Nghệ An tăng cường các giải pháp quản lý, bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm
Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An yêu cầu các sở, ngành, chính quyền các cấp tiếp tục tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp quản lý, bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm.
Ngày 7/1, Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An đã ban hành Kế hoạch hoạt động bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm năm 2025 trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Việc ban hành kế hoạch nhằm tăng cường năng lực quản lý về an toàn thực phẩm từ cấp tỉnh đến cấp huyện, xã; góp phần bảo vệ sức khỏe và quyền lợi người tiêu dùng; đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập trong thời kỳ mới; nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm và người tiêu dùng trong việc đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm.
Đồng thời, nhằm tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị, ngành và tổ chức hội liên quan trong việc thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm; tạo chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động, đề cao trách nhiệm người đứng đầu cơ quan có liên quan và địa phương đối với công tác đảm bảo an ninh, an toàn thực phẩm; tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, xây dựng cơ chế, chính sách và bố trí nguồn lực cho công tác đảm bảo an ninh, an toàn thực phẩm đáp ứng với tình hình mới.
Kế hoạch đề ra các mục tiêu cụ thể, gồm: Trên 95% cán bộ làm công tác an toàn thực phẩm và thành viên Ban Chỉ đạo an toàn thực phẩm cấp huyện, xã được tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ quản lý an toàn thực phẩm; trên 90% cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống được tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm; trên 95% cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống và cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm do ngành Y tế quản lý được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định.
100% các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm quy mô công nghiệp tập trung trên địa bàn tỉnh áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến như GMP, HACCP, ISO, IFS, BRC, FSSC 22000; 75% cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản thuộc diện cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm được cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện hoặc tương đương; 60% cơ sở sản xuất ban đầu nhỏ lẻ ký cam kết sản xuất thực phẩm an toàn; 100% vùng nuôi trồng thủy sản tập trung, 100% vùng trồng rau và vùng chăn nuôi tập trung được giám sát dư lượng các chất độc hại.
100% các cơ sở bếp ăn tập thể được kiểm tra, giám sát. Hạn chế đến mức thấp nhất ngộ độc thực phẩm xảy ra tại các cơ sở bếp ăn tập thể trên địa bàn tỉnh. 100% các siêu thị được kiểm soát an toàn thực phẩm (đảm bảo các điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định), 90% chợ có các hoạt động kiểm soát an toàn thực phẩm. Tỷ lệ mắc ngộ độc thực phẩm cấp tỉnh được ghi nhận dưới 6 người/100.000 dân.
Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các sở, ngành, chính quyền các cấp tiếp tục tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp quản lý, bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm, bao gồm: Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành; tăng cường công tác thông tin truyền thông, đào tạo, tập huấn về an toàn thực phẩm; triển khai các đợt cao điểm trong năm 2025 (Tết Nguyên đán, Tết Trung thu, Tháng hành động Vì an toàn thực phẩm); đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm, giám sát, xử lý vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm; nâng cao năng lực phòng, chống ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm; phát triển các mô hình quản lý an toàn thực phẩm; đẩy mạnh hoạt động khoa học, công nghệ; đảm bảo nguồn lực phục vụ hoạt động bảo đảm an toàn thực phẩm.
Ủy ban nhân dân tỉnh cũng phân công rõ trách nhiệm cho các sở, ngành, các huyện, thành phố, thị xã và các cơ quan liên quan trong việc tổ chức triển khai các mục tiêu, nhiệm vụ; tăng cường công tác phối hợp giữa các lực lượng chức năng trong đấu tranh chống buôn bán, vận chuyển hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng vi phạm an toàn thực phẩm./.