Xã hội

Thưởng Tết cho công nhân ở Nghệ An : Đã đủ để an cư?

Diệp Thanh 21/01/2025 17:08

Dẫu chỉ là một góc nhỏ trong bức tranh toàn cảnh nhưng vấn đề thưởng Tết lại cho thấy thực trạng về tình hình lao động hiện nay.

Những gam màu sáng, tối

Hiện nay, các doanh nghiệp đơn vị đều đã công bố mức thưởng Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 cho người lao động. Nhìn chung, mức thưởng Tết năm nay được đánh giá là cao so với những năm trước.

Niềm vui của công nhân khi nhận món quà may mắn ngày đầu năm 2024. Ảnh: Diệp Thanh
Công nhân lao động nhận tiền lì xì từ tổ chức công đoàn. Ảnh tư liệu: Diệp Thanh

Theo thống kê của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, tiền thưởng bình quân các doanh nghiệp trên toàn tỉnh dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 là 3,6 triệu đồng/người, cao hơn những năm trước. Tương tự, ghi nhận tại Khu kinh tế Đông Nam, bình quân mức thưởng Tết năm nay ở các doanh nghiệp thuộc đơn vị này khoảng 5,2 triệu đồng/người, nhiều hơn bình quân năm ngoái 1 triệu đồng. Bên cạnh lý do mức lương cơ sở tăng kéo theo thưởng Tết tăng, nhiều nhận định cho rằng các doanh nghiệp đang nỗ lực cải thiện lương thưởng để thu hút công nhân lao động trong tình hình thiếu nhân lực hiện nay.

Dù bức tranh toàn cảnh có nhiều khởi sắc nhưng tình hình ở các doanh nghiệp cụ thể ghi nhận những thực tế đối lập nhau. Theo thống kê từ Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, mức thưởng cao nhất được ghi nhận là 74 triệu đồng/người. Thấp nhất là 300 nghìn đồng/người. Tương ứng với sự chênh lệch này là những tình hình kinh doanh, sản xuất đối lập ở các đơn vị.

Một chương trình Tết do doanh nghiệp tổ chức cho công nhân lao động. Ảnh: CSCC
Một chương trình Tết thú vị dành cho công nhân lao động. Ảnh: CSCC

Với nhiều doanh nghiệp, năm 2024 được đánh giá là năm phục hồi sau quãng thời gian khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19 nên thu nhập chung của người lao động tăng đáng kể. Theo đó, mức lương bình quân của người lao động tại các doanh nghiệp nhà nước là 8 triệu đồng/tháng, tại các doanh nghiệp FDI là 6,5 triệu đồng/tháng, tại các doanh nghiệp ngoài nhà nước là 6,2 triệu đồng/tháng. Ở một số doanh nghiệp, mức thưởng Tết cho người lao động lên đến 5 tháng lương/người.

Bên cạnh những đơn vị phục hồi, phát triển, thực trạng khó khăn trong kinh doanh sản xuất được ghi nhận ở không ít các doanh nghiệp tư nhân, nhất là các doanh nghiệp thuộc ngành giao thông, xây dựng, chăn nuôi... Theo thông tin từ Liên đoàn Lao động TP. Vinh, cuối năm 2024, đơn vị này đã giải thể không ít công đoàn cơ sở khối doanh nghiệp vì không thể duy trì hoạt động, tình hình kinh doanh sản xuất trì trệ, không đủ đoàn viên, người lao động… Cá biệt, trong đó có những doanh nghiệp từng rất nổi bật cả về quy mô lẫn số lượng. Trong số những đơn vị còn lại, nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp mô hình, cắt giảm nhân lực từ hàng nghìn xuống hàng trăm, và duy trì hoạt động cẩm chừng.

bna_cong-nhan-muc-luong-dang-mo-uoc-anh-diep-thanhimg_1076.jpg
Trong khó khăn chung, nhiều doanh nghiệp nỗ lực đạt được mức phát triển tốt, đảm bảo mức lương lý tưởng cho công nhân, lao động. Ảnh tư liệu: Diệp Thanh

Chia sẻ về khó khăn ở một số doanh nghiệp trực thuộc, bà Trần Thị Nguyệt – Phó Chủ tịch Công đoàn Khu kinh tế Đông Nam cho biết: “Thậm chí ở một số ít doanh nghiệp, dù chưa tuyên bố đóng cửa nhưng họ không còn đơn hàng để sản xuất, không có tiền để trả lương cho công nhân, càng không có tiền để thưởng Tết – tình hình vô cùng cám cảnh. Tuy nhiên, với nhu cầu tuyển dụng như hiện nay, người lao động ở các doanh nghiệp này đều dễ dàng tìm được cho mình một công việc mới, không có khái niệm thất nghiệp hay mòn mỏi chờ đợi doanh nghiệp phục hồi”.

Đi tìm sự ổn định

Trong một thị trường có nhiều lựa chọn, rất khó để công nhân có thể ổn định công việc, yên tâm phát triển. Hiện tại, chỉ riêng trong các khu công nghiệp, nhu cầu tuyển dụng đã lên đến 40.000 công nhân - gần gấp đôi số lao động hiện nay (tổng số lao động đang là 42.811 người). Con số này dự báo tình hình cạnh tranh khốc liệt của thị trường lao động trong thời gian tới. Đây chính là lý do các doanh nghiệp tranh thủ “ghi điểm” với công nhân, lao động bằng lương và thưởng và các hoạt động.

