Đường sắt cao tốc Bắc - Nam đi qua những xã mới nào của Nghệ An?
Bộ Xây dựng đã có văn bản gửi tới 15 tỉnh, thành phố (theo đơn vị hành chính cũ là 20 tỉnh, thành) có tuyến đường sắt tốc độ cao đi qua, yêu cầu các địa phương chủ động triển khai giải phóng mặt bằng và xây dựng khu tái định cư. Theo đó, Nghệ An cũng khẩn trương chỉ đạo công tác giải phóng mặt bằng.
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư vào tháng 11/2024, với tổng mức đầu tư sơ bộ khoảng 1,7 triệu tỷ đồng (hơn 67,3 tỷ USD).
Tuyến dài 1.541 km, từ ga Ngọc Hồi (Hà Nội) đến ga Thủ Thiêm (TP. HCM), đi qua 15 tỉnh, thành, trong đó có Nghệ An. Tuyến sử dụng khổ đường đôi 1.435 mm, tốc độ thiết kế 350 km/h, tải trọng 22,5 tấn/trục. Toàn tuyến có 23 ga hành khách, 5 ga hàng hóa, phục vụ vận tải tốc độ cao và có thể chuyển đổi sang chở hàng khi cần. Dự kiến, công trình khởi công trước ngày 31/12/2026 và cơ bản hoàn thành vào năm 2035.

Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Nghệ An đã ban hành Quyết định số 3995-QĐ/TU, ngày 30/6/2025 thành lập Ban Chỉ đạo và Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo giải phóng mặt bằng Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, đoạn qua địa bàn tỉnh Nghệ An. Ban Chỉ đạo do đồng chí Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng ban. UBND tỉnh Nghệ An cũng mới ban hành Công văn số 5963/UBND-CN về việc rà soát, triển khai các khu tái định cư phục vụ Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam đoạn qua địa bàn tỉnh.
Theo đó, căn cứ ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại cuộc họp ngày 16/6/2025 và yêu cầu của Bộ Xây dựng ngày 17/6/2025, UBND tỉnh giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Môi trường và UBND các xã liên quan căn cứ hồ sơ thiết kế cơ sở trong Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và hồ sơ ranh giới giải phóng mặt bằng (GPMB) để khẩn trương rà soát thực địa, xác định nhu cầu tái định cư của từng địa phương. Trên cơ sở đó, tổng hợp, dự kiến số lượng, vị trí, quy mô và tổng mức đầu tư của từng khu tái định cư, báo cáo UBND tỉnh trước ngày 10/7/2025.
Sở Xây dựng được giao tham mưu cho UBND tỉnh giao nhiệm vụ cho các sở, ngành, địa phương triển khai các khu tái định cư, phấn đấu khởi công tối thiểu một khu vào ngày 19/8/2025 theo yêu cầu của Chính phủ và Bộ Xây dựng. Sở Xây dựng cũng được giao xây dựng mẫu định hình thiết kế quy định chung về xây dựng khu tái định cư (mặt cắt đường, vỉa hè, điện chiếu sáng…) để hướng dẫn triển khai thống nhất, hoàn thành trước ngày 30/7/2025.
Bên cạnh đó, Sở Xây dựng tiếp tục rà soát các điểm chưa phù hợp trên tuyến theo hồ sơ thiết kế cơ sở, đặc biệt là các điểm chồng chéo vào khu dân cư, khu đất sản xuất, kinh doanh tập trung, để tham mưu UBND tỉnh kiến nghị Bộ Xây dựng xử lý kịp thời.
Ngoài ra, phối hợp Sở Nông nghiệp và Môi trường tham mưu giải pháp đẩy nhanh công tác GPMB; rà soát, tham mưu điều chỉnh các quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn và các quy hoạch liên quan để đảm bảo đủ cơ sở triển khai các khu tái định cư. Sở Xây dựng cũng chịu trách nhiệm theo dõi, đôn đốc, xử lý trong công tác GPMB và định kỳ báo cáo UBND tỉnh về tiến độ, khó khăn, vướng mắc vào các ngày 15 và 30 hàng tháng.
UBND tỉnh cũng giao Sở Nông nghiệp và Môi trường khẩn trương phối hợp với Sở Xây dựng và các địa phương kiểm tra thực địa, rà soát, thống kê nhu cầu tái định cư. Chủ trì tham mưu phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất, trình điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nhằm đảm bảo cơ sở pháp lý cho công tác GPMB, đồng thời phối hợp Sở Xây dựng xây dựng các giải pháp đẩy nhanh tiến độ GPMB, hoàn thành trước ngày 30/7/2025.
Giao Sở Tài chính tham mưu quy trình, thủ tục triển khai các khu tái định cư. UBND các xã, phường nơi dự án đi qua phối hợp các sở, ngành liên quan rà soát, tổng hợp nhu cầu tái định cư tại địa phương, gửi báo cáo về Sở Xây dựng trước ngày 5/7/2025 để tổng hợp chung, phục vụ công tác triển khai.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Phú Hiền cho biết: Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Xây dựng, UBND tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo các địa phương căn cứ hướng tuyến trong hồ sơ Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi để tuyên truyền, thông báo đến người dân trong phạm vi dự kiến giải phóng mặt bằng (GPMB), nhằm nâng cao ý thức, hạn chế tình trạng xây dựng trái phép, giữ gìn an ninh trật tự.
Tỉnh cũng chỉ đạo các sở, ngành, địa phương rà soát hộ dân, khu dân cư bị ảnh hưởng để xác định quy mô, vị trí, số lượng khu tái định cư cần đầu tư. Hiện nay, tỉnh đang triển khai thành lập Ban Chỉ đạo, Tổ giúp việc GPMB và xây dựng kế hoạch thực hiện.
Dự kiến, toàn tỉnh Nghệ An sẽ có hơn 30 khu tái định cư. Việc sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp xã cũng ảnh hưởng đến điều chỉnh các loại quy hoạch, trong đó có quy hoạch khu tái định cư, nên cần thời gian khảo sát.
* Đoạn 1 từ thị xã Hoàng Mai (cũ) đến núi Thần Vũ: Tuyến sau khi vượt núi Trường Lâm (huyện Tĩnh Gia cũ của tỉnh Thanh Hóa) sẽ tránh khu vực Nhà máy Xi măng Hoàng Mai, thuộc phường Hoàng Mai, hướng về phía Tây, nằm giữa hành lang đường sắt Bắc - Nam hiện tại và tuyến đường bộ cao tốc theo đúng quy hoạch địa phương. Tuyến đi qua các xã Quỳnh Văn, Quỳnh Sơn (huyện Quỳnh Lưu cũ) và các xã Minh Châu, Tân Châu, Hùng Châu, Đức Châu, Diễn Châu, An Châu (huyện Diễn Châu cũ) của tỉnh Nghệ An, tuyến đi song song với tuyến đường sắt hiện tại, cách từ 100m đến 400m về phía Tây.
* Đoạn từ núi Thần Vũ đến sông Lam: Tuyến đi qua hầm Thần Vũ, nay là xã Tân Châu (huyện Diễn Châu cũ) và xã Nghi Đồng (huyện Nghi Lộc cũ), tránh đập Ô Ồ, tiếp tục chạy theo hành lang quy hoạch của Khu kinh tế Đông Nam.
Tuyến cơ bản song song về phía Đông với đường bộ cao tốc Bắc - Nam, sau đó đi chung hành lang và nằm giữa tuyến cao tốc và tuyến tránh Vinh. Tuyến vượt Quốc lộ 46 cũ, tuyến đường sắt hiện tại và sông Lam tại xã Lam Thành để sang địa phận tỉnh Hà Tĩnh.


Ông Lê Quang Thanh - Phó Giám đốc Công ty Điện lực Nghệ An cho biết: Nghệ An là một trong các tỉnh có số lượng công trình điện ảnh hưởng lớn bởi đường sắt cao tốc Bắc - Nam, với nhiều dự án đang triển khai cần phải điều chỉnh:

Theo Nghị quyết 172/2024/QH15, Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc-Nam có tổng chiều dài tuyến khoảng 1.541 km; điểm đầu tại ga Ngọc Hồi (Thủ đô Hà Nội), điểm cuối tại ga Thủ Thiêm (Thành phố Hồ Chí Minh).
Dự án áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, bảo đảm yêu cầu an toàn, đồng bộ, chất lượng và hiệu quả. Khuyến khích ứng dụng công nghệ cao trong tổ chức thi công, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Dự án áp dụng công nghệ đường sắt chạy trên ray được sử dụng phổ biến trên thế giới; công nghệ đoàn tàu sử dụng động lực phân tán EMU; thông tin tín hiệu tương đương hệ thống đang sử dụng tại các quốc gia vận hành khai thác đường sắt tốc độ cao.
Đường sắt cao tốc Bắc - Nam sẽ tạo ra một trục giao thông huyết mạch, kết nối các vùng kinh tế trọng điểm từ Bắc vào Nam, góp phần tái cơ cấu thị phần vận tải trên hành lang Bắc - Nam một cách tối ưu; tạo tiền đề, động lực để phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh.
Việc đưa vào vận hành tuyến đường sắt cao tốc sẽ giảm áp lực cho các tuyến đường bộ và hàng không hiện nay, đặc biệt trong bối cảnh các tuyến đường bộ thường xuyên quá tải và tai nạn giao thông vẫn là vấn đề nhức nhối. Theo ước tính, đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam sẽ tiết kiệm chi phí thiệt hại do giảm tai nạn giao thông khoảng 849 triệu USD vào năm 2040 và khoảng 1.906 triệu USD vào năm 2050 .