Thời sự

Kỳ cuối: Kiên trì với những giải pháp có tính lâu dài

Mỹ Hà - Tiến Hùng 20/11/2024 10:47

Những lớp học xóa mù chữ được nhiều ban, ngành mở ra trong thời gian qua với mong muốn nâng cao dân trí, giúp người dân có thêm nhiều cơ hội để phát triển kinh tế, xã hội. Dẫu vậy công tác “xóa” mù chữ hoặc “xóa” tái mù chữ vẫn còn đó nhiều khó khăn, gian nan.

giannanxoamuchuvungcao-k3-cover.png

Mỹ Hà - Tiến Hùng • 20/11/2024

Những lớp học xóa mù chữ được nhiều ban, ngành mở ra trong thời gian qua với mong muốn nâng cao dân trí, giúp người dân có thêm nhiều cơ hội để phát triển kinh tế, xã hội. Dẫu vậy công tác “xóa” mù chữ hoặc “xóa” tái mù chữ vẫn còn đó nhiều khó khăn, gian nan.

giannanxoamuchuvungcao-k3-t1.png

Thầy giáo Lỳ Bá Của là một trong những giáo viên đã có nhiều năm tham gia công tác xóa mù chữ ở ngành Giáo dục huyện Tương Dương. Trong đó, có những lớp được tổ chức bài bản do Sở Giáo dục và Đào tạo, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tương Dương triển khai. Nhưng cũng có những lớp thầy giáo Của tổ chức tự phát ở ngay những điểm trường mà thầy từng cắm bản.

Tôi đã có 15 năm công tác tại xã Hữu Khuông - ốc đảo của huyện Tương Dương. Ở đó tôi thường dạy để giúp phụ huynh trong bản biết tính toán. Trong quá trình dạy học, tôi thường kể nhiều câu chuyện vui và từ những câu chuyện này người dân thấy được vai trò của việc biết chữ, biết đọc, biết viết...”.

Thầy giáo Lỳ Bá Của

Thầy giáo Lý Bá Của hướng dẫn một học viên cao tuổi
Thầy giáo Lỳ Bá Của hướng dẫn một học viên cao tuổi học chữ. Ảnh: Mỹ Hà

Ở xã Xá Lượng, nơi thầy giáo Lỳ Bá Của đang công tác, thầy chính là một tấm gương vượt khó. Các đây gần 20 năm, thầy là một trong ít học sinh Mông đầu tiên của bản Na Bè đậu cấp III rồi vào vào đại học.

Thầy giáo Của kể: "Những năm 2001 - 2006, người dân trong bản chỉ lo vào rừng chặt cây thông, chặt cây gỗ kéo về lấy tiền. Cả nhà tôi có 6 anh em nhưng cũng không ai học hết cấp II. Tôi học xong, thi đậu và học hết cấp III ở trường nội trú của huyện nhưng bố mẹ tôi không biết tôi học lớp mấy. Ông bà cũng chưa từng đi họp phụ huynh cho con. Có nhiều lần tôi đi học xong về nhà, bố tôi bảo tôi đừng đi học nữa. Nhưng tôi không muốn bị thất học. Học xong tôi đi học 1 năm cử tuyển và sau đó học Khoa Sư phạm Tiểu học của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Vừa ra trường đã được Trưởng Phòng Nội vụ của huyện gọi về đi dạy, vì ngày đó vừa di dời lòng hồ thủy điện, nhiều giáo viên xin chuyển về xuôi nên thiếu giáo viên rất nhiều”.

Lớp học xóa mù chữ ở xã Xá Lượng (huyện Tương Dương)
Lớp học xóa mù chữ ở xã Xá Lượng (huyện Tương Dương). Ảnh: Mỹ Hà

Là giáo viên, làm công việc dạy chữ, dạy người, thầy giáo Của thường tâm niệm đơn giản “mình làm giáo dục phải dạy cho mọi người biết chữ”. Với nền tảng của một giáo viên được đào tạo bài bản tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, trong quá trình dạy xóa mù chữ, thầy giáo Của luôn có những cách dạy sáng tạo để các học viên của mình thấy háo hức khi đến trường. Việc dạy chữ thường được thực hiện song song với cả công tác vận động.

Kể về điều này, thầy Của nói thêm: “Không chỉ trước đây mà bây giờ rất nhiều người dân tộc thiểu số đều chưa chú trọng việc học. Nhiều gia đình người Mông còn có quan điểm con gái là con người ta, đến 15, 16 tuổi là lấy chồng”.

Vợ thầy giáo Của cũng là người Mông, lớn lên tại bản Chà Lâng, xã Hữu Khuông, huyện Tương Dương. Khi lấy vợ, thầy giáo Của đã 26 tuổi nhưng vợ của thầy chỉ mới 17. Trước đó, phần vì hoàn cảnh khó khăn, phần vì quan niệm cũ nên vợ của thầy cũng không được đi học, không biết chữ. Đến giờ, đã nhiều lần thầy động viên vợ đi học để xóa mù chữ nhưng vận động vẫn mãi... không thành công!

img_20241119_201628.jpg
Các giáo viên hướng dẫn học viên đọc bài. Ảnh: Tiến Hùng

Qua nhiều năm đứng lớp xóa mù chữ, theo thầy giáo Của, điều lo lắng nhất hiện nay không chỉ là nguy cơ tái mù chữ gia tăng ở người lớn tuổi, mà chính người trẻ cũng “thờ ơ” với việc học. Ngay ở nhà thầy, ngoài vợ thuộc diện mù chữ và chưa đi học lại, các con cũng chỉ học giữa chừng rồi bỏ.

Đồng nghiệp với thầy giáo Của, thầy giáo Cụt Hồng Quân cũng là một giáo viên người Khơ Mú có thâm niên gần 30 năm công tác trong ngành Giáo dục. Gắn bó với giáo dục vùng cao, điều thầy băn khoăn không chỉ là công tác xóa mù với học viên cao tuổi, mà ngay cả lớp trẻ nhiều em cũng không còn hào hứng với việc đến trường.

Thầy Quân tâm sự: “Bọn trẻ bây giờ chỉ học đến cấp II là bỏ học để đi làm công nhân, đi kiếm tiền, không ai muốn đi học để có cái nghề “dù to, dù nhỏ” như chúng tôi khi trước. Tôi làm giáo viên, có 3 con đều thuộc thế hệ 9X nhưng cũng bất lực với con mình. Con đầu của tôi sinh năm 1993, học xong lớp 9 là bỏ học lấy chồng. Con thứ 2, học xong lớp 9 cũng nói con không thích học nữa rồi cũng lập gia đình. Con thứ 3 học xong lớp 12, vào Quảng Bình học Trung cấp Y được 3 tháng rồi còn bị nhà trai bảo bỏ học lấy chồng. Chúng không chịu học thì chịu thôi dù tôi cũng muốn con đi học lắm”.

Bản Chà Lâng, xã Hữu Khuông, huyện Tương. Ảnh: Đức Anh
Một góc bản Chà Lâng, xã Hữu Khuông, huyện Tương Dương. Ảnh: Đức Anh
giannanxoamuchuvungcao-k3-t2.png

Nghệ An là tỉnh có diện tích lớn nhất cả nước với dân số hơn 3,4 triệu người, trong đó dân số vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi chiếm 36,3% dân số toàn tỉnh. Do điều kiện sinh hoạt, sản xuất không thuận lợi nên việc phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân các dân tộc miền núi còn gặp nhiều khó khăn. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến tình trạng mù chữ, tái mù chữ vẫn xảy ra trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

Theo tổng hợp của Sở Giáo dục và Đào tạo, đến hết năm 2023, tỷ lệ dân số từ 15 - 25 tuổi mù chữ trên toàn tỉnh chiếm 0,1% (499/488.948 người). Trong khi đó, tỷ lệ này ở số tuổi từ 15 - 35 là 0,3% (3. 664/1.171.389 người) và ở độ tuổi từ 15 - 60 tuổi là 0,7% (16. 289/2. 280. 019). Qua tổng hợp cũng cho thấy, số người mù chữ, phần lớn ở các huyện miền núi cao, tập trung chủ yếu vào hộ nghèo, hộ cận nghèo. Ngoài mù chữ, tình trạng tái mù chữ đang xảy ra bởi hiện nay không ít học viên tham gia các lớp xóa mù chữ, sau khi biết chữ (chủ yếu là phụ nữ, tuổi đã cao) nên sau khi xóa mù không có môi trường, điều kiện để thực hành nên có nguy cơ mù chữ trở lại.

Giờ học của lớp xóa mù chữ ở xã Cam Lâm - huyện Con Cuông.jpg
Học viên tham gia các lớp xóa mù chữ phần lớn là nữ. Ảnh: Mỹ Hà

Trước đó, dù hàng năm Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An đã ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn nhiệm vụ xóa mù chữ cho các Phòng Giáo dục và Đào tạo và đến tận các cơ sở giáo dục để xây dựng kế hoạch mở lớp, thực hiện công tác chuyên môn, kiểm tra, đánh giá. Tuy nhiên, do phần lớn đồng bào dân tộc thiểu số chưa nhận thức đúng về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của việc học xóa mù chữ, chưa tự giác trong việc học tập. Việc huy động học viên, duy trì sĩ số học viên đi học chuyên cần gặp rất nhiều khó khăn, do đa số học viên đều là nữ, trong độ tuổi lao động, vào mùa nương rẫy thường đi làm xa nhà, xa bản. Bên cạnh đó, do số người mù chữ nằm rải rác ở các bản vùng sâu, vùng xa nên rất khó trong việc tổ chức mở lớp.

Nhiều học viên khi đến lớp xóa mù chữ mang theo con nhỏ
Nhiều học viên khi đến lớp xóa mù chữ mang theo con nhỏ. Ảnh: Tiến Hùng

Cũng cần thấy rằng, dù công tác xóa mù chữ đã được quan tâm nhưng nhận thức về công tác xóa mù chữ của Ban Chỉ đạo ở một số địa phương còn hạn chế nên chưa có kế hoạch chỉ đạo, đầu tư cho sự phát triển bền vững. Một số địa phương chưa quan tâm hoặc chỉ đạo thiếu quyết liệt đến công tác điều tra, thống kê đối tượng mù chữ, tái mù chữ. Quá trình triển khai do nghiệp vụ và trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, giáo viên còn yếu dẫn đến một số thông tin về đối tượng điều tra không chính xác, minh chứng về đối tượng điều tra không rõ ràng. Một số nơi xem đây là công việc được triển khai nhiều năm nên một số cán bộ có tư tưởng chủ quan, chưa đốc thúc, quyết liệt trong quá trình thực hiện.

Liên quan đến công tác xóa mù chữ, cuối năm 2023, tại thành phố Vinh, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức Hội thảo thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng công tác xóa mù chữ cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2023-2030. Qua trao đổi, các đại biểu chỉ ra nhiều nguyên nhân dẫn đến công tác xóa mù chữ còn nhiều khó khăn. Ngoài những nguyên nhân kể trên, hiện công tác xóa mù chữ chưa hiệu quả một phần do đầu tư ngân sách nhà nước cho công tác xóa mù chữ còn thấp, chế độ chính sách cho người dạy và người tham gia công tác xóa mù chữ còn chưa rõ ràng.

bna_Ông Thủy.jpg
Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội thảo thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng công tác xóa mù chữ cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2023-2030 các tỉnh miền Trung. Ảnh: Mỹ Hà

Thực tế hiện nay, kinh phí dành cho công tác xóa mù chữ chủ yếu thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia 1719, nhưng chủ yếu là kinh phí cho người học xóa mù chữ. Trong khi, kinh phí cho người dạy và người tham gia công tác xóa mù chữ phải sử dụng từ nguồn ngân sách của tỉnh. Do vậy, các địa phương, đặc biệt là các tỉnh có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn thiếu kinh phí để triển khai công tác xóa mù chữ.

Tại Nghệ An, để tạo thuận lợi cho công tác xóa mù chữ, Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành Nghị quyết 10/2023/NQ-HĐND về việc Quy định một số nội dung và mức chi thực hiện công tác xóa mù chữ và phổ cập giáo dục để thực hiện Đề án xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn. Trong đó, chi hỗ trợ người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số tham gia học xóa mù chữ với mức 1,8 triệu đồng/người/chương trình. Ngoài ra, chi hỗ trợ quá trình tổ chức lớp học, chi tuyên truyền, huy động người mù chữ, tái mù chữ đến lớp xóa mù chữ và chi đối với người dạy, giáo viên thỉnh giảng hoặc tình nguyện viên. Tuy nhiên, qua quá trình thực hiện việc triển khai còn một số bất cập...

Một người chồng ở xã Xá Lượng - Tương Dương đến động viên vợ theo học lớp xóa mù chữ
Một người chồng ở xã Xá Lượng (Tương Dương) đến động viên vợ theo học lớp xóa mù chữ. Ảnh: Tiến Hùng

Theo như trao đổi của ông Hồ Sỹ Quý – Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Quế Phong, thì Chương trình xóa mù chữ thường được triển khai trong 5 học kỳ và phải hoàn thành khóa học mới được hỗ trợ. Tuy vậy, do thời gian quá dài nên số học viên theo học “rơi rớt” dần và số người đủ điều kiện được hưởng không nhiều. Trong năm 2023, trong kỳ 1, toàn huyện Quế Phong mở được 7 lớp với 165 học viên. Nhưng đến kỳ 2 đã giảm 1 lớp và giảm 75 học viên so với kế hoạch được giao.

Từ những khó khăn trên, ông Nguyễn Mạnh Hà - Trưởng phòng Chính trị tư tưởng – Giáo dục thường xuyên – Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết, ngành đang đồng thời thực hiện nhiều giải pháp, đặc biệt là tăng cường phối hợp với các ban, ngành liên quan như Mặt trận Tổ quốc, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Hội Khuyến học, Bộ đội Biên phòng, các già làng, trưởng bản đều phát huy vai trò tham gia tích cực trong việc hỗ trợ vận động người mù chữ trong độ tuổi đến lớp, duy trì sĩ số lớp học; vận động các đối tượng mù chữ, tái mù chữ đến các lớp học xóa mù chữ.

z4884813008991_87b69631dcced5926c3d371439835010.jpg
Nghệ An huy động sự vào cuộc của nhiều ban, ngành cùng tham gia vào công tác tuyên truyền, vận động người dân đi xóa mù chữ. Ảnh: Đình Tuyên

Bên cạnh đó, việc bố trí lớp học được tổ chức linh hoạt thời gian như vào những ngày cuối tuần, vào ban đêm, giữa các mùa vụ lao động, sản xuất, thời điểm các học viên rảnh rỗi... Quá trình giảng dạy, chọn lựa những người tâm huyết, yêu nghề, ưu tiên giáo viên là người địa phương, biết tiếng của đồng bào, hiểu rõ các phong tục, tập quán địa phương, thực hiện tốt các chế độ chính sách với người dạy và người học.

Các lớp học xóa mù chữ thường được tổ chức vào buổi tối để tạo thuận lợi cho các học viên
Các lớp học xóa mù chữ thường được tổ chức vào buổi tối để tạo thuận lợi cho các học viên. Ảnh: Mỹ Hà

Xác định, việc xóa mù chữ và xóa tái mù chữ là công việc phải kiên trì, lâu dài, khó khăn nên chúng tôi dạy học theo phương châm “cầm tay chỉ việc”, yêu cầu giáo viên minh họa bài học bám sát thực tế cuộc sống sinh hoạt lao động của người học, giúp người học dễ hiểu, nhớ lâu và dễ vận dụng, áp dụng với cuộc sống hàng ngày. Đồng thời, phải thường xuyên động viên người học bằng nhiều biện pháp sáng tạo để tạo được sự hứng thú, phấn khởi cho các học viên.


Trang chủ
Kỳ 1: Thầy giáo mang màu áo lính
Kỳ 2: Đi học chữ được... giao lưu, tặng quà!

Mỹ Hà - Tiến Hùng