Xã hội

Những khó khăn trong xây dựng làng, bản, khối phố văn hóa ở Nghệ An

Minh Quân 05/12/2024 07:24

Những năm qua, phong trào xây dựng làng bản văn hóa, khối phố văn hóa ở Nghệ An trở thành một yếu tố quan trọng để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho Nhân dân, thúc đẩy phong trào văn hóa ở cơ sở phát triển. Tuy vậy, vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi sự vào cuộc tích cực hơn của các ngành, các địa phương.

Những kết quả

Được công nhận làng văn hóa từ đầu những năm 2000, nhiều năm qua, cán bộ và nhân dân xóm 8, xã Nghi Lâm, huyện Nghi Lộc luôn nỗ lực phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp của khu dân cư và trở thành một trong những điểm sáng trong thực hiện phong trào xây dựng làng văn hóa trên địa bàn huyện Nghi Lộc. Hiện nay xóm có 267 hộ dân với 886 nhân khẩu, trong đó đồng bào theo đạo thiên Chúa giáo có 57 hộ với 216 nhân khẩu.

Ông Nguyễn Văn Hòa - Bí thư Chi bộ xóm 8, xã Nghi Lâm cho biết: “Những năm qua, xóm xây dựng và bổ sung quy ước, hương ước phù hợp với tình hình thực tế; tiến hành chỉnh trang khuôn viên, bổ sung trang trí lại Nhà văn hóa - khu thể thao của xóm khang trang, xanh, sạch, đẹp tạo điều kiện để cho các hoạt động của phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” phát triển. Năm 2023, xóm có 253/266 (95,11%) hộ đạt “Gia đình văn hóa”; 248/266 hộ gia đình văn hóa 3 năm liên tục trong đó có 7 hộ gia đình văn hóa tiêu biểu giai đoạn 2021-2023. Tỷ lệ người tham gia tập luyện TDTT của xóm đạt 45%, 50% gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình thể thao. Đời sống nhân dân ngày càng được nâng lên, thu nhập bình quân đầu người đạt 63 triệu đồng/năm.

Khu văn hóa - Thể thao được đầu tư xây dựng khang trang ở xóm 8 xã Nghi Lâm (Nghi Lộc) - một trong những làng văn hóa tiêu biểu của huyện Nghi Lộc
Khu văn hóa - Thể thao được đầu tư xây dựng khang trang ở xóm 8, xã Nghi Lâm (Nghi Lộc) - một trong những làng văn hóa tiêu biểu của huyện Nghi Lộc. Ảnh: Minh Quân

Thời gian qua, phong trào xây dựng làng văn hóa đã lan tỏa mạnh mẽ ở huyện Nghi Lộc với sự vào cuộc chủ động, tích cực của người dân. Đặc biệt, qua phong trào nhiều hạng mục, thiết chế văn hóa, thể thao của thôn, tổ dân phố đã được chính quyền địa phương, người dân đồng thuận hỗ trợ xây dựng như: cổng làng, nhà văn hóa, sân thể thao, đình - đền làng, đường liên thôn… Hệ thống các thiết chế văn hóa, thể thao được hoàn thiện tạo điều kiện cho các hoạt động văn hóa, thể thao, sinh hoạt cộng đồng được phát triển. Từ đó, đời sống văn hóa, tinh thần của Nhân dân từng bước được cải thiện, nâng cao, các giá trị văn hóa truyền thống được giữ gìn và phát huy. Năm 2024, toàn huyện dự kiến có hơn 242/250 xóm, khối (tỷ lệ gần 96,8%) được công nhận làng văn hóa, khối phố văn hóa.

Đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, huyện Đô Lương tăng cường công tác tuyên truyền để Nhân dân ý thức được việc xây dựng gia đình văn hóa, làng, khối phố văn hóa và vận động Nhân dân thực hiện tốt quy ước, hương ước của thôn, tổ dân phố; tổ chức tốt các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao lành mạnh, phong phú, phù hợp với đặc điểm, truyền thống của từng địa phương...

