Chuyện về 2 công nhân lao động tiêu biểu và những sáng kiến tiền tỷ
Sáng kiến, sáng tạo là “trái ngọt” của quá trình lao động bằng cả trái tim, nhiệt huyết và trách nhiệm. "Trái ngọt" đó đã lần lượt đưa anh Tô Quang Thực và Dương Xuân Mạnh trở thành những cá nhân xuất sắc, những đảng viên tiên phong và là niềm tự hào của hàng vạn công nhân, người lao động ở Nghệ An.

"Hạt giống đỏ” trên đồng cỏ Mombasa
Ở huyện Nghĩa Đàn, những cánh đồng cỏ xanh mướt trải dài bất tận được xem là một hình ảnh có tính nhận diện nổi bật. Người quan trọng góp phần làm nên vẻ đẹp đó chính là kỹ sư Dương Xuân Mạnh (SN1984) – tác giả chính của sáng kiến “Sản xuất hạt giống cỏ Mombasa”.

Sinh ra và lớn lên ở thành phố Vinh, khi anh Mạnh đăng ký ngành học Nông-Lâm-Ngư (Đại học Vinh), ai cũng nghĩ rằng, đây chỉ là một lựa chọn mang tính tạm thời. Tuy nhiên, thành tích học tập cùng sự năng động của anh Mạnh đã chứng minh điều ngược lại. Thậm chí, anh Mạnh đã vinh dự được kết nạp Đảng ngay trên ghế giảng đường. Tinh thần tiên phong, dám nghĩ, dám làm tiếp tục được người thanh niên ấy phát huy sau khi vào làm việc tại Công ty Cổ phần Nông nghiệp và Ứng dụng công nghệ cao quốc tế (Tập đoàn TH).
Trước đây, Công ty cổ phần Thực phẩm sữa TH phải sử dụng 100% hạt giống cỏ Mombasa guinea nhập khẩu từ Brazil hoặc Thái Lan. Việc sử dụng hạt giống nhập khẩu không chỉ tốn kém mà còn phụ thuộc vào thị trường, không chủ động được nguồn cung. Từ thực tế bất cập đó, anh Mạnh và các đồng nghiệp quyết định tự sản xuất hạt giống cỏ. Quyết định này dẫn những kỹ sư nông nghiệp trẻ đến với một hành trình dài đòi hỏi sự tỉ mỉ, kiên trì, tâm huyết ở cả 4 công đoạn: Thu gom hạt, phơi, phân loại hạt và bảo quản.

“Vạn sự khởi đầu nan, chúng tôi gặp khó khăn ở ngay công đoạn đầu tiên - thu gom hạt. Thay vì thu hoạch thủ công như ở Thái Lan, anh em chúng tôi nghiên cứu và chế tạo một máng hứng hạt vào máy thu hoạch cỏ để có thể thu hoạch đồng thời cả cỏ và hạt giống. Sau nhiều lần thử nghiệm, chúng tôi cũng đã thu hoạch được những mẻ hạt giống tốt nhất từ những cánh đồng đúng thời vụ khỏe mạnh nhất, đảm bảo hạn chế tối đa việc phát sinh nhân công và thời gian”, anh Mạnh nói.
Từ số hạt giống chất lượng cao đã thu hoạch được, những kỹ sư nông nghiệp cần phải tìm ra phương pháp phơi sấy, bảo quản. Dù không tốn kém nhiều kinh phí như khâu thu hoạch nhưng đây lại là công đoạn lệ thuộc nhiều vào yếu tố môi trường và yêu cầu tính chính xác cao. Anh Mạnh chia sẻ: “Chỉ một sai số nhỏ ở nhiệt độ, độ ẩm, số lần phơi hay quy trình bảo quản cũng tác động trực tiếp đến chất lượng và tỷ lệ nảy mầm của hạt giống. Với điều kiện thời tiết, khí hậu thất thường ở ta, việc đảm bảo một môi trường tuyệt đối cho các lần thử nghiệm là điều bất khả thi. Chính vì thế, chúng tôi phải làm, đi làm lại rất nhiều lần, thất bại cũng rất nhiều lần. Sau vô số thử nghiệm, chúng tôi cũng đã tìm ra công thức chuẩn với sự chính xác gần như tuyệt đối. Thậm chí, đến vật liệu đựng hạt giống cũng phải là gỗ chứ không thể là một vật liệu khác”.

