Tọa đàm phát triển du lịch Nghệ An 2025: Nhiều hiến kế từ đoàn Famtrip phía Bắc
Liên kết vùng, định vị sản phẩm đặc trưng, phát triển du lịch quanh năm và khai thác thị trường mới là những nội dung trọng tâm được các doanh nghiệp du lịch, chuyên gia và cơ quan quản lý đề xuất nhằm nâng tầm du lịch Nghệ An, hướng tới phát triển bền vững và chuyên nghiệp hơn.
Sáng 17/5, tại TP. Vinh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nghệ An tổ chức buổi Tọa đàm đánh giá các sản phẩm, dịch vụ du lịch sau chương trình khảo sát (Famtrip) do đoàn các doanh nghiệp du lịch lữ hành phía Bắc thực hiện nhân dịp Lễ hội Làng Sen năm 2025 và khánh thành tượng đài “Bác Hồ về thăm quê”.

Tham dự tọa đàm, về phía đoàn Famtrip có các ông: Trần Trung Hiếu - Phó Giám đốc Sở Du lịch Thành phố Hà Nội; Trương Quốc Hùng - Chủ tịch Câu lạc bộ Lữ hành UNESCO Hà Nội; lãnh đạo các phòng chuyên môn thuộc Sở Du lịch Hà Nội và đại diện hơn 60 lãnh đạo doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành, du lịch là các thành viên thuộc Câu lạc bộ Lữ hành UNESCO Hà Nội đến từ các tỉnh, thành phố. Về phía tỉnh Nghệ An có bà Trần Thị Mỹ Hạnh - Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; cùng lãnh đạo các phòng, đơn vị liên quan, các doanh nghiệp lữ hành, cơ sở dịch vụ du lịch trên địa bàn.
Buổi tọa đàm là hoạt động quan trọng trong chương trình hợp tác phát triển du lịch giữa Nghệ An và Hà Nội năm 2025.
Thời gian qua, Sở Du lịch thành phố Hà Nội, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nghệ An đã thường xuyên hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau trên các lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch nói chung và lĩnh vực du lịch nói riêng. Với sự hợp tác, liên kết chặt chẽ của 2 địa phương, sự tham gia tích cực của các thành viên thuộc Câu lạc bộ Lữ hành UNESCO Hà Nội, các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ du lịch tại Nghệ An, đã góp phần định vị điểm đến du lịch Nghệ An và điểm đến du lịch Hà Nội trên thị trường trong và ngoài nước.

Tại Nghệ An, từ sự chỉ đạo vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự liên kết phát triển du lịch của các địa phương, nhất là với thành phố Hà Nội; đóng góp tích cực của các doanh nghiệp du lịch cùng sự đầu tư đồng bộ về các yếu tố cơ sở hạ tầng… đã thúc đẩy tăng trưởng du lịch của tỉnh những năm gần đây.
Với mục tiêu từng bước đưa du lịch Nghệ An phát triển toàn diện, nhanh và bền vững hơn nữa theo tinh thần Chỉ thị 08 của Thủ tướng Chính phủ và mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển du lịch Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến 2035, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nghệ An tích cực phối hợp, liên kết chặt chẽ hơn nữa với Sở Du lịch thành phố Hà Nội; đồng thời tích cực kết nối, khai thác điểm đến du lịch Nghệ An với tuyến du lịch xuyên Việt của các doanh nghiệp thuộc CLB lữ hành UNESCO Hà Nội.

Theo đó, trong 3 ngày từ 15-17/5, đoàn Famtrip với sự tham gia của hơn 30 doanh nghiệp đến từ Hà Nội đã khảo sát nhiều điểm đến và sản phẩm du lịch nổi bật tại Nghệ An như: Khu di tích Kim Liên, VinWonders Cửa Hội, Đô Lương Legend Camping & Resort, Phố đi bộ đêm TP. Vinh, Mường Thanh Diễn Lâm…
Tại buổi toạ đàm, các thành viên đoàn famtrip đánh giá cao tiềm năng, hạ tầng và sự đa dạng sản phẩm của du lịch Nghệ An, đồng thời đề xuất một số kiến nghị về việc nâng cao chất lượng dịch vụ, cải thiện kết nối và quảng bá sản phẩm theo nhu cầu thị trường.
Theo đó, nhiều ý kiến tâm huyết cho rằng: Du lịch Nghệ An hiện vẫn đối mặt nhiều tồn tại, đơn cử như phát triển còn theo mùa vụ, thiếu sản phẩm mang tính đặc trưng và “đóng gói” chuyên nghiệp, nhân lực chưa đáp ứng tiêu chuẩn dịch vụ, truyền thông còn mờ nhạt... Nhiều tiềm năng như du lịch đêm, du lịch đường sắt, du lịch tâm linh, du lịch biên giới vẫn chưa được khai thác hiệu quả. Cơ sở lưu trú cao cấp còn thiếu, chính sách kích cầu mùa thấp điểm chưa rõ nét.

Các doanh nghiệp và chuyên gia đề xuất cần phát triển tour theo mùa - tuyến - chủ đề (du lịch đêm Làng Sen, hành trình theo dấu chân Bác, tour mùa xuân miền Tây…); tăng cường trải nghiệm số (ứng dụng thuyết minh nhiều cấp qua mã QR, trình diễn thực cảnh); liên kết vùng sâu hơn với Hà Tĩnh, Quảng Bình, Lào, Thái Lan; tổ chức giải chạy, lễ hội văn hóa có sự tham gia của KOLs; đào tạo nhân lực bài bản; tổ chức tour để khai thác dịch vụ cho đối tượng hội thảo, học sinh, sinh viên… để khai thác mùa thấp điểm…
Ông Trần Trung Hiếu - Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội nhấn mạnh: Việc tổ chức đoàn khảo sát lần này không chỉ góp phần thúc đẩy liên kết phát triển sản phẩm, mà còn là dịp để doanh nghiệp hai bên kết nối, xây dựng các tour tuyến thiết thực, hiệu quả. Hà Nội cam kết đồng hành, hỗ trợ Nghệ An trong xúc tiến quảng bá, đào tạo nguồn nhân lực và chia sẻ kinh nghiệm quản lý điểm đến.

Kết luận buổi tọa đàm, bà Trần Thị Mỹ Hạnh trân trọng cảm ơn các ý kiến tâm huyết, chuyên nghiệp của đại biểu, doanh nghiệp. Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhấn mạnh mong muốn cải thiện tình trạng du lịch mùa vụ, phát triển sản phẩm du lịch mới như “Cửa Lò không mùa đông”, du lịch tâm linh, giáo dục, thể thao, tour đêm quê Bác… Đồng thời, khẳng định Sở sẽ tăng cường truyền thông, thúc đẩy chuyển đổi số, nâng cao chất lượng nhân lực và chủ động liên kết vùng, mở rộng thị trường quốc tế qua Lào, Thái Lan… Thời gian tới, Nghệ An sẽ tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp trong xây dựng, quảng bá sản phẩm du lịch bền vững, hướng tới thu hút khách quanh năm và khẳng định vị thế là điểm đến hấp dẫn trên bản đồ du lịch Việt Nam.

Sau buổi tọa đàm, đoàn Famtrip tiếp tục khảo sát các dịch vụ tại Khu sinh thái Mường Thanh Diễn Lâm trước khi kết thúc chương trình.