Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Đệ kiểm tra Dự án Hồ chứa Bản Mồng
Thực hiện chương trình công tác, chiều 7/7, đồng chí Nguyễn Văn Đệ - Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã đi kiểm tra hiện trường Dự án Hồ chứa nước bản Mồng tại xã Quỳ Châu và xã Châu Bình (Nghệ An).
Cùng đi có đại diện Văn phòng UBND tỉnh, các phòng, ban thuộc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Nghệ An và lãnh đạo UBND các xã Quỳ Châu, Châu Bình.
Tăng tốc tiến độ giải phóng mặt bằng
Tại hiện trường thi công, sau khi đoàn công tác kiểm tra hiện trạng một số hạng mục, công trình, thay mặt chủ đầu tư, đại diện Ban Quản lý dự án đầu tư báo cáo nhanh về tiến độ dự án được thực hiện năm 2025. Theo đó, dự án có tổng mức đầu tư là 2.948 tỷ đồng; lũy kế vốn đã bố trí đến nay: 2.728,3 tỷ đồng; lũy kế vốn đã giải ngân đến nay: 2.039,4 tỷ đồng. Vốn đã bố trí năm 2025 là 764 tỷ đồng, hiện đã giải ngân năm 2025: 74,1 tỷ đồng.

Hiện nay, Nghệ An được Bộ Nông nghiệp và Môi trường giao thực hiện 2 nhiệm vụ là xây dựng hệ thống trạm bơm + kênh trạm bơm lấy nước từ sông Hiếu và hợp phần đền bù, di dân tái định cư, giải phóng mặt bằng phần thuộc tỉnh Nghệ An. Đến nay, lòng hồ Cô Ba (xã Châu Bình) đã hoàn thành giải phóng mặt bằng dưới cao trình +71,86m và trên cao trình +71,86m, dự kiến sẽ thu hồi 390 ha. Dự kiến, Ban sẽ làm thủ tục để thu hồi thêm diện tích khoảng 343,13 ha và di dời 78 hộ dân.

Đến nay, Ban Quản lý dự án đã hoàn thành công tác kiểm đếm (khoảng 3.496 thửa), phê duyệt 2 đợt với số tiền 23,9 tỷ đồng, thu hồi 27,373 ha đất sản xuất thuộc xã Quỳ Châu và xã Châu Bình và đang chờ hướng dẫn để thành lập hội đồng đền bù giải phóng mặt bằng sau khi chính quyền địa phương 2 cấp đi vào hoạt động.
Tương tự, xã Nghĩa Mai có 40,75 ha và xã Tam Hợp (trước đây là xã Yên Hợp, huyện Quỳ Hợp) có 6,12 ha vùng lòng hồ đã hoàn thành công tác kiểm đếm, áp giá, lập hồ sơ và đã niêm yết công khai phương án đền bù, đang tiến hành chi trả cho người dân theo tiến độ đề ra...

Ngoài nội dung trên, trên cơ sở kiểm tra thực địa, Ban Quản lý dự án đầu tư và lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường còn báo cáo tiến độ một số hạng mục khác được triển khai theo Thông báo kết luận số 375/TB-UBND ngày 22/5/2025 của UBND tỉnh. Đồng thời, nêu lên một số khó khăn, vướng mắc và đề xuất tỉnh tháo gỡ.

Tại cuộc làm việc, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường cũng nhấn mạnh cần đẩy nhanh tiến độ dự án khi mùa mưa bão đến và cho biết, sắp tới sẽ tăng cường nhân lực để hỗ trợ Ban đền bù giải phóng mặt bằng và các xã. Mặc dù mới ổn định bộ máy nhưng lãnh đạo Sở mong muốn lãnh đạo UBND các xã: Quỳ Châu, Châu Bình, Tam Hợp, Nghĩa Mai tích cực phối hợp với Ban để làm hồ sơ đền bù, thẩm định sớm chi trả đền bù cũng như giải quyết các khiếu nại cho người dân.

Ưu tiên các hạng mục cấp thiết, đảm bảo quyền lợi người dân
Tại cuộc làm việc, đại diện UBND xã Châu Bình và Ban Đền bù giải phóng mặt bằng dự án, ngoài nêu lên thực tế thời tiết mưa nhiều đã ảnh hưởng đến tiến độ; đồng thời, nêu lên một số kiến nghị phát sinh từ thực tiễn, cần hỗ trợ kinh phí thi công đường dân sinh kết nối đập phụ 2 với Quốc lộ 48; tháo gỡ vướng mắc liên quan đến kinh phí, thủ tục mở nối đường khu tái định cư cho dự án tại xã Châu Bình vào Quốc lộ 48…

Trên cơ sở đề xuất và kiến nghị của UBND các xã và Sở Nông nghiệp và Môi trường, đồng chí Nguyễn Văn Đệ - Phó Chủ tịch UBND tỉnh ghi nhận nỗ lực cố gắng của các xã, đồng thời nhấn mạnh trong thời gian tới, để đảm bảo tiến độ và tỷ lệ giải ngân, cần quyết liệt vào cuộc khi mùa mưa đang đến gần. Sắp tới, trên cơ sở đề xuất của Sở, tỉnh sẽ tăng cường nhân lực hỗ trợ các xã và Ban để thực hiện công tác đền bù giải phóng mặt bằng.

Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các địa phương và Ban phải tập trung, phối hợp đồng bộ vào cuộc quyết tâm cao hơn, đạt tỷ lệ giải ngân trên cơ sở thực hiện kết quả cụ thể, nếu có vướng mắc thì báo cáo xin ý kiến...

Sắp tới, trong số các hạng mục cần thi công, cần ưu tiên các hạng mục cấp thiết như làm đường dân sinh giúp dân đi lại sản xuất an toàn, di dời dân khỏi vùng ngập úng khi có mưa lớn; quá trình thi công nếu trong mùa mưa, các nhà thầu phải đảm bảo an toàn tài sản của Nhà nước và nhân dân.

Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các xã tích cực tuyên truyền, động viên nhân dân chấp hành các quy định, bàn giao mặt bằng.
Dự án Hồ chứa nước bản Mồng được xây dựng trên sông Hiếu (Nghệ An), lòng hồ rộng 25 km2, chủ yếu nằm tại địa bàn 4 xã của Nghệ An và một phần thuộc tỉnh Thanh Hóa. Dự án Hồ chứa nước bản Mồng giai đoạn 1, tỉnh Nghệ An có dung tích 225 triệu m3, 8 trạm bơm lấy nước dọc sông Hiếu và nhà máy thủy điện công suất 45 MW. Giai đoạn 1 của dự án có tổng mức đầu tư dự kiến là 5.552 tỷ đồng, được bố trí từ ngân sách Nhà nước. Dự án được khởi công từ năm 2010 do Ban Quản lý đầu tư và xây dựng thủy lợi 4 làm chủ đầu tư cụm công trình đầu mối thuộc địa bàn xã; Sở Nông nghiệp và Môi trường Nghệ An làm chủ đầu tư hợp phần bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.