Kinh tế

Nghệ An tận dụng các hiệp định FTA, thúc đẩy xuất khẩu

Thu Huyền 17/01/2025 16:26

Năm 2024, các doanh nghiệp Nghệ An đã xuất khẩu hàng hóa đi 150 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, kim ngạch xuất khẩu sang một số thị trường tăng mạnh so với cùng kỳ. Năm 2025, Nghệ An hướng tới mục tiêu kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 4,0 tỷ USD với nhiều giải pháp đồng bộ…

Kim ngạch tăng, thị trường xuất khẩu mở rộng

Theo Sở Công Thương, tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2024 của Nghệ An đạt 3,9 tỷ USD, tăng 25,8% so với năm 2023; trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt trên 3,2 tỷ USD, tăng 31,57% so với năm 2023, vượt 16,9% kế hoạch năm.

Hàng hóa xuất khẩu khá phong phú, đa dạng với hơn 100 mặt hàng/nhóm mặt hàng, nhiều mặt hàng có kim ngạch tăng trưởng khá. Một số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng khá so với cùng kỳ, điển hình như: Thiết bị, linh kiện điện tử tăng 84,4%; Hàng dệt may tăng 30,1%; Tôn thép các loại tăng 29,2%; Dây điện và cáp điện tăng 74,5%; Giày dép các loại tăng 88,1%; Gạo tăng 75%,...

Sản xuất tại Công ty CP Dệt may Vinatex, Hoàng Mai. Ảnh: TH
Sản xuất tại Công ty CP Dệt may Vinatex, Hoàng Mai. Ảnh: TH

Thị trường xuất khẩu liên tục tăng qua các năm. Năm 2024, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã xuất khẩu hàng hóa sang thị trường của 150 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Kim ngạch xuất khẩu sang một số thị trường tăng mạnh so với cùng kỳ, tiêu biểu: Hồng Kông tăng 87,5%; Đài Loan tăng 68,4%; Nhật Bản tăng 28,8%, Hàn Quốc tăng 16,7%, Đức tăng 47,7%, Singapore 111,5%,... Các thị trường mới liên tục được mở rộng, được doanh nghiệp khai thác, điển hình như: Mozambique, Serbia, Tunisia, Rwanda, Belize, Benin, Mauritania, Cộng hòa Dominica, Maldives, Paraguay,…

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang khối các thị trường có Hiệp định FTA đạt 2,76 tỷ USD, tăng 28,4% so với năm 2023 và chiếm 86,3% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa. Việc tận dụng ưu đãi từ các Hiệp định thương mại tự do đã giúp doanh nghiệp tăng trưởng xuất khẩu, nâng cao trình độ khoa học, nắm bắt các cơ hội mới.

đồ họa Hữu Quân
Đồ họa: Hữu Quân

Đặc biệt, tỷ lệ hàng thô, chưa qua chế biến giảm, tỷ lệ hàng công nghiệp và hàng qua chế biến tiếp tục tăng. Hiện nay, nhóm hàng công nghiệp chế biến, chế tạo là nhóm mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh với kim ngạch đạt trên 2,9 tỷ USD, chiếm 90,1% tổng kim ngạch xuất khẩu (năm 2023 tỷ lệ này đạt 87%), tăng 30,8% so với năm 2023.

Ngày càng nhiều doanh nghiệp đã nhận thức được việc cần thiết phải tham gia vào chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng toàn cầu; thiết lập thêm cho mình những yêu cầu khắt khe về phương diện kỹ thuật, hệ thống công nghệ đáp ứng yêu cầu về sản phẩm, quản trị doanh nghiệp, lao động... Một số doanh nghiệp ngành dệt may, da giày, linh kiện điện tử,… hiện đang áp dụng những yêu cầu về sản xuất xanh từ thị trường quốc tế.

Các dòng sản phẩm dinh dưỡng đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao của Công ty HaDaLiFa (phường Nghi Hòa, TP. Vinh) đã được xuất khẩu sang các thị trường Thái Lan, Nga... Ảnh: T.H
Các dòng sản phẩm dinh dưỡng đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao của Công ty HaDaLiFa (phường Nghi Hòa, TP. Vinh) đã được xuất khẩu sang các thị trường Thái Lan, Nga... Ảnh: T.H

Đối với các sản phẩm nông nghiệp, nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị được xây dựng, nâng cao năng suất thu hoạch và giá trị thương hiệu.

Các sản phẩm chế biến từ nông sản của tỉnh đang đi theo hướng bền vững, một số sản phẩm OCOP của Nghệ An đã đáp ứng được các tiêu chuẩn, quy chuẩn bắt buộc để làm tiền đề và cơ hội xuất khẩu ra thị trường quốc tế, nổi bật một số thương hiệu sản phẩm của các công ty như: Đồ gỗ mỹ nghệ của Công ty TNHH Đức Phong, nước mắm Vạn Phần, lạc Diễn Châu, hải sản biển Quỳnh, mật ong BOMETA,... Các sản phẩm như: miến lươn ăn liền, mì từ rau củ, sữa hạt,.. cũng đã có hợp đồng ngoại thương với bạn hàng ở các nước châu Âu, Hoa Kỳ, Thái Lan,...

Ông Nguyễn Hồ Lâm - Phó Chi cục trưởng Chi cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn tỉnh cho biết: Tính đến thời điểm hiện tại, Nghệ An đã có 632 sản phẩm được xếp hạng đạt OCOP 3 sao trở lên với 397 chủ thể. Nghệ An là tỉnh đứng thứ 2 cả nước về số lượng sản phẩm đạt hạng sao được công nhận (sau TP. Hà Nội). Khá nhiều sản phẩm OCOP của tỉnh xuất khẩu qua các thị trường "khó tính" như: Pháp, Đức, Hà Lan, Thụy Điển, Đan Mạch, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore... Nhiều doanh nghiệp đã khẳng định được chất lượng sản phẩm của mình.

