Thể thao

Vì sao các HLV trưởng Sông Lam Nghệ An lần lượt từ chức?

Phú Châu 12/11/2024 08:20

Thông tin HLV trưởng Sông Lam Nghệ An, ông Phạm Anh Tuấn vừa đệ đơn từ chức và được chấp nhận rời ghế có thể khiến nhiều người ngạc nhiên, nhưng thực ra đây là diễn biến hợp lý, rất khó tránh sau những gì đội chủ sân Vinh thể hiện từ đầu mùa giải đến nay.

Trên sân nhà, đội bóng do huấn luyện viên trưởng Phạm Anh Tuấn dẫn dắt chỉ giành được kết quả hòa 3 trận và mới nhất là trận thua tâm phục, khẩu phục trước người hàng xóm Thanh Hóa với tỷ số 0-1, cùng với 2 trận thua trên sân khách, trở về vị trí 14/14 trên bảng xếp hạng, một kết quả không mong muốn.

Ngay từ cuối mùa giải trước, đội bóng do ông Tuấn dẫn dắt chỉ thoát khỏi vị trí thi đấu play-off nhờ trận thắng bất ngờ trước Thể Công để tiếp tục trụ lại V-League. Những người am tường đã dự báo rằng, không có gì đảm bảo để ông Tuấn tại vị một cách chắc chắn nếu đội bóng không được đầu tư đúng mức so với các đội bóng V-League khác?

anh-man-hinh-2024-11-11-luc-09.01.39.jpg
Huấn luyện viên Phạm Anh Tuấn. Ảnh: FPT

Thực tế sau đó cho thấy, mọi dự báo và lo lắng của người hâm mộ cũng như giới chuyên môn là đúng và sớm. Lãnh đạo đội chủ sân Vinh sau đó tuyên bố “tiếp tục sử dụng dàn cầu thủ trẻ tự đào tạo”. Đồng thời cho phép những cầu thủ hết hợp đồng được chuyển đi như Văn Việt, Sỹ Hoàng, Văn Lắm…, càng cho thấy trên thực tế đã không có một sự đầu tư cần thiết nào để củng cố lực lượng từ nội đến ngoại binh, nghĩa là đội bóng sẽ gặp vô vàn khó khăn khi vào giải và rất khó để mơ mộng một thứ hạng cao, nếu không nói là loanh quanh, luẩn quẩn con đường trụ hạng.

Mới đây, khi trò chuyện với một vị lãnh đạo địa phương về việc Sông Lam Nghệ An thi đấu bết bát, người viết bài này có đề cập đến việc “liệu có thể thay đổi nhà tài trợ, một nhà tài trợ mạnh hơn cho đội bóng được không?” thì nhận được câu trả lời là “không, không thể!”.

Theo đó, đầu tư cho bóng đá rất tốn kém, không phải doanh nghiệp nào cũng sẵn lòng, cũng theo đuổi đến cùng. Nhà tài trợ trước đây đã đầu tư hơn 10 năm, là một cố gắng rất đáng ghi nhận. Nay, nhà tài trợ mới đến khi kinh tế gặp khó khăn đang phải thực thi chính sách “sử dụng nguồn trẻ, trả lương thấp, cho phép lứa trưởng thành rời đi để lấy nguồn lực đầu tư trở lại cho đội bóng”.

466510313_8704756096260259_96669283611226383_n(1).jpg
Sông Lam Nghệ An trong trận gặp Đông Á Thanh Hóa trên sân Vinh ngày 10/11. Ảnh: Xuân Thủy

Thực ra, câu chuyện đầu tư ổn định và lâu dài cho các đội bóng chuyên nghiệp là câu chuyện không chỉ riêng có của Sông Lam Nghệ An. Khánh Hòa đang chơi ở V-League 2 là ví dụ cụ thể sau những gì người hâm mộ được biết về chuyện nợ lương, thưởng của nhà đầu tư với cầu thủ, về những cuộc đình công, bỏ tập, bỏ đội cũng không chỉ riêng ở đội bóng phố biển. Ngay người hàng xóm Thanh Hóa với đội hình hùng hậu, mua sắm cầu thủ ngoại vô cùng rình rang thì cũng từng xảy ra chuyện “hứa suông”, chuyện nợ lương, nợ thưởng đó thôi...

