Đoàn giám sát của HĐND tỉnh Nghệ An làm việc với Sở Giáo dục và Đào tạo về quy hoạch mạng lưới trường, lớp
Báo cáo với đoàn giám sát HĐND tỉnh, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thái Văn Thành thông tin, từ năm học 2020-2021 và 2024-2025, Nghệ An sáp nhập, giảm 31 trường công lập; 200 điểm trường công lập mầm non và phổ thông.

Chiều 15/4, HĐND tỉnh có cuộc làm việc với Sở Giáo dục và Đào tạo theo chương trình giám sát chuyên đề về quy hoạch, sắp xếp mạng lưới trường, lớp tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Đồng chí Nguyễn Nam Đình - Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh chủ trì cuộc làm việc.
Tham gia cuộc làm việc có đồng chí Nguyễn Như Khôi - Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; lãnh đạo Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các ban HĐND tỉnh, Văn phòng đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh.
Trực tiếp làm việc với đoàn giám sát của HĐND tỉnh, về phía Sở Giáo dục và Đào tạo có đồng chí Thái Văn Thành - Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở; các Phó Giám đốc Sở cùng các phòng chuyên môn.
.jpg)
Sắp xếp giảm 31 trường công lập
Tại cuộc làm việc, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thái Văn Thành đã báo cáo với đoàn giám sát HĐND tỉnh về quy hoạch, sắp xếp mạng lưới trường, lớp tại các cơ sở giáo dục Nghệ An giai đoạn 2021 – 2025, đã làm rõ quy mô mạng lưới trường, lớp của Nghệ An.
Cụ thể, toàn tỉnh hiện có tổng 1.507 trường phổ thông và mầm non (trong đó có 84 trường ngoài công lập, tăng 6 trường so với năm học 2020-2021); có 19 trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên; 1 trung tâm giáo dục thường xuyên, hướng nghiệp; 1 trung tâm giáo dục thường xuyên; 412 trung tâm học tập cộng đồng cấp xã. Có 6 trường đại học và 35 cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
.jpg)
Trong giai đoạn năm học 2020-2021 và 2024-2025, Nghệ An tiến hành sáp nhập, giảm 31 trường công lập; 200 điểm trường công lập mầm non và phổ thông; giảm 1 trung tâm tỉnh; giảm 13 cơ sở giáo dục nghề nghiệp; sáp nhập Trường cao đẳng Sư phạm Nghệ An vào Trường đại học Kinh tế Nghệ An và đổi tên thành Trường Đại học Nghệ An.
Nghệ An là tỉnh tiên phong trong triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 với nhiều mô hình trường học, hoạt động giáo dục, tạo đột phá đổi mới căn bản, toàn diện, phát triển phẩm chất, năng lực người học.
Nghệ An là tỉnh đầu tiên trong cả nước ban hành 3 chủ trương, chính sách đặc thù phát triển giáo dục; xây dựng và triển khai có hiệu quả một số mô hình, như mô hình đảm bảo chất lượng cơ sở giáo dục phổ thông; mô hình phối hợp gia đình, nhà trường và cộng đồng trong chăm sóc, giáo dục học sinh; mô hình trường trọng điểm chất lượng cao, trường phổ thông dân tộc bán trú kiểu mới.
Nghệ An cũng là tỉnh chủ động triển khai, đẩy mạnh chuyển đổi số, tạo đột phá trong đổi mới giáo dục; trong đó có áp dụng hệ thống IOC trong quản lý giáo dục và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong quản lý, dạy học.
.jpg)
Giai đoạn 2020 – 2025, ngành Giáo dục và Đào tạo Nghệ An cũng đã nỗ lực hoàn thành và vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Nghệ An lần thứ XIX với dự kiến tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia đến năm 2025 là trên 80% (chỉ tiêu đại hội 78%). Chất lượng giáo dục toàn diện và mũi nhọn tiếp tục nâng lên.
Kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024, Nghệ An xếp thứ 12/63 tỉnh thành, tăng 22 bậc so với năm 2021; nằm trong tốp dẫn đầu cả nước về chất lượng học sinh giỏi với tổng 5 Huy chương Vàng, 9 Huy chương Bạc, 5 Huy chương Đồng khu vực và quốc tế; 355 em đạt giải học sinh giỏi quốc gia, trong đó có 28 giải Nhất.

Học sinh Nghệ An cũng tích cực tham gia và khẳng định tại các sân chơi năng lực quốc gia, quốc tế, như kỳ thi Olympic Toán quốc tế TIMO; cuộc thi “Khoa học kỹ thuật Olympic và Hội thảo quốc tế về các công trình khoa học sáng tạo”; cuộc thi Khoa học kỹ thuật phát minh sáng chế quốc tế INTARG; Cuộc thi “Tuổi trẻ học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”…
Bên cạnh những điểm sáng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thái Văn Thành cũng nêu một số khó khăn, hạn chế. Đó là, dù đã có nhiều nỗ lực sắp xếp, hiện trên địa bàn tỉnh vẫn nhiều điểm trường lẻ bậc mầm non và tiểu học, ảnh hưởng đến đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và môi trường giáo dục hạn chế. Chất lượng giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, nhất là môn tiếng Anh, tin học hạn chế…

Hoạt động nghiên cứu khoa học, công nghệ; giáo dục tinh thần khởi nghiệp, tham gia chuyển đổi số và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cho học sinh của các cơ sở giáo dục, đào tạo chưa tương xứng với quy mô và tiềm năng phát triển kinh tế, xã hội và hội nhập quốc tế.
Trên cơ sở báo cáo của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cùng với thực tiễn theo dõi, giám sát hoạt động giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học; các thành viên đoàn giám sát HĐND tỉnh đặt ra nhiều vấn đề.

