Giáo dục

Giáo viên Nghệ An đặt nhiều kỳ vọng vào dự thảo Luật Nhà giáo

Mỹ Hà 28/11/2024 14:37

Dự thảo Luật Nhà giáo đang là vấn đề được dư luận quan tâm và liên quan trực tiếp đến gần 1,6 triệu giáo viên trên cả nước. Khi dự thảo Luật được ban hành và đi vào thực hiện cũng được kỳ vọng sẽ góp phần tháo gỡ nhiều vướng mắc hiện nay.

Trước đó, theo Tờ trình của Chính phủ, xây dựng Luật Nhà giáo nhằm thể chế hóa đầy đủ, kịp thời đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về nhà giáo, nhất là quan điểm “Phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu”, nhà giáo “giữ vai trò quyết định trong việc bảo đảm chất lượng giáo dục”.

Bên cạnh đó, việc xây dựng Luật Nhà giáo cũng nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý đồng bộ, thống nhất, toàn diện nhằm tạo cơ sở pháp lý để thực hiện mục tiêu trọng tâm, xuyên suốt là xây dựng, phát triển đội ngũ nhà giáo đủ về số lượng, tốt về chất lượng. Đồng thời, tôn vinh nhà giáo và tạo động lực cho người dạy, học, tạo điều kiện để nhà giáo yên tâm công tác, yêu nghề, tâm huyết và trách nhiệm với nghề; góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật về giáo dục.

gio-hoc-cua-hoc-sinh-truong-thcs-nghi-kim-thanh-pho-vinh.jpg
Tiết học của học sinh Trường THCS Nghi Kim, thành phố Vinh. Ảnh: Mỹ Hà

Báo Nghệ An ghi nhận một số ý kiến, kỳ vọng liên quan đến dự thảo Luật này:

Bà Hoàng Phương Thảo - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Vinh: Cần giao quyền tự chủ cho ngành Giáo dục trong sử dụng giáo viên

Với ngành Giáo dục và Đào tạo thành phố Vinh, việc thiếu giáo viên vẫn đang diễn ra nếu tính theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Vì thế, nếu giao quyền cho ngành Giáo dục và Đào tạo cân đối tỷ lệ giáo viên của các trường theo đặc thù của ngành thì chắc chắn sẽ đảm bảo được số giáo viên đứng lớp và tránh được tình trạng thừa - thiếu cục bộ trong nhà trường. Bởi lẽ hơn ai hết ngành hiểu trong giai đoạn tiếp theo sẽ đẩy mạnh ở các mặt nào, tăng cường ở bộ môn nào.

Đơn giản như với bộ môn Khoa học tự nhiên hiện đang tích hợp 3 môn Hóa học - Vật lý – Sinh học của chương trình sách giáo khoa cũ 2006, ngành sẽ định hướng được việc tuyển giáo viên như thế nào để khắc phục tình trạng thừa giáo viên.

Giờ học của học sinh Trường PT DTBT Tiểu học Tri lễ 2. Ảnh - Mỹ Hà
Tiết học của học sinh Trường PT DTBT Tiểu học Tri Lễ 2. Ảnh: Mỹ Hà

Bên cạnh đó, giáo dục là ngành đặc thù. Nếu giáo viên bị chi phối bởi Luật Viên chức và Thi đua khen thưởng như tất cả các ngành thì sẽ rất bất cập như việc các ngành xét thi đua theo năm hành chính, nhưng ngành Giáo dục lại xếp thi đua theo năm học. Vì vậy, mỗi năm, ngành Giáo dục phải xét thi đua 2 lần.

Theo tôi, đã gọi là đặc thù thì những người trong ngành sẽ hiểu được mình. Vì vậy, phải giao quyền tự chủ cho ngành Giáo dục trong tất cả các điều kiện đảm bảo. Bởi lẽ, khi chúng tôi chịu trách nhiệm giáo dục chúng tôi cũng phải chịu trách nhiệm các điều kiện đảm bảo. Đó là giáo viên, cơ sở vật chất, tài chính... Nếu đồng bộ được sẽ đảm bảo nâng cao chất lượng giáo dục ở các nhà trường.

Cô giáo Sầm Minh Anh - giáo viên Trường PT Dân tộc bán trú Tiểu học Tri Lễ 2: Chính sách thu hút giáo viên lên vùng khó sẽ tạo động lực

Tôi tốt nghiệp trường sư phạm và đã được tuyển dụng vào biên chế được 2 năm. Hiện mức lương của tôi là hơn 9 triệu đồng/1 tháng với giáo viên đang công tác ở khu vực biên giới và so với các khu vực khác, chúng tôi đã được ưu tiên.

