Xã hội

Chuyển viện khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế khó hay dễ?

Nguyên Nguyên 02/12/2024 15:23

Hoạt động khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) đã tạo thuận lợi, giảm chi phí cho người dân khám chữa bệnh. Tuy nhiên, có nhiều người dân phản ánh "gặp khó" khi muốn chuyển viện theo BHYT lên tuyến cao hơn...

Chuyển viện hưởng BHYT khó hay dễ?

Điều trị cho bệnh nhân bị đột quỵ não ở Bệnh viện Hữu Nghị Đa khoa Nghệ An. Ảnh: Thanh Sơn
Điều trị cho bệnh nhân bị đột quỵ não ở Bệnh viện Hữu Nghị Đa khoa Nghệ An. Ảnh: Thanh Sơn

Ông Nguyễn Quốc T. ở phường Bến Thủy, thành phố Vinh có bệnh nền tiểu đường nhiều năm nên thường xuyên đến các cơ sở y tế ở TP. Vinh và Bệnh viện Đa khoa Nghệ An. Gần đây, do tuổi cao, ông T. có những biến chứng về tiêu hóa, tim, mắt, tai… và gia đình có mong muốn được chuyển ra tuyến Trung ương để khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế. Nhưng người nhà ông T. phản ánh là việc chuyển viện ra tuyến Trung ương không đơn giản, bước đầu, bệnh viện tuyến tỉnh khẳng định là năng lực cho phép, kiểm soát, điều trị được những bệnh mà ông T. đang điều trị, không cần chuyển tuyến trên. Phía bệnh viện cho biết, nếu bệnh nhân quyết tâm chuyển tuyến ra Trung ương, bệnh viện không ngăn giữ, mà bệnh nhân tự chuyển tuyến sẽ hưởng 60% BHYT theo các quy định của Bộ Y tế.

Tương tự như trường hợp của ông T. nêu trên, nhiều người ở một số huyện trên địa bàn Nghệ An phản ánh “khó xin” chuyển bệnh nhân khám, chữa bệnh BHYT từ bệnh viện tuyến huyện lên tuyến tỉnh. Xét về nhu cầu chính đáng, người bệnh luôn muốn được khám, chữa tại những cơ sở y tế có chất lượng cao hơn và mong được hưởng tỷ lệ thanh toán cao nhất từ BHYT.

“Nhưng lĩnh vực này cần nhìn nhận một cách thẳng thắn, khách quan. Đó là các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh đã thực hiện đúng quy định theo Thông tư 37/2014/TT-BYT ngày 17/11/2014 của Bộ trưởng Bộ Y tế hướng dẫn đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu và chuyển tuyến khám bệnh, chữa bệnh BHYT. Đối với những bệnh nhân đi khám chữa bệnh từ tuyến huyện trở xuống được thông tuyến huyện, hưởng quyền lợi theo mức hưởng BHYT - 100%, 95% và 80%. Trường hợp bệnh nhân vào cấp cứu thì bất cứ cơ sở y tế nào cũng đều được hưởng quyền lợi khám, chữa bệnh đúng tuyến”, bà Lê Thị Hoài Chung - Giám đốc Sở Y tế giải thích.

Cũng theo bà Lê Thị Hoài Chung, hàng năm Sở Y tế chủ trì phối hợp với BHXH tỉnh ban hành hướng dẫn chuyển tuyến khám, chữa bệnh BHYT trên địa bàn tạo điều kiện tốt nhất cho người bệnh. Đặc biệt thực hiện đúng theo Thông tư 37/2014/TT-BYT ngày 17/11/2014 của Bộ trưởng Bộ Y tế là: “Các cơ sở khám, chữa bệnh chuyển người bệnh từ tuyến dưới lên tuyến trên khi bệnh không phù hợp với năng lực chẩn đoán và điều trị, danh mục kỹ thuật của đơn vị hoặc bệnh phù hợp nhưng do đơn vị không đủ điều kiện để chẩn đoán và điều trị…”.

Người dân chờ làm thủ tục tại BV TP Vinh. Nguyên nguyên
Người dân chờ làm thủ tục khám, chữa bệnh tại Bệnh viện Đa khoa TP. Vinh. Ảnh: Nguyên nguyên

Đánh giá khách quan của nhiều người dân, những năm gần đây, hệ thống y tế các cấp ở Nghệ An chú trọng nâng cao năng lực y, bác sĩ, mua sắm thêm trang thiết bị hiện đại phục vụ khám, chữa bệnh và đảm nhận tốt khám, chữa bệnh theo các danh mục Bộ Y tế quy định.

Qua trao đổi, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa thành phố Vinh Nguyễn Hồng Trường cho rằng: "Mỗi khi người bệnh có nhu cầu chuyển tuyến, bệnh viện cần giải thích cặn kẽ để họ hiểu rõ khả năng cứu chữa của bệnh viện và quy định của BHYT. Tất nhiên là bệnh viện làm đúng các quy định về BHYT, không giữ, không gây khó dễ cho người bệnh. Cái quan trọng nhất là mỗi bệnh viện phải nâng cao khả năng khám chữa bệnh, cung cách phục vụ để người dân hài lòng và họ có thể quay lại bệnh viện khi cần được chăm sóc".

Giám đốc Sở y tế Lê Thị Hoài Chung:
Giám đốc Sở Y tế Lê Thị Hoài Chung: "Những bệnh thông thường mà cơ sở y tế tuyến dưới chữa được thì sẽ không chuyển viện, vừa lãng phí, vừa áp lực quá lớn cho tuyến trên...". Ảnh: Nguyên Nguyên

“Nếu những bệnh thông thường mà cơ sở y tế tuyến dưới chữa được thì sẽ không chuyển viện, vừa lãng phí, vừa áp lực quá lớn cho tuyến trên. Khó chuyển khám, chữa bệnh BHYT chính là ở chỗ đó. Trong cơ chế hiện nay, nếu những bệnh thông thường đó, người dân có thể khám, chữa bệnh ở tuyến trên mà không cần bệnh viện cấp dưới có giấy chuyển, vẫn được hưởng 60% chi phí theo quy định BHYT. Còn khi những ca bệnh vượt khả năng chuyên môn, tất cả các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh đều quyết định cho bệnh nhân chuyển tuyến cao hơn. Đó là quy định bắt buộc của ngành Y theo quy định pháp luật, vừa chính là trách nhiệm, đạo đức của người thầy thuốc ở các cơ sở y tế”, bà Lê Thị Hoài Chung nhấn mạnh.

Tiếp tục nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh

Liên ngành Y tế - BHXH Nghệ An có quy định một số bệnh khi vượt khả năng chuyên môn của tuyến dưới thì chuyển thẳng từ trạm y tế lên các bệnh viện tuyến tỉnh, ví dụ: Bệnh Ung thư, chạy thận nhân tạo chu kỳ... Ngày 27/11/2024, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế. Theo đó, thêm một nội dung để người bệnh tiếp cận dịch vụ khám chữa bệnh BHYT như: Khám chữa bệnh từ xa, người bệnh được chẩn đoán xác định đối với một số bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo, bệnh cần phẫu thuật hoặc sử dụng dịch vụ kỹ thuật cao theo danh mục bệnh và quy định của Bộ Y tế được hưởng 100% BHYT và không cần chuyển cấp khám chữa bệnh.

Hiện nay, trên 92% người dân có BHYT. Với những đổi mới trong lĩnh vực khám chữa bệnh, người bệnh nói chung và người khám chữa bệnh bảo hiểm y tế ngày càng được chăm sóc tốt hơn và giảm chi phí. Tuy nhiên, gần đây nhiều cơ sở thiếu thuốc và vật tư phục vụ khám chữa bệnh. Đó là khó khăn chung của ngành Y tế cả nước khi một số thuốc, vật tư y tế chưa tìm được nhà đấu thầu theo quy định. Vấn đề này đang được ngành Y tìm cách tháo gỡ để phục vụ khám, chữa bệnh cho nhân dân.

Ở Nghệ An hiện có 531 cơ sở y tế ký hợp đồng khám chữa bệnh BHYT. Trong đó: 1 cơ sở tuyến Trung ương, 12 cơ sở tuyến tỉnh; 59 cơ sở tuyến huyện (34 cơ sở ngoài công lập, trong đó có 16 bệnh viện, 18 phòng khám đa khoa) và 459 cơ sở khám, chữa bệnh tuyến xã.

