Sức khỏe

Thực hiện lối sống lành mạnh để phòng chống bệnh đái tháo đường

Thành Chung (thực hiện) 10/11/2024 11:01

Ngày 20/12/2006, Liên hợp quốc đã nhất trí thông qua Nghị quyết 61/225 lấy ngày 14/11 là “Ngày đái tháo đường thế giới”. Dịp này, Báo Nghệ An đã có cuộc trao đổi với Thạc sĩ, bác sĩ Phan Thế Thành – Phó Trưởng khoa Hồi sức Cấp cứu, Bệnh viện Nội tiết Nghệ An.

P.V: Theo Tổ chức Y tế thế giới, số ca tử vong do đái tháo đường cao hơn rất nhiều so với các bệnh truyền nhiễm từ trước đến nay vẫn được coi là nguy hiểm. Bác sĩ có thể cho biết rõ hơn về loại bệnh này và sự nguy hiểm của bệnh?

Thạc sĩ, bác sĩ Phan Thế Thành: Theo thống kê, số ca tử vong toàn cầu của bệnh đái tháo đường năm 2015 là 5 triệu người. Và cũng trong giai đoạn này, số ca tử vong do HIV/AIDS là 1,5 triệu người, bệnh lao là 1,5 triệu người và sốt rét là 0,6 triệu người...

Ảnh Thành Chung (6)
Đái tháo đường là một bệnh rối loạn chuyển hóa kéo dài suốt cả đời. Ảnh: Thành Chung

Về bản chất, đái tháo đường là tình trạng tăng đề kháng insulin và giảm tiết insulin ở tế bào beta trong tuyến tụy (insulin là một hormone giúp đưa glucose trong máu đi vào các tế bào trong cơ thể để tạo năng lượng cho tế bào hoạt động). Tình trạng này dẫn đến tăng đường huyết.

Đường trong máu cao và kéo dài gây nên những biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng tới cuộc sống và chất lượng cuộc sống của người bệnh như: Tổn thương mắt gây ra mù lòa; suy thận; nhiễm trùng bàn chân, cắt cụt chi; đặc biệt biến chứng tim mạch như: Tăng huyết áp, tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim...

Đái tháo đường có rất nhiều loại, phổ biến và thường gặp có 3 loại là đái tháo đường tuýp 1, đái tháo đường tuýp 2 và đái tháo đường thai kỳ. Ngoài ra, còn có đái tháo đường thứ phát do các nguyên nhân như khiếm khuyết về gen, đái tháo đường do các bệnh lý nội khoa hoặc do sử dụng thuốc, sử dụng hóa chất như glucocorticoid, điều trị HIV/AIDS hoặc sau cấy ghép mô…

Đái tháo đường tuýp 1 là tình trạng người mắc bệnh bị thiếu insulin do tế bào beta của tuyến tụy bị phá hủy gây giảm tiết insulin hoặc không tiết ra insulin. Đái tháo đường tuýp 1 hiếm gặp hơn tuýp 2, chiếm khoảng 5-10% trong số người mắc bệnh đái tháo đường và thường xảy ra ở người trẻ. Bệnh thường diễn tiến vài tháng đến vài năm trước khi các triệu chứng đầu tiên được chú ý.

Theo thời gian, đái tháo đường tuýp 1 không được kiểm soát có thể gây ra các biến chứng lên các cơ quan chính trong cơ thể, bao gồm mắc một số vấn đề về tim, mạch máu; tổn thương dây thần kinh; tổn thương mắt và thận; nhiễm trùng da và miệng; biến chứng khi mang thai. Các biến chứng của bệnh đái tháo đường tuýp 1 có thể dẫn đến tàn tật hoặc thậm chí đe dọa tính mạng.

Ảnh Thành Chung (3)
Các biến chứng của bệnh đái tháo đường có thể dẫn đến tàn tật hoặc thậm chí tử vong. Ảnh: Thành Chung

Đái tháo đường tuýp 2 là tình trạng người mắc bệnh bị tăng đề kháng insulin và sự giảm tiết insulin ở tế bào beta tuyến tụy. Đái tháo đường tuýp 2 chiếm khoảng 90% - 95% tổng số người mắc. Bệnh thường xảy ra trên cơ địa thừa cân, béo phì, lười tập thể dục, ăn nhiều tinh bột, ít rau xanh, ít chất xơ… Bệnh ngày càng trẻ hóa khi ngày càng nhiều người trẻ dưới 30 tuổi đã bị đái tháo đường tuýp 2.

Nếu người bệnh đái tháo đường tuýp 2 không được điều trị, lượng đường trong máu cao sẽ gây tổn hại nghiêm trọng đến các bộ phận cơ thể như: Mắt, tim, thận, bàn chân, mạch máu, thần kinh, đôi khi đường huyết tăng cao quá mức có thể làm bệnh nhân hôn mê dẫn đến tử vong… Tuy nhiên, người bệnh tiểu đường tuýp 2 nếu được điều trị, chăm sóc đúng cách sẽ sống tốt, giảm nguy cơ biến chứng nguy hiểm.

