Xã hội

Chuyện về 2 giáo viên Nghệ An được tuyên dương nhà giáo trẻ tiêu biểu toàn quốc

Thanh Quỳnh 18/11/2024 12:33

Vừa qua, Nghệ An có 2 giáo viên được Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh trao tặng giải thưởng “Nhà giáo trẻ tiêu biểu” toàn quốc năm 2024. Đó là sự ghi nhận vô cùng xứng đáng bởi hai đại diện của Nghệ An không chỉ có thành tích xuất sắc về chuyên môn mà còn có nhiều đóng góp thầm lặng để nâng bước cho những học trò vùng khó.

Điểm tựa của học sinh đồng bào dân tộc thiểu số

Có 5 học sinh đạt giải Tin học cấp quốc gia, 55 học sinh đạt giải Tin học trẻ cấp tỉnh và khu vực, đó là tài sản lớn nhất trong gần 10 năm công tác của cô giáo Phan Thị Hồng Hải (SN 1992), hiện đang công tác tại Trường PT Dân tộc nội trú THPT số 2 Nghệ An. Điều đặc biệt hơn cả là những học trò đạt giải ấy lại đến từ vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh.

Chia sẻ về nữ giáo viên trẻ này, cô Đậu Thị Quỳnh Mai - Phó Hiệu trưởng Trường PT Dân tộc nội trú THPT số 2 Nghệ An cho biết, trước năm 2015, số học sinh đạt giải học sinh giỏi môn Tin học cấp tỉnh của trường rất ít. Do hơn 90% học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số, việc tiếp cận và làm chủ kiến thức tin học là một thách thức lớn đối với các em.

Tuy nhiên, kể từ năm 2015 đến nay, khi cô giáo Phan Thị Hồng Hải về công tác tại trường thì bộ môn Tin học như được thổi một luồng gió mới. Bằng năng lực chuyên môn và sự tận tâm của mình, cô Hải đã trở thành chỗ dựa vững chắc, giúp học trò gặt hái nhiều thành tích không chỉ ở các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh, mà còn tại các cuộc thi Tin học trẻ cấp khu vực, cấp Quốc gia và cả cuộc thi Sáng tạo dành cho thanh thiếu niên, nhi đồng toàn quốc.

thanh quỳnh
Học trò do cô Phan Thị Hồng Hải hướng dẫn đã đạt nhiều giải cao tại cuộc thi "Sáng tạo dành cho thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Nghệ An năm 2024". Ảnh: Thanh Quỳnh

Các giáo viên và học sinh của Trường PT Dân tộc nội trú THPT số 2 Nghệ An vẫn thường gọi đùa với nhau rằng: Căn nhà của cô Hải là “căn nhà tình thương”. Bởi thương học trò còn nhiều thiếu thốn, trước những kỳ thi quan trọng cô thường đón các học trò của mình về nhà để trực tiếp hướng dẫn cho các em. Thậm chí, trong 3 tháng hè ròng rã, nhiều học trò nhà ở xa còn được ở lại nhà cô để trực tiếp bày dạy, ôn luyện.

Từ mái nhà của cô, nhiều học trò nay đã có thêm sự tiếp sức ý nghĩa để trở thành sinh viên các đại học lớn như Lê Thanh Thương (SN 2003) người dân tộc Thổ huyện Nghĩa Đàn, Nguyễn Quốc Cường (SN 2005) người dân tộc Thái ở bản Cọ Muồng xã Châu Kim, huyện Quế Phong. Thương và Cường đều đậu ngành IT Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Còn Nguyễn Huy Nhật (SN 2006) ở bản Poom Lầu, xã Châu Bình, huyện Quỳ Châu đậu Trường Đại học FPT.

d81edc481b77a029f966.jpg
Cô Phan Thị Hồng Hải cùng hai em Nguyễn Huy Nhật và Nguyễn Quốc Cường tại Lễ Tuyên dương học sinh đạt giải cao trong kỳ thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2023. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Nhớ lại quãng thời gian được cô Hải dìu dắt, Nguyễn Huy Nhật - chàng trai của bản Poom Lầu (xã Châu Bình, huyện Quỳ Châu) cho biết, khi tiếp cận chương trình trung học phổ thông, bản thân em khá bị động trong môn Tin học. Bởi hai cấp học trước đó, em ít khi có điều kiện để rèn luyện bộ môn này. Hoàn cảnh gia đình cũng không đủ điều kiện để có thể mua máy tính cá nhân cho em.

Cho đến khi, được cô Hải chỉ dạy, thậm chí cô còn tạo điều kiện ở lại nhà cô trong suốt các tháng Hè của 3 năm cấp 3, em mới thực sự làm chủ được kiến thức Tin học. Điều đó giúp em đạt được Giải nhất Tin học trẻ khu vực miền Trung 2022; Giải Khuyến khích Tin học trẻ Toàn quốc năm 2023, Huy chương Vàng Olympic Tin học khu vực Miền Trung Tây Nguyên năm 2023, Giải nhất Olympic Tin học khu vực Bắc Trung Bộ năm 2024…

Từ những thành quả này, Nhật đã vững vàng bước tiếp chặng hành trình của mình và được nhận học bổng toàn phần 100% để trở thành tân sinh viên Trường Đại học FPT vào tháng 9 vừa qua.

937b1e9e0e58b506ec49.jpg
Cậu học trò đồng bào Thái Phan Ka Ka (thứ 3 từ phải sang) đạt giải Nhì cuộc thi Olympic Tin học Bắc Trung Bộ năm 2024. Ảnh tư liệu: Nhân vật cung cấp

Cùng với Nhật, cậu học trò đồng bào Thái Phan Ka Ka (SN 2007) ở bản Chiếng Huổng, xã Quang Phong, huyện Quế Phong cũng là một trường hợp khiến cho nhiều người ngạc nhiên vì sự tiến bộ của em. Sinh ra trong gia đình nghèo, mẹ vất vả nuôi em khôn lớn trong hoàn cảnh khó khăn, vậy nhưng em đã có được mái nhà ấm áp thứ hai của cô Phan Thị Hồng Hải. Nhờ những tháng ngày được cô dìu dắt, em cũng đã trở thành một trong những thí sinh cao điểm của kỳ thi học sinh giỏi tỉnh môn Tin học năm 2024 cùng nhiều giải thưởng cấp khu vực và cấp quốc gia khác.

Ngày đón nhận thông tin các giải thưởng, điều em nghĩ đến đầu tiên đó là hai người mẹ của mình: Mẹ ruột đã sinh thành ra em và người mẹ thứ hai là cô giáo, đã giúp em thực hiện được ước mơ.

thanh quỳnh 2
Dưới sự dẫn dắt của cô Hải, những cô cậu học trò miền núi đã tự tin khám phá, làm chủ kiến thức bộ môn Tin học để tham gia nhiều cuộc thi quan trọng của tỉnh, khu vực và Quốc gia. Ảnh tư liệu: Thanh Quỳnh

“Có lẽ đối với mỗi người thầy, người cô, hạnh phúc không nằm ở những điều to tát, mà ở việc thấy những học trò của mình tiến bộ lên mỗi ngày. Chứng kiến các em, dù ở vùng sâu, vùng xa, có được những cơ hội để chinh phục ước mơ của mình, đó chính là động lực lớn lao để tôi và các đồng nghiệp tại mái trường này - nơi hơn 90% học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số - tiếp tục nỗ lực, đồng hành cùng các em trên con đường mà chúng tôi đã chọn.”

Cô giáo Phan Thị Hồng Hải

Tổng phụ trách đội tận tụy của học trò “quê lúa”

Đại diện thứ hai của Nghệ An tại chương trình tôn vinh “Nhà giáo trẻ tiêu biểu” toàn quốc năm 2024 là cô giáo Phạm Thị Lan (SN 1994) - Tổng phụ trách đội Trường Tiểu học Tô Bá Ngọc (xã Minh Thành, huyện Yên Thành). Những năm qua, cô Phạm Thị Lan đã trở thành gương mặt quen thuộc với nhiều chương trình tuyên dương khi đây là cá nhân tiêu biểu đã được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trao tặng Huy hiệu “Phụ trách giỏi” cấp Trung ương và Huy hiệu Thanh niên Tiên tiến làm theo lời Bác toàn quốc lần thứ VII năm 2023. Cô cũng là cá nhân được đón nhận nhiều Bằng khen của Tỉnh đoàn Nghệ An trong việc "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh".

Giáo viên Tổng Phụ trách Đội Phạm Thị Lan cùng các học trò. Ảnh Thanh Quỳnh
Giáo viên Tổng Phụ trách Đội Phạm Thị Lan cùng các học trò của mình. Ảnh: Thanh Quỳnh

Tại mảnh đất “quê lúa” nơi cô sống và làm việc, Phạm Thị Lan được các đồng nghiệp và học sinh Trường tiểu học Tô Bá Ngọc đặt cho một biệt danh đầy trìu mến - “chị cả”. Bởi bằng lòng nhiệt tình, yêu nghề, “chị cả” Phạm Thị Lan đã dẫn dắt phong trào đội của nhà trường ngày càng đi lên, trở thành đơn vị tiêu biểu của tỉnh trong công tác đội và phong trào thanh thiếu nhi giai đoạn vừa qua. Điều đặc biệt, từ tình yêu với học trò, cô đã trở thành hạt nhân trong các phong trào thiện nguyện để hỗ trợ cho gia đình các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện.

9ac23184ee45551b0c54.jpg
Từ cầu nối là cô Phạm Thị Lan, nhiều nhà hảo tâm trong, ngoài địa bàn huyện Yên Thành đã kịp thời hỗ trợ nhiều em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn trong thời gian qua. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Còn nhớ vào tháng 5 vừa qua, cô Phạm Thị Lan đã đứng ra kêu gọi và trao số tiền hơn 65 triệu đồng cho gia đình hai em Nguyễn Đức Anh (SN 2005) và Nguyễn Đức Ánh (SN 2009) tại xóm 5, xã Minh Thành, huyện Yên Thành. Hai em có hoàn cảnh vô cùng éo le khi mẹ bỏ đi lấy chồng từ lúc cả hai còn nhỏ, bố một mình nuôi hai con ăn học nhưng không may trên đường đi làm về bị tai nạn và mất tại chỗ. Nguyễn Đức Anh vì hoàn cảnh quá khó khăn nên đã quyết định đi làm thuê để nuôi em trai Nguyễn Đức Ánh đang học lớp 10 Trường THPT Phan Thúc Trực.

Thấu hiểu sự khó khăn của các em, cô Lan đã kịp thời trở thành cầu nối để các mạnh thường quân hỗ trợ hơn 65 triệu đồng và tạo chỗ dựa tinh thần để các em vượt qua giai đoạn khó khăn.

Chỉ tính từ năm 2019 đến nay, cô Lan đã trực tiếp kêu gọi được hơn 600 triệu đồng và hơn 1.000 suất quà để trao tặng cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, các cụ già neo đơn trên địa bàn trong, ngoài huyện Yên Thành.

Nhiều học sinh từng nhận được sự giúp đỡ từ cô Lan không chỉ có cơ hội bước tiếp hành trình học tập của mình mà còn trưởng thành hơn trong suy nghĩ, biết sẻ chia và lan tỏa yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn khác.

0a782fe060d8db8682c9(2).jpg
Hai cô giáo Phan Thị Hồng Hải và Phạm Thị Lan tại chương trình tuyên dương “Nhà giáo trẻ tiêu biểu” toàn quốc năm 2024. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Chia sẻ về những điển hình này, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh đoàn Trần Linh bày tỏ: “Những tấm gương như cô Phan Thị Hồng Hải và Phạm Thị Lan đã góp phần xây dựng nên những thế hệ học sinh không chỉ giỏi tri thức mà còn giàu lòng nhân ái. Sự tận tụy và những việc làm thầm lặng của cô đã tô thắm thêm hình ảnh những “người đưa đò” trong nhịp sống hiện thời...”

Thanh Quỳnh