Xã hội

Nghệ An nỗ lực mở rộng thị trường xuất khẩu lao động

Thanh Nga 28/12/2024 11:10

Năm 2024, Nghệ An có hơn 21.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Đây là một trong những nguồn lực quan trọng, là cơ sở để Nghệ An mở rộng thị trường lao động thu nhập cao trong các năm tới.

Nhiều đổi thay

Gia đình bà Trần Thị Tào từng thuộc hộ diện khó khăn của xóm Thượng Khê 3, xã Hưng Tây, huyện Hưng Nguyên. Việc làm không có, ông bà ốm đau thường xuyên, thu nhập không ổn định khiến cuộc sống gia đình bà càng chật vật hơn. Một trong những cú hích làm thay đổi gia đình bà là nguồn vốn Ngân hàng Chính sách xã hội. Khi tiếp cận được nguồn vốn, con gái đầu của bà Tào đã sang Nhật Bản làm việc. Với nghề điều dưỡng, mỗi tháng con gái bà Tào có thu nhập 40 triệu đồng. Sau nửa năm, gia đình bà Tào đã trả hết nợ ngân hàng, có tích lũy để đầu tư phát triển kinh tế. Tiếp bước chị gái, cậu con trai thứ hai và con trai út của bà Tào cũng đi ra nước ngoài để làm việc. Đến nay, gia đình bà Tào trở thành hộ khá của xã Hưng Tây với ngôi nhà 2 tầng khang trang, tiện nghi đầy đủ. Cô con gái lớn của bà Tào cũng đã trở về quê lập gia đình, làm được nhà cửa và có được ít vốn liếng để làm ăn...

Ở xóm Thượng Khê 3, xã Hưng Tây, không riêng gì bà Tào mà nhiều hộ gia đình khác cũng có sự đổi thay nhờ xuất khẩu lao động với những ngôi nhà cao tầng mọc lên san sát, đời sống nhân dân khởi sắc, xóm không còn hộ nghèo trong độ tuổi lao động.

Ki ôt của vợ chồng anh Lê Thái Học xóm 3 xã Hưngg Đạo
Ki-ốt của vợ chồng anh Lê Thái Học xóm 3, xã Hưng Đạo (Hương Nguyên). Ảnh: Thanh Nga

Ở xã Hưng Đạo, chị Vi Thị Nội - cán bộ chính sách xã cho biết: Hiện toàn xã có hơn 600 lao động đang làm việc ở nước ngoài. Mỗi năm con em trong xã gửi về khoảng 144 tỷ đồng. Số tiền này không chỉ giúp các gia đình có được cuộc sống ấm no, sung túc mà còn là nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế, xã hội của xã. Con em xa quê luôn đi đầu trong các phong trào xây dựng đường giao thông nông thôn, nhà văn hóa cộng đồng và các công trình công cộng khác.

Gia đình anh Lê Thái Học đã mở được ki ốt và xây nhà 2 tầng trên đường liên xã sau khi tham gia XKLĐ. Ảnh Thanh Nga
Gia đình anh Lê Thái Học đã mở được ki-ốt và xây nhà 2 tầng trên đường liên xã sau khi tham gia XKLĐ. Ảnh: Thanh Nga
Xã Hưng Đạo đổi thay nhờ XKLĐ
Xã Hưng Đạo, huyện Hưng Nguyên đổi thay nhờ XKLĐ. Ảnh: Thanh Nga

Ông Nguyễn Văn Hiệp - Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Hưng Nguyên cho biết: Năm qua, chúng tôi đã liên kết với các Trung tâm môi giới XKLĐ có chức năng đưa người đi làm việc ở nước ngoài để khai thác mở rộng thêm các thị trường. Ngoài các thị trường truyền thống như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, năm qua chúng tôi đã mở rộng thêm các thị trường châu Âu như: Australia, Rumani, CHLB Đức… Bên cạnh đó, huyện cũng luôn tạo điều kiện để các hộ khó khăn có thể tiếp cận được với chính sách vay vốn xuất khẩu lao động từ các tổ chức tín dụng. Nhờ vậy, số lượng lao động đi xuất khẩu ngày càng tăng lên.

