bán nước. Anh viết thư gửi về cho gia đình và bạn bầu bày tỏ tâm trạng của mình:

Anh hùng há lẽ mãi ra ri?
Thế nước vỡ bờ cũng có khi
Nước đập bờ tan cùng sóng gió
Bờ không chịu nổi phải trôi đi.

Năm 1925, hết hạn quân dịch, Hoàng Trọng Trì xuất ngũ về địa phương. Thấy anh là người thẳng thắn, cương trực, có vốn hiểu biết rộng, dân làng Lộc Đa cử anh làm hương bộ, chuyên giữ sổ sách và tiền quỹ của làng xã. Với vốn hiểu biết của mình, Hoàng Trọng Trì khéo léo lợi dụng địa vị ấy để vạch tội bọn cường hào tham nhũng, bênh vực bà con nông dân. Thấy vậy, bọn hào lý tìm mọi cách chèn ép. Không thể dựa vào chức vị để chống lại cả một chế độ thực dân phong kiến, Hoàng Trọng Trì tìm con đường khác.

Năm 1925, một số trí thức yêu nước ở Nghệ Tĩnh thành lập Hội Phục Việt, chọn Vinh làm nơi đặt cơ quan Tổng bộ. Được Hội bắt liên lạc và kết nạp vào đội ngũ những người yêu nước Việt Nam, Hoàng Trọng Trì hăng hái lao vào công tác.

Sẵn có mối quan hệ cũ, được tổ chức phân công, cùng với các đồng chí trong tiểu tổ Phục Việt ở địa phương, Hoàng Trọng Trì đã về các làng Yên Dũng, Đức Thịnh, Ân Hậu... gặp gỡ những người yêu nước, tuyên truyền gây thanh thế cho Hội. Đồng chí đã góp phần tổ chức các nhóm học Quốc ngữ, đọc sách báo tiến bộ, các hội tương tế, ái hữu, các phường lợp nhà, phường ăn thịt Tết... ở trong vùng. Cùng với công nhân, tiểu thương ở thành phố, đồng chí vận động nhân dân các làng tham gia đòi thực dân Pháp ân xá cho cụ Phan Bội Châu, phong trào để tang truy điệu Phan Chu Trinh. Cuộc đấu tranh chống hào lý bấy lâu âm ỉ, nay lại bùng lên sôi sục. Thông qua các cuộc đấu tranh ấy, Hoàng Trọng Trì bắt đầu có ý thức tập hợp lực lượng quần chúng, chuẩn bị cho những cuộc đấu tranh mới.

Từ cuối năm 1926 trở đi, bên cạnh tổ chức Phục Việt, Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí Hội bắt đầu gieo mầm cách mạng ở Vinh - Bến Thủy. Một số thanh niên yêu nước được cử ra nước ngoài dự các lớp huấn luyện về chủ nghĩa Mác - Lê nin do đồng chí Nguyễn Ái Quốc phụ trách. Qua họ, cuốn “Đường Kách mệnh” và tuần báo “Thanh Niên” thâm nhập vào Nghệ Tĩnh. Là một trí thức yêu nước, nhạy cảm với cái mới, Hoàng Trọng Trì nhanh chóng hấp thụ ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lê nin, trở thành một trong những phần tử tiên tiến của Hội Phục Việt, hoạt động theo khuynh hướng của Hội Thanh niên.

Lo sợ trước nguy cơ của phong trào cộng sản ngày càng lan rộng, thực dân Pháp và bọn phong kiến bắt bớ hàng loạt đảng viên Phục Việt và Thanh Niên. Một số lãnh đạo trong Hội Phục Việt (lúc này đổi tên là Tân Việt cách mạng Đảng) nghiêng ngả dao động trước sự khủng bố của địch, nhưng Hoàng Trọng Trì vẫn kiên trì quyết tâm cách mạng. Bọn đế quốc cấm không được dạy học, anh tổ chức từng nhóm nhỏ đọc sách báo ban đêm. Anh vận động những nhân sĩ thức thời trong làng đấu tranh buộc bọn hào lý phải đốt sổ sách, xóa nợ cho nông dân nghèo. Khi bọn lính Tây về Yên Dũng Thượng chiếm đất lập sân bay, anh cùng các đảng viên trong tiểu tổ phục Việt vận động nhân dân các làng Lộc Đa, Ân Hậu, Đức Thịnh kéo lên phối hợp, tiếp sức cho nhân dân Yên Dũng đấu tranh giữ đất, giữ vườn. Những cuộc đấu tranh ngày càng gây tiếng vang lớn.