thưởng tết tại Minh Anh Kim Liên. Ảnh CSCC00000
Cán bộ công đoàn Công ty CP May Minh Anh Kim Liên (Khu công nghiệp Bắc Vinh) chuẩn bị quà Tết cho công nhân. Ảnh: CSCC
thưởng tết tại Minh Anh Kim Liên. Ảnh CSCC00001
Công nhân Công ty CP May Minh Anh Kim Liên (Khu công nghiệp Bắc Vinh) được phát quà Tết sau khi tan làm. Ảnh: CSCC

Những ngày này, ở hầu hết các doanh nghiệp có đông công nhân trên địa bàn tỉnh, các chương trình tri ân người lao động được tổ chức rầm rộ với hoạt động đa dạng, được đầu tư cả về nội dung, hình thức và giá trị. Bên cạnh mức thưởng Tết theo quy định, người lao động có cơ hội nhận thêm những phần quà, phần thưởng giá trị khác dưới hình thức bốc thăm, suy tôn… “Công nhân lao động có thể trúng thưởng được cả xe máy, tủ lạnh, điều hoà… sau những sự kiện như vậy. Tuy nhiên, tất cả những món quà này đều được bốc thăm và trao tặng sau Tết, như một cách giữ chân để người lao động không bỏ việc sau kỳ nghỉ Tết” – chị Nguyễn Thị Hiền, công nhân công ty may tại Khu công nghiệp Bắc Vinh chia sẻ.

Bên cạnh mức thưởng Tết và các sự kiện đặc sắc, ngay sát Tết Nguyên đán năm 2025, Công ty TNHH Luxshare ICT Nghệ An – doanh nghiệp có đông công nhân lao động nhất tỉnh hiện nay, đã thông báo cho tất cả người lao động về quyết định tăng lương và phụ cấp. Theo đó, doanh nghiệp này đã điều chỉnh mức lương cơ bản từ 4 triệu 500 ngàn đồng lên 4 triệu 950 ngàn đồng/tháng; nâng mức trợ cấp nhà ở từ 300 ngàn đồng/tháng lên 500 ngàn đồng/tháng. Thời gian áp dụng chính sách lương và phụ cấp mới là từ ngày 1/2/2025. Cùng lúc, một loạt các doanh nghiệp trên địa bàn cũng thông báo tăng lương với mức chênh lệch tương đương để cạnh tranh.

Công nhân Nguyễn Văn Phú (SN 1995) – Công nhân Công ty TNHH Luxhshare ICT Nghệ An chia sẻ: “Chúng tôi hiểu rằng doanh nghiệp đang đưa ra những phúc lợi hấp dẫn để thu hút, giữ chân công nhân và những doanh nghiệp khác cũng vậy. Mặc dù thực tế này kéo theo thực trạng người lao động nhảy việc, đứng núi này trông núi nọ khi liên tục so sánh phúc lợi của các công ty nhưng cũng phải khẳng định rằng, lợi ích và vị thế của công nhân lao động được nâng lên đáng kể. Tuy nhiên, điều này cũng cho thấy mặt bằng chung về mức thu nhập hiện nay của công nhân, lao động chưa thể giúp họ an cư”.

doanh-nghiep-tang-qua-tet-hang-chuc-xe-may-cho-nguoi-lao-dong-20250118201906.jpg
Một doanh nghiệp chuẩn bị phần thưởng là các xe máy dành tặng công nhân trong chương trình Tết Sum vầy năm 2025. Ảnh: Mai Liễu

Với 7 năm làm công nhân tại Thái Nguyên, anh Phú khẳng định, dù có tăng nhưng mặt bằng lương của Nghệ An cũng như các chế độ phúc lợi trên địa bàn tỉnh chưa đủ sức hấp dẫn so với thị trường lao động ở các tỉnh, thành khác. Quả thật, thực trạng “nhảy việc” sau Tết lâu nay được xem là hiện tượng “tất yếu” của công nhân lao động. Không ít công nhân - đặc biệt là lao động trẻ, có tư tưởng làm để nhận thưởng Tết rồi ra năm tìm một công việc khác có mức lương tốt hơn.

Cùng quan điểm, chị Nguyễn Thị Thanh Trà (32 tuổi, công nhân Khu Công nghiệp WHA, huyện Nghi Lộc) chia sẻ: “Mức thưởng Tết 1 tháng lương và một phần quà trị giá 300 ngàn đồng của tôi không thể đủ để tôi trang trải những chi tiêu cần thiết trong dịp Tết. Dù năm qua mức lương cơ sở đã được tăng nhưng vẫn không đủ so với tốc độ tăng của giá hàng hoá tiêu dùng và mặt bằng chi tiêu. Dù rất ngại nhảy việc, thay đổi môi trường nhưng tôi sẵn sàng tìm công việc mới để có mức thu nhập cao hơn”.

Từ các dự án đầu tư, nhu cầu tuyển dụng lao động trên địa bàn Nghệ An ngày một cao. Ảnh: Diệp Thanh
Hiện nay nhu cầu tuyển dụng lao động trên địa bàn Nghệ An ngày một cao, số lượng cần tuyển dụng cao gấp đôi số lao động hiện tại. Ảnh tư liệu: Diệp Thanh

Được đánh giá là giai đoạn “tăng tốc” của bứt phá, tình hình thị trường lao động từ nay đến năm 2030 sẽ vô cùng biến động và khốc liệt. Bên cạnh những chính sách lương, thưởng để giữ chân người lao động, các doanh nghiệp cần xây dựng nhiều chính sách mang tính dài hơi để thu hút lao động. Với bình quân thu nhập hiện tại, chúng ta vẫn chưa thể cạnh tranh được với các địa phương khác, người lao động vẫn chưa thể an cư lạc nghiệp, lực lượng lao động vẫn chưa thể yên tâm cống hiến.

Diệp Thanh