Giáo dục

Tạo hành lang pháp lý cho hoạt động nghề nghiệp nhà giáo

Mỹ Hà 15/05/2025 11:46

Theo kế hoạch, dự thảo Luật Nhà giáo sẽ được xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV. Nhiều nhà giáo ở Nghệ An cũng kỳ vọng, Khi Luật đi vào thực tiễn sẽ kiến tạo môi trường pháp lý thuận lợi để phát triển, chuẩn hóa và nâng cao chất lượng nhà giáo, nâng cao chất lượng giáo dục.

Dự thảo Luật Nhà giáo gồm 9 chương, 45 điều, quy định về hoạt động nghề nghiệp, quyền và nghĩa vụ của nhà giáo; chức danh, chuẩn nghề nghiệp nhà giáo; tuyển dụng, sử dụng nhà giáo; chính sách tiền lương, đãi ngộ đối với nhà giáo; đào tạo, bồi dưỡng và hợp tác quốc tế đối với nhà giáo; tôn vinh, khen thưởng và xử lý vi phạm đối với nhà giáo; quản lý nhà giáo.

Các chính sách này nhằm cụ thể hóa quan điểm chỉ đạo của Đảng: “Phát triển giáo dục đào tạo là quốc sách hàng đầu, nhà giáo có vai trò quyết định chất lượng giáo dục”, kiến tạo môi trường pháp lý thuận lợi để phát triển, chuẩn hóa và nâng cao chất lượng nhà giáo.

Bên cạnh đó, đảm bảo bình đẳng giữa nhà giáo công lập và nhà giáo ngoài công lập về chất lượng và hoạt động nghề nghiệp; tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong thực tiễn quản lý nhà giáo.

Cô giáo Phạm Thị Thu Hằng - giáo viên Trường THCS Hà Huy Tập (thành phố Vinh): Mong muốn củng cố tinh thần tôn sư trọng đạo

bna_gio-hoc-cua-hoc-sinh-truong-thcs-ha-huy-tap.-anh-my-ha.jpg
Giờ học của cô giáo Phạm Thị Thu Hằng và các học sinh Trường THCS Hà Huy Tập (TP Vinh). Ảnh: Mỹ Hà

Tôi cho rằng, Luật Nhà giáo ban hành vào thời điểm hiện nay rất phù hợp và rất mừng khi Luật đã đề cập đến nhiều phương diện khác nhau của nhà giáo. Điều đó cho thấy sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với đội ngũ nhà giáo nước nhà.

Nhưng với gần 30 năm công tác trong ngành, tôi thấy công tác giáo dục hiện nay có những thay đổi và chúng tôi vẫn còn những băn khoăn. Chẳng hạn, nếu giáo viên vi phạm, chúng tôi sẽ bị xử lý theo quy định. Nhưng khi giáo viên bị phụ huynh, học sinh có thái độ xúc phạm, thiếu tôn trọng thì hiện nay việc xử lý còn khá lỏng lẻo. Không ít trường hợp, chúng ta có thể phê phán một nhà giáo nếu có hành vi không chuẩn mực, nhưng lại sẵn sàng tha thứ cho những phụ huynh nếu có hành vi thiếu đúng đắn với giáo viên.

Rất nhiều nhà giáo quan tâm đến sự minh bạch, “luật hóa” để trả lại vị thế của nhà giáo, tinh thần tôn sư trọng đạo. Điều đó cũng sẽ giúp cho công việc dạy dỗ, giáo dục học sinh được tốt hơn.

Giáo viên Trường THCS Nghi Trung. Ảnh - Mỹ Hà
Giáo viên Trường THCS Nghi Trung (Nghi Lộc) trao đổi nghiệp vụ. Ảnh: Mỹ Hà

Thầy giáo Nguyễn Văn Hải - Hiệu trưởng Trường PT Dân tộc nội trú THCS Quế Phong (Quế Phong): Tạo điều kiện để giáo viên vùng cao gắn bó với trường, với bản

Tôi rất mừng khi Luật Nhà giáo có đề xuất xếp lương giáo viên ở mức cao nhất trong hệ thống hành chính sự nghiệp.

Ngoài mức lương cơ bản, giáo viên còn được hưởng phụ cấp ưu đãi nghề và các phụ cấp khác tùy theo tính chất công việc, vùng miền. Việc này nhằm bảo đảm quyền lợi chính đáng của người lao động trong lĩnh vực giáo dục.