Để tránh sự theo dõi của bọn mật thám, Hoàng Trọng Trì vừa dạy học, vừa bốc thuốc nam. Với tay nải trên vai, Hoàng Trọng Trì len lỏi khắp các làng xã bắt mạch, kê đơn bốc thuốc để ngấm ngầm hoạt động cách mạng. Dù dạy học hay chữa bệnh cứu người, Hoàng Trọng Trì đều làm một cách chu đáo, tận tình. Quần chúng nhân dân ngày càng tin yêu mến phục, ngay cả bọn hào lý cũng phải kiêng nể anh.

Trước sự phát triển của phong trào yêu nước và cách mạng ở Nghệ Tĩnh, tháng 6/1929, Đông Dương Cộng sản Đảng cử các đồng chí Nguyễn Phong Sắc và Trần Văn Cung về Nghệ An, xây dựng cơ sở Đảng. Sau khi xem xét tình hình phong trào quần chúng vùng Yên Dũng, Lộc Đa, Đức Thịnh, Nguyễn Phong Sắc bắt liên lạc với Hoàng Trọng Trì. Tháng 7/1929, dựa vào vào Hoàng Trọng Trì và những người tiên tiến trong tổ chức Tân Việt và Thanh niên, Nguyễn Phong Sắc đã chủ trì hội nghị thành lập chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng ở vùng nông thôn phía Đông Bắc Vinh - Bến Thủy, một trong 4 chi bộ cộng sản đầu tiên ở Nghệ Tĩnh. Đồng chí Hoàng Trọng Trì được bầu làm Bí thư chi bộ.

Các tổ chức quần chúng như Nông hội, Thanh niên, Xích sắc... cũng được xây dựng. Nhiều người bạn của Hoàng Trọng Trì như Nguyễn Đôn Nhoãn, Trần Cảnh Bình, Phạm Xuân Thâm và cả lớp học của đồng chí đều trở thành những đảng viên cộng sản, những đoàn viên thanh niên ưu tú. Từ một nhà nho có lòng yêu nước, sớm được giác ngộ về chủ nghĩa Mác - Lê nin, Hoàng Trọng trì đã trở thành một trong những đảng viên cộng sản đầu tiên của Đảng bộ Vinh - Bến Thủy. Bằng hoạt động của mình, đồng chí đã góp phần thức tỉnh dẫn dắt lớp thanh niên trưởng thành trong thời đại cách mạng vô sản.

Tháng 11/1929, thay mặt Kỳ bộ Trung Kỳ Đông Dương Cộng sản Đảng, đồng chí Nguyễn Phong Sắc triệu tập hội nghị thành lập Tổng Nông Hội Nghệ An ở làng Dương Xuân, phủ Anh Sơn (nay là xã Lĩnh Sơn, huyện Anh Sơn). Trong hội nghị này, Hoàng Trọng Trì được bầu vào Ban chấp hành Tổng Nông Hội Nghệ An, trực tiếp phụ trách vùng nông thôn ngoại thành Vinh.

Một đường phố ở Vinh những năm 20 của thế kỷ XX. Ảnh tư liệu, nguồn Flickr
Một đường phố ở Vinh những năm 20 của thế kỷ XX. Ảnh tư liệu, nguồn Flickr

Ở cương vị công tác mới, được sự chỉ đạo của Kỳ bộ Trung Kỳ, Hoàng Trọng Trì đã có nhiều cống hiến trong việc xây dựng cơ sở cách mạng trong quần chúng nông dân, bước đầu xây dựng khối liên minh chiến đấu giữa nông dân và công nhân.

Ngày 3/2/1930, Đảng cộng sản Việt Nam ra đời, những người cộng sản ở Nghệ Tĩnh hoạt động trong các tổ chức tiền thân của Đảng được thống nhất. Phân cục Trung Kỳ cùng các tỉnh bộ, huyện bộ được thành lập. Hoàng Trọng Trì được cử vào Ban chấp hành Tỉnh bộ Vinh - Bến Thủy.

