“Mẹ đỡ đầu” phải là một hành trình bền bỉ, đầy yêu thương
Sau gần 3 năm triển khai trong các cấp Công đoàn Nghệ An, Chương trình “Mẹ đỡ đầu” đã vượt qua khuôn khổ một hoạt động nhân đạo, trở thành biểu tượng nhân văn trong hệ thống công đoàn toàn tỉnh. P.V Báo Nghệ An có cuộc trò chuyện với bà Nguyễn Thị Thu Nhi – Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh quanh "hành trình yêu thương" này.

Diệp Thanh (thực hiện) - Ngày xuất bản: 15/4/2025
Sau gần 3 năm triển khai trong các cấp Công đoàn Nghệ An, Chương trình “Mẹ đỡ đầu” đã vượt qua khuôn khổ một hoạt động nhân đạo, trở thành biểu tượng nhân văn trong hệ thống công đoàn toàn tỉnh. P.V Báo Nghệ An có cuộc trò chuyện với bà Nguyễn Thị Thu Nhi – Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh quanh "hành trình yêu thương" này.
P.V: Đến thời điểm hiện tại, Chương trình “Mẹ đỡ đầu” do các cấp Công đoàn Nghệ An triển khai đã đạt được những kết quả cụ thể nào? Bà có thể cho biết dấu ấn sau gần 3 năm thực hiện?
Bà Nguyễn Thị Thu Nhi: Chương trình “Mẹ đỡ đầu” được các cấp Công đoàn Nghệ An triển khai từ cuối năm 2022, trên cơ sở chương trình phối hợp giữa Liên đoàn Lao động tỉnh và Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh. Đến thời điểm hiện tại, sau gần 3 năm triển khai trong các cấp công đoàn, chúng tôi đã hỗ trợ, đỡ đầu cho 377 cháu mồ côi/1.400 cháu mồ côi con đoàn viên, người lao động trên toàn tỉnh, trong đó, phần lớn là con công chức, viên chức, lao động bị mồ côi do dịch Covid-19 hoặc các nguyên nhân khác.

Toàn bộ nguồn lực hỗ trợ cho các cháu đều được huy động từ xã hội hóa, từ các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, đoàn viên công đoàn và cán bộ công đoàn các cấp. Một số công đoàn cơ sở trực thuộc tuy còn nhiều khó khăn nhưng vẫn nhận nuôi, đỡ đầu trực tiếp cho các cháu bằng chính sự chia sẻ thiết thực từ tiền lương của mình. Có những đơn vị như Công đoàn huyện Tương Dương, chỉ với 4 định biên nhưng đã nhận nuôi 2 cháu, trong đó có cháu mồ côi cả cha lẫn mẹ – là con đoàn viên công đoàn.
Dấu ấn rõ nét nhất của chương trình không chỉ nằm ở con số, mà ở tình cảm, trách nhiệm và tính bền vững. Chúng tôi không thực hiện hoạt động hỗ trợ 1 lần, mà cam kết đỡ đầu trong thời gian ít nhất 3 năm, có những trường hợp đã bước sang năm thứ 3 vẫn được đồng hành đều đặn.

P.V: Trong quá trình triển khai chương trình, công đoàn các cấp gặp phải những khó khăn, trở ngại gì và đã tháo gỡ như thế nào, thưa bà?
Bà Nguyễn Thị Thu Nhi: Khó khăn lớn nhất trong quá trình triển khai Chương trình “Mẹ đỡ đầu” là làm sao để duy trì tính bền vững. Đây không phải là một hoạt động mang tính thời điểm, mà là một cam kết lâu dài, đòi hỏi sự ổn định về nguồn lực, cũng như sự gắn bó thực tâm từ các tổ chức, cá nhân. Trong khi đó, điều kiện thực tế của các công đoàn cơ sở rất khác nhau, nhiều nơi còn gặp khó khăn về ngân sách, về quy định vận động từ thiện, đặc biệt là ở các huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa. Ngoài ra, một khó khăn không nhỏ là việc xác minh hoàn cảnh, nhu cầu thật sự của trẻ mồ côi, từ đó lựa chọn hình thức hỗ trợ phù hợp.

