Siết chặt công tác đấu tranh chống hàng giả, gian lận thương mại - Bài 4: Hành động quyết liệt, kiểm soát hiệu quả
Nhóm Phóng viên•09/07/2025 11:22
Nghệ An được đánh giá là điểm “sáng” trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong cả nước, thị trường không có diễn biến phức tạp; tuy nhiên, vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ, xuất xứ hàng hóa còn diễn ra khá phức tạp,... đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt hơn của cơ quan quản lý nhà nước.
Nghệ An được đánh giá là điểm “sáng” trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong cả nước, thị trường không có diễn biến phức tạp; tuy nhiên, vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ, xuất xứ hàng hóa còn diễn ra khá phức tạp,... đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt hơn của cơ quan quản lý nhà nước.
Phương thức, thủ đoạn tinh vi
Vì lợi nhuận cao nên nhiều đối tượng bất chấp, dùng mọi thủ đoạn tinh vi để cố tình thực hiện các hành vi vi phạm trong hoạt động gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm. Thời gian qua, hàng giả được các lực lượng chức năng phát hiện và xử lý trong thời gian qua phổ biến ở các mặt hàng: điện tử, quần áo thời trang, giày dép, đồng hồ, túi xách, đồ trang sức... các mặt hàng này thường được làm giả nhãn hiệu của các thương hiệu nổi tiếng đã được bảo hộ như Apple, Gucci, Dior, Chanel, Nike, Adidas ... với công nghệ, kỹ thuật sản xuất ngày hoàn chỉnh, kích thích thị hiếu mua sắm của người tiêu dùng. Hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ diễn ra nhiều ở nhóm các mặt hàng vật liệu xây dựng, phụ tùng ô tô, xe máy, đồ điện gia dụng, vi phạm bản quyền logo thương mại.
Ông Nguyễn Văn Hường - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Nghệ An, cho biết: Vi phạm nổi bật là các hoạt động vận chuyển, buôn bán các mặt hàng không có hóa đơn, chứng từ, không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng giả các mặt hàng tiêu dùng như: sữa, bánh kẹo, quần áo may mặc sẵn, mỹ phẩm, đồ điện gia dụng, điện thoại di động, thuốc lá, lâm sản, gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm, pháo nổ...
Các đối tượng chia nhỏ, xé lẻ hàng hoá, vận chuyển vào thời gian cao điểm hoặc vào đêm khuya, sáng sớm nhằm trốn tránh sự kiểm tra của lực lượng chức năng; hợp thức hóa hàng lậu bằng các hoá đơn bán hàng không đúng thực tế; sử dụng xe mô tô, xe gắn máy không có biển số để vận chuyển hàng cấm, để lẫn hoặc ngụy trang hàng hóa vi phạm trên các phương tiện xe tải, xe khách chạy tuyến Bắc-Nam. Nhiều đối tượng không đăng ký kinh doanh, không có địa chỉ cửa hàng cụ thể gây thất thu thuế cho Nhà nước và gây khó khăn cho công tác nắm tình hình, phát hiện và xử lý các đối tượng vi phạm.
Đội QLTT số 8 phát hiện, xử lý 1,3 tấn nội tạng động vật không rõ nguồn gốc xuất xứ. Ảnh: PV Lực lượng QLTT kiểm tra thị trường bánh kẹo, thực phẩm. Ảnh: PVLực lượng chức năng kiểm tra, kiểm soát thị trường để ngăn chặn và phòng ngừa các hành vi, gian lận thương mại. Ảnh: PV
Trên mạng xã hội với sự quảng bá của một số người có ảnh hưởng, người nổi tiếng, khiến người tiêu dùng khó phân biệt được sản phẩm giả, sản phẩm kém chất lượng... Hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ và thực phẩm bẩn vẫn còn phổ biến ở nhiều phân khúc của thị trường, địa bàn cả nông thôn đến thành thị.