Trong những ngày tổ chức Đảng còn ở thời kỳ trứng nước, dựa vào những nương vườn rậm rạp vùng nông thôn Yên Dũng, Lộc Đa, Đức Thịnh, Ân Hậu... nhất là dựa vào sự che chở đùm bọc của nhân dân, Hoàng Trọng Trì đã cùng những người bạn chiến đấu của mình xây dựng được nhiều cơ sở quần chúng trung kiên, biến vùng nông thôn sát thành phố Vinh căn cứ hoạt động của Phân cục Trung Kỳ và Tỉnh bộ Vinh - Bến Thủy. Từ vùng căn cứ này, nhiều lớp đào tạo cán bộ ngắn ngày, nhiều truyền đơn, báo chí bí mật của Đảng được tung về phủ huyện, góp phần thổi bùng lên ngọn lửa cách mạng của nhân dân Nghệ Tĩnh.

Mùa Xuân năm 1930, không khí cách mạng ở Nghệ Tĩnh sôi sục khắp cả thành thị và nông thôn. Công nhân các nhà máy ở Bến Thuỷ đấu tranh đòi tăng lương, cải thiện chế độ làm việc; nông dân Thanh Chương, Anh Sơn, Can Lộc đấu tranh chống hào lý tham nhũng; học sinh rải truyền đơn chống chế độ giáo dục nô dịch. Lo sợ trước sự phát triển của phong trào cách mạng, ngày 13/3/1930, thực dân Pháp và Nam triều xử chém 2 đồng chí Phan Văn Thân và Nguyễn Đừu tại thành phố Vinh, một số nơi chúng chuẩn bị tinh thần đàn áp quần chúng.

Trước tình hình đó, ngày 21/4/1930 Phân cục Trung Kỳ và Tỉnh bộ Vinh Bến Thủy tổ chức một cuộc họp tại làng Lộc Đa để nhận định tình hình và vạch kế hoạch đấu tranh. Để tránh sự theo dõi của bọn mật thám, Hoàng Trọng Trì đã bố trí cho các đại biểu họp ngày trong căn buồng nhà mình. Từ trong căn buồng ấy, hội nghị cán bộ Phân cục Trung Kỳ đã vạch ra một kế hoạch có tầm quan trọng quyết định, chuẩn bị cho cuộc đấu tranh đầu tiên của công nông Nghệ Tĩnh trong ngày lễ vẻ vang của lao động toàn thế giới (1/5/1930).

Được Tỉnh bộ Vinh - Bến Thủy phân công phụ trách khối nông dân, Hoàng Trọng Trì đi về các chi bộ trực tiếp tổ chức quần chúng tập dượt đấu tranh. Đồng chí cùng các cán bộ chuyên môn của Phân cục, của Tỉnh bộ thảo truyền đơn, khẩu hiệu, tổ chức các cơ quan in, tổ chức mạng lưới giao thông chuyển tài liệu về các địa phương. Đồng chí đặc biệt chú ý đến việc xây dựng lực lượng đấu tranh chính trị trong chị em phụ nữ nông dân.

Nhờ chuẩn bị chu đáo, sáng sớm ngày 1/5/1930, hơn 1.000 quần chúng nông dân các làng Yên Dũng, Lộc Đa, Đức Thịnh, Ân Hậu kéo vào thành phố hợp với công nhân các nhà máy đấu tranh. Thực dân Pháp và bọn phong kiến Nam triều đã huy động toàn bộ lực lượng hiện có trong thành phố kéo ra ngăn cản, đàn áp cuộc biểu tình. Nhưng quần chúng vẫn xiết chặt hàng ngũ kéo vào trung tâm Bến Thủy, giương cao cờ đỏ búa liềm, hô vang các khẩu hiệu:

Tăng tiền lương, giảm giờ làm
Giảm sưu giảm thuế
Đả đảo đế quốc Pháp và Nam triều phong kiến
Ủng hộ Xô Nga.

Từ khi quần chúng đổ ra đường cho đến khi đoàn biểu tình bị đàn áp đẫm máu, Hoàng Trọng Trì luôn tỏ ra là một cán bộ dũng cảm, cương quyết, táo bạo. Khi đi đầu đoàn, khi ở giữa đoàn, khi động viên quần chúng xông lên... đồng chí luôn bám sát đội ngũ, chỉ đạo kịp thời sắc bén. Ngay sau khi cuộc biểu tình bị đàn áp, Hoàng Trọng Trì vẫn không hề nao núng, tiếp tục cùng Tỉnh bộ lãnh đạo các chi bộ ổn định tinh thần quần chúng, tổ chức giúp đỡ những gia đình có người bị nạn.