Để tháo gỡ, Liên đoàn Lao động tỉnh đã ban hành Hướng dẫn cụ thể, nhấn mạnh nguyên tắc tự nguyện, công khai, minh bạch, tôn trọng quyền trẻ em và ưu tiên các hình thức hỗ trợ phù hợp với từng hoàn cảnh. Chúng tôi cũng chỉ đạo các cấp công đoàn chủ động xã hội hóa nguồn lực, khuyến khích đoàn viên, người lao động tự nguyện trích từ lương để nuôi dưỡng các cháu, đồng thời, vận động các mạnh thường quân, doanh nghiệp đồng hành. Một điểm rất tích cực là sự gắn kết giữa công đoàn với hội liên hiệp phụ nữ đồng cấp đã tạo nên mạng lưới chăm sóc sâu rộng, hiệu quả.
P.V: Rất nhiều tổ chức công đoàn, kể cả ở cấp cơ sở, với định biên mỏng vẫn nhận đỡ đầu, chăm sóc các cháu suốt nhiều năm liền. Theo bà, điều gì đã tạo nên tinh thần trách nhiệm và sự sẻ chia đáng quý ấy?

Bà Nguyễn Thị Thu Nhi: Đúng vậy. Ví dụ như ở Liên đoàn Lao động huyện Tương Dương, 4 cán bộ công đoàn nhận đỡ đầu 2 cháu mồ côi trong suốt 3 năm liên tiếp, mỗi cháu được hỗ trợ 12 triệu đồng mỗi năm, trích từ chính tiền lương hàng tháng của cán bộ. Công đoàn ngành Giáo dục, 5 cán bộ chuyên trách nhận đỡ đầu 2 cháu mỗi năm 5 triệu đồng/cháu trong vòng 5 năm, ngoài ra, trích từ lợi nhuận của cửa hàng phúc lợi đoàn viên cùng phối hợp nhận đỡ đầu thêm 1 cháu với số tiền 5 triệu đồng/năm. Liên đoàn Lao động thị xã Hoàng Mai, có 3 cán bộ chuyên trách đóng góp hỗ trợ 1 cháu mỗi năm 3,6 triệu đồng trong vòng 5 năm. Liên đoàn Lao động huyện Nghi Lộc, 4 cán bộ chuyên trách nhận đỡ đầu 2 cháu, mỗi năm 3,6 triệu đồng/cháu trong 3 năm... Đó không chỉ là sự đóng góp vật chất, mà là hành động đầy trách nhiệm, đầy tình thương.
Không chỉ giới hạn ở trẻ mồ côi là con công chức, viên chức, lao động, nhiều đơn vị công đoàn đã mở rộng vòng tay tới những học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trong cộng đồng. Với đặc thù ngành nghề, Công đoàn ngành Giáo dục là một trong những đơn vị tiên phong thực hiện điều đó một cách bài bản, bền bỉ. Trong năm học 2024-2025, toàn ngành nhận đỡ đầu 69 em, với tổng số tiền 640 triệu đồng, ngoài ra, còn nhiều trường hợp cá nhân nhận đỡ đầu riêng, lặng lẽ hỗ trợ bằng tiền, sách vở, hoặc đơn giản là đồng hành cùng các em trong học tập, rèn luyện. Đặc biệt, Công đoàn ngành Giáo dục còn mở một cửa hàng phúc lợi đoàn viên, bán hoa quả sạch và trích lợi nhuận từ cửa hàng để hỗ trợ trẻ mồ côi.

Tôi cho rằng, điều tạo nên sự lan tỏa mạnh mẽ ấy chính là tình người, tình giai cấp – giá trị cốt lõi và bền vững của tổ chức công đoàn. Ngoài ra, tôi nghĩ, một phần rất lớn đến từ sự gương mẫu và truyền cảm hứng từ chính đội ngũ cán bộ công đoàn.
P.V: Bên cạnh Chương trình “Mẹ đỡ đầu”, hệ thống công đoàn còn triển khai nhiều hoạt động khác hướng đến trẻ em mồ côi, trẻ có hoàn cảnh khó khăn. Bà có thể cho biết thêm về sự phối hợp nguồn lực và hiệu quả lan tỏa của các hoạt động này không?
Bà Nguyễn Thị Thu Nhi: Bên cạnh Chương trình “Mẹ đỡ đầu”, thời gian qua, các cấp Công đoàn Nghệ An đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực, nhân văn để đồng hành cùng các em. Các chương trình như “Chia sẻ yêu thương cùng em đến trường”, “Trung thu ấm áp”, “Tết sẻ chia”, “Trại Hè cho trẻ mồ côi” cũng được lồng ghép để tạo nên một hệ sinh thái hỗ trợ trẻ em bền vững, không chỉ về vật chất mà cả về tinh thần.

Đặc biệt, dấu ấn sâu sắc nhất phải kể đến Trại Hè dành cho trẻ mồ côi – nơi tập hợp 200 cháu nhỏ đầy nghị lực. Có cháu từ huyện miền núi xa xôi lần đầu rời khỏi bản làng, ánh mắt còn e dè; có cháu đã quen với sự thiếu vắng yêu thương, nay lần đầu được ngồi trong không gian nhiều bạn bè, được gọi tên trong tiếng vỗ tay. Những trò chơi, những bức tranh vẽ ước mơ, những ngọn nến thắp lên trong đêm tri ân… đều trở thành ký ức dịu dàng mà các cháu mang theo suốt tuổi thơ. Nhiều phụ huynh đã rơi nước mắt khi thấy con mình tươi cười, hòa đồng, tham gia văn nghệ dù trước đó ít nói, khép mình – đó là những phản hồi khiến chúng tôi xúc động vô cùng. Có cháu nhỏ khi chia tay Trại Hè đã ôm chặt cô cán bộ công đoàn hỏi: “Sang năm có tổ chức nữa không cô? Con vẫn muốn được đi!”.
Điều đặc biệt là các chương trình này không chỉ do công đoàn tổ chức đơn lẻ, mà luôn có sự phối hợp chặt chẽ với hội phụ nữ, chính quyền địa phương và doanh nghiệp, tạo nên nguồn lực xã hội hóa bền vững và lan tỏa rộng khắp. Không chỉ dừng ở cấp tỉnh, sự phối hợp còn lan tỏa xuống tận các xã, các bản. Sự phối hợp không chỉ giúp tránh trùng lặp, dàn trải mà còn giúp tối ưu hóa nguồn lực, lan tỏa yêu thương đúng nơi, đúng lúc.

P.V: Thời gian tới, Liên đoàn Lao động tỉnh sẽ có những định hướng gì để tiếp tục phát huy hiệu quả của Chương trình “Mẹ đỡ đầu” nói riêng, cũng như các hoạt động chăm lo trẻ em có hoàn cảnh khó khăn nói chung
Bà Nguyễn Thị Thu Nhi: Chương trình “Mẹ đỡ đầu” sẽ không dừng lại ở những con số hay những giai đoạn thực hiện, mà tiếp tục là một hành trình dài, cần sự sáng tạo, đồng hành và bền bỉ từ tổ chức công đoàn.
Thời gian tới, chúng tôi xác định một số định hướng trọng tâm. Đầu tiên, tiếp tục duy trì và mở rộng Chương trình “Mẹ đỡ đầu” trên cơ sở khảo sát thực tế, đảm bảo hỗ trợ đúng và trúng đối tượng. Số cháu được công đoàn các cấp đỡ đầu trong tổng số trẻ mồ côi toàn tỉnh sẽ tiếp tục được nâng lên, nhưng không theo cách chạy đua, mà bằng sự cam kết dài hơi, sát cánh thật sự cùng các cháu trong cuộc sống hằng ngày.

Thứ hai, tăng cường vận động xã hội hóa, phát huy nguồn lực từ các doanh nghiệp, mạnh thường quân, tổ chức đoàn thể, đặc biệt là trong hệ thống công đoàn. Chúng tôi hiểu rằng, đời sống công nhân, lao động còn nhiều khó khăn. Nhưng chính từ trong khó khăn ấy lại lan tỏa một thứ tình cảm rất đẹp – tình người, tình đồng nghiệp, tình làng nghĩa xóm.
Thứ ba, phối hợp tổ chức các hoạt động nâng cao đời sống tinh thần cho các cháu, không chỉ là những đỡ đầu về vật chất. Cuối cùng, chúng tôi cũng sẽ đẩy mạnh công tác truyền thông, lan tỏa các tấm gương “mẹ đỡ đầu” tiêu biểu để từ đó nhân lên tinh thần sẻ chia trong cộng đồng.
P.V: Cảm ơn bà về cuộc trò chuyện!