Các bác sỹ gắp dị vật ra khỏi tai
Nhiều kỹ thuật, công nghệ hiện đại được ngành Y tế ở Nghệ An ứng dụng trong khám, chữa bệnh cho người dân. Ảnh tư liệu: PV

Hệ thống khám, chữa bệnh của ngành Y tế Nghệ An phát triển tương đối hoàn chỉnh về các lĩnh vực đa khoa, chuyên khoa; phát triển về chuyên môn kỹ thuật và các cơ sở y tế ngoài công lập tốp đầu cả nước. Có 2 Bệnh viện: Hữu nghị Đa khoa Nghệ An, Ung Bướu tuyến cuối của tỉnh về khám, chữa bệnh đa khoa và 25 chuyên khoa được Bộ Y tế công nhận giao nhiệm vụ là tuyến cuối khu vực Bắc Trung Bộ trong lĩnh vực Ngoại khoa, Nội khoa, Sản khoa và Ung bướu. Số danh mục kỹ thuật được cấp có thẩm quyền phê duyệt cho các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh Nghệ An hơn 190.000 kỹ thuật.

Mạng lưới các đơn vị hạt nhân và vệ tinh ngành Y tế ở Nghệ An có tương tác hỗ trợ nhau, nhờ đó các bệnh viện vệ tinh nâng cao được năng lực khám, chữa bệnh thông qua việc tăng cường đào tạo, cải tạo cơ sở hạ tầng, nâng cấp trang thiết bị y tế, chuyển giao kỹ thuật và tư vấn khám chữa bệnh bằng công nghệ thông tin. Qua đó, tăng cường kết nối với các bệnh viện tuyến trên, hợp tác với nhiều bệnh viện, trường đại học để đào tạo, nâng cao năng lực chuyên môn cho cán bộ y tế. Các cơ sở khám, chữa bệnh thường xuyên kết nối với các bệnh viện tuyến Trung ương, mời các bác sĩ về triển khai kỹ thuật chuyên sâu tại đơn vị giúp chuyển giao kỹ thuật, nâng cao tay nghề cho đội ngũ y, bác sĩ tại tỉnh. Thường xuyên hội chẩn trực tuyến qua các hoạt động khám, chữa bệnh từ xa.

Giám đốc Sở Y tế Nghệ An nói về công tác nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Clip: Nguyên Nguyên

Các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh đã làm chủ được nhiều kỹ thuật cao chuyên sâu như: Can thiệp tim mạch điều trị các bệnh lý tim mạch, mạch não (đặt stent động mạch vành; Cấy máy tạo nhịp vĩnh viễn; Chụp nong đặt stent động mạch ngoại biên); Chụp, nong, điều trị hẹp động mạch ngoài sọ; Điều trị rối loạn nhịp tim bằng sóng tần số Radio; Can thiệp lấy huyết khối động mạch não; Tiêu sợi huyết điều trị nhồi máu não sớm; hỗ trợ sinh sản, ghép thận, ghép tạng từ người chết não, ghép xương hàm, can thiệp mạch tạng, nội soi nối thông lệ mũi,… Những yếu tố đó, góp phần nâng cao khả năng khám, chữa bệnh của hệ thống Y tế ở Nghệ An, giảm việc chuyển viện lên tuyến trung ương.

bna-Kíp thực hiện chương trình livestream 20h Bác sỹ đây rồi. Ảnh PV
Bệnh viện Đa khoa TP. Vinh phối hợp với Báo Nghệ An, hàng tháng thực hiện chương trình livestream 20h "Bác sĩ đây rồi", có nhiều nội dung tư vấn khám, chữa bệnh sát thực, thu hút người dân quan tâm. Ảnh: PV

Năm 2024 (đến tháng 11), có 5.308.926 lượt người khám chữa bệnh BHYT ở các cơ sở y tế Nghệ An (ngoại trú: 4.549.612, nội trú: 759.314). Tổng chi phí gần 5.331 tỷ đồng, trong đó, chi phí đề nghị BHYT thanh toán gần 4.817 tỷ đồng.

Nguyên Nguyên