Xã hội

Trăn trở về kịch hát dân ca Nghệ Tĩnh

Thanh Nga 13/01/2025 10:31

Nhiều năm qua, kịch hát dân ca của Trung tâm Nghệ thuật truyền thống tỉnh đều đặn nhận được giải thưởng danh giá khi tham gia các liên hoan sân khấu chuyên nghiệp, được công chúng nồng nhiệt đón nhân. Thế nhưng trong những năm gần đây kịch hát có phần mai một, các đêm biểu diễn thưa thớt người xem, sự đầu tư cho mảng này cũng có phần nhạt hơn.

Những nấc thang đáng tự hào

Bắt đầu từ các vở diễn buổi sơ khai như "Chiếc cày ông Tư", "Nàng dâu mới"," Con mương thuỷ lợi", "Cà phê phẫn nộ",“Không phải tôi”,“Khi ban đội đi vắng” vào những năm 1960…, sân khấu kịch hát đã có những bước chuyển mình để có được những vở diễn có hiệu ứng lan toả mạnh mẽ trên sân khấu truyền thống nước nhà. Công chúng từng biết đến những vở diễn như: Ông vua hóa hổ (năm 1987), Hai ngàn oan trái (năm 1988), Giá đời phải trả (năm 1993), “Danh nhân lớn lên từ câu hò ví, giặm” (năm 1997); “Sang mãi niềm tin” (năm 1999); Lời Người lời của nước non (năm 2007)... Trong những vở kịch này, các làn điệu Dân ca ví, giặm đã được vận dụng, sáng tạo một cách nhuần nhuyễn, trở thành linh hồn của các vở diễn.

Nguyễn Xí 4
Một phân cảnh trong vở Nguyễn Xí. Ảnh: Thanh Nga

Có được kết quả đó, không thể không nhớ tới những năm tháng khó khăn, vất vả, vật lộn với từng lớp diễn, từng vai diễn, lồng từng điệu hát, từng đoạn nhạc của tập thể diễn viên Nhà hát Dân ca Nghệ An (nay là Trung tâm Nghệ thuật truyền thống tỉnh). Đó cũng là công sức không thể đong đếm của các tác giả, đạo diễn, nhạc sĩ, họa sĩ của nhà hát và cộng tác viên gắn bó lâu năm. Có thể kể tên những nhạc sĩ, đạo diễn, tác giả chuyển thể quen thuộc như: Lê Hùng, Xuân Huyền, Hồ Hữu Thới, Thanh Lưu, Văn Thế, Đình Bảo, Đình Đắc, Ngọc Ất, An Ninh, Hồng Lựu… Những tên tuổi này đã góp phần thể nghiệm thành công trên 80 vở diễn, gần 200 làn điệu dân ca cải biên (bài hát phát triển dân ca) thuộc các tính chất, thể loại khác nhau, trong đó có những vở diễn ghi dấu ấn mạnh mẽ.

Bác Hồ với học sinh Miền núi trong lần Người về thăm quê.JẢnh Thanh Nga. JPG
Bác Hồ với học sinh miền núi trong lần Người về thăm quê, một phân cảnh trong vở "Lời Người lời của nước non". Ảnh Thanh Nga
Một phân cảnh trong vở Lời Người lời của nước non. Clip: Trung tâm Nghệ thuật truyền thống tỉnh cung cấp

Còn nhớ những năm đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước khi các loại hình văn hóa giải trí còn ít các phương tiện truyền thông còn nghèo nàn thô sơ, kịch hát dân ca được công chúng chào đón nồng nhiệt. Mỗi đêm diễn là một bữa tiệc tinh thần của công chúng. Có những đêm diễn rạp Bến Thủy quá tải, khán giả chen nhau vòng trong vòng ngoài, những người không có vé đứng ngoài chỉ để nghe âm thanh thôi cũng đủ. Đó cũng là thời vàng son của kịch hát dân ca xứ Nghệ khi lứa nghệ sĩ như NSND Hồng Lựu, NSND An Ninh, NSƯT Hồng Dương, NSƯT Minh Thành, NSƯT Đức Lam, NSƯT Thủy Kiên, còn ở độ tuổi đôi mươi với thanh sắc vào độ viên mãn. Đó cũng là những thời điểm mà kịch hát dân ca Nghệ Tĩnh đánh đâu thắng đó, HCV, HCB nhiều không kể xiết.