Khi chính sách lương mới và các chế độ ưu đãi nếu được luật hóa sẽ góp phần giữ chân giáo viên ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới.

Nhiều năm nay, không chỉ địa bàn huyện Quế Phong mà nhiều địa phương có không ít giáo viên sau một thời gian công tác ở vùng miền núi đã xin chuyển về xuôi với các lý do chính như lương, chế độ chính sách đãi ngộ chưa đáp ứng nhu cầu cuộc sống và muốn về gần với gia đình. Vì thế, việc ban hành những chính sách cụ thể để thu hút giáo viên, nhất là những giáo viên giỏi, có năng lực về công tác tại các huyện miền núi là rất thiết thực. Đây là những địa bàn khó khăn, thời gian qua luôn trong tình trạng thiếu hụt giáo viên trầm trọng.

Bên cạnh đó, các chính sách thu hút, trọng dụng nhà giáo cũng được quan tâm nhằm tạo cơ hội để thu hút những người có trình độ, có tài năng, có năng khiếu đặc biệt, có kỹ năng nghề cao về làm việc tại ngành. Đồng thời, chính sách thu hút cũng giúp những người đến làm việc tại vùng khó khăn yên tâm công tác.

Giờ học của học sinh Trường Tiểu học Tam Quang 2 - Tương Dương. Ảnh - Mỹ Hà
Giờ học của học sinh Trường Tiểu học Tam Quang 2 (Tương Dương). Ảnh: Mỹ Hà

Cô giáo Lê Thị Thúy Hằng – Hiệu trưởng Trường THCS Nghi Trung (Nghi Lộc): Khi Luật đi vào cuộc sống cần sát với thực tiễn

Nhiều năm làm quản lý, tôi nhận thấy có rất nhiều khó khăn trong thực tiễn do các quy định và điều kiện thực tiễn chưa đồng nhất. Cụ thể như hiện nay, theo định biên mỗi lớp ở bậc THCS sẽ được bố trí 1,9 giáo viên/lớp, nhưng thực tế các trường chỉ được bố trí với tỷ lệ 1,7. Hay theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, các nhà trường cần phải được bố trí giáo viên để có thể dạy các môn tích hợp như Khoa học tự nhiên và Lịch sử - Địa lý. Trong khi đó, hiện nay các giáo viên vẫn đang phải dạy các môn độc lập, nếu có thì cũng kiêm nhiệm, không hiệu quả.

Từ những bất cập này, tôi mong muốn các văn bản liên quan đến chế độ, chính sách đối với nhà giáo được thực hiện đồng bộ theo quy định. Bên cạnh đó, Nhà nước giao quyền tự chủ cho nhà trường thì cần sớm đưa đề án vị trí việc làm vào thực hiện, giúp những cá nhân có cống hiến, có năng lực được hưởng xứng đáng với thành quả lao động, tránh cào bằng.

G.S. Tiến sĩ Thái Văn Thành - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo: Tạo "hành lang", luật hóa hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo

Luật Nhà giáo đã thể hiện sự quan tâm sâu sắc của lãnh đạo Đảng, Nhà nước đối với đội ngũ nhà giáo, thể hiện sự đầu tư cho tương lai của đất nước.

Tiết học Tiếng Anh của học sinh Trường PT DTNT THCS Quế Phong. Ảnh: Mỹ Hà
Tiết học Tiếng Anh của học sinh Trường PT DTNT THCS Quế Phong. Ảnh: Mỹ Hà

Luật Nhà giáo được thông qua sẽ có tác động rất lớn, có ý nghĩa rất sâu sắc cho hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo. Từ đó, địa vị pháp lý của nhà giáo, truyền thống tôn sư trọng đạo, sự tôn trọng, tôn vinh với nhà giáo trong nhân dân sẽ được luật hóa và được cả xã hội, hệ thống chính trị triển khai thực hiện. Đội ngũ nhà giáo có được môi trường, hành lang pháp lý để được tôn vinh, ghi nhận, cống hiến, sáng tạo.

Tuy nhiên, để tôn vinh, ghi nhận với nhà giáo thì những địa vị pháp lý nên quy định rõ hơn. Bên cạnh đó, khi Luật ban hành và để được triển khai thực sự sâu rộng, hiệu quả, cần có một số quy định, tiêu chí cụ thể, sát với thực tiễn, tạo thuận lợi cho các đơn vị trong quá trình thực hiện.

Mỹ Hà