Những ngôi nhà cao tầng mọc lên san sát tại xã Hưng Đoạ nhờ XKLĐ Ảnh Thnah Nga
Những ngôi nhà cao tầng mọc lên san sát tại xã Hưng Đạo (Hưng Nguyên) nhờ XKLĐ. Ảnh: Thanh Nga

Cũng như huyện Hưng Nguyên, huyện Thanh Chương là địa bàn có số lượng lao động tham gia thị trường XKLĐ lớn. Từ nguồn ngoại hối này, nhiều vùng quê đã thay da đổi thịt. Nhiều gia đình đã thoát được nghèo, vươn lên khá giả sung túc. Ông Nguyễn Văn Hòe - Phó trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Thanh Chương cho biết: Hiện nay, Thanh Chương đã có hơn 1.600 người đi lao động ở các nước Hàn Quốc, Đài Loan và các thị trường khác. Người lao động rất phấn khởi với các chính sách hỗ trợ vốn vay của Nhà nước dành cho các đối tượng là hộ nghèo, cận nghèo. Chỉ sau vài năm các hộ khó khăn trên địa bàn đã có thu nhập, trả được nợ, xây được nhà. Thế nên chìa khóa trong công tác giải quyết việc làm của huyện trong những năm tới vẫn là tiếp tục nâng cao tỷ lệ người tham gia XKLĐ. Đặc biệt, huyện sẽ chú trọng phối hợp với các đơn vị có chức năng đưa người đi XKLĐ để mở rộng thêm các thị trường tiềm năng, cho thu nhập cao.

Tiếp tục tăng tỷ lệ XKLĐ

Kết thúc năm 2024, toàn tỉnh đưa được hơn 21.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài, đạt trên 124% kế hoạch, tiếp tục là một trong những tỉnh dẫn đầu toàn quốc về số lượng lao động đi xuất khẩu. Thị trường tiếp nhận lao động chủ yếu vẫn là Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc và các thị trường các nước châu Âu như: Australia, Rumani, Singapore...

Trong đó, Nhật Bản 6.321 người; Hàn Quốc 2.389 người; Đài Loan 10.625 người; các thị trường khác như: Romania, Singapore, Thái Lan, Trung Quốc đều có trên dưới 200 người.

Lao động hợp đồng tại Công ty CPTM Phúc Chiến Thắng sang Croatia làm việc
Lao động hợp đồng tại Công ty CPTM Phúc Chiến Thắng sang Croatia làm việc. Ảnh: Công ty cung cấp

Theo ông Trần Phi Hùng - Trưởng phòng Việc làm - An toàn lao động, Sở LĐ-TB&XH: Hiện nay, lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài với nhiều loại hình, nhiều ngành nghề như: Sản xuất chế tạo (cơ khí, dệt may, giày da, lắp ráp điện tử...), xây dựng, nông nghiệp, ngư nghiệp (đánh bắt và nuôi trồng thủy sản) và dịch vụ (chăm sóc người cao tuổi, người bệnh, giúp việc trong gia đình). Điều kiện làm việc và sinh hoạt tốt, chế độ phúc lợi bảo đảm.

Thu nhập của người lao động khá cao và ổn định, dao động từ 1.200-1.600 USD/tháng tại thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc; từ 800-1.200 USD/tháng tại Đài Loan (Trung Quốc) và các nước châu Âu; từ 700-1.000 USD/tháng đối với lao động có tay nghề, và từ 500-600 USD/tháng đối với lao động phổ thông ở thị trường Trung Đông, châu Phi...

Đào tạo nghề xây dựng cho lao động chuẩn bị xuất cảnh
Đào tạo nghề xây dựng cho lao động chuẩn bị xuất cảnh tại công ty CPQT Kaizen. Ảnh: Công ty cung cấp

Bên cạnh các thị trường tiếp nhận lao động truyền thống (Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc) tiếp tục được duy trì ổn định trong năm 2024, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã tiếp tục mở rộng và phát triển một số thị trường lao động có mức thu nhập và điều kiện làm việc tốt tại khu vực châu Âu. Hiện nay, số lượng lao động đi làm việc tại thị trường này chưa nhiều nhưng điều kiện làm việc và thu nhập tương đối tốt.

Ông Trần Phi Hùng - Trưởng phòng Việc làm - An toàn lao động, Sở LĐ-TB&XH

Theo báo cáo của Sở LĐ-TB&XH, năm 2025 tỉnh tiếp tục triển khai kế hoạch thực hiện Đề án giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn tỉnh, dự kiến sẽ giải quyết việc làm cho khoảng 42.000 đến 45.000 lao động, trong đó, đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài khoảng 16.000 đến 18.000 lao động. Tỉnh cũng tiếp tục tăng cường triển khai thực hiện tốt kết nối cung- cầu lao động trong, ngoài tỉnh và thị trường lao động quốc tế; Tiếp tục ổn định, duy trì các thị trường hiện có và sẽ phát triển, mở rộng thị trường có thu nhập cao, phù hợp với trình độ, kỹ năng của người lao động...

Thanh Nga