Khối 3 là khối tiêu biểu trong xây dựng khối phố văn hóa của thị trấn Đô Lương. Các phong trào hoạt động văn hóa, văn nghệ -TDTT trong khối được tổ chức thường xuyên, đồng thời tuyển chọn, thành lập các đội tuyển tham gia các giải do thị trấn tổ chức và giành nhiều giải cao. Các dòng họ đã chú trọng việc giáo dục con em tránh xa các tệ nạn xã hội, không vi phạm an ninh trật tự. Chăm lo công tác khuyến học khuyến tài từ trong các gia đình và dòng họ cũng được chú trọng; mỗi năm nhân dân trong khối đóng góp cho quỹ khuyến học từ 10 - 18 triệu đồng. Hàng năm khối đều có con em đạt học sinh giỏi từ cấp huyện trở lên; là đơn vị xuất sắc trong công tác khuyến học của thị trấn Đô Lương. Năm 2023, khối có 407/437 hộ được công nhận gia đình văn hóa, đạt tỷ lệ 93,13%; được UBND huyện Đô Lương công nhận là đơn vị văn hóa tiêu biểu cấp huyện.

mot-buoi-sinh-hoat-van-nghe-cua-nguoi-dan-khoi-3-thi-tran-do-luong(1).jpg
Một buổi sinh hoạt văn nghệ của người dân khối 3, thị trấn Đô Lương. Ảnh: CSCC.

Theo báo cáo của Sở Văn hóa và Thể thao Nghệ An, những năm gần đây, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, xây dựng làng bản, khối phố văn hóa gắn với phong trào xây dựng nông thôn mới, phong trào xây dựng đô thị văn minh đã tạo nên sự thay đổi căn bản diện mạo các thôn, xóm, làng, khối phố, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội toàn diện.

Qua thực hiện tiêu chí, tiêu chuẩn theo Nghị định số 122/2018/NĐ-CP của Chính phủ (nay được thay thế bởi Nghị định số 86/2023/NĐ-CP) quy định khung tiêu chuẩn và trình tự, thủ tục, hồ sơ xét tặng danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Thôn, tổ dân phố văn hóa” “Xã, phường, thị trấn tiêu biểu” đã góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân tại cộng đồng. Tính đến cuối năm 2023, toàn tỉnh có 2.604/3.797 làng, bản khối phố được công nhận danh hiệu văn hóa, đạt tỷ lệ 68,6%.

Hưởng ứng cuộc vận động xây dựng làng văn hóa, ở nhiều làng quê đã bổ sung thêm những quy định về nếp sống văn hóa trên cơ sở những điểm tích cực của hương ước, quy ước truyền thống. Nhiều quy định về cưới xin, mừng thọ, ma chay, giỗ chạp, lễ hội... theo nếp sống văn hóa đã được người dân tích cực thực hiện.

Xuyên suốt hành trình xây dựng làng văn hóa, ở nhiều địa phương có không ít các công trình được xây dựng mới, nhiều tuyến đường được mở rộng thông thoáng; hệ thống đèn chiếu sáng hai bên tuyến đường như tô điểm thêm cho bức tranh nông thôn ngày càng khởi sắc. Cùng với đó, hệ thống thiết chế văn hóa được quan tâm đầu tư xây dựng khang trang, đồng bộ.

Tính đến cuối năm 2023, toàn tỉnh có 3.442/3.797 xóm có thiết chế văn hóa – thể thao, trong đó, số xóm có nhà văn hóa đạt chuẩn là 82,2%; số xóm có có khu thể thao đạt chuẩn là 85,5%.

Còn nhiều khó khăn

Theo Nghị quyết số 18/2020/NQ-HĐND ngày 13/12/2020 của HĐND tỉnh về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021 – 2025), chỉ tiêu về tỷ lệ làng, bản, khối phố văn hóa đến năm 2025 là 71 - 73%. Tuy nhiên, từ năm 2021 đến nay, tỷ lệ làng, bản, khối phố văn hóa của tỉnh mỗi năm chỉ tăng 1,2% (năm 2021 là 66,2 %, năm 2022 là 67,4%, năm 2023 là 68,6% và năm 2024 dự kiến đạt kế hoạch năm là 69,8%). Như vậy, với tốc độ phát triển của phong trào như những năm qua thì cần những nỗ lực mạnh mẽ hơn để đạt trên 71% làng, bản, khối phố văn hóa.