Ở Luật Nhà giáo, tôi quan tâm đến chính sách thu hút, trọng dụng những người có trình độ cao, người có tài năng vào làm nhà giáo. Bên cạnh đó, luật cũng đã đề cập đến chính sách cho những nhà giáo tham gia giảng dạy, giáo dục ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, nhà giáo là người dân tộc thiểu số và nhà giáo ở một số ngành nghề đặc thù. Đây đều là những điểm mới và nếu đi vào thực hiện sẽ giúp cho giáo viên nói chung và những nhà giáo là người dân tộc thiểu số như chúng tôi có thêm động lực để gắn bó lâu dài với ngành.

gio-hoc-cua-hoc-sinh-truong-thcs-thi-tran-muong-xen-ky-son.jpg
Tiết học của học sinh Trường THCS thị trấn Mường Xén, huyện Kỳ Sơn. Ảnh: Mỹ Hà

Thầy giáo Nguyễn Văn Nam - Hiệu trưởng Trường THPT Quang Trung (Diễn Châu): Chờ đợi Luật Nhà giáo quan tâm đến trường ngoài công lập

Khi ngành Giáo dục có chủ trương lấy ý kiến góp ý về dự thảo Luật, cán bộ, giáo viên ở trường tôi đều rất quan tâm và tin rằng,nếu Luật đi vào thực hiện chúng tôi có một "danh phận" thực sự.

Thực tế, lâu nay giữa trường công lập và ngoài công lập đang có sự khác biệt rất nhiều, dù chưa có có một văn bản quy định cụ thể. Điều đó, ảnh hưởng đến quyền lợi, chế độ, chính sách đối với các nhà trường và với các giáo viên. Ví dụ như với chính sách tiền lương, hiện các giáo viên ngoài công lập việc trả lương là do thỏa thuận giữa hội đồng quản trị và người dạy, chưa có chính sách đặc thù.

Việc đóng chế độ bảo hiểm và chế độ thất nghiệp cũng cần phải được nghiên cứu lại vì thu nhập của giáo viên không ổn định theo từng tháng. Chúng tôi cũng mong Nhà nước quan tâm để được đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học và nằm trong quy định chung của ngành...

bna_-co-giao-sam-minh-anh-va-cac-hoc-sinh-o-truong-pt-dtbt-tieu-hoc-tri-le-2.-anh-my-ha-ef33bae734ea6202cb412098bc9e418c.jpg
Cô giáo Sầm Minh Anh và các học sinh ở Trường PT DTBT Tiểu học Tri Lễ 2. Ảnh: Mỹ Hà

Về việc lấy ý kiến cho Luật Nhà giáo mới, ông Thái Văn Thành – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, đại biểu Quốc hội khóa XV cho rằng, Dự thảo Luật Nhà giáo mới có 6 chính sách mới, như xác lập địa vị pháp lý của nhà giáo ngoài công lập, bảo đảm sự bình đẳng về quyền và nghĩa vụ đối với nhà giáo là người nước ngoài. Điều đó bảo đảm hành lang pháp lý, môi trường thuận lợi cho nhà giáo yên tâm công tác, yêu nghề và tâm huyết với nghề; đồng thời, đáp ứng được mong ước, khát vọng sáng tạo, cống hiến cho sự nghiệp trồng người của nhà giáo ngoài công lập.

Hay với quy định về chức danh, chuẩn nghề nghiệp nhà giáo, căn cứ chuẩn nghề nghiệp nhà giáo... sẽ là “chiếc gương soi” để nhà giáo tự đánh giá, rèn luyện và tự bồi dưỡng nhằm không ngừng phát triển chuyên môn, nghiệp vụ của bản thân, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Đây cũng là công cụ quan trọng để giám sát, kiểm soát chất lượng đội ngũ nhà giáo.

Với những quy định về tuyển dụng, sử dụng nhà giáo, chính sách này phản ánh đầy đủ đặc trưng lao động sư phạm của nhà giáo. Điều đó bảo đảm cho việc tuyển dụng nhà giáo có chất lượng và phù hợp với vị trí việc làm, cơ cấu về chuyên môn, môn học...

Ngoài ra, nếu ngành Giáo dục được giao quyền chủ động trong việc quản lý biên chế thì vấn đề này có thể được giải quyết một cách hiệu quả, giúp ngành sẽ có thể xây dựng những chiến lược và kế hoạch đào tạo nhà giáo dài hạn, rõ ràng và bền vững.

Giờ học của học sinh Trường THPT Nguyễn Trường Tộ - thành phố Vinh. Ảnh - Mỹ Hà
Tiết học của học sinh Trường THPT Nguyễn Trường Tộ, thành phố Vinh. Ảnh: Mỹ Hà

Khi Luật Nhà giáo được ban hành và có hiệu lực sẽ góp phần đổi mới công tác quản lý Nhà nước về nhà giáo, giúp nâng cao tính chủ động của cơ quan quản lý giáo dục các cấp.

Đồng thời, cơ bản khắc phục được những hạn chế, bất cập trong quản lý và phát triển nhà giáo hiện nay và sẽ là hành lang pháp lý vững chắc để phát triển đội ngũ nhà giáo, tạo động lực lớn để đưa sự nghiệp giáo dục nước ta lên tầm cao mới.

Ông Thái Văn Thành -Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, Đại biểu Quốc hội khoá XV

Mới nhất

x
Giáo viên Nghệ An đặt nhiều kỳ vọng vào dự thảo Luật Nhà giáo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO