Giáo dục


Trao cơ hội để sinh viên được phát huy năng lực trong nghiên cứu khoa học

Mỹ Hà 09/01/2025 10:13

Hoạt động nghiên cứu khoa học được xem là nền tảng nâng cao chất lượng đào tạo của các trường đại học. Các dự án được triển khai giúp sinh viên chủ động ứng dụng lý thuyết trên giảng đường vào thực tế và rèn luyện nhiều kỹ năng quan trọng, “mở đường” cho tương lai.

Đồng hành cùng sinh viên

Cho đến bây giờ, Nguyễn Thị Quỳnh Anh và các sinh viên Hà Thị Quỳnh Anh, Ngô Thị Tuyết Mai, Nguyễn Thị Nhung, Trịnh Thị Như - Lớp 62A Sư phạm Vật lý - Trường Sư phạm - Trường Đại học Vinh vẫn chưa quên được cảm giác hạnh phúc khi nhận được thông tin bài viết về dự án “Nghiên cứu cách tử cảm ứng điện từ của môi trường nguyên tử 85Rb năm mức năng lượng” đã được công bố trên tạp chí uy tín của Hội quang học Mỹ.

Điều hạnh phúc hơn với Ngọc Anh và các sinh viên đó là dù dự án được hướng dẫn trực tiếp từ GS.TS Nguyễn Huy Bằng - Hiệu trưởng Trường Đại học Vinh và PGS.TS Lê Văn Đoài - giảng viên của Khoa sư phạm Vật lý nhưng khi công bố bài báo, các giảng viên của trường đều trân trọng đề tên các sinh viên trước phần giáo viên hướng dẫn.

Giảng viên là người có kinh nghiệm nên chỉ định hướng nghiên cứu, còn lại các bạn tham gia tính toán, thí nghiệm, viết báo cáo. Vì thế dựa trên đóng góp cũng như tôn trọng trí tuệ, năng lực của các em, nên phần tác giả bài, tên sinh viên được đứng đầu bài báo khoa học chứ không phải giảng viên.

PGS.TS Lê Văn Đoài - Trường Đại Vinh

Tháng 11/2024, dự án này cũng vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo - Bộ Khoa học và Công nghệ, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và Quỹ Hỗ trợ Sáng tạo kỹ thuật Việt Nam - VIFOTEC trao giải Nhì Giải thưởng Khoa học và Công nghệ dành cho sinh viên trong các cơ sở giáo dục đại học năm 2024.

bna_nhom.jpg
Các giảng viên của Trường Đại học Vinh hướng dẫn nhóm sinh viên Khoa Sư phạm Vật lý trong quá trình thực hiện dự án. Ảnh: Mỹ Hà

Đề tài “Nghiên cứu cách tử cảm ứng điện từ của môi trường nguyên tử 85Rb năm mức năng lượng” là đề tài được nghiên cứu lần đầu tiên tại Việt Nam. Nghiên cứu này có thể tạo ra những ứng dụng đột phá cho các thiết bị quang tử hoạt động đa kênh với cường độ ngưỡng thấp và độ nhạy siêu cao.

Đồng thời, sự nghiên cứu lý thuyết về cách tử cảm ứng điện từ như vậy có ý nghĩa quan trọng cho sự quan sát thực nghiệm và định hướng ứng dụng.

Về mặt thực nghiệm, nhóm nghiên cứu quang phổ, trường đại học Vinh cũng đã xây dựng thành công hệ thí nghiệm quan sát hiệu ứng giao thoa lượng tử của môi trường khí nguyên tử Rb.

Đặc biệt, dựa vào hiệu ứng giao thoa lượng tử nhóm nghiên cứu đã đo được chiết suất nhóm khổng lồ và quan sát được tín hiệu ánh sáng siêu chậm cỡ vài trăm mét trên giây (bình thường ánh sáng lan truyền với vận tốc 3.108 m/s).