Theo cơ quan chức năng, việc xác định chính xác địa chỉ kho hàng của các đối tượng hoạt động trên môi trường thương mại điện tử khó do các đối tượng thường lợi dụng mạng xã hội để mở nhiều tài khoản mạng quảng cáo, đăng ký các thông tin địa chỉ “ảo”. Các bài đăng thường không ghi địa chỉ cụ thể, chỉ có điện thoại để giao dịch, các khu vực chứa trữ hàng hóa thường để ở nhà riêng, thuê các khu chung cư, nhà trọ. Việc vận chuyển hàng hóa được thực hiện qua đơn vị chuyển phát nhanh, thanh toán không dùng tiền mặt,... rất khó khăn cho việc tiếp cận, phát hiện, việc xử lý. Mặt khác, vướng mắc về cơ chế pháp lý, thiếu lực lượng, biện pháp, ứng dụng khoa học, công nghệ và quan hệ phối hợp để phát hiện, xử lý các loại vi phạm và tội phạm này.
Kiểm soát, tránh gây bất ổn lớn nền kinh tế
Hàng giả, hàng nhái gây thiệt hại về kinh tế, trực tiếp đe dọa đến sức khỏe, tính mạng của người dân, làm suy giảm uy tín, thương hiệu của các doanh nghiệp chân chính, cản trở sự phát triển của nền kinh tế, thất thu ngân sách nhà nước, gây bất ổn xã hội và môi trường đầu tư. Trước tình hình đó, Chính phủ, các bộ ngành Trung ương, tỉnh, các lực lượng chức năng đã và đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để đẩy mạnh công tác kiểm tra kiểm soát cũng như ngăn chặn và phòng ngừa, không để hình thành, xảy ra các điểm “nóng” mang tính chất phức tạp, ổn định an sinh, xã hội tỉnh nhà.
Trong "cuộc chiến" chống buôn lậu, gian lận thương mại ở các địa bàn biên giới, lực lượng Bộ đội Biên phòng đóng vai trò quan trọng không chỉ trong đấu tranh, ngăn chặn các vi phạm mà còn tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức bảo vệ sức khỏe, không tiếp tay cho tội phạm về gian lận thương mại, làm hàng giả, hàng nhái, hàng cấm mua bán.
Khẳng định nội dung này, Đại tá Dương Hồng Hải - Phó Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy BĐBP, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh cho biết thêm, nổi lên là các hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép pháo nổ, gia súc, các mặt hàng tiêu dùng; đặc biệt hoạt động vận chuyển chất ma túy với khối lượng lớn từ Lào qua Nghệ An. Các đối tượng hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả thường hoạt động theo đường dây, ổ nhóm, với sự tham gia của nhiều đối tượng, trong đó nhiều đối tượng ngoại tỉnh và các đối tượng người nước ngoài, chúng tìm mọi phương thức và thủ đoạn tinh vi, lợi dụng triệt để khoa học công nghệ để qua mắt các lực lượng chức năng.
Lực lượng BĐBP luôn chủ động làm tốt các mặt công tác nghiệp vụ, tập trung lực lượng điều tra, xác minh làm rõ phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng, đường dây, ổ nhóm liên quan đến tội phạm ma túy, tội phạm và vi phạm pháp luật khác. Ảnh PVLực lượng Bộ đội Biên phòng Nghệ An bắt giữ tội phạm mua bán trái phép chất ma túy qua biên giới. Ảnh: PV
Vì vậy, lực lượng BĐBP luôn chủ động làm tốt các mặt công tác nghiệp vụ, tập trung lực lượng điều tra, xác minh làm rõ phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng, đường dây, ổ nhóm liên quan đến tội phạm ma túy, tội phạm và vi phạm pháp luật khác để xác lập chuyên án, kế hoạch nghiệp vụ, phương án tổ chức đấu tranh, triệt xóa đạt hiệu quả, đảm bảo tuyệt đối an toàn về mọi mặt.
Phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng trao đổi thông tin, tình hình liên quan đến hoạt động tội phạm, tội phạm ma túy; đồng thời, chỉ đạo các đơn vị cơ sở tham mưu cho chính quyền địa phương tuyên truyền cho quần chúng nhân dân tích cực tham gia phát hiện, tố giác hành vi vi phạm pháp luật ở khu vực biên giới.
Mới đây, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã ký ban hành quyết định với thông điệp: Kiểm tra, kiểm soát thị trường và xử lý vi phạm không còn là nhiệm vụ theo đợt, mà phải trở thành hoạt động thường xuyên, coi mỗi ngày đều là một "cao điểm" chống hàng giả...
Trong 6 tháng đầu năm 2025, UBND tỉnh Nghệ An, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Nghệ An đã triển khai đầy đủ, kịp thời các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, trong đó có thành lập Tổ công tác của Chủ tịch UBND tỉnh và kế hoạch về cao điểm đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên địa bàn tỉnh. Các lực lượng chức năng, chính quyền địa phương trong tỉnh đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ từ công tác tham mưu đến công tác đấu tranh trực tiếp, đấu tranh có hiệu quả với các vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trên thị trường, bình ổn giá cả, giám sát hoạt động kinh doanh các mặt hàng thiết yếu.
“
Qua kiểm tra xử lý vi phạm trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, hàng cấm, hàng giả, gian lận thương mại và an toàn thực phẩm (từ ngày 01/01/2024 đến 31/5/2025), Nghệ An đã tổ chức kiểm tra xử phạt hành chính 8.339 vụ, khởi tố 1.378 vụ/1.857 đối tượng. Tổng giá trị thu phạt gần 394 tỷ đồng, trong đó: Phạt hành chính: 127,816 tỷ đồng; Phạt bổ sung và truy thu thuế: 247,852 tỷ đồng; Trị giá hàng hóa vi phạm: 18,293 tỷ đồng. Trong đó, tháng cao điểm thời gian từ ngày 15/5-14/6/2025, Ban chỉ đạo 389 tỉnh Nghệ An đã tổ chức kiểm tra xử phạt vi phạm hành chính 345 vụ; khởi tố hình sự 02 vụ/09 đối tượng (vi phạm liên quan đến ma túy). Tổng giá trị thu phạt: 6,228 tỷ đồng.
Quá trình triển khai tháng cao điểm bước đầu đã tạo ra những bước chuyển biến tích cực. Nhiều vụ việc vi phạm điển hình được lực lượng chức năng phát hiện, được quần chúng nhân dân đồng tình ghi nhận. Trong điều kiện còn nhiều khó khăn, các phương thức thủ đoạn hoạt động của các đối tượng trên thị trường ngày càng tinh vi, đạt được những kết quả như trên thể hiện sự nỗ lực, quyết tâm của các lực lượng chức năng trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, là điểm “sáng” trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong cả nước trong thời gian vừa qua.
Ông Phạm Văn Hóa - giám đốc Sở Công Thương cho biết: Để nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng chống hàng giả, gian lận thương mại, thời gian tới sẽ tăng cường công tác chỉ đạo điều hành; Tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia về công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả phù hợp với diễn biến thực tế địa phương.
Thời điểm trước mắt tập trung thực hiện Chỉ thị số 19/CT-UBND ngày 16/6/2025 của UBND tỉnh về việc tiếp tục đẩy mạnh cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Triển khai các biện pháp mạnh, xử lý nghiêm minh, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, xác định nhiệm vụ trọng tâm, đột phá là kiên quyết xóa bỏ tình trạng sản xuất, kinh doanh, lưu hành đối với hai mặt hàng là thuốc giả và thực phẩm giả trên địa bàn.
“
Kịp thời kiện toàn Ban Chỉ đạo 389 tỉnh ngay sau khi thực hiện chuyển đổi mô hình chính quyền địa phương 2 cấp. Chỉ đạo thành lập Ban Chỉ đạo 389 cấp xã và Quy chế phối hợp hoạt động của Ban chỉ đạo cấp xã. Xác định các mũi trọng tâm, đột phá trong đó tập trung vào lĩnh vực sản xuất và kinh doanh thuốc chữa bệnh, thực phẩm. Thu thập thông tin, nắm chắc tình hình, diễn biến thị trường, làm rõ phương thức thủ đoạn của các loại đối tượng, người đứng đầu ngành Công Thương nhấn mạnh.