Để thấy, bóng đá chuyên nghiệp là câu chuyện ăn đong, nợ nần không lúc này thì lúc khác. Đối với các đội bóng nhà nghèo như Sông Lam Nghệ An, như Khánh Hòa hay Bình Định, Đồng Tháp, những địa phương có truyền thống lâu đời về bóng đá phong trào, cũng không tránh khỏi việc nhà đầu tư mạnh ở mùa này mà yếu ở mùa khác, nghĩa là tùy thuộc vào kết quả kinh doanh để đầu tư cho bóng đá, rồi trụ lại lâu dài hay sớm rút đi.

Trở lại chuyện Sông Lam Nghệ An đì đẹt đáy bảng và việc lần lượt các huấn luyện viên Quang Trường, Huy Hoàng, Như Thuật và Phạm Anh Tuấn lần lượt “rời võ đài”. Rõ ràng, không ai nói đó là do các ông thầy non kém mà đều biết chuyện không “có bột” thì không thể “gột nên hồ”! Một dàn trẻ tiềm năng ở các lứa U19, U21, U23 nhưng được gọi vội vàng từ đội trẻ lên, ngay lập tức phải đối đầu với nhiều đàn anh dạn dày trận mạc, nhiều ngoại binh thuộc hàng khủng thì thật khó để có được kết quả như mong muốn.

Quang Vinh vừa thi đấu từ giải U19 quốc gia ở mức khá, được gọi lên đội 1 và thi đấu liên tục, được tin dùng là một trong những “trụ cột” trẻ đáng lưu ý. Nhưng không phải cầu thủ trẻ nào cũng trụ được như cầu thủ trẻ này. Trong khi những đàn anh thi đấu nhiều ở V-League hơn như Xuân Tiến, Văn Cường, Văn Bách… thì mỗi người gặp một vấn đề trong và ngoài sân cỏ, rồi chấn thương, thẻ phạt, án nội bộ…, khiến họ không thể là chính mình trong các trận đấu gần đây. Ngoại binh mùa này tưởng khá hơn nhưng sau 7 vòng đấu cũng mới ghi được 3 bàn thắng, một con số quá ít ỏi nếu không nói là thật nản lòng?

Thực ra phải dành lời khen những ông thầy như Phạm Anh Tuấn đã dũng cảm gánh vác nhiệm vụ trong thời khắc khó khăn của đội bóng và ít nhất đã đưa Sông Lam trụ hạng cho đến nay. Nhưng khi họ phải nói lời chia tay đội bóng, khi những đồng nghiệp của họ đang trở nên “mát tay” ở đội khác như ở Hồng Lĩnh Hà Tĩnh chẳng hạn, thì có lẽ nên chia sẻ, đồng cảm với quyết định bất đắc dĩ được đưa ra lúc này. Trách nhiệm thuộc về lãnh đạo đội bóng để nhanh chóng ổn định mọi mặt cho các vòng đấu khó khăn phía trước, kể cả việc “kiên trì định hướng” hay phải bổ sung, thay đổi khi thực tế mới không thuận đang đặt ra.

Nếu ở điều kiện không “thua em, kém chị” thì việc thay tướng có thể sẽ đổi vận “chỉ hòa và thua” hiện nay. Nhưng thực tế là câu chuyện “lực bất tòng tâm”, là chất lượng cầu thủ quá non, ngoại binh quá kém, chế độ lương thưởng quá hẻo khiến không ai có thể vực dậy cả đội bóng theo yêu cầu. Nếu lãnh đạo đội bóng vẫn theo đuổi phương án cũ, kiên trì với định hướng nào đó thì phải chấp nhận sự nghiệt ngã của bóng đá chuyên nghiệp, mạnh được yếu thua, là xuống hạng rồi làm lại từ đầu mà thôi.

Sông Lam Nghệ An vốn nổi danh và tồn tại đến nay, trước hết là ý chí vượt khó, một truyền thống đáng tự hào. Nhưng hôm nay, nói chuyện ý chí thì dường như là một điều không thực tế; nói chuyện một ông thầy giỏi nào đó vực dậy đội bóng, tránh dần xa đáy bảng, trụ lại được V-League ở cuối mùa, quả thực cũng giống như “chuyện viễn tưởng”, nếu hoàn toàn không có những chuyển động mới mẻ từ nhà tài trợ, từ lãnh đạo đội bóng từ nay về sau!

Phú Châu