Xã hội

Hướng đi mới từ báo chí dữ liệu trên Báo Nghệ An

Tiến Đông 16/01/2025 10:48

Ngoài việc thực hiện tốt nhiệm vụ tuyên truyền kịp thời về tình hình kinh tế - xã hội; quốc phòng - an ninh của tỉnh nhà, Báo Nghệ An còn không ngừng đổi mới, phát triển theo hướng báo chí đa nền tảng. Đặc biệt, việc xây dựng báo chí dữ liệu là hướng đi mới được Báo Nghệ An quan tâm.

Năm 2024 là năm đánh dấu những bước chuyển mình mạnh mẽ của Báo Nghệ An. Đặc biệt, trong năm Báo Nghệ An đã có nhiều nỗ lực trong chuyển đổi số.

Vào ngày 28/5/2024, ngoài việc ra mắt giao diện mới cùng hệ thống xuất bản hội tụ, Báo Nghệ An đã ra mắt chuyên trang báo chí dữ liệu Chủ tịch Hồ Chí Minh với quê hương Nghệ An. Đến ngày 9/11/2024, tiếp tục ra mắt chuyên trang báo chí dữ liệu Cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh.

duy.jpeg
Lễ ra mắt giao diện mới Báo Nghệ An điện tử và Chuyên trang báo chí dữ liệu Chủ tịch Hồ Chí Minh với quê hương Nghệ An. Ảnh: Thành Duy

Việc tổ chức số hóa hệ thống tài liệu, hiện vật, sách, báo liên quan, thành hệ thống dạng bài viết đa phương tiện, nhiều chuyên mục riêng, hấp dẫn là một bước tiến đặc biệt quan trọng trong việc lưu trữ, phân tích và trình bày dữ liệu báo chí. Là địa chỉ tin cậy để cán bộ, đảng viên và nhân dân thuận tiện trong tìm hiểu, nghiên cứu, học tập về thân thế, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cũng như có được cái nhìn khái quát, toàn diện về cao trào cách mạng trên quê hương xứ Nghệ anh hùng.

cuong.jpeg
Các đại biểu tham quan trưng bày Chuyên đề Cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh trong khuôn khổ lễ ra mắt chuyên trang báo chí dữ liệu Cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh trên Báo Nghệ An. Ảnh: Thành Cường

Các chuyên trang báo chí dữ liệu không chỉ là công cụ phục vụ độc giả hiện tại mà còn là tài nguyên quý về lịch sử và sự kiện, hỗ trợ công tác nghiên cứu và giáo dục truyền thống cho các thế hệ trẻ.

Có thể thấy rằng, với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, mạng xã hội và nhất là trí tuệ nhân tạo (AI) trong những năm gần đây đã tác động đến hành vi người dùng internet và xu thế phát triển của báo chí hiện đại. Chính vì thế, việc xây dựng báo chí dữ liệu là xu hướng tất yếu hiện nay. Nhất là trong bối cảnh ở Nghệ An, "dư địa" để phát triển báo chí dữ liệu còn rất nhiều. Khi đây là địa phương có diện tích rộng nhất cả nước với nhiều dân tộc anh em cùng sinh sống. Đây cũng là quê hương của cách mạng với nhiều di tích lịch sử, văn hóa, có thể trở thành nguồn tài nguyên dồi dào cho báo chí dữ liệu.

màn hình
Giao diện chuyên trang báo chí dữ liệu Chủ tịch Hồ Chí Minh với quê hương Nghệ An. Ảnh: Tiến Đông

Mặt khác, phát triển báo chí dữ liệu cũng là một trong những hoạt động nhằm cụ thể hóa Kế hoạch triển khai chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của Bộ Thông tin và Truyền thông; Nghị quyết chuyển đổi số tỉnh Nghệ An đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Đồng thời là cách để cụ thể hóa Kế hoạch số 174/KH-UBND ngày 8/3/2024 của UBND tỉnh về việc triển khai thực hiện Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Với mục tiêu các cơ quan báo chí cần chú trọng đến việc phát triển các sản phẩm báo chí số. Trong đó, thiết kế, sáng tạo các mô hình sản phẩm thông tin mới trên các nền tảng khác nhau để tăng độ tương tác với độc giả, phân phối nội dung thông tin nhanh hơn, rộng hơn và chính xác theo nhu cầu của độc giả...

bna_nguyen-son-54e31ae947b39498b641aa8a1c8463fb.jpeg
Báo Nghệ An làm việc với Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh trước khi xây dựng chuyên trang báo chí dữ liệu về Cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh. Ảnh: Nguyên Sơn

Theo đồng chí Ngô Đức Kiên - Bí thư Đảng uỷ, Tổng Biên tập Báo Nghệ An: Báo chí dữ liệu là một xu hướng tất yếu. Dù nó là một lĩnh vực mới mẻ, kết hợp kiến thức từ nhiều lĩnh vực khác nhau, như khoa học xã hội, khoa học dữ liệu, khoa học máy tính, phân tích dữ liệu, thiết kế thông tin và kể chuyện. Nếu đơn vị nào tiếp cận được báo chí dữ liệu sớm nhất sẽ có lợi thế nhất trong việc kéo độc giả về phía mình.

Hiện nay, Báo Nghệ An đang ở bước đầu của quá trình chuyển đổi số và thực hiện các nội dung vượt trội. Báo đang tập trung vào việc nghiên cứu sâu về độc giả, hướng tới việc kéo công chúng về với mình dựa trên 3 giải pháp con người - công nghệ và chiến lược nội dung vượt trội.

bna_cuong.jpeg
Đồng chí Ngô Đức Kiên - Bí thư Đảng ủy, Tổng Biên tập Báo Nghệ An (thứ 2 từ phải qua), trao đổi về vấn đề xây dựng báo chí dữ liệu trên Báo Nghệ An tại phiên thảo luận “Báo chí dữ liệu và Chiến lược nội dung vượt trội” trong khuôn khổ Hội Báo toàn quốc 2024. Ảnh: Thành Cường

Để xây dựng thành công 2 trang báo chí dữ liệu trong năm vừa qua, ngoài việc tận dụng tối đa sức mạnh của công nghệ thông tin, Báo Nghệ An đã phối hợp tốt với các đơn vị liên quan như Sở Văn hóa và Thể thao; Ban Quản lý Khu di tích Kim Liên; Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh, quan tâm chỉ đạo các bộ phận, cá nhân trực tiếp liên quan, cung cấp đầu mối để cùng phối hợp thực hiện xây dựng chuyên trang.

Lê Thu Hiền

Việc xây dựng chuyên trang báo chí dữ liệu về Cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh trên Báo Nghệ An là điều hết sức cần thiết để lan tỏa mạnh mẽ giá trị của phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh và nâng tầm vai trò, chức năng của bảo tàng trong tình hình mới.

Bà Lê Thu Hiền - Giám đốc Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh

Bà Lê Thu Hiền - Giám đốc Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh chia sẻ: Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh được thành lập từ năm 1960. Hiện bảo tàng có hơn 16.000 tài liệu, hiện vật, trong đó có 3.854 hiện vật gốc thể khối.

Cùng với đó, tại bảo tàng còn 17 bộ sưu tập quan trọng như: bộ sưu tập báo chí; sưu tập hiện vật cất giấu tài liệu; sưu tập hiện vật vũ khí đấu tranh; sưu tập hiện vật in ấn; sưu tập hiện vật về Chủ tịch Hồ chí Minh; sưu tập hiện vật của các tổ chức yêu nước ở Nghệ Tĩnh; sưu tập hiện vật về phong trào Văn thân - Cần Vương chống Pháp; sưu tập hiện vật trong tù của các chiến sỹ cách mạng Nghệ Tĩnh; sưu tập Văn kiện - tài liệu học tập của Đảng…

Tiến Đông