Kinh tế

Vì sao lãi cao, các hộ nuôi tôm ở Nghệ An vẫn để trống ao vào vụ Đông?

Thanh Phúc 25/11/2024 06:41

Nhu cầu thị trường lớn, giá tôm tăng cao, lợi nhuận khá nhưng rất ít người nuôi tôm ở Nghệ An mạnh dạn xuống giống trong vụ Đông này…

bna_ao.jpg
Đến thời điểm này, nhiều hộ nuôi tôm ở thị xã Hoàng Mai, Quỳnh Lưu, Diễn Châu đã hoàn thành việc xuống giống nuôi tôm vụ Đông. Ảnh: Thanh Phúc
bna_1(5).jpg
Nuôi tôm vụ đông thường rủi ro lớn, song, người nuôi vẫn chấp nhận “đánh bạc với trời” vì nếu thành công sẽ cho lợi nhuận cao. Ông Nguyễn Văn Sự ở xã Quỳnh Lộc (thị xã Hoàng Mai) có 11 ao nuôi với diện tích 2.500m2 nhà màng, nhà lưới. Tuy nhiên, đến thời điểm này, ông mới chỉ thả nuôi 5 ao. Dự kiến thu hoạch vào dịp Tết. Ảnh: Thanh Phúc
bna_ao1.jpg
Hầu hết, các hộ thả tôm vụ Đông đều có ao nuôi hiện đại, mái che hình chóp nón, sử dụng khung cáp chịu lực và 3 lớp lưới, ni lông che phủ giúp chống rét, giữ ấm trong mùa Đông, nhiệt độ ao luôn đảm bảo cho tôm sinh trưởng, phát triển tốt. Ảnh: Thanh Phúc
bna_suc-90f1cea16a9078171eae2c26bc88ed61(1).jpg
Việc sục khí thường xuyên để điều hòa môi trường nước được các hộ nuôi tôm áp dụng trong quá trình chăm sóc tôm. Ảnh: Thanh Phúc
kiểm tra
Ngoài ra, nuôi tôm vụ Đông, người nuôi phải thường xuyên theo dõi quá trình sinh trưởng, phát triển của tôm, bám đầm 24/24h để kịp thời phát hiện và xử lý khi tôm nhiễm bệnh. Trong ảnh: Hộ ông Hùng Sâm - một chủ đầm nuôi tôm ở xã Quỳnh Bảng kiểm tra tôm. Ảnh: Thanh Phúc
cho ăn
Chế độ dinh dưỡng cho tôm cũng được các chủ đầm đặc biệt quan tâm. Theo đó, sử dụng chế phẩm sinh học phối trộn cùng thức ăn công nghiệp đạt chuẩn, chất thải được xử lý đạt tiêu chuẩn trước khi xả ra môi trường. Ảnh: Thanh Phúc
giai đoạn
Các trại nuôi đều ương tôm trong nhà màng, sau khi đạt kích cỡ tốt mới thả ra môi trường, thực hiện nuôi nhiều giai đoạn. Ảnh: Thanh Phúc
bna_chet.jpg
Tuy nhiên, thời tiết diễn biến thất thường, mưa nhiều ngay từ đầu vụ đã báo hiệu những khó khăn trong nuôi tôm vụ Đông năm nay. Thêm vào đó là dịch bệnh trên tôm diễn biến phức tạp nên nhiều nơi, tôm nhiễm bệnh, chết. Trong ảnh: Hộ ông Văn Đức Dương ở phường Quỳnh Dỵ (thị xã Hoàng Mai) cho biết, đã thả tôm giống 3 ao, song đến nay đã xuất hiện tôm chết, phải vớt thường xuyên. Ảnh: Thanh Phúc
bna_tom.jpg
Thêm vào đó, nuôi tôm vụ Đông tôm sinh trưởng kém hơn, sản lượng thấp hơn và thời gian nuôi kéo dài hơn. Trong ảnh: Tôm nuôi 60 ngày, đến nay mới chỉ đạt trọng lượng 150 con/kg. Ảnh: Thanh Phúc
bna_trong.jpg
Do đó, ở các vùng nuôi, phần lớn ao, đầm vẫn đang để trống. Ảnh: Thanh Phúc
tôm cuối
Tại các vùng nuôi tôm ở Quỳnh Dỵ, Quỳnh Lộc (thị xã Hoàng Mai), Quỳnh Bảng, Quỳnh Thanh (Quỳnh Lưu), Diễn Thịnh, Diễn Trung… (Diễn Châu) nhiều diện tích ao nuôi tôm đang được người dân cải tạo, xử lý, chờ ra Tết mới thả giống. Ảnh: Thanh Phúc

Đối với tôm vụ Đông, người nuôi thường phải đối mặt với nhiều yếu tố bất lợi, tính rủi ro cao do biến đổi phức tạp của thời tiết, mưa lũ bất thường. Để tôm phát triển an toàn và đạt năng suất cao, các hộ nuôi áp dụng công nghệ an toàn sinh học, nuôi bể nổi, ương tôm trong nhà màng, sau khi đạt kích cỡ tốt mới thả ra môi trường, thực hiện nuôi nhiều giai đoạn. Quá trình nuôi, đòi hỏi phải có kỹ thuật chăm sóc, khi nhiệt độ xuống thấp, cần giảm thức ăn cả về số lượng lẫn số lần cho ăn; định kỳ kiểm tra các yếu tố môi trường hằng ngày vào buổi sáng và chiều, nếu chỉ số các yếu tố môi trường nằm ngoài ngưỡng thích hợp phải có biện pháp xử lý ngay.

Thanh Phúc