P.V: Những dấu hiệu sớm để nhận biết bệnh là gì? Bác sĩ có thể cho biết về cách thức điều trị bệnh?

Thạc sĩ, bác sĩ Phan Thế Thành: Các triệu chứng đái tháo đường tuýp 1 gồm: Đi tiểu nhiều; khát nước nhiều; uống nước nhiều; giảm cân/cảm thấy đói nhanh chóng; mệt mỏi; mờ mắt; thường xuyên bị nhiễm trùng da; đường tiết niệu hoặc âm đạo; cáu kỉnh hoặc thay đổi tâm trạng; đái dầm mới xuất hiện ở trẻ trước đó không có... Các dấu hiệu cảnh báo nghiêm trọng là bứt rứt; lú lẫn; thở nhanh sâu; hơi thở có mùi trái cây; đau bụng; mất ý thức (hiếm gặp).

Ảnh Thành Chung (5)
Thạc sĩ, bác sĩ Phan Thế Thành cho biết: Hiện nay độ tuổi mắc bệnh tiểu đường đang có dấu hiệu trẻ hóa.Ảnh: Thành Chung

Các triệu chứng đái tháo đường tuýp 2 gồm có thể rất nhẹ mà người bệnh không nhận thấy rõ. Người mắc bệnh này nhưng thường ít để ý đến các triệu chứng, bao gồm: Rất khát; đi tiểu nhiều; nhìn mờ; cáu kỉnh; ngứa ran hoặc tê ở bàn tay hoặc bàn chân; mệt mỏi/cảm thấy mệt mỏi; vết thương không lành; nhiễm trùng nấm men tiếp tục tái phát; cảm thấy đói; giảm cân mà không cần cố gắng; bị nhiễm trùng nhiều hơn... Nếu thấy xuất hiện biểu hiện sẫm màu, da sần sần quanh cổ hoặc nách (bệnh gai đen) có thể xem là dấu hiệu cho thấy cơ thể đang trở nên đề kháng với insulin.

Đái tháo đường là một loại bệnh mãn tính, tuy nhiên, nếu được phát hiện sớm, người bệnh hoàn toàn có thể điều trị, kiểm soát bệnh một cách hiệu quả, chủ động ứng phó với các biến chứng của bệnh và đảm bảo an toàn sức khỏe. Điều trị bệnh đái tháo đường cần kết hợp nhiều yếu tố bao gồm: Lối sống, ăn uống, tập luyện, dùng thuốc… để ổn định lượng đường trong máu. Ngoài ra, với mỗi loại bệnh đái tháo đường khác nhau sẽ có những hướng điều trị cụ thể căn cứ vào tình trạng sức khỏe của người bệnh.

Thạc sĩ, bác sĩ Phan Thế Thành – Phó Trưởng khoa Hồi sức Cấp cứu, Bệnh viện Nội tiết Nghệ An

Ở Nghệ An hiện nay, bệnh đái tháo đường được điều trị ở các bệnh viện tuyến huyện, tuyến tỉnh. Với bệnh viện tuyến huyện thì thực hiện điều trị cho các bệnh nhân nhẹ, chưa có biến chứng. Bệnh nhân có biến chứng, biến chứng nặng cần được chuyển lên điều trị ở bệnh viện tuyến tỉnh. Ở bệnh viện tuyến tỉnh có đầy đủ các loại thuốc, điều trị tốt hầu hết các biến chứng... Nghệ An đang hướng tới việc quản lý, điều trị, hướng dẫn những bệnh nhân nhẹ ngay ở các trạm y tế xã.

P.V: Được biết hiện nay, tỷ lệ bệnh nhân mắc đái tháo đường đang tăng nhanh; cùng với đó, còn có nhiều người tiền đái tháo đường chưa được phát hiện. Bác sĩ có thể nói gì về điều này?

Thạc sĩ, bác sĩ Phan Thế Thành: Theo thống kê của Liên đoàn Đái tháo đường Thế giới, cứ 24 giờ, trên thế giới lại có: 3.600 trường hợp đái tháo đường mới được chẩn đoán, 580 người bị tử vong, 225 người bị cắt đoạn chi, 120 người bị suy thận giai đoạn cuối và 55 người bị mù do bệnh đái tháo đường gây nên.

Ảnh Thành Chung (4)
Khám và tư vấn về bệnh đái tháo đường cho người dân tại cộng đồng. Ảnh: Thành Chung

Tại Việt Nam, tỷ lệ bệnh đái tháo đường cũng có sự gia tăng theo xu hướng chung của thế giới. Điều tra toàn quốc của Bệnh viện Nội tiết Trung ương năm 2002, tỷ lệ bệnh đái tháo đường trên toàn quốc là 2,7%. Sau 10 năm, điều tra quốc gia năm 2012 tỷ lệ này đã tăng gấp đôi lên 5,4%. Kết quả khảo sát trên toàn quốc gần đây nhất năm 2020 cho thấy tỷ lệ mắc bệnh đái tháo đường tại Việt Nam là 7,3%; tỷ lệ tiền đái tháo đường là 17,8%... Tại Nghệ An, điều tra của Bệnh viện Nội tiết Nghệ An cho thấy năm 2010 tỷ lệ mắc đái tháo đường toàn tỉnh là 5,36%, đến năm 2020 đã tăng lên 7,2%. Đây thực sự là những con số đáng báo động.