Cuộc biểu tình ngày 1/5/1930 của công nông Vinh - Bến Thủy đã mở đầu cho cao trào đấu tranh oanh liệt trong hai năm 1930-1931 ở Nghệ Tĩnh. Nó có tác dụng thức tỉnh hàng triệu người đứng lên đấu tranh theo ngọn cờ của Đảng Cộng sản Việt Nam. Hoảng sợ trước ảnh hưởng to lớn của những người cộng sản, thực dân Pháp tổ chức truy lùng, bắt bớ những người lãnh đạo chủ chốt của cuộc biểu tình. Rạng ngày 5/5/1930, Hoàng Trọng Trì sa vào tay giặc.

Ở nhà lao Vinh, Hoàng Trọng Trì bị giam tại phòng Nhị Đông. Ở đây, đồng chí bị bọn mật thám tra tấn dã man, chúng dùng đèn xì đốt từ chân lên ngực làm da thịt bị bỏng rộp nhiều chỗ. Chín ngày sau chúng bắt cả gia đình Hoàng Trọng Trì vào nhà tù Vinh. Nhìn tấm lưng còng của mẹ già bước qua cửa nhà giam, nghe tiếng khóc của đứa con trai chưa đầy tháng tuổi, Hoàng Trọng Trì bồn chồn, xúc động. Nhưng nghĩ đến Đảng, nghĩ đến những người bạn chiến đấu của mình đã hy sinh, Hoàng Trọng Trì đã kiên tâm chịu đựng tất cả. Tinh thần kiên trì, dũng cảm của Hoàng Trọng Trì đã động viên, cổ vũ những người bạn tù giữ vững tinh thần chiến đấu.

Ngày 30/5/1930, tòa án Nam triều Nghệ An mở phiên tòa đặc biệt xét xử những người lãnh đạo và tham gia cuộc biểu tình ngày 1/5. Hoàng Trọng Trì bị kết án khổ sai chung thân với bản án số 85 vì tội “cộng sản và cầm đầu cuộc biểu tình 1/5/1930 ở Bến Thủy”. Nhiều đảng viên cộng sản và quần chúng bị kết án từ 3 tháng tù giam đến khổ sai chung thân, đày đi Lao Bảo.

Ở nhà tù Vinh cũng như tất cả những nhà tù khác trên đất nước Việt Nam, những người yêu nước luôn tổ chức những cuộc đấu tranh chống lại chế độ hà khắc, tàn bạo của nhà tù đế quốc. Đặc biệt, từ khi những đảng viên cộng sản bị địch bắt giam, cuộc đấu tranh càng có tổ chức, ngày càng quyết liệt. Ngay sau khi bị địch bắt giam, Hoàng Trọng Trì đã tranh thủ thời gian gặp gỡ tìm hiểu các bạn tù cùng giam, nhen nhóm, tổ chức nhóm bí mật trong tù chính trị. Trên cơ sở nhóm bí mật này, tháng 6/1930, các đảng viên cộng sản ở nhà tù thành lập chi bộ Đảng. Đồng chí Hoàng Trọng Trì được bầu làm Bí thư chi bộ.

Phong trào đấu tranh ở các huyện trong hai tỉnh Nghệ Tĩnh càng lên cao, số người bị địch bắt đưa vào giam ở nhà lao Vinh ngày càng đông. Cùng với các đảng viên trong chi bộ, đồng chí Hoàng Trọng Trì đã lãnh đạo anh em tù đấu tranh chống tra tấn, đòi cải thiện sinh hoạt. Đồng chí đã tổ chức được mối dây liên lạc với tổ chức Đảng ngoài nhà tù, theo dõi sít sao cuộc đấu tranh đang diễn ra khắp các phủ huyện trong tỉnh, lấy thực tế đó cổ vũ anh em tù.