Tận dụng tối đa cơ hội từ các FTA

Năm 2024, các doanh nghiệp xuất khẩu gặp khó khăn lớn về thị trường với những biến động chính trị và kinh tế lớn trên thế giới, không chỉ ảnh hưởng đến thị trường tiêu thụ mà còn làm phát sinh thêm chi phí logistics cho các doanh nghiệp xuất khẩu.

Tình trạng lạm phát tăng và thắt chặt chi tiêu ở các thị trường quan trọng như EU, Hoa Kỳ đã dẫn đến sức mua hàng và nhu cầu nhập khẩu giảm, các đơn hàng giảm mạnh, như mặt hàng bột cá, tinh bột sắn, hàng thủ công mỹ nghệ, viên nén gỗ, hoa quả chế biến,…

Năm 2025, nhiều yếu tố thuận lợi, cả khó khăn ảnh hưởng tới hoạt động xuất khẩu. Tăng trưởng kinh tế và tăng trưởng thương mại toàn cầu đã và đang phục hồi. Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và là thị trường chính của các doanh nghiệp xuất khẩu Nghệ An đã đưa ra các biện pháp kích thích tiền tệ mạnh mẽ và một gói kích thích tài khóa dự kiến lên tới 1.400 tỷ USD để đạt được mục tiêu tăng trưởng.

Dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Nghệ An gia tăng thời gian qua hứa hẹn nâng cao năng lực sản xuất, tạo nguồn hàng cho xuất khẩu. Thị trường xuất khẩu dự kiến sẽ tiếp tục được mở rộng, đa dạng hóa, khi các thị trường đối tác FTA với thuế suất ưu đãi tiếp tục giảm theo lộ trình.

bna_giam-doc-so-cong-thuong-cung-doan-cong-tac-doan-tham-quan-mo-hinh-tai-dubai-industrial-city-a-rap-xe-ut-3510321dd696cbe047c90bf9957bead5.jpg
Giám đốc Sở Công Thương cùng đoàn công tác tổ chức xúc tiến thương mại tại Dubai Industrial City, Ả rập Xê út. Ảnh: T.H

Theo nhận định, xuất khẩu năm 2025 vẫn đối diện với nhiều rủi ro, khó đoán định. Khủng hoảng tại Trung Đông đã và đang làm cho vận tải hàng hóa trên thế giới và của Việt Nam bị ảnh hưởng; thời gian và cước vận chuyển, bảo hiểm tăng cao. Xu hướng bảo hộ thương mại xuất hiện nhiều hơn, nhiều nước có các biện pháp đưa đầu tư về trong nước, dựng nên các rào cản thương mại. Các thị trường phát triển như EU chú trọng đến phát triển bền vững, hiện đã và đang đưa ra nhiều quy định mới như Cơ chế điều chỉnh carbon, Quy định chống phá rừng châu Âu,...

Để đạt chỉ tiêu kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 4,0 tỷ USD vào năm 2025 cũng như mục tiêu cả nhiệm kỳ giai đoạn 2021-2025 đã đề ra, ông Phạm Văn Hóa - Giám đốc Sở Công Thương cho biết, ngành đặt ra nhiều giải pháp hỗ trợ, đồng hành với doanh nghiệp. Đó là đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, khai thác hiệu quả các cơ hội mở cửa thị trường thông qua hoạt động kết nối cung - cầu xuất khẩu, tổ chức các đoàn doanh nghiệp tham gia hội chợ, triển lãm, hội nghị, diễn đàn kết nối cung - cầu, kết nối giao thương tại các thị trường xuất khẩu lớn, các khu vực thị trường đã ký kết FTA với Việt Nam.

Tăng cường khai thác các thị trường mới, thị trường tiềm năng (Đông Âu, Bắc Âu, Trung Đông, châu Phi, Mỹ La-tinh,…) đối với các sản phẩm xuất khẩu của tỉnh, đặc biệt là các sản phẩm OCOP. Xúc tiến xuất khẩu theo định hướng nhóm mặt hàng ưu tiên theo từng giai đoạn, phù hợp với diễn biến của kinh tế thế giới, tận dụng các cơ hội thị trường quốc tế cũng như thị trường trong nước.

bốc dỡ hàng hóa tại cảng cửa lò ảnh Việt Phương
Bốc dỡ hàng hóa tại Cảng Cửa Lò. Ảnh: T.H

Rà soát để hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ các dự án thu hút đầu tư nhằm đi vào sản xuất, xuất khẩu, nhất là các dự án công nghiệp trọng điểm của tỉnh, tạo nguồn hàng lớn cho xuất khẩu như: sản xuất, lắp ráp ô tô; các dự án sản xuất linh kiện điện tử,...

Tiếp tục đổi mới công tác xúc tiến thương mại, khuyến khích doanh nghiệp đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa thông qua các sàn giao dịch thương mại điện tử như Amazon, Alibaba,... Hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng thương hiệu, thiết kế bao bì phù hợp với khách hàng quốc tế và xây dựng gian hàng trên sàn thương mại điện tử để từng bước tạo hình ảnh và thị phần của hàng hóa Nghệ An tại thị trường thế giới. Đồng thời, huy động các nguồn lực để đầu tư hạ tầng giao thông kết nối dịch vụ logistics.

Thu Huyền