Kết quả quá trình nghiên cứu của anh Mạnh và những người đồng nghiệp đã giúp công ty chủ động được nguồn hạt giống cho sản xuất, trồng trọt, khắc phục được tình trạng thời vụ gieo trồng bị chậm vì hạt giống về muộn. Đồng thời, tận dụng được khối lượng lớn hạt cỏ từ các cánh đồng và giảm chi phí mua hạt giống, giảm giá thành sản xuất.
Theo tính toán, chi phí sản xuất hạt giống cỏ tại công ty là hơn 20.000 đồng/kg. So với giá mua từ Thái Lan gần 300.000 đồng/kg, mỗi năm công ty có thể tiết kiệm được hơn 720 triệu đồng. Kể từ khi hoàn thành vào năm 2022, công trình sản xuất hạt giống cỏ Mombasa guinea được áp dụng rộng rãi và đều đặn mang giá trị làm lợi hàng trăm triệu đồng mỗi năm cho công ty.
Đảng viên trẻ đam mê sáng tạo
Sinh năm 1992, anh Tô Quang Thực là một trong những đảng viên trẻ nhất được kết nạp tại Chi bộ Công ty cổ phần Xi măng Tân Thắng, sau 3 năm làm việc ở đây với vai trò kỹ sư. Với anh Thực, công việc là một hành trình hạnh phúc khi sự sáng tạo được "gieo trồng" trên “mảnh đất” đầy cảm hứng với sự hỗ trợ nhiệt tình, tử tế. Một trong những “trái ngọt” của sự sáng tạo đó là công trình sử dụng phụ gia để giảm chi phí nhiên liệu dầu cho quá trình sản xuất.

Anh Tô Quang Thực thổ lộ: “Những năm gần đây, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, chiến tranh ở một số quốc gia và sự đóng băng của lĩnh vực bất động sản, ngành xi măng rơi vào giai đoạn vô cùng khó khăn. Trong bối cảnh đó, từ sự vận động của công ty, Phòng Công nghệ nơi tôi làm việc ấp ủ mong muốn tìm được một giải pháp giúp giảm chi phí sản xuất cho doanh nghiệp. Sau thời gian tìm hiểu, từ nghiên cứu của Phòng Thí nghiệm trọng điểm về lọc hóa dầu, tôi nhận ra đặc tính của phụ gia FNT6VN có thể giúp thay thế nguyên liệu hiện tại bằng một loại dầu phẩm cấp thấp hơn. Ý tưởng này nhanh chóng nhận được sự đồng thuận, ủng hộ của ban lãnh đạo công ty”.
Mặc dù than và dầu chiếm đến 40% chi phí sản xuất xi măng nhưng việc tìm kiếm nguyên liệu thay thế rất ít khi được các doanh nghiệp quan tâm. Nguyên nhân chủ yếu là vì máy móc sản xuất cồng kềnh, rủi ro trong mỗi lần thử nghiệm lớn. Quả thật, trong 1 năm nghiên cứu, Phòng Công nghệ của anh Thực đã nhiều lần thất bại, thành phẩm nhiều lần phải đổ bỏ, máy móc nhiều lần phải bảo trì, sửa chữa…

“Dẫu vậy, lãnh đạo công ty chưa bao giờ ngừng tin tưởng vào anh em, chúng tôi cũng chưa bao giờ có ý định bỏ cuộc. Chính sự “cứng đầu” này đã giúp chúng tôi tìm ra công thức phụ gia chuẩn để thay thế dầu ND0 mà vẫn đảm bảo chất lượng sản phẩm. Ở thời điểm hiện tại, công ty chúng tôi là đơn vị đầu tiên của Việt Nam sử dụng 100% nguyên liệu dầu FNT6VN trong sản xuất xi măng. Công trình nghiên cứu này đã giúp tiết kiệm 35% chi phí sản xuất, mang lại giá trị làm lợi tương đương 3,2 tỷ đồng/năm”, anh Thực chia sẻ.
Ngoài sáng kiến trên, anh Thực còn nghiên cứu thành công nhiều giải pháp trong vận hành để tiết giảm điện năng, thay thế nguyên liệu than, tiết kiệm cho công ty hàng trăm triệu đồng mỗi năm; Nghiên cứu giải pháp tiết giảm phát thải khí nhà kính để hướng tới mục tiêu trung hòa carbon của ngành...
Với đam mê dành cho công việc, sự sáng tạo không ngừng và nỗ lực tiên phong trong lao động, sản xuất, anh Dương Xuân Mạnh và anh Tô Quang Thực là 2 cá nhân đại diện cho hàng ngàn công nhân, lao động Nghệ An được tôn vinh tại Hội nghị "Biểu dương công nhân, lao động tiêu biểu là đảng viên" do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức tại Thủ đô Hà Nội tối 16/2.