Để tăng cường sinh hoạt tư tưởng, chi bộ nhà tù tổ chức tờ “Lao tù tuần báo”. Giấy mực không có, các đồng chí tự sáng tác thơ ca, truyện các liệt sỹ rồi truyền miệng từ phòng này qua phòng khác. Đồng chí Hoàng Trọng Trì vừa là người sáng tác, phổ biến nội dung mỗi số báo. Đêm đêm, những người bạn tù hướng về phòng Nhị Đông lắng nghe Hoàng Trọng Trì đọc thơ. Những bài thơ mộc mạc, chân chất, mang theo hơi thở của cuộc cách mạng sôi sục của hàng vạn công nông Nghệ Tĩnh thức tỉnh và vùng lên trở thành vũ khí giáo dục sắc bén của chi bộ Đảng. “Phá tan hai chữ cường quyền”, “hãy một niềm vàng đá”, “Không nản chí”... là những bài thơ tiêu biểu của Hoàng Trọng Trì. Từ trong nhà tù Vinh, những bài thơ ấy được bí mật chuyển ra ngoài, góp gió cùng cơn bão táp cách mạng đang diễn ra ở Nghệ Tĩnh:

Chúng tôi đây mắc vòng tù tôi
Vẫn đấu tranh và đợi bên ngoài .

Sau một thời gian bị giam giữ ở lao Vinh, cuối năm 1930, Hoàng Trọng Trì bị thực dân Pháp đày đi Lao Bảo. Nghe tin ấy, anh em tù chính trị ở lao Vinh làm bài thơ tiễn biệt người đồng chí thân yêu của mình:

Trì phát vãng tin đâu như sét đánh
Tớ vội vàng thức tỉnh hồn thơ...

Xúc động trước tình cảm thắm thiết của đồng chí mình, Hoàng Trọng Trì đã viết mấy vần thơ đáp lại:

Thưa các ông, cùng các chị, dặn các các em
Phải hết sức để tranh quyền lợi lại
Vạn cổ thành công từ thất bại
Như kim thành sự biểu đồng tình
Công nông binh dốc tấm nhiệt thành
Để đánh đổ tan tành quân đế quốc,
Làm sao cho thoả lòng mong ước,
Cõi Việt Nam như Xô Viết rạng trời Nga...

Hơn 6 năm bị giam cầm, tra tấn trong nhà tù đế quốc, Hoàng Trọng Trì vẫn bền bỉ chiến đấu, giữ vững khí tiết của người cộng sản. Tháng 7/1936, trước sự đấu tranh mạnh mẽ của phong trào quần chúng do Đảng ta lãnh đạo, Hoàng Trọng Trì được trả lại tự do.

Trở về địa phương, tuy sức khỏe Hoàng Trọng Trì giảm sút, nhưng sự có mặt của đồng chí đã góp phần động viên cán bộ, quần chúng cách mạng ở Vinh - Bến Thủy.

Thời gian bị giam ở nhà tù Lao Bảo, Hoàng Trọng Trì thường bị bọn cai ngục tra tấn và đi lao động khổ sai lại ở vùng khí hậu khắc nghiệt, đồng chí bị chấn thương ở phổi. Về nhà vết đau cũ tái phát, bệnh tình trầm trọng. Nhưng hễ lúc nào gượng dậy được là đồng chí cố gắng giúp đỡ các cán bộ địa phương xây dựng cơ sở cách mạng, lãnh đạo quần chúng đấu tranh giành quyền tự do dân chủ. Trong hoàn cảnh khó khăn, nhiều cựu chính trị phạm, nhiều đảng viên và quần chúng đã đến để tranh thủ ý kiến thăm hỏi và chăm sóc sức khỏe đồng chí Hoàng Trọng Trì.

Ngày 30/10/1938, đồng chí Hoàng Trọng Trì, người đảng viên cộng sản kiên cường, người con ưu tú của quê hương qua đời trong niềm tiếc thương vô hạn của đông đảo đảng viên và quần chúng cách mạng ở Nghệ An.

Theo btxvnt.org.vn
https://btxvnt.org.vn/chi-tiet-bai-viet/hoang-trong-tri1887-1938-bi-danh-minh
Copy Link
https://btxvnt.org.vn/chi-tiet-bai-viet/hoang-trong-tri1887-1938-bi-danh-minh
Đồng chí Hoàng Trọng Trì (1887-1938): Người con ưu tú của quê hương Nghệ An
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO