Vì sao Sông Lam Nghệ An không đạt kết quả như mong muốn?
Trong 9 vòng đấu V.League 1 vừa qua, Sông Lam Nghệ An vẫn có 3 lần dẫn trước đối thủ nhưng đều không bảo toàn được tỷ số mong manh, phải chịu kết quả hòa và bất lực trong việc tìm kiếm một trận thắng để thay đổi tình thế.
Câu hỏi đặt ra là tại sao đội bóng chủ sân Vinh không thể đạt được kết quả như mong muốn?
Thực tế sân cỏ cho thấy trong những bàn gỡ của đối thủ, Sông Lam Nghệ An đều ở trong tình thế bị ép sân, tuyến 2 lùi xuống rất sâu để phòng ngự nhưng đều không thành công. Văn Việt vẫn chơi tốt ở vị trí phòng ngự cuối cùng và thậm chí Sông Lam có thể thủng lưới nhiều hơn nếu Văn Việt thiếu dũng mãnh và phán đoán tình huống kém. Nhưng một mình Văn Việt chơi tốt là không đủ, khi tuyến 2 rộng cửa cho đối thủ, phòng ngự trung tâm không đủ tốt, 2 cánh bị khoét tối đa…như nhiều người đã thấy.
Nguyên nhân của mọi nguyên nhân thất bại trong phòng ngự ở 2 trận đấu có cơ hội nói trên là lực lượng mỏng, non yếu, không thể đương đầu nổi trước các tình huống khó, đòi hỏi thể lực và kinh nghiệm dạn dày. Nói gọn lại là Sông Lam Nghệ An hoàn toàn chưa/không đủ sức để điều chỉnh nhịp độ trận đấu, buộc đối thủ chơi theo cách của mình, khiến đối thủ bất lực trong mọi hướng tấn công, đủ sức bắt bài mọi mảng miếng mà đối thủ giăng ra…
Vì thế, ông Phan Như Thuật đã nói thẳng câu chuyện bổ sung lực lượng thì mới có cơ hội thắng, mới tránh xa khu vực đáy bảng như hiện nay. Nghĩa là phải bỏ tiền ra để “tậu” những vị trí chưa đạt yêu cầu, nhất là tuyến phòng ngự, bao gồm cả tiền vệ trụ, cả những yêu cầu với tiền đạo khi lùi sâu phòng ngự, sự đa năng cần thiết của mọi vị trí trên sân, vai trò cầm nhịp, điều tiết thế trận của một ngôi sao nào đó.
Giới chuyên môn và truyền thông cũng như người hâm mộ không khó để nhận ra các vị trí non nhất hiện nay trong đội hình Sông Lam Nghệ An và hy vọng về một bộ khung vững, một trục liên kết làm xương sống cho đội bóng gồm các ngoại binh hoặc cầu thủ nhập tịch hay cầu thủ Việt kiều?
Chưa kể, trong dàn trẻ Sông Lam hiện nay, thực tế cho thấy chỉ vài ba cầu thủ cơ bản đáp ứng yêu cầu như Quang Vinh hay Nguyên Hoàng, còn lại phải phấn đấu rất nhiều mới đạt trạng thái cao nhất, kể cả Xuân Tiến, Văn Cường, Nam Hải…
Rõ ràng, nếu trong tay có lực lượng đảm bảo, dù chơi phòng ngự chủ động hay bị động thì đội bóng vẫn có thể “cắt” được các tình huống bóng bổng, chặn được các pha leo biên kinh điển, lấp đầy khoảng trống ở tuyến 2, bịt kín góc gần, góc xa mà đối thủ có thể tấn công. Khi và chỉ khi đó, Sông Lam Nghệ An mới có thể bảo toàn được tỷ số mong manh, thậm chí còn có cơ hội phản công khi đối thủ say đòn hay vô số thời cơ, tình huống không thể nói trước.
Chắc chắn không dễ để thực hiện đầy đủ các yêu cầu về vị trí non yếu nói trên nhưng nếu mọi việc vẫn giẫm chân tại chỗ thì cố sức đến mấy, ban huấn luyện cũng chỉ lắc đầu ngán ngẩm sau mỗi bàn thua, trận thua mà thôi? Đừng để xảy ra tình trạng “tít mù rồi lại vòng quanh” kiểu qua thời Phan Như Thuật thì đến tay Anh Tuấn rồi trở lại Như Thuật và biết đâu người ta vời lại Huy Hoàng? Hay như một đoán định mơ hồ trong một ngày không xa về sự sát nhập 2 đội bóng có tên như cũ là Sông Lam Nghệ Tĩnh và người hâm mộ lại được xem một đội bóng không đến nỗi nào của V.League với bộ sậu huấn luyện dày dạn, nội, ngoại binh hàng đầu, sân Vinh từ nguội trở lại nóng hừng hực như thời chảo lửa?
Nhưng dù điều gì đến đi nữa thì trong lúc chờ đợi và hy vọng từ người khác, từ sự bổ sung lực lượng, chính ban huấn luyện và cầu thủ Sông Lam Nghệ An phải tự vận động để nâng cao thể lực, không thể để tình trạng cầu thủ đá chính nhưng chỉ chơi 45 phút, cao hơn là 65 phút rồi bị thay ra, còn nếu chơi dài hơn thì cơ bản là… đi bộ và nằm sân rồi lên cáng.
Cũng phải nói rằng, ý chí vượt khó đang không phải là điểm mạnh của dàn trẻ hiện nay. Sau lứa Xuân Tiến, Văn Cường vô địch U17 dạo nào, lò Sông Lam không giới thiệu được lứa cầu thủ nào có nhiều triển vọng, mà chỉ một vài cá nhân đơn lẻ như Nguyên Hoàng, Long Vũ, Quang Vinh hay Trọng Tuấn.
Đáng tiếc, đây là những tài năng trẻ chơi được ở các tuyến trẻ, rồi được đôn vội vã lên đội 1 mà không trải qua quá trình tuần tự, có thời gian kiểm chứng như trước đây vẫn làm và coi đó như một nguyên tắc bất di bất dịch. Trường hợp đi đúng bài vở là Trọng Tuấn từng thất bại trong việc đưa Bắc Ninh lên hạng Nhất, một loạt nhân tố khác cũng thất bại trong đội hình Kon Tum đều cho thấy các nhân tố trẻ Sông Lam hiện không phải là những cầu thủ xuất sắc nhất cùng thế hệ hay nhiều triển vọng nhất của bóng đá Việt. Thực tế 9 vòng đấu vừa qua là minh chứng rõ nhất về năng lực của lứa trẻ này. Tất nhiên, phải thừa nhận rằng, nếu trong đội hình có nhiều đàn anh nội và ngoại binh chơi tốt hơn, thì Nguyên Hoàng hay Long Vũ sẽ làm được như những gì cầu thủ trẻ Ngọc Mỹ (Đông Á Thanh Hóa) hay Văn Trường (Hà Nội FC) từng làm được, để góp vào thành công chung của đội bóng.
Nói thế cũng để nói rằng, nếu Sông Lam Nghệ An giải được bài toán lực lượng, để tới đây khi gặp những đối thủ đồng cân, đồng lạng, có thể đủ sức bảo toàn được tỷ số cho một trận thắng thì chính họ sẽ có tâm lý thoải mái, tự tin để tìm kiếm những điều tốt đẹp hơn, kể cả đối thủ thuộc tốp giàu có, tham vọng. Khi đó, sức mạnh được nhân lên từ nhiều phía, khán giả đến sân đông hơn, may mắn cùng với sự phấn đấu đồng hành, đội bóng sẽ thực sự trở lại là chính mình như từng có.
Cụ thể, chìa khóa điều chỉnh được nhịp độ mọi trận đấu theo ý muốn, nghĩa là “làm chủ” cuộc chơi. Điều tưởng như đơn giản, ai cũng biết, nhưng hiện tại với Sông Lam Nghệ An đang là một điều vượt quá tầm với, khiến họ loay hoay mãi trong chuỗi trận hòa và thua đầy thất vọng và tiếc nuối. Hai tháng của quãng nghỉ lúc này chính là thời gian để thay đổi, để làm lại những gì chưa làm được trước đó, bằng chính chìa khóa quan trọng này./.