Một thực tế đáng lo ngại khác cần hết sức quan tâm là có trên 60% bệnh nhân đái tháo đường chưa được chẩn đoán, bệnh xuất hiện ngày càng nhiều ở lớp trẻ khi tỷ lệ thừa cân, béo phì tăng nhanh... Cùng với đó, hơn một nửa người trưởng thành chưa bao giờ được làm xét nghiệm đường huyết để phát hiện bệnh đái tháo đường.

Ảnh Thành Chung (2)
Mọi người dân cần thực hiện tầm soát bệnh, khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm tiền đái tháo đường. Ảnh: Thành Chung

Sự gia tăng bệnh đái tháo đường ở Việt Nam có những nguyên nhân sau: Thứ nhất, theo nghiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới thì cơ địa của người châu Á có nguy cơ mắc đái tháo đường cao hơn so với người châu Âu và châu Mỹ. Thứ hai, đời sống phát triển, thực phẩm đầy đủ hơn, nhiều người không kiểm soát được việc ăn uống. Thứ ba, trong cuộc sống công nghệ, công việc văn phòng cộng thêm áp lực công việc đã khiến nhiều người bị hạn chế vận động và tập luyện thể dục thể thao...

Còn nguyên nhân khiến nhiều người mắc bệnh đái tháo đường, tiền đái tháo đường mà chưa được phát hiện chủ yếu xuất phát từ nhận thức về bệnh chưa đầy đủ; bệnh chưa có triệu chứng; chưa có thói quen thực hiện tầm soát bệnh, khám sức khỏe định kỳ; tâm lý e ngại “phát hiện bệnh”.

P.V: Đái tháo đường có thể phòng ngừa. Bác sĩ có thể khuyến cáo để người dân chủ động thực hiện phòng ngừa bệnh?

Thạc sĩ, bác sĩ Phan Thế Thành: Đái tháo đường tuýp 1 có nguyên nhân do các yếu tố di truyền, do hệ miễn dịch suy giảm hoặc do môi trường tác động. Nguyên nhân gây đái tháo đường tuýp 2 có thể do di truyền, người có thể trạng béo phì và ít vận động. Các nghiên cứu lâm sàng và can thiệp cộng đồng đã chứng minh bệnh đái tháo đường tuýp 2 có thể phòng ngừa được bằng cách thực hiện chế độ dinh dưỡng, duy trì cân nặng lý tưởng và tăng cường hoạt động thể lực.

Ảnh Thành Chung (1)
Mọi người cần thực hiện chế độ ăn phong phú, giảm lượng tinh bột, tăng lượng đạm và chất xơ để phòng ngừa bệnh đái tháo đường. Ảnh: Thành Chung

Để phòng ngừa bệnh đái tháo đường tuýp 2, mọi người cần thay đổi lối sống tiêu cực, duy trì lối sống lành mạnh. Người hút thuốc lá cần thay đổi thói quen, dần từ bỏ thuốc lá. Mọi người hạn chế đến mức thấp nhất việc sử dụng rượu, bia; thực hiện chế độ ăn phong phú, giảm lượng tinh bột, tăng lượng đạm và chất xơ; ăn chất béo lành mạnh; bổ sung thực phẩm giàu vitamin C, vitamin D, vitamin E… và các khoáng chất từ trái cây, rau củ; hạn chế việc uống các loại nước ngọt... Chế độ ăn uống lành mạnh cắt giảm lượng đường sẽ giúp cơ thể khỏe mạnh hơn, tránh nhiều biến chứng nguy hiểm do tiểu đường tuýp 2.

Mọi người cần có chế độ luyện tập thể thao phù hợp: Hoạt động thể chất thường xuyên ít nhất 30 phút mỗi ngày, 150 phút một tuần… sẽ có nhiều lợi ích cho sức khỏe như phòng ngừa và cải thiện bệnh. Người làm việc liên tục trên máy tính, hãy dành vài phút để đứng lên, đi lại, hoạt động nhẹ nhàng sau mỗi 30 phút làm việc để giúp máu lưu thông, kiểm soát lượng đường trong máu tốt hơn.

Mọi người cần thực hiện khám sức khỏe định kỳ và tầm soát bệnh đái tháo đường, tiền đái tháo đường. Việc tầm soát để phát hiện sớm bệnh, nguy cơ bệnh sẽ tiết kiệm được rất nhiều chi phí điều trị và đề phòng được các biến chứng sau này; cũng như nâng cao chất lượng cuộc sống, bảo vệ hạnh phúc cho bản thân và gia đình của người bệnh.

P.V: Xin cảm ơn bác sĩ!

Thành Chung (thực hiện)