Sau tết, nhiều trường học ở Nghệ An đã dừng dạy thêm
Việc dừng dạy thêm được thực hiện theo tinh thần của Thông tư 29. Song song với đó, các trường cũng đang bàn giải pháp để tổ chức phụ đạo, ôn tập cho học sinh, nhất là với học sinh cuối cấp.
Nhà trường dừng dạy thêm
"Từ sau Tết, trường chúng tôi đã không còn tổ chức dạy thêm cho học sinh toàn khóa", cô giáo Trần Thị Thu Hương - Hiệu trưởng Trường THCS Hải Hòa (thành phố Vinh) chia sẻ.
Trước đó, theo kế hoạch của nhà trường, học kỳ II sẽ bắt đầu từ ngày 20/1. Tuy nhiên, do nghỉ Tết kéo dài nên đến ngày 3/2 học sinh mới chính thức vào học kỳ mới, chỉ khoảng 1 tuần trước khi Thông tư 29 có hiệu lực. Do thời gian còn lại không nhiều nên nhà trường quyết định tạm dừng dạy thêm từ học kỳ II.
![Giờ học của học sinh Trường THCS Hải Hòa - thành phố Vinh. Ảnh - Mỹ Hà](https://bna.1cdn.vn/2025/02/09/bna_gio-hoc-cua-hoc-sinh-truong-thcs-hai-hoa-thanh-pho-vinh.-anh-my-ha.jpg)
Việc dừng dạy thêm trong thời điểm này, theo hiệu trưởng nhà trường sẽ có những khó khăn. Bởi lẽ, dù là trường thuộc thành phố Vinh nhưng Trường THCS Hải Hòa nằm khá xa trung tâm. Trên địa bàn phường hiện không có trung tâm dạy thêm, học thêm. Học sinh của trường, lâu nay ngoài học ở trường thì số còn lại (nếu có) cũng chủ yếu học thêm ở nhà do giáo viên trong trường đứng lớp.
Tôi thấy với điều kiện hiện nay, việc không tổ chức dạy thêm, học thêm cho học sinh trong trường sẽ khiến phụ huynh, học sinh gặp nhiều khó khăn, nhất là với những học sinh cuối cấp. Nếu đi học ngoài, phụ huynh cũng vất vả bởi học phí sẽ chênh lệch từ 30.000 - 40.000 đồng/1 buổi.
Cô giáo Trần Thị Thu Hương - Hiệu trưởng Trường THCS Hải Hòa (thành phố Vinh)
Dù chưa có giải pháp nhưng để duy trì chất lượng dạy và học ở nhà trường, hiện Trường THCS Hải Hòa cũng đã tính tới các phương án khác. Dự kiến, từ đầu tháng 4 sẽ tổ chức dạy ôn thi miễn phí cho học sinh cuối cấp với mỗi môn không vượt quá 2 tiết/1 tuần.
Sau tết, phần lớn các trường THCS trên địa bàn thành phố Vinh đã ngừng dạy thêm ở trường. Nhiều lãnh đạo nhà trường cho biết, điều này nhằm thực hiện theo chỉ đạo của Thông tư 29 quy định về dạy thêm, học thêm. Việc dạy thêm theo các đối tượng khác như học sinh yếu kém, bồi dưỡng học sinh giỏi hoặc học sinh cuối cấp cũng chưa có phương án khả thi vì đang chờ hướng dẫn.
Ở bậc THPT, trong tuần này, nhiều trường cũng sẽ dừng việc dạy thêm, học thêm. Tại Trường THPT Thái Hòa, hiệu trưởng nhà trường cho biết, tại cuộc họp chi bộ đầu năm trường đã bàn đến việc kêu gọi giáo viên trong toàn trường tình nguyện dạy miễn phí cho học sinh cuối cấp.
Không dễ để kêu gọi giáo viên dạy thêm miễn phí. Vì thế, trước khi đưa ra chủ trương, nhà trường đã bàn bạc trong chi bộ để xin ý kiến. Trước mắt sẽ vận động những giáo viên đang dạy lớp 12.
Thầy giáo Lưu Công Lĩnh - Hiệu trưởng Trường THPT Thái Hòa
![Giáo viên Trường THPT Nguyễn Xuân Ôn tình nguyện dạy ôn thi miễn phí cho học sinh Trường THPT Mường Quạ. Ảnh - Mỹ Hà](https://bna.1cdn.vn/2025/02/09/bna_giao-vien-truong-thpt-nguyen-xuan-on-tinh-nguyen-day-on-thi-mien-phi-cho-hoc-sinh-truong-thpt-muong-qua.-anh-my-ha.jpg)
Về việc dừng dạy thêm, học thêm trong nhà trường, thầy giáo Lưu Công Lĩnh cũng thừa nhận sẽ dẫn đến những khó khăn cho nhà trường, nhất là trong việc nâng cao chất lượng giáo dục. Tuy nhiên, theo Hiệu trưởng Trường THPT Thái Hòa, việc thực hiện Thông tư 29 là phù hợp với Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 với mục đích “định hướng và phát huy năng lực tự học của học sinh và nâng cao chất lượng các tiết dạy học”.