Các kết quả nghiên cứu đã được công bố trên các tạp chí uy tín của Hội quang học Mỹ (Journal of the Optical Society of America B 41, No. 4, 976, 2024 và Optics Letters 49, No. 17 (2024) 4787).

bna_nhom-f399e5b483a089134f2bd222cc8d32fa.jpg
GS.TS Nguyễn Huy Bằng (ngoài cùng, bên phải - Hiệu trưởng Trường Đại học Vinh) cùng nhóm tác giả tham gia dự án Nghiên cứu phổ nhiễu xạ dựa vào hiệu ứng giao thoa lượng tử trong môi trường nguyên tử 85Rb năm mức năng lượng, đạt giải Nhì cấp quốc gia. Ảnh: Mỹ Hà

Đến với giải thưởng này, Nguyễn Thị Quỳnh Anh cũng là đại diện cho nhóm tác giả, đảm nhận nhiệm vụ thuyết trình đề tài trước ban giám khảo. Việc tham gia dự án cũng đã giúp Quỳnh Anh trưởng thành và tiến bộ, giúp em phát huy nhiều kỹ năng cơ bản và khám phá bản thân.

Trước đó, Quỳnh Anh từng là học sinh Trường THPT Nghi Lộc 5 và là thủ khoa đầu vào của ngành Sư phạm Vật lý. Dù có xuất phát điểm thuận lợi, Quỳnh Anh thú nhận những năm THPT em khá nhút nhát và chưa phát huy được năng lực của mình. Vào đại học, sớm được tham gia các dự án nghiên cứu khoa học nên Quỳnh Anh ngày một tự tin hơn và được các giảng viên đánh giá cao. Hiện em là một trong ít sinh viên có cơ hội tốt nghiệp loại xuất sắc của khoa và giành một suất học thẳng lên nghiên cứu sinh của trường.

Xây dựng môi trường sáng tạo

Năm học này, Trường Đại học Vinh có 2 dự án đoạt giải Nhì Giải thưởng Khoa học và Công nghệ dành cho sinh viên trong các cơ sở giáo dục đại học. Đây là kết quả xuất sắc nhất trong nhiều năm Trường Đại học Vinh tham gia giải thưởng này.

Trước đó, từ hơn 15.000 đề tài lựa chọn từ cơ sở, Ban Tổ chức chọn được 106 đề tài xuất sắc nhất của 46 cơ sở giáo dục đại học. Ngoài 2 giải Nhì, Trường Đại học Vinh còn có 4 nhóm sinh viên đoạt giải Ba và 4 nhóm sinh viên đạt giải Khuyến khích ở nhiều lĩnh vực khác nhau gồm: Khoa học kỹ thuật và Công nghệ, Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội, Khoa học nông nghiệp. Cũng trong năm học vừa qua, Trường Đại học Vinh có tổng số 48 công trình nghiên cứu khoa học của 167 sinh viên được công bố, đăng tải trên các tạp chí khoa học chuyên ngành (ISI, Scopus Q2 và các tạp chí khoa học trong nước).

bna_mot-buoi-tap-huan-ve-nghien-cuu-khoa-hoc-sinh-cho-vien-truong-dai-hoc-kinh-te-ng-nhe-an.-anh-ntcc(1).jpg
Một buổi tập huấn về nghiên cứu khoa học sinh cho sinh viên Trường Đại học Kinh tế Nghệ An (nay là Đại học Nghệ An). Ảnh: NTCC

Theo GS.TS Nguyễn Huy Bằng - Hiệu trưởng, từ nhiều năm nay, Trường Đại học Vinh đã đưa ra chiến lược phát triển khoa học và công nghệ đóng vai trò then chốt để nâng cao chất lượng đào tạo. Nhà trường đã ban hành quy chế xét thưởng công trình sinh viên nghiên cứu khoa học và hằng năm các nhóm sinh viên chủ động triển khai các nghiên cứu dưới sự hướng dẫn của các giảng viên, nhà khoa học trong và ngoài trường.