Một phân cảnh trong Lời Người lơi của nước non
Một phân cảnh trong "Lời Người lơi của nước non" vừa được trình diễn lại trên sân khấu Nhà hát Dân ca. Ảnh: Thanh Nga

Sau này dù sân khấu kịch hát đã có nhiều mai một do nền kinh tế thị trường với những loại hình giải trí mới mẻ hấp dẫn giới trẻ. Thế nhưng nhiều vở diễn vẫn được giới sân khấu ca tụng, đạt nhiều thành tích cao như: Một cây làm chẳng lên non” - HCV năm 2010, vở Góc khuất đời người” được tặng giải đặc biệt (cả 2 vở trên đã tham gia Hội diễn Sân khấu Tuồng và Dân ca toàn quốc); vở Người thi hành án tử” - HCV tại hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc về hình tượng người chiến sĩ Công an Nhân dân ( năm 2010); vở “Đường đua trong bóng tối” - HCV năm 2013, vở “Thầy và trò”- HCV năm 2016, vở Vụ án Am Bụt Mọc” - HCV hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc về hình tượng người Công an Nhân dân, vở “Cánh Cò trong bão” - HCV năm 2022. Có thể nói chặng đường hơn 50 năm (từ 1972 - 2024), kịch hát dân ca Nghệ Tĩnh đã gặt hái được những thành tựu nổi bật. Kịch hát hoàn thành nhiệm vụ thể nghiệm sân khấu hóa dân ca Nghệ Tĩnh, được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận “Kịch hát dân tộc” năm 1985.

Nguyễn Xí 2
Một phân cảnh trong vở Nguyễn Xí. Ảnh: Thanh Nga

Từ khi kịch hát dân ca Nghệ Tĩnh được công nhận “Kịch hát dân tộc” đến nay, Trung tâm Nghệ thuật truyền thống Nghệ An được giao nhiệm vụ phục vụ nhiệm vụ chính trị, phục vụ Nhân dân trong tỉnh hàng năm. Hàng năm Trung tâm vẫn tiếp tục thể nghiệm sân khấu hóa dân ca với những vở diễn mới, bằng những kinh nghiệm đã làm trước đây và tìm tòi, học hỏi những cách làm mới để tiếp cận mạnh mẽ hơn với thị hiếu của công chúng trong thời đại số.

Trăn trở cách tiếp cận thị hiếu

Thế nhưng sau giai đoạn vàng son của những thập kỷ 80, 90, kịch hát dân ca Nghệ Tĩnh ít được lưu diễn, không còn những đêm diễn ngoài trời đông nghịt người xem, không còn cảnh chen chúc nhau hòng mua được tấm vé xem kịch hát. Các vở diễn cũng ít hơn, Trung tâm Nghệ thuật truyền thống tỉnh chỉ làm mỗi năm từ 1-2 vở để phục vụ những sự kiện trọng đại hoặc để tham gia các Liên hoan sân khấu chuyên nghiệp.

Nguyễn Xí 4
Vở Nguyễn Xí nhận được sự đánh giá cao của hội đồng nghệ thuật, và công chúng. Ảnh: Thanh Nga

Thời điểm dịch Covid-19, cả nước phải thực hiện giãn cách, Trung tâm Nghệ thuật truyền thống tỉnh đã cho ra đời nhiều tiểu phẩm phát lên các nền tảng số, các trang fanpage của Trung tâm... Tuy vậy, lượng tương tác không thật nhiều, khó cạnh tranh với các loại hình giải trí khác.

Trăn trở về vấn đề này, NSND Hồng Lựu cho biết: Nhiều vở diễn thực sự nức tiếng trong giới mộ điệu nhưng vài năm gần đây chúng tôi cũng không thể lưu diễn vì thị hiếu giải trí bây giờ khác, rất ít khán giả bỏ tiền ra mua vé vào Nhà hát xem kịch”. NSND Hồng Lựu cũng cho biết, Trung tâm từng ấp ủ nhiều kế hoạch diễn lại những vở kịch hát dân ca Nghệ Tĩnh đã nức tiếng một thời nhằm phục vụ nhân dân nhưng rất khó thực hiện vì vấn đề kinh phí và nhiều yếu tố khác trong đó có tính thị hiếu giải trí của công chúng hiện nay.

bna_0183.jpg
Vở kịch hát "Không gục ngã" sẽ được nâng cấp để tham gia Liên hoan sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc. Ảnh: Thanh Nga

Chúng tôi đang cố gắng để hoàn thành mục tiêu mỗi tháng sẽ trình diễn một vở kịch hát dân ca Nghệ Tĩnh trên sân khấu Nhà hát dân ca. Thế nhưng mới chỉ thực hiện được vở “Lời Người Lời của nước non” và “Vầng sáng”. Dù anh chị em diễn viên rất nhiệt huyết, mất rất nhiều thời gian công sức nhưng để nói là đạt được mục tiêu bán được vé và thu hút đông khán giả thì chưa.

Nhạc sĩ Quốc Chung - Giám đốc Trung tâm Nghệ thuật truyền thống tỉnh

Nhạc sĩ Quốc Chung cũng cho biết thêm, sắp tới Trung tâm sẽ nâng cấp vở “Không gục ngã” để tham gia Liên hoan sân khấu kịch hát toàn quốc ca ngợi về hình tượng người chiến sĩ công an nhân dân. Hy vọng với tinh thần nhiệt huyết, hoàn thành sứ mệnh vẻ vang của mình chúng tôi sẽ tìm ra cách để thu hút khán giả.

Thanh Nga