Vì thế, ngay sau khi Thông tư 29 có hiệu lực, nhà trường sẽ siết chặt hơn nữa chất lượng dạy học ở các tiết học chính khóa, tăng cường hướng dẫn về việc tự học cho học sinh ở nhà. Với học sinh cuối cấp, nhà trường sẽ bàn phương án để tổ chức dạy học miễn phí cho học sinh với thời lượng theo như quy định.
Trường miền núi không áp lực với Thông tư 29
Trường THPT Quế Phong có gần 1800 học sinh, trong đó có gần 600 học sinh lớp 12. Chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025, nhà trường quyết định vẫn tổ chức dạy thêm cho học sinh dù Thông tư 29 sẽ có hiệu lực từ ngày 14/2. Chia sẻ về điều này, thầy giáo Nguyễn Hồng Tư - Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Để chuẩn bị tâm thế tốt nhất cho học sinh, chúng tôi đã vận động giáo viên trong trường vẫn duy trì dạy thêm cho học sinh vào các buổi chiều. Nhà trường cũng xác định, việc dạy học sẽ thực hiện miễn phí.
Qua trao đổi, thầy giáo Nguyễn Hồng Tư cũng nói rằng, với đặc thù của huyện miền núi cao, nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn nên việc giáo viên nhà trường tình nguyện dạy miễn phí cho học sinh không phải là điều "bất thường": Ở các mùa thi trước, ngoài dạy buổi chiều, giáo viên trường chúng tôi còn tình nguyện phụ đạo miễn phí cho học sinh vào buổi tối. Dù vất vả nhưng chúng tôi xác định không thể làm gián đoạn việc học tập của học trò.
Không chỉ tổ chức dạy miễn phí, hiện Trường THPT Quế Phong cũng đang bàn bạc để điều chỉnh một số lịch học. Dự kiến, số tiết buổi sáng sẽ được rút ngắn từ 5 tiết xuống 4 tiết. Các môn học như thể dục, hoạt động trải nghiệm sẽ được chuyển sang buổi chiều. Ngoài ra, nhà trường cũng đang đưa ra phương án học chính khóa 1 buổi vào buổi chiều để học sinh được nghỉ học thứ 7 và các em ở xa sẽ có thêm thời gian để về nhà: Hơn 1.000 học sinh của trường chúng tôi đang trọ học xa nhà. Vì thế, nếu để các em nghỉ quá nhiều buổi chiều sẽ rất khó cho việc quản lý. Vì thế, chúng tôi sẽ điều chỉnh lịch học để hai buổi các em vẫn được sinh hoạt học tập ở trường.
![dscf1789(1).jpg](https://bna.1cdn.vn/2025/02/10/dscf1789(1).jpg)
Tại Trường PT DTBT THCS Mường Lống, thầy giáo Lô Khăm Phu - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Trường chúng tôi thực hiện dạy học 2 buổi/1 ngày, buổi sáng dạy chính khóa và buổi chiều phụ đạo thêm cho học sinh. Lâu nay, nhà trường không tổ chức thu tiền dạy thêm, học thêm nên dù Thông tư 29 có triển khai thì không ảnh hưởng đến việc dạy và học của nhà trường.
Liên quan đến Thông tư 29, theo kế hoạch từ 14/2, việc dạy thêm học thêm ở các nhà trường sẽ thực hiện với 3 đối tượng là phụ đạo học sinh yếu kém, bồi dưỡng học sinh giỏi, học sinh cuối cấp và không thu tiền.
![dscf2908(1).jpg](https://bna.1cdn.vn/2025/02/09/dscf2908(1).jpg)
Ngày 7/2, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện gửi Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành. Theo Thủ tướng, thời gian qua, việc quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm ở một số địa phương còn bất cập, chưa được kịp thời xử lý, ảnh hưởng đến các hoạt động dạy và học tại các nhà trường, tạo dư luận không tốt trong xã hội. Từ thực tế trên, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các địa phương chỉ đạo thực hiện nghiêm quy định về dạy thêm, học thêm do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành. Các trường hợp vi phạm phải xử lý nghiêm.
Trước đó, ngày 6/2, tại Hội nghị quán triệt, triển khai thực hiện Kết luận 91-KL/TW, Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị và Chiến lược phát triển giáo dục do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng cũng cho rằng, quy định về dạy thêm, học thêm để bảo vệ sự tôn nghiêm nhà giáo: “Dạy thêm, học thêm là hoạt động giáo dục liên quan đến hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo, liên quan đến học sinh. Quan điểm của Bộ là không cấm hoạt động dạy thêm, học thêm mà chỉ cấm những điều vi phạm về quy định dạy thêm, học thêm; không đúng quy định. Dạy thêm, học thêm phải phù hợp với lợi ích của học sinh. Tức là không được ép buộc hay có bất cứ hình thức nào để ép buộc”.
Quan điểm của lãnh đạo Bộ là trong các nhà trường công lập, giáo viên đã nhận lương Nhà nước, sử dụng cơ sở vật chất của Nhà nước thì không có chuyện dạy thêm thu tiền của phụ huynh, học sinh”.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng cho ý kiến về vấn đề dạy thêm, học thêm