Sức khỏe

Nói không với bạo lực trong bệnh viện!

Thành Chung 10/06/2025 13:37

Hành hung cán bộ, nhân viên y tế là một hành vi vi phạm pháp luật. Cổ xúy cho hành vi bạo lực và đào sâu hố ngăn cách giữa thầy thuốc và bệnh nhân chính là tội ác.

Đi tìm nguyên nhân

Ngày 01/6 vừa qua, tại Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An, một nữ nhân viên y tế đã bị người nhà bệnh nhân tấn công bằng nắm đấm vào mặt ngay tại khu vực cấp cứu. Khi bị tấn công, nữ nhân viên này đang thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ bệnh nhân. Ngay sau đó, cơ quan công an đã bắt giữ đối tượng hành hung này. Đáng lo ngại, đây không phải là vụ việc cá biệt. Chỉ trong hơn 1 tháng qua, hàng loạt vụ hành hung nhân viên y tế xảy ra tại nhiều cơ sở y tế công lập trong cả nước.

Người đàn ông chồm lên quầy làm thủ tục hành hung nhân viên bệnh viện, bên cạnh là bảo vệ bệnh viện. Ảnh chụp màn hình
Người đàn ông chồm lên quầy làm thủ tục hành hung nhân viên bệnh viện, bên cạnh là bảo vệ bệnh viện. Ảnh chụp màn hình

Điều đáng nói hơn, khi sự việc nhân viên y tế bị tấn công được các cơ quan báo chí phản ánh, cũng như được đưa lên mạng xã hội thì lại nhận được nhiều phản ứng khác nhau từ độc giả, người dùng mạng xã hội. Bên cạnh những ý kiến phẫn nộ đối với hành vi côn đồ của người nhà bệnh nhân; lại có những ý kiến biện minh cho bạo lực bằng cảm xúc như “không có lửa làm sao có khói”, “phải thế nào người ta mới bức xúc”, “lỗi thuộc về người bị hại”. Những lời biện minh như vậy không chỉ làm đau lòng cán bộ, nhân viên ngành Y mà khiến nhiều người đặt ra nghi vấn phải chăng đạo đức, văn minh xã hội đang xuống cấp?

Đi tìm câu hỏi tại sao lại có những vụ hành hung cán bộ, nhân viên y tế, có những lời biện minh cho hành vi côn đồ như vậy? Một tiến sĩ y học - bác sĩ chuyên khoa 2 ở Nghệ An (xin phép được giấu tên) đã lý giải: Về khách quan, thứ nhất, niềm tin của một số người dân đối với cán bộ, nhân viên ngành Y đã xuống thấp, nhất là sau khi hàng loạt sai phạm thuộc ngành Y bị phanh phui, nhiều cán bộ y tế bị bắt trong Đại án Việt Á liên quan kit test Covid-19. Thứ hai, một số ít cán bộ, nhân viên y tế trong thời gian trước đây đã có hành động, lời nói không đúng với y đức. Một con sâu đã làm rầu cả nồi canh.

Tuấn Anh tại cơ quan công an. Ảnh: Hồ Hưng
Đối tượng tấn công nữ nhân viên y tế tại cơ quan công an. Ảnh: Hồ Hưng

Thứ ba, cảm xúc của người nhà bệnh nhân khi ở cơ sở y tế vốn đã được đẩy lên ở ranh giới “sẵn sàng vượt ngưỡng”. Trong tình trạng này, họ sẽ bị kích thích cao độ khi cho rằng ai đó có cử chỉ, hành động, lời nói không phù hợp. Chưa kể đến việc có những người nhà khi đưa bệnh nhân đến trong tình trạng sử dụng chất kích thích như rượu, bia.

Về chủ quan, thứ nhất, từ trước đến nay, các cán bộ, nhân viên ngành Y đã được đào tạo rất nhiều trong nhà trường, cơ quan, đơn vị công tác. Tuy nhiên, đại đa số những môn học, lớp đào tạo này chỉ dạy chuyên môn thuần tuý. Những bộ môn, lớp đào tạo chuyên về những kỹ năng mềm như tâm lý bệnh nhân, tâm lý người nhà bệnh nhân, ứng xử của cán bộ... lại rất ít. Các cán bộ, nhân viên y tế có được các kỹ năng này đa phần từ việc tự học. Và những cán bộ có tinh thần tự học như vậy thì hầu hết đã trở thành lãnh đạo, ít tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân hơn.

