Giáo dục

Kỳ 2: Đi học chữ được... giao lưu, tặng quà!

Mỹ Hà - Tiến Hùng 20/11/2024 10:44

Vận động được các học viên đến lớp học xóa mù chữ đã khó, duy trì được sĩ số đến cuối khóa học lại càng khó hơn. Để khắc phục cái "khó" đó, các giáo viên phải đến từng nhà gọi học viên mỗi khi đến giờ học; thậm chí khuyến khích học viên bằng quà tặng, hỗ trợ việc nhà để họ đến lớp.

giannanxoamuchuvungcao-k2-cover.png

Mỹ Hà - Tiến Hùng • 20/11/2024

Vận động được các học viên đến lớp học xóa mù chữ đã khó, duy trì được sĩ số đến cuối khóa học lại càng khó hơn. Để khắc phục cái "khó" đó, các giáo viên phải đến từng nhà gọi học viên mỗi khi đến giờ học; thậm chí khuyến khích học viên bằng quà tặng, hỗ trợ việc nhà để họ đến lớp.

giannanxoamuchuvungcao-k2-t1.png

“Sao vẫn còn chưa đến lớp?”, thầy Cụt Hồng Quân (Trường Tiểu học Xá Lượng (huyện Tương Dương) gọi trong cuộc điện thoại thúc giục học viên đến lớp. Lúc này đã quá giờ học gần nửa tiếng, nhưng lớp học xóa mù chữ với gần 20 học viên chưa người nào có mặt. Thầy Quân đành gọi điện thoại tới từng người. Với học viên không có điện thoại, thì thầy đành chạy xe máy quanh bản để tìm trò.

Thầy giáo Cụt Hồng Quân (Tương Dương) có nhiều kinh nghiệm trong công tác xóa mù chữ
Thầy giáo Cụt Hồng Quân (Trường Tiểu học Xá Lượng, Tương Dương) có nhiều kinh nghiệm trong công tác xóa mù chữ. Ảnh: Tiến Hùng

Thầy Quân là 1 trong 2 giáo viên của Trường Tiểu học Xá Lượng, được phân công phụ trách lớp xóa mù chữ ở bản Na Bè. Theo chân thầy Quân đi tìm trò, mới hiểu được công tác xóa mù chữ ở vùng cao gian nan đến mức nào. “Em còn đang phải nấu ăn”, học viên Lộc Thị Vân (33 tuổi), nói vọng từ trong nhà ra khi thầy Quân trực tiếp đến gọi đi học chữ. Vân nói rằng, dù rất muốn biết được con chữ, nhưng vì bận công việc nên đi học muộn. Sau khi nghe học trò trả lời, thầy Quân lại tiếp tục chạy đi kêu người khác. Là người Khơ Mú, sinh sống ở bản Na Bè nên hầu hết nhà của các học trò, thầy Quân biết cả. Tuy vậy, để gọi được họ đến lớp đúng giờ là cả một vấn đề.

img_20241119_201645.jpg
Học viên Kỳ Sơn đến lớp xóa mù chữ. Ảnh: Tiến Hùng

Lớp học này được mở từ hơn 3 tháng trước, ban đầu mới mở có hơn 30 học viên tham gia, hầu hết là phụ nữ Khơ Mú ở bản Na Bè và phụ nữ Mông ở bản Hợp Thành. Nhưng sau đó, nhiều người bỏ đi làm công ty, lớp chỉ còn lại gần 20 học viên. Do ban ngày các học viên phải đi rẫy, nên lớp học bắt đầu từ 19h đến 21h. Tuy nhiên, hầu như đêm nào cũng vào học muộn.

Hầu như đêm nào cũng có người vắng. Mặc dù lịch học là 19h nhưng hầu hết cũng phải nửa tiếng sau mới bắt đầu được, có khi phải nhờ loa phát thanh của bản để gọi học viên”.

Thầy Cụt Hồng Quân, Trường Tiểu học Xá Lượng (huyện Tương Dương)

Thầy giáo của Trường Tiểu học Xá Lượng gọi điện để động viên học viên tới lớp xóa mù chữ
Thầy giáo Cụt Hồng Quân của Trường Tiểu học Xá Lượng (Tương Dương) gọi điện thoại động viên học viên tới lớp xóa mù chữ. Ảnh: Mỹ Hà

Là một trong những học viên có mặt sớm nhất ở lớp, Vừ Y Xê (34 tuổi, bản Hợp Thành), cho biết: "Để đến lớp đúng giờ, tôi phải mang theo cả con đi cùng. Hôm nào đi học cũng phải chở thêm con, ở nhà không có ai trông. Chồng tôi là bác sĩ, nhưng bản thân tôi không biết chữ nên cũng thấy tự ti. Trước đây, tôi từng đi xin việc ở nhiều công ty, nhưng vì không biết chữ nên không nơi nào nhận". Đầu hè vừa rồi, biết được thông tin một số người trong bản rủ nhau đi học lớp xóa mù chữ, dù mang bầu đến tháng thứ 8, nhưng chị Vừ Y Xê vẫn xin thầy cô cho theo học. Từ đó đến nay, Vừ Y Xê chưa nghỉ buổi học nào. Có hôm, chị về thăm bố mẹ ở tận huyện Kỳ Sơn, cách nhà cả trăm cây số, nhưng cũng tranh thủ về sớm để kịp đi học.

img_20241119_202155.jpg
Thầy giáo Cụt Hồng Quân đến nhà vận động học sinh đến trường. Ảnh: Tiến Hùng

Vừ Y Xê chỉ là trường hợp hiếm hoi đi học chuyên cần. “Do lớn tuổi rồi nên đi học rất khó tiếp thu, nếu vắng vài buổi là đã rất khó để tiếp tục. Với tình trạng này không biết được mấy người trụ được đến hết chương trình. Chúng tôi cũng vận động hết sức rồi”- thầy giáo Quân chia sẻ. "Ở đây, tỷ lệ nam giới mù chữ rất nhiều, nhưng đến lớp học chỉ toàn phụ nữ. Xóa mù chữ cho đàn ông ở miền núi vô cùng khó khăn. Họ mặc cảm, tự ái rất cao, khiến việc vận động đàn ông lớn tuổi đến lớp xóa mù chữ rất khó" - thầy Quân cho biết thêm.

giannanxoamuchuvungcao-k2-t2.png

Theo đại diện Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Tương Dương, năm 2023 có 100% số xã, thị trấn đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2, giảm tỷ lệ người mù chữ mức độ 2 trong độ tuổi 15 - 35 xuống 1,2%. Mục tiêu hàng năm có từ 40 - 60 người tham gia học xóa mù chữ với các hình thức tổ chức học tập phù hợp, đặc biệt tại các xã Lượng Minh, Nhôn Mai, Tam Hợp, Xá Lượng. Hiện số người mù chữ vẫn còn nhiều trong các cộng đồng dân cư. Trong khi đó, việc vận động học viên đến lớp đầy đủ rất gian nan.

Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tương Dương kiểm tra công tac xóa mù chữ ở cơ sở
Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tương Dương kiểm tra công tác xóa mù chữ ở cơ sở. Ảnh: Mỹ Hà

Tương tự huyện Tương Dương, tại huyện Kỳ Sơn có 2 lớp xóa mù chữ do Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện mở vừa kết thúc giai đoạn 1. Tuy nhiên, việc mở tiếp giai đoạn 2 đang gặp nhiều khó khăn, bởi thiếu học viên. “Chương trình xóa mù chữ có 2 giai đoạn, nhưng hầu hết các học viên chỉ học được hết giai đoạn 1 là thôi. Bây giờ họ đi làm công ty hết rồi, muốn đến nhà vận động họ đi học tiếp cũng không được”, đại diện Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Kỳ Sơn nói.

Chia sẻ về kinh nghiệm vận động học viên đến lớp xóa mù chữ, Thượng tá Nguyễn Như Hồng - Phó Chính ủy Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 4 (đóng tại Kỳ Sơn) cho rằng, trước tiên cần phải làm tốt công tác phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương, trường học, ban quản lý các bản có học viên để lồng ghép triển khai chặt chẽ hơn, nhất là trong tuyên truyền, vận động chồng, con và gia đình để tạo điều kiện tốt nhất cho các học viên được tham học tập đầy đủ, cũng như có thời gian ôn luyện và làm bài tập ở nhà. Trong khi, giáo viên cũng phải biết được phong tục tập quán của đồng bào.

Nhiều tình nguyện viên lớp xóa mù chữ là người địa phương, am hiểu phong tục tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số.
Nhiều tình nguyện viên lớp xóa mù chữ là người địa phương, am hiểu phong tục tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số. Ảnh: Mỹ Hà

“Đầu tiên, căn cứ vào việc đề nghị của địa phương, chúng tôi mới thành lập đoàn khảo sát từng bản, đến từng hộ gia đình nắm bắt tình hình, hoàn cảnh và đặc điểm của từng học viên để có biện pháp tốt nhất trong tổ chức vận động và dạy. Chúng tôi gặp từng người để vận động, có khi phải giao lưu ăn uống với họ suốt nhiều ngày”, Thượng tá Hồng nói và cho hay, ngoài ra trong quá trình học tập, không những chu cấp toàn bộ dụng cụ cho học viên, những người đến lớp còn được tặng quà. Món quà bao gồm áo mưa, đôi dép, đèn pin… dùng để các học viên có thể thuận tiện hơn khi đến lớp.

“Thậm chí, có nhiều trường hợp lấy lý do bận làm mùa màng hay làm nhà để vắng học, chúng tôi lập tức huy động lực lượng đến để làm giúp họ. Để họ có thời gian đi học. Có trường hợp bị ốm phải đi viện, chúng tôi đến tận bệnh viện thăm hỏi, nên vừa xuất viện trở về là đến lớp đi học ngay. Trong lớp học, các giáo viên cũng lồng ghép nhiều chương trình, tạo không khí vui vẻ, để các học viên có thêm động lực”, Thượng tá Hồng cho biết thêm.

xóa mù chữ
Những lớp học xóa mù chữ ở huyện vùng cao Kỳ Sơn. Ảnh: Tiến Hùng

Trang chủ
Kỳ 1: Thầy giáo mang màu áo lính
Kỳ cuối: Kiên trì với những giải pháp có tính lâu dài

Mỹ Hà - Tiến Hùng