Ngoài tạo điều kiện về thời gian, cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm, trường cũng đã ban hành quy chế tăng mức thưởng và mức hỗ trợ đối với sinh viên nghiên cứu khoa học tối thiểu gấp 2 lần so với mức chi trả theo quy chế cũ. Trong 2 năm trở lại đây, tổng kinh phí dành cho hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên là hơn 500 triệu đồng.

Trường Đại học Kinh tế Nghệ An khen thưởng cho các sinh viên đạt giải tại Cuộc thi Nghiên cứu khoa học. Ảnh - NTCC
Trường Đại học Kinh tế Nghệ An khen thưởng các sinh viên đoạt giải tại Cuộc thi Nghiên cứu khoa học. Ảnh: NTCC

Tại Trường Đại học Kinh tế Nghệ An (nay là Đại học Nghệ An), TS. Đỗ Ngọc Đài - Trưởng phòng Quản lý đào tạo - Khoa học và hợp tác quốc tế khẳng định: Công tác nghiên cứu khoa học là hoạt động đóng vai trò quan trọng trong quá trình đào tạo.

Công tác nghiên cứu khoa học phần nâng cao chất lượng đào tạo cũng như định hướng tiếp cận nhu cầu thực tiễn, nâng cao tính thích ứng của sinh viên với thị trường việc làm, đặc biệt là những ngành nghề yêu cầu có tính năng động và sáng tạo của sinh viên trước khi ra trường để đáp ứng mong muốn của nhà tuyển dụng.

TS. Đỗ Ngọc Đài - Đại học Nghệ An

Là một trong số ít sinh viên của trường vừa được Tỉnh đoàn, Hội Sinh viên tỉnh trao tặng danh hiệu "Sinh viên 5 tốt" năm 2024, Trần Thị Thùy Linh – sinh viên Khoa Kinh tế - Quản trị kinh doanh của trường cho biết, việc tham gia các hoạt động nghiên cứu khoa học, các giải thưởng về khởi nghiệp là một “bước đệm” quan trọng để em có được kết quả học tập xuất sắc.

Linh bắt đầu nghiên cứu khoa học từ năm thứ nhất và nhờ đó, em phát triển kỹ năng từ tư duy phân tích, giải quyết vấn đề đến việc nâng cao kiến thức chuyên môn và mở rộng mạng lưới quan hệ. Bên cạnh đó, hoạt động này còn giúp em rèn luyện kỹ năng làm việc nhóm, viết và trình bày, cũng như khả năng sáng tạo và thích ứng với môi trường làm việc hiện đại.

Để khuyến khích sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học, Trường Đại học Nghệ An còn tổ chức hội nghị sinh viên với công tác nghiên cứu khoa học. Đây là một diễn đàn để sinh viên toàn trường trao đổi thông tin khoa học, là cách thức để sinh viên thực hiện khả năng thuyết trình trước đám đông, trước hội nghị.

Đây là một hoạt động vô cùng cần thiết, bổ ích cho sinh viên cả về kiến thức chuyên môn và cách thức trình bày báo cáo, rèn luyện năng lực nghiên cứu, khả năng trình bày kết quả nghiên cứu. Bên cạnh đó, trường phải đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị các phòng thí nghiệm, động viên và phân công cán bộ hướng dẫn để mọi sinh viên có đủ năng lực được tham gia vào các đề tài nghiên cứu.

bna_sv.jpg
Nhóm sinh viên Trường Đại học Vinh tham gia Giải thưởng Khoa học và Công nghệ dành cho sinh viên các trường đại học. Ảnh: NTCC

Cùng với sự đồng hành của nhà trường và các giảng viên, hiện nay có rất nhiều sân chơi về nghiên cứu khoa học để các sinh viên được tranh tài. Từ những cuộc thi này, nhiều sản phẩm, giải pháp đề xuất của sinh viên được đánh giá cao nhờ tính đổi mới, sáng tạo và được tiếp tục đầu tư để đưa dự án vào ứng dụng trong thực tế.

Mỹ Hà