 Cán bộ y tế làm việc đến kiệt sức trong khi chống dịch Covid-19. Ảnh Thành Chung
Cán bộ y tế làm việc đến kiệt sức trong khi chống dịch Covid-19. Ảnh: Thành Chung

Thứ hai, áp lực công việc ở môi trường y tế (nhất là môi trường y tế công lập), đặc biệt tại Khoa Cấp cứu là hết sức căng thẳng. Đơn cử Khoa Cấp cứu Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An mỗi ngày tiếp nhận từ 200-250 bệnh nhân. Cán bộ, nhân viên y tế ở đây làm việc với tinh thần khẩn trương, hiệu quả. Vô hình trung, các lời nói xã giao vốn bình thường đã trở nên tiết giảm và trở thành một yêu cầu, câu mệnh lệnh “vô cảm”. Ở những cơ sở y tế công lập, việc tuyển dụng, sử dụng nhân lực rất “tiết kiệm”, cán bộ y tế ở đây phải làm việc với cường độ cao, trong một thời gian kéo dài nên họ bị “stress” nặng. Trong hoàn cảnh bị ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tinh thần và thể chất, cán bộ, nhân viên y tế rất có thể vô ý có những lời nói, hành động chưa vừa lòng bệnh nhân và người nhà.

Thứ ba, nhiều cơ sở y tế hiện nay chưa thực hiện tốt công tác an ninh bệnh viện; trang thiết bị về an ninh bảo vệ rất hạn chế. Đội ngũ bảo vệ (hợp đồng với công ty vệ sĩ) có nhiều người là lao động “chen ngang”, không được đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ; nhiều người cao tuổi, sức khoẻ kém... vậy nên khi có tình huống xảy ra, thì lực lượng này chỉ biết khoanh tay đứng nhìn, tỏ ra bất lực. Đơn cử như vụ việc ở Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An vừa qua, khi người nhà bệnh nhân có to tiếng, chuẩn bị có hành vi tấn công nhân viên y tế thì bảo vệ tại Khoa Cấp cứu vẫn điềm nhiên ngồi xem điện thoại.

Khoa Cấp cứu Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An mỗi ngày tiếp nhận khoảng 250 bệnh nhân. Ảnh: Thành Chung
Khoa Cấp cứu Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An mỗi ngày tiếp nhận khoảng 250 bệnh nhân. Ảnh: Thành Chung

Bên cạnh đó, nhiều bệnh viện công lập hiện nay vì “tiết kiệm” nhân lực, chi tiêu mà chưa hình thành bộ phận công tác xã hội. Một trong chức năng quan trọng của bộ phận này là: Đón tiếp, chỉ dẫn, cung cấp thông tin, giới thiệu về dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh của bệnh viện cho người bệnh ngay từ khi người bệnh vào khoa khám bệnh hoặc phòng khám bệnh... Bộ phận công tác xã hội đóng vai trò “giảm áp” cho bệnh nhân và người nhà. Thực tế cho thấy, ở bệnh viện nào có bộ phận này thì ở đó rất ít xảy ra những vụ việc hành hung cán bộ, nhân viên y tế.

Trách nhiệm thuộc về ai?

Rõ ràng, để xảy ra những vụ việc hành hung hay thái độ thiếu thiện cảm đối với cán bộ, nhân viên thì lỗi không hoàn toàn thuộc về người bị hại. Trách nhiệm đối với tình trạng này thuộc về ai? – Trước hết đó là những người đã tấn công cán bộ, nhân viên y tế. Họ đang tấn công vào chính những người ra sức bảo vệ sự sống cho người thân mình, người bảo vệ sức khoẻ cộng đồng. Cán bộ, nhân viên y tế làm nhiệm vụ cứu người trong tình cảnh không được mang công cụ hỗ trợ, không có khả năng tự vệ trong môi trường áp lực và nhiều rủi ro. Cần phải xem hành vi tấn công cán bộ, nhân viên y tế là hành vi tấn công người thi hành công vụ để có chế tài xử lý đủ mạnh, nghiêm khắc.

Thái độ thiếu công tâm đối với cán bộ, nhân viên y tế nói chung đang khiến những người đang làm nhiệm vụ cứu người tổn thương và sợ hãi. Ảnh: Internet
Thái độ thiếu công tâm đối với cán bộ, nhân viên y tế nói chung đang khiến những người đang làm nhiệm vụ cứu người tổn thương và sợ hãi. Ảnh: Internet

Riêng với những người đang tấn công cán bộ, nhân viên y tế trên môi trường mạng xã hội cần tỉnh táo, phân biệt rõ đúng, sai trong từng trường hợp, từng cá nhân; không nên đánh đồng chung một lời nói, hành vi chưa phù hợp của một cán bộ, nhân viên nào đó với nhận thức chung về ngành Y. Những lời nói, câu từ cay nghiệt thiếu công tâm đối với cán bộ, nhân viên y tế nói chung không chỉ khiến những người đang làm nhiệm vụ cứu người tổn thương và sợ hãi mà còn khiến người dân nảy sinh phản xạ không thân thiện khi gặp cán bộ, nhân viên y tế; đồng thời cổ vũ cho hiện tượng bạo lực trong môi trường y tế. Điều này sẽ khiến hiện tượng bạo lực leo thang, lan rộng, trở thành thường quy trong xã hội... dần cuốn đi tất cả những giá trị đạo đức căn bản nhất trong xã hội.

