Kinh tế

Công ty Thuỷ điện Bản Vẽ triển khai kế hoạch thu gom, xử lý rác thải vùng lòng hồ

Tiến Đông 30/11/2024 14:31

Với lượng rác lớn đổ về khu vực lòng hồ sau mưa lũ, Công ty Thuỷ điện Bản Vẽ đã phối hợp với Công ty cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Nghệ An triển khai kế hoạch thu gom, xử lý.

Trong những năm gần đây, cứ sau mùa mưa lũ, một lượng rác khổng lồ lại kéo về vùng lòng hồ thủy điện Bản Vẽ. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến giao thông đường thuỷ mà còn gây ô nhiễm môi trường, đe dọa trực tiếp đến hệ sinh thái, nguồn nước.

Theo ghi nhận thực tế, hiện nay một lượng lớn rác thải đang tập trung trên đoạn sông Nậm Nơn, thuộc bản Hoà Lý, xã Mỹ Lý, huyện Kỳ Sơn. Lượng rác phủ kín lòng sông kéo dài khoảng 1,5km từ cầu Nậm Nơn (thuộc lý trình Km350+384 trên Quốc lộ 16), về phía hạ nguồn. Ước chừng khối lượng rác có thể lên đến từ 7000-8000m3. Điều này đã ảnh hưởng lớn đến đời sống dân sinh của người dân địa phương.

bna_30.jpg
Rác thải tập trung đoạn chân cầu Nậm Nơn, kéo dài khoảng 1,5km về phía hạ nguồn. Ảnh: Tiến Đông

Kỹ sư Nguyễn Văn Ngọc - phụ trách công tác thủy văn của Công ty Thủy điện Bản Vẽ cho biết: Rác tập kết về khu vực xã Mỹ Lý (Kỳ Sơn) thời gian gần đây chủ yếu là các loại cây gỗ tạp, tre nứa và nguy hiểm nhất là các loại rác thải nhựa theo mưa lũ từ thượng nguồn đổ về. Sau khi nước lòng hồ dâng lên thì rác lại theo nước và gió dạt về khu vực này.

Trước thực tế này, để làm sạch môi trường, phía Công ty Thủy điện Bản Vẽ đã ký hợp đồng với Công ty cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Nghệ An tiến hành thu gom, xử lý rác lòng hồ, nhằm đảm bảo an toàn cụm công trình đầu mối, đảm bảo an toàn giao thông.

Theo phương án xử lý rác do Công ty cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Nghệ An lập, rác sau khi được vớt lên sẽ được tập kết tại bãi bồi thuộc vùng bán ngập tại khu vực bản Hoà Lý. Sau đó sẽ được ưu tiên cho các hộ dân trong vùng, các đơn vị có nhu cầu sử dụng, tận dụng làm nguyên, nhiên liệu (chủ yếu là gỗ tạp và tre nứa). Khối lượng còn lại sẽ được thực hiện theo quy trình xử lý. Việc xử lý rác được thực hiện song song với quá trình thu gom.

bna_15.jpg
Lượng rác từ thượng nguồn kéo về đã làm ảnh hưởng lớn đến môi trường trên dòng sông Nậm Nơn. Ảnh: Tiến Đông

Để đảm bảo an toàn trong công tác xử lý rác, nhất là công tác bảo vệ, phòng chống cháy rừng và vệ sinh môi trường, vào ngày 28/11/2024 mới đây, UBND huyện Kỳ Sơn đã có Văn bản số 2017/UBND-TNMT yêu cầu phía Công ty Thủy điện Bản Vẽ (chủ đầu tư) và đơn vị thi công là Công ty cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Nghệ An, cùng các đơn vị liên quan thực hiện nghiêm túc một số nội dung.

Trong đó, cần thông báo thời gian cụ thể và thường xuyên phối hợp chặt chẽ với UBND huyện Kỳ Sơn, Hạt Kiểm lâm huyện Kỳ Sơn và UBND xã Mỹ Lý trong công tác xử lý rác tại vị trí tâp kết, nhất là công tác bảo vệ, phòng chống cháy rừng, vệ sinh môi trường và đảm bảo an toàn về tài sản khác của nhân dân gần khu vực. Cần xử lý rác sau khi thu gom đúng vị trí...

UBND huyện Kỳ Sơn cũng yêu cầu phòng, ban liên quan như: Phòng TN&MT, Hạt Kiểm lâm Kỳ Sơn, UBND xã Mỹ Lý... phối hợp tổ chức kiểm tra công tác thu gom xử lý rác đúng vị trí, đảm bảo vệ sinh môi trường trong khu vực lòng hồ và tại khu vực bãi tập kết rác.

vớt rác
Hình ảnh vớt rác những năm trước đây tại khu vực lòng hồ thuỷ điện Bản Vẽ. Ảnh: Tư liệu

Đồng thời tuyên truyền, thông báo cho các hộ gia đình, cá nhân, tổ chức không được vào khu vực tập kết rác trong quá trình xử lý để đảm bảo tuyệt đối an toàn về người và tài sản của nhân dân.

Có thể thấy rằng, với hơn 5.000ha mặt nước, và dung tích 1,83 tỷ m3 nước, khu vực lòng hồ thuỷ điện Bản Vẽ (nằm trên dòng sông Nậm Nơn trải dài từ huyện Tương Dương lên đến Kỳ Sơn) có vai trò rất lớn trong điều tiết nước và bảo vệ môi trường khu vực. Đặc biệt, đây cũng là nơi có điều kiện thuận lợi để người dân đẩy mạnh nuôi trồng thủy sản. Vì vậy, việc thu gom lượng rác thải khổng lồ trôi từ thượng nguồn về lòng hồ, sẽ góp phần bảo vệ môi trường, phục hồi và tái tạo nguồn lợi thủy sản hiện đang bị suy giảm, giúp người dân vùng lòng hồ ổn định sản xuất, phát triển kinh tế bền vững.

Tiến Đông