Một góc xóm Nông Trang, xã Sơn Thành - nơi thực hiện mô hình Làng văn hóa tiêu biểu cấp tỉnh
Một góc xóm Nông Trang, xã Sơn Thành - Làng văn hóa tiêu biểu của huyện Yên Thành và của tỉnh. Ảnh: Minh Quân.

Theo lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao, hiện nay, chất lượng phong trào xây dựng làng bản, khối phố văn hóa không đồng đều giữa các vùng, miền. Nếu ở các huyện đồng bằng như Hưng Nguyên, Nghi Lộc, Đô Lương, Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Yên Thành…, tỷ lệ làng, khối phố văn hóa đạt từ 77 - 90% thì ở các huyện miền núi, tỷ lệ làng, bản văn hóa còn khá thấp như Quế Phong, Con Cuông, Tương Dương, Kỳ Sơn...

Ngay cả ở những địa phương có tỷ lệ làng, bản, khối phố văn hóa cao, vẫn còn những khó khăn, tồn tại; như tại huyện Quỳnh Lưu, nơi có 77,5% xóm, khối phố đạt danh hiệu văn hóa, ông Phạm Văn Giang – Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin huyện Quỳnh Lưu thừa nhận, hiện nay chất lượng khu dân cư văn hóa ở một số địa phương của huyện chưa cao và thiếu bền vững, đặc biệt là các xã ven biển và miền núi.

“Nguyên nhân là một số cấp ủy, chính quyền cơ sở ở huyện Quỳnh Lưu chưa quan tâm đúng mức để xây dựng và nâng cao đời sống văn hóa; tính tích cực, chủ động, tự nguyện của một bộ phận người dân trong tham gia thực hiện phong trào ở một số nơi còn thấp. Một số địa phương tình hình tội phạm, tệ nạn xã hội, bạo lực gia đình, bạo lực học đường, xâm hại trẻ em, ô nhiễm môi trường... vẫn chưa được khắc phục; vấn đề đạo đức, lối sống, nếp sống có những biểu hiện thiếu lành mạnh. Ngoài ra, công chức văn hóa cấp xã phải kiêm nhiều lĩnh vực (văn hóa, y tế, giáo dục, tuyên truyền, chính sách...), nên công tác tham mưu, quản lý và tổ chức các hoạt động ở cơ sở còn hạn chế, chất lượng, hiệu quả chưa cao cũng ảnh hưởng nhiều đến việc phát triển phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” cũng như phong trào xây dựng làng, bản, khối phố văn hóa hiện nay”, ông Phạm Văn Giang cho biết.

Theo bà Trần Thị Mỹ Hạnh – Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao, để khắc phục những khó khăn, tồn tại, thời gian, ngành sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cấp ủy Đảng, chính quyền và người dân trong toàn tỉnh tham gia xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao và thực hiện phong trào thi đua xây dựng gia đình văn hóa, thôn, tổ dân phố văn hóa gắn kết phong trào xây dựng nông thôn mới và phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” cùng với cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh" một cách hiệu quả, thiết thực.

Cần làm tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa cơ sở nhằm từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả và đa dạng hóa các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao; tổ chức tập huấn nghiệp vụ, nâng cao kỹ năng quản lý và tổ chức các hoạt xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh trên địa bàn khu dân cư cho trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố, trưởng ban công tác Mặt trận khu dân cư, nhất là ở những khu dân cư. Ngoài ra, các địa phương cần đẩy mạnh xây dựng các mô hình, điển hình tiên tiến, qua đó nhân rộng trên địa bàn tỉnh, góp phần đưa phong trào phát triển có chiều sâu, chất lượng.

Bà Trần Thị Mỹ Hạnh – Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Nghệ An

Minh Quân