Tiếp đến, đó là trách nhiệm của chính các cơ sở y tế. Các cơ sở y tế chưa làm tốt công tác tự bảo vệ mình. Cụ thể, các cơ sở y tế chưa làm tốt công tác bố trí, sử dụng nhân lực; chưa làm tốt công tác an ninh bệnh viện; chưa làm tốt công tác bồi dưỡng, đào tạo, giáo dục cán bộ nhân viên y tế... Cần phải nói thêm rằng, cách đây gần 15 năm, ngành Y tế Nghệ An đã phát động phong trào "Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh" (bao gồm việc nâng cao y đức, kỹ năng giao tiếp và tinh thần phục vụ của cán bộ y tế). Lãnh đạo ngành Y tế liên tục quán triệt, yêu cầu các cơ sở y tế thực hiện tốt phong trào. Thực tiễn đang yêu cầu các cơ sở đẩy mạnh hơn việc thực hiện phong trào này.

bna_2.-anh-duc-anh-94fa08e8d89a7dc9e7b66a79d5c69d07.jpg
Nhiều cơ sở khám, chữa bệnh chưa làm tốt công tác an ninh bệnh viện. Ảnh: Thành Chung

Cuối cùng đó là trách nhiệm của mỗi cán bộ, nhân viên y tế. Mỗi cán bộ, nhân viên ngành Y tế cần nêu cao ý thức tự trau dồi, nâng cao y đức, kỹ năng giao tiếp và tinh thần phục vụ. Cùng với đó, mỗi cán bộ, nhân viên y tế cũng phải học thêm việc ứng xử một cách phù hợp trên môi trường mạng xã hội. Một lời nói, câu từ chưa phù hợp với bối cảnh, ngữ cảnh có thể khiến người khác đánh giá sai; người bị hại trở thành đối tượng bị công kích.

Quay trở lại với vụ việc nữ nhân viên y tế ở Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An bị người nhà bệnh nhân tấn công, lãnh đạo ngành Y tế Nghệ An đã có những hành xử đúng, trúng và kịp thời. Ngay sau vụ việc, Giám đốc Sở Y tế Nghệ An Lê Thị Hoài Chung đã đề nghị cơ quan chức năng xử lý nghiêm đối tượng hành hung; đồng thời yêu cầu các cơ sở khám, chữa bệnh rà soát, củng cố và triển khai các biện pháp đảm bảo an ninh trật tự theo quy định; chủ động xây dựng phương án phòng ngừa, ứng phó với các tình huống gây rối, hành hung nhân viên y tế; khẩn trương rà soát, lắp đặt, duy trì hệ thống camera an ninh và tăng cường nhân lực bảo vệ tại các khu vực trọng điểm như Khoa Cấp cứu, Khoa Khám bệnh...

Bà Lê Thị Hoài Chung - Giám đốc Sở Y tế Nghệ An. Ảnh: T.C
Giám đốc Sở Y tế Nghệ An Lê Thị Hoài Chung bày tỏ mong muốn người nhà bệnh nhân chia sẻ, tạo mọi điều kiện để nhân viên y tế thực hiện nhiệm vụ của mình một cách tốt nhất. Ảnh: Thành Chung

Giám đốc Sở Y tế cũng yêu cầu các cơ sở khám, chữa bệnh phải công khai, tăng cường tư vấn, giải thích về nội quy, quy định trong khám chữa bệnh, số lượng người nhà bệnh nhân được vào khi đưa người thân đi khám, điều trị; chuyên nghiệp trong ứng xử từ nhân viên y tế, người lao động bệnh viện.

Lãnh đạo ngành Y tế đã yêu cầu các đơn vị tiếp tục quán triệt các cán bộ, nhân viên y tế thực hiện tốt y đức, thái độ ứng xử tốt và giải thích đầy đủ cho gia đình bệnh nhân. Mong muốn người nhà bệnh nhân chia sẻ với môi trường công việc, tính chất công việc, tạo mọi điều kiện để nhân viên y tế thực hiện nhiệm vụ của mình một cách tốt nhất.

Giám đốc Sở Y tế Nghệ An Lê Thị Hoài Chung

Điều đáng mừng là ngay sau khi có sự chỉ đạo của Giám đốc Sở Y tế Nghệ An, nhiều cơ sở y tế trong tỉnh đã bố trí các lớp tập huấn, khoá đào tạo về y đức, kỹ năng giao tiếp và quy tắc ứng xử. Đây là một trong những việc làm kịp thời, cần thiết để giúp cho cán bộ, nhân viên y tế có thể tự bảo vệ mình, bảo vệ sự tin yêu của màu áo blouse trắng./.

Thành Chung