Như việc sắp xếp, giảm trường công lập, điểm trường lẻ có ảnh hưởng đến quyền tiếp cận giáo dục của người học ở vùng sâu, vùng xa cũng như việc đáp ứng về cơ sở vật chất, trang thiết bị. Định hướng quy hoạch, sắp xếp, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp nhằm khắc phục tình trạng phân tán về cơ sở đào tạo và hạn chế về chất lượng giáo viên, cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo hiện nay, đặc biệt chất lượng và số lượng đào tạo chưa đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực cho tỉnh và cả nước…
Các thành viên đoàn giám sát cũng quan tâm đến phương án sắp xếp mạng lưới trường, lớp học và phân cấp quản lý đội ngũ nhà giáo như thế nào khi thực hiện chính quyền 2 cấp, bỏ đơn vị hành chính cấp huyện.

Tham gia ý kiến tại cuộc làm việc, đồng chí Nguyễn Như Khôi - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh nêu trăn trở, đề nghị ngành Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu nâng cao chất lượng và hiệu quả chất lượng giáo dục nghề nghiệp, trở thành trung tâm giáo dục nghề nghiệp vùng Bắc Trung Bộ, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh; quan tâm nâng cao chất lượng giáo dục ngoại ngữ, tin học vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; tăng cường nghiên cứu khoa học trong các nhà trường, gắn đưa các ứng dụng nghiên cứu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội cũng như cuộc sống của nhân dân.
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cũng đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo chủ động nghiên cứu, đề xuất phương án sử dụng cơ sở vật chất các trụ sở xã khi thực hiện sáp nhập, làm nhà công vụ giáo viên, nhà bán trú cho học sinh.
Chủ động rà soát, hoàn thiện quy hoạch mạng lưới trường, lớp
Kết luận tại cuộc làm việc, đồng chí Nguyễn Nam Đình - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh đánh giá cao sự chủ động tham mưu, đề xuất để tỉnh ban hành nhiều chủ trương, chính sách, thúc đẩy sự phát triển giáo dục – đào tạo, gắn với chủ động đổi mới, sáng tạo, nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý giáo dục của Sở Giáo dục và Đào tạo.
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh cũng nêu một số tồn tại, hạn chế mà ngành Giáo dục – Đào tạo Nghệ An cần nghiên cứu, đề ra các giải pháp khắc phục liên quan đến tình trạng thừa – thiếu giáo viên cục bộ giữa các bậc học, môn học và địa phương; an ninh, an toàn trong trường học, bạo lực học đường, giáo dục kỹ năng sống cho học sinh. Đã có nhiều giải pháp đồng bộ trong tổ chức thực hiện, tuy nhiên vẫn còn tình trạng bạo lực học đường, đuối nước xảy ra…

Đồng chí Nguyễn Nam Đình cũng định hướng một số nhiệm vụ; trọng tâm là tiếp tục rà soát, bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện việc quy hoạch mạng lưới trường, lớp học hệ thống trường phổ thông và mầm non, giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học. Trên cơ sở bám sát các quy hoạch và chủ trương của Trung ương, của tỉnh, đáp ứng yêu cầu đổi mới, sáng tạo, khởi nghiệp, đảm bảo tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế.
Yêu cầu cũng đặt ra phải đảm bảo phù hợp với chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã. Gắn với đó, ban hành kế hoạch thực hiện quy hoạch mạng lưới trường, lớp; huy động tối đa các nguồn lực từ chính sách đặc thù của Trung ương dành cho Nghệ An và lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia, nguồn xã hội hoá, nhằm hiện thực hoá các quy hoạch; trong đó lựa chọn đầu tư có trọng tâm, trọng điểm…
Tiếp tục rà soát các chủ trương, chính sách của Trung ương và tỉnh liên quan đến giáo dục - đào tạo để tham mưu và triển khai thực hiện có hiệu quả.

Trong giáo dục – đào tạo, chú trọng giáo dục toàn diện, nâng cao chất lượng giáo dục đại trà, giáo dục mũi nhọn; vừa quan tâm giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học theo xu hướng hội nhập. Bên cạnh chăm lo giáo dục văn hoá, phải chú trọng giáo dục kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên; tăng cường liên kết các cơ sở đào tạo nước ngoài và doanh nghiệp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục - đào tạo.
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Nam Đình cũng đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo chủ động nghiên cứu, đề xuất tỉnh ban hành các cơ chế, chính sách phục vụ phát triển giáo dục - đào tạo; trong đó quan tâm việc nhân rộng các mô hình trường nội trú, bán trú ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi…