Bản Huồi Pốc (xã Nậm Cắn, huyện Kỳ Sơn) được xem là một trong những bản khó khăn nhất của xã vùng biên Nậm Cắn. Nằm cách quốc lộ hơn 10km nhưng đường lên Huồi Pốc dốc dựng đứng, một bên là vách đá cheo leo, một bên là vực sâu hun hút. Nơi đây quanh năm khí hậu lạnh, sương mù bao phủ. Ảnh: Đào ThọDo giao thông khó khăn nên tại Huồi Pốc hiện có Trường Tiểu học Nậm Cắn 2 và điểm bản của Trường Mầm non Nậm Cắn đứng chân, nhằm tạo điều kiện cho học sinh nơi đây thuận lợi đến trường. Trường Tiểu học Nậm Cắn 2 đóng ở điểm cao nhất của bản, trên đỉnh một ngọn đồi với 7 lớp, 156 học sinh, trong đó học sinh nghèo và cận nghèo chiếm 92%, chủ yếu thuộc dân tộc Mông và Khơ Mú. Ảnh: Đào Thọ Cô giáo Kha Thị Liên, giáo viên Trường Tiểu học Nậm Cắn 2 chia sẻ: Cô lên Huồi Pốc dạy học đã 6 năm, dù nhà cách Huồi Pốc chỉ khoảng 30km nhưng có nhiều tuần phải ở lại vì đường đi rất vất vả. Nhất là đến mùa mưa lũ , sạt lở đất có thể diễn ra bất cứ lúc nào. Những lúc khó khăn không lưu thông được, giáo viên ở đây nhận được sự giúp đỡ của người dân và lực lượng biên phòng nên họ cũng phần nào an tâm hơn. Ảnh: Đào Thọ Có thâm niên cắm bản 13 năm ở Huồi Pốc là thầy Nguyễn Văn Đức (quê ở huyện Yên Thành). "Năm 2011, tôi lên Huồi Pốc khi ấy chưa có đường, phải chui dưới những tán rừng theo lối mòn để vào trường. Tôi bẩm sinh bị tàn tật, khi xung phong lên Huồi Pốc cũng không nghĩ khó khăn đến thế. Những ngày vắt áo ngang vai, leo dốc 3 giờ đồng hồ khiến mọi người mệt nhoài, nhưng nhìn học sinh ngoan ngoãn và khát khao được đi học thì những giáo viên như chúng tôi lại cảm thấy yêu mảnh đất này hơn bao giờ hết”, thầy Đức tâm sự. Ảnh: Đào Thọ Theo thầy Hoàng Anh Tuấn – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nậm Cắn 2 cho hay, Hầu hết học sinh của trường (ở bản Huồi Pốc và Pa Ca) có hoàn cảnh khó khăn. Do cuộc sống mưu sinh, nhiều phụ huynh đã rời bản làng đến các công ty ở tận miền Nam làm thuê, phó mặc các em cho ông bà và thầy cô giáo. Nhà trường ngoài việc dạy học còn phải quan tâm đến cuộc sống ăn, ở của các em. Bởi vậy, dù chỉ có 19 em thuộc diện bán trú nhưng muốn học sinh có điều kiện học tập tốt hơn, nhà trường buộc phải liên hệ với các mạnh thường quân để có thêm các suất ăn cho các học sinh khác. Ảnh: Đào Thọ Phía dưới Trường Tiểu học Nậm Cắn 2 là điểm bản của Trường Mầm non Nậm Cắn. Nơi đây có 3 lớp với 84 học sinh do 3 cô giáo phụ trách. Hàng ngày, từ sáng sớm các cô đã phải xuống tận chân núi để đón học trò tới lớp. Ảnh: Đào Thọ Cô giáo Lô Thị Thanh Hiền cho biết, cô đến đây dạy học đã 21 năm. Ngày trước chưa có trường nên muốn dạy học phải nhờ nhà dân. Do điểm bản khó khăn nên các cô trong trường sau khoảng 3-5 năm phải đổi điểm cắm bản cho nhau. Ảnh: Đào Thọ Theo cô Hiền, những giáo viên như cô dù rằng gặp nhiều khó khăn nhưng chỉ cần học sinh đến lớp đầy đủ, các em được sống, học tập trong sự chăm lo đầy đủ của giáo viên đã là một niềm hạnh phúc lớn lao. Ảnh: Đào Thọ Trên đỉnh Huồi Pốc, ngày lễ 20/11 không có những món quà đắt đỏ nhưng những đóa hoa rừng mà các em kết tặng thầy cô trở thành món quà vô giá không thể nào đong đếm được. Ảnh: Đào Thọ
Đào Thọ